Trong số những tháp cổ ở Bình Định, tháp Cánh Tiên thuộc nhóm cụm thấp ít thấy trong lịch kiến trúc Champa, khu đền chỉ có một tháp. Tháp thuộc loại hình kiến trúc Kalan (đền thờ), nơi thờ Linga, Yoni bằng đá, phục vụ đời sống tâm linh và tiến hành các lễ nghi tôn giáo. Tháp Cánh Tiên cao 20m, xây trên bình đồ vuông, mỗi bề gần 10m. Đế tháp xây cao bề thế với các đường giật cấp so le. Bốn mặt quanh tháp đều có các trụ ốp tường, hơi nhô ra trông khoẻ khoắn. Các góc thân tháp được bó bằng các khối đá có kích thước lớn nên khá vững chăc. Tháp có một cửa chính mở ra hướng đông và ba cửa giả ở các hướng còn lại. Vòm cửa hình mũi giáo vươn cao. Bộ diềm mái nhô ra tạo thành một bệ đỡ cho tháp góc bên trên. Những góc đầu tường của tháp chính được trang trí hình Makara (một loài thủy quái trong thần thoại ấn Độ với nanh nhọn, vòi dài) đã tạo cho tháp Cánh Tiên một hình thể bề thế, trông xa như cánh tiên huyền thoại. Với bốn tầng trên còn lại, tầng nào cũng có bốn tháp góc trang trí. Mỗi góc lại có những tầng thu nhỏ về phía đỉnh. Tầng 1 và 2 thu vào khá mạnh và có hình dáng cấu trúc giống hình thân của tháp chính nhưng đơn giản hơn. Tầng 1 có 3 cột ốp, tầng 2 có 2 cột ốp lát ở mặt tường. Các cửa giả ở các hình cung nhọn, hơi nhô ra. ở bốn góc của mỗi tầng có những tảng đá khắc hình đuôi chim phượng nhô ra, ở định các cột ốp góc tường vẫn còn khá nguyên vẹn, tạo cho tháp một vẻ đẹp trang trọng, huyền bí.
Về chất liệu kiến trúc, tháp Cánh Tiên là di tích thể hiện ở giai đoạn trung gian điển hình. Việc sử dụng hai chất liệu gạch và đá mới khởi đầu ở tháp Bánh ít (huyện Tuy Phước), đến tháp Cánh Tiên thì chất liệu đá nhiều hơn. Sau này, ở tháp Dương Long (huyện Tây Sơn) và tháp Hưng Thạnh (thành phố Quy Nhơn), chất liệu đá được ưu tiên. Theo nhà khảo cứu người Pháp là Parmentier thì tháp Cánh Tiên được xây dựng vào những năm đầu thế kỷ XII.
Tháp Cánh Tiên được Nhà nước công nhận xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia từ năm 1982. Năm 1980, các chuyên gia Ba Lan đã giúp trùng tu và phục chế một số nơi bị xuống cấp nghiêm trọng.
Tháp Cánh Tiên nằm gần miếu Song Trung, thờ Võ Tánh và Ngô Tùng Châu là hai công thần nhà Nguyễn nên trong dân gian vẫn còn truyền tụng câu ca dào:
Ngó lên hòn tháp Cánh Tiên
Cảm thương quan Hậu thủ thiềng ba năm./.