Thấy gì từ những thương vụ M&A ngược dòng?

Những thương vụ mà nhà đầu tư nội mua lại cổ phần của doanh nghiệp ngoại để nắm quyền quản trị các khách sạn cao cấp luôn được chú ý. Họ đang lội ngược dòng, trở thành những đối trọng nặng ký trên thị trường không dễ “ngon ăn”.
M&A
Khách sạn InterContinental Hanoi Westlake

 

Lâu nay, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn làm mưa làm gió, thi nhau đánh chiếm thị phần khách sạn 5 sao tại Hà Nội, TP.HCM. Bởi vậy, những thương vụ mà nhà đầu tư nội mua lại cổ phần của doanh nghiệp ngoại để nắm quyền quản trị các khách sạn cao cấp luôn được chú ý. Họ đang lội ngược dòng, trở thành những đối trọng nặng ký trên thị trường không dễ “ngon ăn”.

Táo bạo và quyết liệt

 

Thông tin Tập đoàn Berjaya (Malaysia) công bố mới đây gây chú ý khi cho biết họ đã bán 75% cổ phần của T.P.C Nghi Tam Village, công ty sở hữu khách sạn InterContinental Hanoi Westlake. Giá trị của giao dịch theo công bố từ Berjaya là 192 triệu RM, tương đương 46,9 triệu USD (khoảng 1.069 tỷ đồng).

Bên mua là Công ty TNHH Phát triển Du lịch khách sạn Hà Nội, doanh nghiệp được cho là thành viên của Tập đoàn BRG khi người đại diện theo pháp luật của Công ty là nhân sự đã từng làm việc tại nhiều công ty liên quan đến tập đoàn BRG.

Berjaya đầu tư vào Việt Nam từ năm 2007 với một loạt dự án bất động sản lớn như khách sạn Sheraton Hà Nội; khách sạn Berjaya Long Beach Phú Quốc. Năm ngoái, họ đã bán cổ phần tại các dự án lớn nhất trong danh mục tài sản là dự án Trung Tâm Tài Chính Việt Nam (BVFC) và Dự án Làng đại học Berjaya Việt Nam (BVIUT) tại TP.HCM, bên mua cũng là nhà đầu tư trong nước.

Trong bối cảnh hơn 60% khách sạn 5 sao tại Sài Gòn và Hà Nội được nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ cổ phần chi phối và làn sóng săn mua, hợp tác đầu tư khách sạn cao cấp tại 2 thành phố này tiếp tục nóng bỏng, việc các nhà đầu tư nội mạnh tay thực hiện các thương vụ M&A ngược dòng được đánh giá là “táo bạo”.

Theo ông Nguyễn Công Ái, Phó tổng giám đốc KPMG, đơn vị tư vấn cho nhiều thương vụ M&A đình đám, gần đây các tập đoàn kinh tế tư nhân trong nước đã chứng tỏ được năng lực mạnh mẽ không chỉ về tài chính mà còn ở tầm nhìn xa, hiểu biết về môi trường kinh doanh quốc tế và tất nhiên thông thạo văn hóa kinh doanh trong nước.

Các khách sạn 5 sao tại Hà Nội và TP.HCM luôn là đích ngắm của các nhà đầu tư lớn? Đại diện Savills Việt Nam phân tích, TP.HCM và Hà Nội là hai đô thị lớn tại Việt Nam thu hút số lượng lớn khách quốc tế đến công tác và viếng thăm, thưởng ngoạn mỗi năm với mức độ tăng trưởng hai con số.  Với tiềm năng tăng trưởng kinh tế và du lịch ổn định, TP.HCM và Hà Nội sẽ tiếp tục trở thành hai điểm đến các nhà đầu tư nước ngoài ưu tiên chọn lựa đặc biệt đối với phân khúc khách sạn hạng sang. Đây là phân khúc đầu tư ít rủi ro và mang lại dòng tiền đều đặn, thuộc nhóm bất động sản thương mại tiêu dùng được các nhà đầu tư cực kỳ ưa chuộng.

Lượng khách cư trú tại các khách sạn 5 sao tại TP.HCM và Hà Nội chiếm tỷ lệ cao nhất tại phân khúc này là khách doanh nghiệp. Đây là nguồn khách tương đối ổn định với ngân sách cư trú vượt trội. Hơn nữa với quỹ đất trống hạn hẹp tại trung tâm thành phố, việc tìm kiếm địa điểm mới để đầu tư không đơn giản, do đó M&A các tài sản khách sạn đang hoạt động là chiến thuật khôn ngoan.

Chuyển động tích cực

 

Hiện nay, khối ngoại vẫn lấn lướt về thị phần khách sạn 5 sao tại 2 thành phố lớn khi thống kê cho thấy trong khoảng 35 khách sạn đang hoạt động, 2/3 thuộc quyền chi phối của các nhà đầu tư nước ngoài đến từ Hồng Kông, Singapore, Malaysia, Hàn Quốc, Nhật Bản…

Về phần mình, các nhà đầu tư nội như Saigon Tourist, Bitexco, BRG, Tổng công ty Du lịch Hà Nội với những khách sạn mang thương hiệu quốc tế như Four Seasons, Hilton, Sheraton Grand, Metropole, Crown Plaza, Marriott... đã nổi lên như những đối trọng với các tên tuổi ngoại. Nhưng sự bất cân xứng trong miếng bánh thị phần và giá trị lớn của các tài sản này được ghi nhận khiến cho mỗi khi có thêm những cái tên Việt Nam xuất hiện trên bản đồ khách sạn 5 sao thường gây ra sự chú ý rất lớn.

Tại sao lại bỏ ra nguồn lực lớn đầu tư vào InterContinental Hanoi Westlake? Đại diện nhà đầu tư mới chỉ trả lời ngắn gọn “kinh doanh khách sạn có rủi ro thấp, tài sản không mất đi giá trị và tạo ra được dòng tiền nhờ vào việc kinh doanh”.

Quả thực, sau các thương vụ đình đám như khách sạn Hilton Hà Nội, Daewoo Hà Nội, chuỗi khách sạn mang thương hiệu Victoria… đổi chủ, hoạt động không hề kém đi mà trái lại khởi sắc hơn khá nhiều. Hoạt động M&A trong lĩnh vực khách sạn từng được coi là hoạt động “một chiều”, bởi chủ yếu là hoạt động thâu tóm, mua lại cổ phần hoặc toàn bộ dự án của các nhà đầu tư ngoại đối với các dự án trong nước. Song hiện nay, việc nhà đầu tư nội mua lại dự án của đối tác ngoại không còn là chuyện hiếm.

Trước những câu chuyện M&A ngược dòng như vậy, giới chuyên gia kinh tế có góc nhìn sâu sắc hơn. Tiến sỹ Lê Duy Bình, thuộc chương trình Economical cho rằng, trong các lĩnh vực, Việt Nam cần có những doanh nghiệp nội đối trọng với các nhà đầu tư ngoại để không bị chi phối bất cứ lĩnh vực nào.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long lại nhìn nhận, cần khuyến khích và tạo điều kiện cho các thương vụ mua lại của nhà đầu tư nội bởi không chỉ là bài toán lợi ích kinh tế của bản thân nhà đầu tư, mà còn là rất nhiều công văn việc làm và đóng góp tích cực cho địa phương và ngân sách nhà nước. Xa hơn đó còn là niềm tự hào dân tộc khi Việt Nam có những doanh nghiệp có thể cạnh tranh song phẳng với những tập đoàn lớn của nước ngoài. Khi đất nước có những sự kiện đối ngoại tầm cỡ thế giới như APEC, Hội nghị thượng đỉnh Mỹ -Triều như vừa qua, các khách sạn thuộc sở hữu của doanh nghiệp Việt Nam, chắc chắn sẽ nhiệt tình hỗ trợ khi được huy động vì “màu cờ sắc áo” của Tổ quốc.

Trong bối cảnh hơn 60% khách sạn 5 sao tại Sài Gòn và Hà Nội được nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ cổ phần chi phối và làn sóng săn mua, hợp tác đầu tư khách sạn cao cấp tại 2 thành phố này tiếp tục nóng bỏng, việc các nhà đầu tư nội mạnh tay thực hiện các thương vụ M&A ngược dòng được đánh giá là “táo bạo”.