Sản lượng của ba nhóm nguyên liệu chính để sản xuất thép trên thế giới trong những năm gần đây và dự đoán đến năm 2010 được nêu trong bảng 1.
Nếu qui ra sắt, thì gang lỏng có 94% Fe, thép phế 96% Fe, và sắt xốp là 92% Fe.
Từ các số liệu trong bảng 1 ta thấy, sắt thép phế liệu là một loại nguyên liệu vô cùng quan trọng trong ngành công nghiệp Thép, chiếm tỷ trọng 37-38% trong toàn bộ nguyên liệu để sản xuất thép. Chúng ta cần nhớ rằng, để sản xuất được trên 500 triệu tấn gang một năm, nhân loại đã phải bỏ ra rất nhiều tiền của, công sức, trí tuệ và phải chịu những hậu quả to lớn về môi trường trong việc thăm dò, khai thác và chế biến quặng sắt và than mỡ, luyện cốc và luyện gang. Ngày nay, với những tiến bộ về khoa học và công nghệ trong ngành luyện kim, người ta đã sản xuất được các loại thép tấm chất lượng cao trong các nhà máy thép mini với lưu trình công nghệ phế liệu – Lò điện hồ quang – Lò tinh luyện - Đúc liên túc – Cán.
2. Thị trường thép phế liệu thế giới rất sôi động.
Nguồn thép phế liệu được tạo ra chủ yếu từ các nước có nền công nghiệp phát triển. Những nước này là những nước đang phát triển ngành công nghiệp thép từ lâu nên sử dụng công nghệ chủ yếu là Lò cao – Luyện chuyển – Tinh luyện - Đúc liên tục – Cán. Vì vậy, những nước này là những nước xuất khẩu rất nhiều thép phế liệu. Số liệu về xuất khẩu thép phế liệu của các nước trong năm 2001 được nêu trong bảng 2.
Từ bảng trên cho thấy, những nước có nguồn thép phế liệu dồi dào để xuất khẩu là Mỹ, Đức, Nhật Bản, Nga… Ngược lại, những nước đang phát triển thì lại phải nhập khẩu thép phế liệu để cung cấp cho các nhà máy luyện kim của mình. Số liệu về nhập khẩu thép phế liệu của một số nước trong khu vực châu á trong năm 2001 được nêu trong bảng 3.
Như vậy, trên thế giới đang diễn ra việc mua bán thép phế liệu rất sôi động giữa các nước công nghiệp phát triển và các nước đang phát triển. Các số liệu về thương mại trong lĩnh vực thép phế liệu của thế giới trong những năm gần đây được nêu trong bảng 4.
3. Lợi ích của việc sử dụng thép phế liệu
Thép phế liệu không phải là sản phẩm do con người sản xuất ra mà nó được tạo ra trong quá trình sản xuất và sử dụng vật liệu thép. Như trên đã phân tích, đây là loại nguyên liệu vô cùng quan trọng trong ngành công nghiệp thép, đặc biệt là đối với các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam. Việc sử dụng thép phế liệu để sản xuất thép mang lại những hiệu quả kinh tế và xã hội rất lớn. Viện Nghiên cứu công nghiệp tái chế phế liệu của Mỹ (Institute of Scrap Recycling Industries – ISRI) đã tổng kết các lợi ích của việc sử dụng thép phế liệu sản xuất thép so với công nghệ khai thác quặng sắt – Lò cao – Lò thép như sau:
- Tiết kiệm năng lượng: 74%
- Tiết kiệm khoáng sản: 90%
- Giảm ô nhiễm không khí: 86%
- Giảm sử dụng nước: 40%
- Giảm ô nhiễm nước: 76%.
- Giảm tiêu thụ nước trong khai mỏ: 97%
- Giảm phế thải phát sinh: 105%
Cũng cơ quan nghiên cứu trên đã đưa ra ước tính rằng việc thu hồi tái chế thép phế liệu ở Mỹ đã đem lại hiệu quả kinh tế khoảng 2 tỷ USD mỗi năm.
4. Thép phế liệu đối với ngành công nghiệp thép Việt Nam
Trong những năm gần đây, ngành công nghiệp Thép Việt Nam đã sản xuất khoảng 400.000 tấn phôi, trong đó khoảng 75% là từ thép phế liệu. Do công nghiệp của nước ta mới phát triển và còn nhỏ bé nên lượng thép phế liệu tạo ra hàng năm cũng chỉ khoảng 300.000 tấn. Vì vậy, chúng ta đã phải nhập khẩu thép phế liệu từ nước ngoài, tuy còn rất ít. Ví dụ: Năm 2002 chúng ta nhập khẩu 261.389 tấn thép phế liệu.
Do điều kiện khai thác quặng sắt của nước còn nhiều khó khăn nên trong thời gian tới (đến năm 2010) ngành Thép nước ta phát triển chủ yếu bằng công nghệ sắt thép phế liệu – Lò điện. Nhiều nhà máy luyện thép bằng lò điện đang và sẽ được xây dựng (Nhà máy thép Phú Mỹ, Cái Lân, các nhà máy thép: Cửu Long, Hưng Yên, Hòa Phát…) với tổng công suất trên 2 triệu tấn/năm. Để đảm bảo cho các nhà máy này hoạt động thì hàng năm chúng ta sẽ phải nhập khẩu khoảng 2 triệu tấn thép phế liệu. Việc nhập khẩu như vậy, sẽ gặp phải nhiều khó khăn nếu chúng ta không chuẩn bị tốt các điều kiện về cảng, phương tiện vận chuyển và đặc biệt là cơ sở pháp lý, thủ tục hành chính sao cho phù hợp với thông lệ quốc tế và đặc biệt là các quy định chặt chẽ về đảm bảo môi trường. Chúng ta đã có những bài học của các đợt nhập khẩu thép phế liệu vào tháng 5/2001 và tháng 4/2003. Vì vậy, Nhà nước cần nghiên cứu ban hành tiêu chuẩn về thép phế liệu cũng như các văn bản pháp lý về môi trường nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất thép khi nhập khẩu thép phế liệu và giúp cho ngành Thép Việt Nam ngày một phát triển vững chắc và mạnh mẽ, góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa nước nhà.