Tôi có may mắn được gặp lại thiếu tướng Mai Văn Phúc, nguyên Tư lệnh Đoàn M26 tăng thiết giáp Quân giải phóng miền Đông Nam Bộ 1971- 1975. Sự hội ngộ thật tình cờ mà như có sự sắp đặt của trời đất sau 26 năm tôi rời binh chủng. Đó là dịp cuối tháng 8 năm 2003, thiếu tướng Mai Văn Phúc cùng với một số cựu chiến binh vốn là cán bộ tăng thiết giáp B2 ( mặt trận miền Đông Nam Bộ) đã về thăm anh em chúng tôi tại nhà anh Đào Xuân Tá, nơi đã thành điểm hẹn của cựu chiến binh đoàn M26 thiết giáp B2 đang sinh sống tại Hà Nội. Ngưòi Tư lệnh tuổi đã 78, gặp lại anh em trong sự xúc động: "Cuốn sử về Tăng - Thiết giáp B2 còn dang dở, anh em có tài liệu gì còn lưu lại được, những sự kiện mà mình đã tham gia chứng kiến được.. xin bổ sung cho Ban liên lạc". Mấy hôm sau tôi nhận được thư mời của ông với nội dung: “Mong tôi vào thăm lại chiến trường xưa và giúp cho Ban liên lạc biên soạn cuốn sử truyền thống lực lưọng Tăng- Thiết giáp Quân giải phóng miền Đông Nam Bộ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước". Được lãnh đạo Tạp chí Công nghiệp tạo điều kiện, tôi vào thành phố Hồ Chí Minh theo lời mời của ông. Sau ba ngày dự hội thảo với Ban biên soạn và Ban liên lạc, tôi đã nhập vào đoàn cựu chiến binh Tăng -Thiết giáp B2 gồm : Đại tá Lê Như Hoà , đại tá Nguyễn Duy Tôn , đại tá Võ Vân Thọ, thượng tá Phạm Vân Cán (Anh hùng LLVTND), trung tá Huỳnh Cừu, trung tá Nguyễn Vân Lợi... đã “ngang dọc” miền Đông, tìm về những địa danh đã đi vào lịch sử như: Bà Chiêm, Gò Đậu, Long Nguyên, Cà Tum, Sa Mát, Thủ Đức, Phước Vĩnh, Téc Ních, Đồng Xoài, Bà Đen, Dầu Tiếng, Lộc Ninh, An Lộc, Phước Long, Bù Bông, Kiến Đức, Xuân Lộc, Hậu Nghĩa, Biên Hoà và Dinh Độc Lập (nay đổi thành Dinh Thống Nhất). Có thể nói, đó là chuyến đi “lần theo vết xích xe tăng” gần 30 năm về trước. Nguồn tư liệu thực tế đã giúp cho tôi rất nhiều trong công tác biên soạn. Về tới Ban liên lạc, tôi đã hoàn thành bản thảo cuốn sử với sự bổ cứu của các anh Năm Hùng, Ba Tôn, chú Hai Hoà và trực tiếp là thiếu tướng Mai Văn Phúc chỉ đạo rất sát sao. Trong muôn vàn chiến công của lực lượng Tăng - Thiết giáp Nam Bộ, tôi xin đơn cử chiến công trận Sa Mát .
Đầu năm 1972, cục diện chiến trường miền Đông Nam Bộ đã có sự thay đổi. Sau khi chuốc lấy thất bại nặng nề của cuộc càn “Lam Sơn 719” đánh ra vùng đường 9 Nam Lào (tháng 3- 1971) và cuộc càn “Toàn thắng 1-71” đánh lên vùng biên giới Việt Nam - Cămpuchia (tháng 5- 1971) thì Mỹ đã phải rút 40 vạn quân ra khỏi miền Nam . Nhưng thực chất là Mỹ vẫn duy trì một bộ phận lục quân chỉ huy kèm với sự chi viện tối đa của không quân cho quân nguỵ Sài Gòn. Mặt khác, nguỵ Sài Gòn đôn quân bắt lính, thực hiện chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh” của Mỹ.
Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã đưa ra chủ trương: “Tranh thủ thời cơ phát triển thế chiến lược tiến công mới trên toàn chiến trường miền Nam và chiến trường ba nước Đông Dương bằng cuộc tổng tấn công chiến lược mới, dự kiến vào mùa xuân 1972, nhằm giành thắng lợi quyết định trong năm bầu cử tổng thống ở Mỹ, buộc Mỹ phải chấm dứt chiến tranh bằng thương lượng trên thế thua” (Trích “Lịch sử Đảng cộng sản Việt Nam” trang 109 và 110)
Thực hiện chủ trương đó của Bộ Chính trị, quân và dân ta đã tích cực chuẩn bị lực lượng tiến công trên ba hướng chính. Hướng thứ nhất, mặt trận Quảng Trị - Thừa Thiên. Hướng thứ hai, mặt trận Tây Nguyên. Hướng thứ ba , mặt trận miền Đông Nam Bộ.
Cũng như hai mặt trận Trị -Thiên và Tây Nguyên, mặt trận Đông Nam Bộ là địa bàn chiến lược, nên địch dồn quân phòng ngự kiên cố, lúc nào cũng thường trực 3 sư đoàn bộ binh mạnh (sư 5, sư 18 , sư 25 ) với hàng chục chiến đoàn, lữ đoàn dù, thiết đoàn tăng thiết giáp .v.v... dưới sự yểm trợ tối đa của không quân Mỹ. Bộ chỉ huy chiến dịch nhận định tình hình địch trên chiến trường miền Đông Nam Bộ vẫn còn khá mạnh về quân số và vũ khí . Tuy địch rút vào thế co cụm trong các cứ điểm phòng ngự vững chắc, nhưng được hoả lực không quân Mỹ chi viện, nên rất khó đánh và cuộc chiến rất ác liệt .
Tham gia chiến dịch Nguyễn Huệ xuân 1972, đoàn M26 có hai lực lượng. Lực lượng xe Tăng -Thiết giáp chiến lợi phẩm gồm một đại đội, đó là đại đội C33, tham gia mở màn chiến dịch trên hướng nghi binh, đánh vào cứ điểm Sa Mát (1-4-1972) . Lực lượng Tăng- Thiết giáp của ta từ miền Bắc vào, gồm hai tiểu đoàn, đó là tiểu đoàn D20 và D21 tiến công trên hướng chính của chiến dịch, đánh vào chi khu Lộc Ninh (6-4- 1972) và sau đó phát triển theo quốc lộ 13 xuống An Lộc vào Sài Gòn. Trên hướng chính với chiến thắng Lộc Ninh (6-4-1972) là trận thắng giòn giã, đã được nhiều nhà nghiên cứu lịch sử quân sự tổng kết và đánh giá cao (xem cuốn “Một số trận đánh của bộ đội Tăng Thiết giáp Việt Nam’’ Nxb QĐND - HN 1998) Nhưng với trận Sa Mát thì chưa có một nhà nghiên cứu nào tổng kết, đánh giá, chưa có ai viết về trận đánh này.
Sa Mát là một cứ điểm đồn trú của quân ngụy Sài Gòn nằm trên lộ 22 cách biên giới Việt Nam chưa đầy 2 km . Cứ điểm này địch bố trí một tiểu đoàn thiếu, có công sự phòng ngự kiên cố. Cứ điểm Sa Mát chỉ cách Chi khu Thiện Ngôn khoảng 5km. Bởi vậy, Sa Mát trở thành cứ điểm án ngữ sự xâm nhập của lực lượng chủ lực ta đối với Chi khu Thiện Ngôn và cả hệ thống phòng ngự dọc lộ 22 bảo vệ tỉnh lỵ Tây Ninh. Đại đội Tăng- Thiết giáp C33 có nhiệm vụ phối thuộc với một bộ phận của Sư đoàn bộ binh số 5 chủ lực Miền đánh vào Sa Mát, mở màn chiến dịch Nguyễn Huệ. Đây là lần đầu tiên, đại đội C33, đại diện cho lực lượng Tâng -Thiết giáp Nam Bộ xuất xe đánh trận đầu tiên. Đối với đại đội C33 thì trận đánh này có ý nghĩa hết sức quan trọng: “Là lần đầu tiên ở mặt trận miền Đông Nam Bộ, ta dùng xe địch đánh địch”. Bởi vậy, cán bộ chiến sĩ đại đội C33 hạ quyết tâm phải: “Đánh thắng ngay trận đầu ra quân”.
Thế nhưng thực trạng của bốn chiếc xe Tăng- Thiết giáp lấy được của địch rất tồi tệ. Chiếc xe tăng M41- 1A đại đội C33 thu được của địch trong trận càn “Toàn thắng 1-71” khi chúng đánh lên biên giới Cămpuchia (tại Đầm Be), chiếc xe này pháo không có kính ngắn, muốn bắn phải ngắm trực tiếp qua nòng pháo. Chiếc xe tăng M24 thì pháo không có kim hoả, nên không sử dụng được pháo, chỉ sử dụng được súng đại liên 12,7 ly gắn trên nóc xe. Còn chiếc xe tăng M51 thì pháo lại không có khoá nòng, nên chỉ sử dụng được súng 7,62 ly. Chiếc xe bọc thép bánh hơi AM8 thì hỏng lốp. Trong bốn chiếc xe này thì ba chiếc M24, AM8 của Pháp. Chiếc xe M51 của Anh. còn chiếc M41-1A là của Mỹ. Ba chiếc M24, M51, AM8 được chế tạo từ những năm đầu chiến tranh thế giới thứ II, quá cũ kỹ và lạc hậu. Đại đội C33 thu được 3 xe này trong trận càn Chen-La 2 giữa năm 1971. Thông tin liên lạc (đài vô tuyến điện) của 4 xe đều bị hỏng. Riêng tình trạng kỹ thuật máy thì chiếc xe tăng M24 chạy đựợc khoảng hơn 30 phút là máy nóng, nằm ì, phải dừng xe chờ cho máy nguội mới đi được. Thực trạng này là phổ biến với xe chiến lợi phẩm, vì khi tháo chạy, địch đã tìm mọi cách phá xe, để ta có lấy được cũng khó sử dụng .
Cái khó nữa là cán bộ chiến sĩ ta chưa quen kỹ thuật xe địch. Nhưng không phải khó khăn như vậy mà đại đội C33 chùn bước. Nhận được lệnh chiến đấu, toàn đại đội đã bí mật tổ chức hành quân từ căn cứ Tà Pao xuống Ka Rết dài gần 100km. Từ Ka Rết “bò” dần về Phum Chi Mon, cách Sa Mát độ 3 km . Đây là cuộc hành quân lịch sử, đưa “xe tăng địch đánh địch” trên chặng đường dài gần 150km trong điều kiện kỹ thuật xe rất tệ hại. Đại đội C33 vừa đi vừa phải “kéo” nhau, vì chiếc xe M24 chạy được một đoạn lại giở chứng nằm ì. Chiếc xe bọc thép bánh lốp AM8 chạy được nửa đường thì lốp bị bục hoàn toàn, gục nghiêng xuống bờ ruộng. Đại đội C33 cho người nguỵ trang và canh giữ xe, còn 3 chiếc vẫn tiếp tục lên đường, trong hoàn cảnh đi đêm, theo đường bí mật, vừa đi vừa nguỵ trang vết xích, cứ vậy nhích dần về điểm ém quân là Phun Chi Mon. Để đảm bảo yếu tố bí mật tuyệt đối , cung cấp xăng dầu kịp thời, đơn vị hậu cần tiếp liệu đã bí mật dùng xe bò chở xăng dầu bằng can nhựa, đi ban đêm, đặt sẵn thành trạm ém chờ, khi xe tới là có xăng dầu bổ sung kịp thời. Sau những đêm bí mật hành quân theo tuyến đường cắt rừng do công binh và trinh sát dẫn lối, đại đội C33 đã “ém” quân tại vị trí xuất phát cách Sa Mát 3 cây số, địch vẫn không hay biết gì.
Đến giờ hiệp đồng nổ súng, cả ba chiếc xe của đại đội C33 đồng loạt lao thẳng vào cứ điểm Sa Mát. Cả ba chiếc xe đã tiến công địch với khí thế dũng mãnh, bất ngờ, đánh địch bằng mọi thứ vũ khí có trên xe. Chiếc xe M41-1A không có kính ngắm thì pháo thủ ngắm trực tiếp, bắn bất kể loại đạn nào, dù đạn xuyên hay đạn nổ. Chiếc xe M24 pháo không có kim hoả, không sử dụng được thì bắn bằng đại liên 12,7 ly gắn trên nóc xe và kết hợp gầm rú uy hiếp địch. Chiếc xe M51 pháo không có khoá nòng thì bắn bằng đại liên kẹp nòng 7,62ly. Riêng chiếc xe M51 là loại xe gắn 2 máy nổ, anh em đã nghĩ cách là đạp hết ga cho tiếng nổ thật to, tạo thêm uy lực để uy hiếp địch. Cả ba xe không có thông tin liên lạc thì quy ước: Xe M41 đi đầu lao vào là ba xe cùng lao, áp sát địch uy hiếp. Còn trong từng xe, các thành viên quy ước với nhau như sau: “Thúc” vào lưng là cho xe “tiến” , “vỗ” vào vai phải là cho xe “sang phải”, “vỗ” vai trái cho xe “sang trái”, “vỗ đỉnh đầu là cho xe “dừng lại”. Do lối đánh táo bạo và dũng mãnh, đưa sát xe vào mục tiêu trong khoảng cách 70 đến 80 mét để bắn trực tiếp, thực sự đây là lối đánh “giáp lá cà” của đại đội tăng C33, làm cho địch khiếp sợ. Được bộ binh Sư đoàn 5 hợp đồng chặt chẽ, nên quân địch ở cứ điểm Sa Mát chống trả không được bao lâu, nhất là khi xe tăng xuất hiện đã xông thẳng, bắn trực tiếp vào những lô cốt đề kháng. Chỉ huy trưởng cứ điểm Sa Mát vội điện kêu cứu Chi khu Thiện Ngôn là: “Có xe tăng Việt cộng, xin chỉ thị thượng cấp". Tên chỉ huy trưởng chi khu Thiện Ngôn hạ lệnh cho cấp dưới “ Có xe tăng Việt cộng thì được thực hiện phương án 2 rút chạy còn không phải vậy thì mai mời ông ra Toà án binh”. Từ đài kỹ thuật của sở chỉ huy trận đánh, ta đã bắt được tín hiệu ấy. Lực lượng bộ binh sư đoàn 5 và đại đội tăng thiết giáp C33 thừa cơ dứt điểm, làm chủ trận địa. Địch sống sót tháo chạy về Chi khu Thiện Ngôn, hoang mang lo sợ và tung tin “Quân giải phóng đã có xe tăng, mà lại là xe của Mỹ và Pháp”.
Trận đánh Sa Mát đã gây tiếng vang lớn, đặc biệt là đại đội C33 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ “Ra quân trận đầu đánh thắng”. Một chiến công độc đáo, đầy sáng tạo của Tăng -Thiết giáp miền Đông Nam Bộ trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn. Trong hoàn cảnh ấy, nếu như thiếu quyết tâm đánh địch và thắng địch, thì những chiếc xe “năm cha ba mẹ” kia không làm nên trận Sa Mát táo bạo, độc đáo, với lối đánh “giáp lá cà” chưa từng có trong lịch sử của binh chủng Tăng -Thiết giáp Việt Nam “lấy xe địch đánh địch”. Chỉ huy trận đánh là đại đội trưởng Nguyễn Đức Thuận. Thành viên của ba xe gồm có 11 đồng chí: Nguyễn Khắc Đồn (Trưởng xe M41-1A) , Nguyễn Văn Quý (Trưởng xe M24), Phạm Thanh Cải (Trưởng xe M51) và 8 thành viên lái xe pháo thủ: Dương Văn Hoè, Nguyễn Văn Hùng, Nguyễn Văn Bình, Chu Minh Xuyến, Nguyễn Văn Hé, Phạm Văn Sĩ, Đặng Quang Minh, Nguyễn Văn Tính. Đại đội C33 được tặng thưởng Huân chương Chiến công Giải phóng hạng Ba.
Trong trận đánh này, xe M41-1A (có số xe 026 M số xe đầu tiên mang phiên hiệu Đoàn M26) được tặng Bằng khen. Chiếc xe này bị súng chống tăng M 72 của địch bắn thủng vỏ thép mặt vát phía trước, lái xe Chu Minh Xuyến bị thương. Nguyễn Văn Quý (Trưởng xe M24) hy sinh. Toàn đại đội C33 rút về căn cứ an toàn. Riêng chiếc xe M24 bị hư hỏng nặng, không thể khôi phục được trong điều kiện chiến trường lúc đó, nên đơn vị đã huỷ xe trước khi rút khỏi trận địa. Ba chiếc xe chiến lợi phẩm M51 và M24 đã hoàn thành sứ mạng lịch sử của nó. Với trận đánh Sa Mát đã chứng minh truyền thống của Tăng -Thiết giáp miền Đông Nam Bộ là đí từ “không đến có, lấy xe địch đánh địch , dũng mãnh tiến công, trận đầu đánh thắng”./.
Miền đông Nam Bộ, tháng 10-2003