Vào những năm 1960, khi mới ra đời, đặt trong mặt bằng phát triển chung của ngành luyện kim lúc đó, cái tên VIKIMCO là một đơn vị sản xuất thép có tiếng ở miền Nam. Trải qua nhiều thăng trầm cùng nền kinh tế đất nước, được Nhà nước quốc hữu hóa đổi tên năm 1978, rồi thực hiện cổ phần hóa năm 2008, đến nay, Công ty CP Thép Thủ Đức – VNSTEEL đã ngày càng phát triển đi lên, xứng đáng là một trong những cánh chim đầu đàn trong hệ thống Tổng công ty Thép Việt Nam – CTCP (VNSTEEL).
Từ một xuất phát điểm
Ngẫm lại thời điểm hơn nửa thế kỷ trước, khi còn mới đi vào hoạt động, trang thiết bị nghèo nàn, nhu cầu ít, VIKIMCO chỉ có một phân xưởng cán, sản xuất ra một vài loại sản phẩm thép tròn như D8, D12 với sản lượng khoảng 500-1.000T/năm, bằng nguồn phôi nhập khẩu kích thước 50 x 50… mới thấy sự phát triển của hôm nay của Công ty CP Thép Thủ Đức – VNSTEEL quả là kỳ diệu. Ngày đó, với xuất phát điểm thấp, nhà máy tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, cơ sở hạ tầng với muôn vàn khó khăn, vừa duy trì sản xuất lại vừa từng bước cải tạo công nghệ cán thép quả là không dễ dàng. Năm 1981, Nhà máy đã lắp đặt đưa công nghệ sản xuất thép phi 6 chất lượng cao vào hoạt động. Đây là sản phẩm đầu tiên được sản xuất tại miền Nam góp phần cung cấp nguồn đầu vào cho nhà máy lưới thép miền Tây. Nhưng giai đoạn từ sau 1990 đến trước năm 2007 mới thực sự là giai đoạn khốc liệt khi VIKIMCO cùng các doanh nghiệp quốc doanh thực hiện những cuộc chuyển mình vĩ đại.
Trước làn sóng đổi mới mạnh mẽ của đất nước đang được dấy lên thì VIKIMCO có gì để đáp ứng khi mà những suy nghĩ, tác phong làm việc của cán bộ nhân viên vẫn còn mang nặng thời kỳ hành chính bao cấp, trì trệ? “Tồn tại hay là chết”, với tâm thế đổi mới này, VIKIMCO đã bắt tay vào đổi mới, đầu tư xây dựng phát triển từ trong ra ngoài, cải tạo những thiết bị cũ, đồng thời xây dựng mô hình quản lý sản xuất theo cơ chế thị trường mới. Ban lãnh đạo ngồi với nhau từng bước đánh giá, nhìn nhận, khắc phục những yếu kém về cơ sở vật chất, kỹ thuật, “xốc” lên một cỗ máy đã một thời gian dài không được đầu tư, phát triển quả là một việc làm không thể một sớm một chiều…
Đúng lúc này, ngày 01/07/2007, Nhà máy Thép Thủ Đức được đổi tên thành Công ty Thép Thủ Đức trực thuộc Tổng công ty Thép Việt Nam - CTCP. 1 năm sau, ngày 01/01/2008, Công ty Thép Thủ Đức chính thức chuyển sang mô hình cổ phẩn hóa với tên gọi Công ty CP Thép Thủ Đức - VNSTEEL. Thực hiện cổ phần hóa, Thép Thủ Đức mới có đủ điều kiện để tập trung nguồn lực, phát triển, nâng cao công suất trên cơ sở mua sắm, trang bị dây chuyền máy móc công nghệ hiện đại và thực thi cách quản trị doanh nghiệp hiệu quả, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, bắt kịp xu thế tăng trưởng của kinh tế đất nước. Công ty đã xây dựng và được phê duyệt Đề án Bảo vệ môi trường với các hạng mục đầu tư: cải tại lò nung phôi thép từ sử dụng dầu FO sang sử dụng khí gas CNG, nhằm giảm tiêu hao sử dụng dầu và giảm cháy hao phôi, bảo vệ môi trường; cải tạo thân lò hồ quang làm nguội bằng panel nước để giảm thời gian sửa chữa lò hàng tháng, tăng sản lượng phôi thép; cải tạo lò nung từ 4m thành lò nung 6m... Bên cạnh đó còn đầu tư lắp đặt hệ thống lọc, xử lý nước thải sinh hoạt công suất 130m3/ngày nhằm đảm bảo nước thải ra môi trường theo đúng quy định. Năm 2012, Công ty xây dựng nhà máy công viên, đây là một trong những nhà máy sản xuất, luyện cán thép đầu tiên của Tổng công ty Thép Việt Nam thực hiện tốt phong trào 5S, là đơn vị đạt danh hiệu Nhà máy công viên đầu tiên trong hệ thống VNSTEEL.
Tạo đà sải cánh
Song hành với các hoạt động sản xuất kinh doanh, công tác chăm lo đời sống cho người lao động cũng được chú trọng. Đời sống người lao động đang từng bước được nâng lên, thu nhập bình quân 15 triệu đồng/tháng/người. Đây là một mức thu nhập rất ấn tượng không chỉ so với các đơn vị thuộc hệ thống VNSTEEL mà còn so mặt bằng chung các ngành nghề khác. Từ những lợi nhuận có được trong sản xuất kinh doanh, Công đoàn Công ty CP Thép Thủ Đức đã dành ra những khoản tiền để cổ vũ, động viên người lao động, tổ chức thăm, tặng quà và hỗ trợ cho những cán bộ, công nhân có hoàn cảnh khó khăn. Thường xuyên chủ động nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người lao động, chính điều này đã tạo nên sức mạnh tập thể của Thép Thủ Đức ngày nay.
Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế trong nước, HĐQT và Ban điều hành Công ty đã nhạy bén trong dự báo về giá cả, thị trường, đưa ra nhiều quyết sách sát với tình hình. Nhờ vậy, hiệu quả sản xuất kinh doanh trong năm vừa qua được duy trì ở mức khá tốt, từ đó tiếp tục ổn định thu nhập cho người lao động.
Chia sẻ về chiến lược phát triển trong thời gian tới, ông Nguyễn Phùng Hiền - Tổng giám đốc Công ty CP Thép Thủ Đức – VNSTEEL cho biết: “Trong những năm tới, Thép Thủ Đức sẽ tập trung vào những nội dung cốt lõi như: hoàn thiện khả năng quản trị doanh nghệp toàn diện, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm và nâng cấp và hiện đại hóa thiết bị công nghệ, giảm chi phí giá thành, hướng tới sản xuất xanh- sạch, đảm bảo môi trường, phát triển bền vững”.
Hơn 40 năm hoạt động trong lĩnh vực sản xuất thép xây dựng, Thép Thủ Đức hiện là đơn vị sản xuất thép có uy tín ở thị trường phía Nam với công suất luyện cán thép 200 ngàn tấn/ năm. Công ty CP Thép Thủ Đức - VNSTEEL đã góp phần đưa thương hiệu thép VNSTEEL trở thành thương hiệu được người tiêu dùng tín nhiệm, ưa chuộng. “Thép Thủ Đức đạt được sự tăng trưởng bền vững trong những năm gần đây, khẳng định vị thế khó có thể thay đổi trên thị trường thép hiện nay. Với kinh nghiệm 40 năm sải cánh, trong tương lai, Thép Thủ Đức sẽ là con chim đầu đàn trong ngành Thép”- ông Nguyễn Đình Phúc, Tổng giám đốc VNSTEEL kỳ vọng.