Thi thuê và những quái chiêu không dễ bị phát hiện

Vừa qua, Toà án nhân dân thành phố Hà Nội đã đưa ra xét xử một đường dây thi thuê vào các trường đại học lớn nhất từ trước đến nay. Những sinh viên thi thuê và đầu nậu đứng ra tổ chức đã phải nhận nhữ

Tâm sự của một ” cầu thủ” đã giải nghệ
”Cầu thủ” là tên dùng để gọi những người chuyên đi thi thuê. Anh Đ bạn tôi mở đầu buổi nói chuyện như vậy. Theo anh, thi thuê dễ nhất là vào những năm 1990 - 1991, vì lúc ấy quy chế thi còn dễ.  Giấy tờ thì không cần nhiều, thậm chí có thể mua một bộ hồ sơ bổ sung của trường đại học nộp chiều nay là sáng mai có thể vào thi. Còn bây giờ thì khó hơn nhiều, vì trong hồ sơ thí sinh dự thi cần phải có đầy đủ: chứng minh nhân dân, thẻ dự thi, bằng tốt nghiệp (hoặc chứng nhận tốt nghiệp), lý lịch có xác nhận của địa phương. Vì vậy mới có các đường dây làm giả giấy tờ. Nhưng riêng anh thì không dám làm điều ấy, mà lại có phương án an toàn hơn.
- Thế làm cách nào để có hồ sơ hợp pháp vào thi?
- Khó nhất là làm chứng minh nhân dân. Phải lấy của một người có tên như vậy, bóc ảnh ra rồi nhét ảnh của mình vào, bôi bẩn sau đó dùng đồng xu đóng vào góc và là nhẹ lên. Muốn cho khỏi chảy thì kẹp vào cuốn sổ, đè tờ giấy lên mà là thì nhiệt vừa đủ để đồng xu ”ăn chết” vào ảnh. Còn xin công chứng và xác nhận của địa phương là ”chuyện vặt”. Có thể đi đến các vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc miền núi, chi cho các ông xã 100 - 200 nghìn đồng là xong. Các vùng này thường nghèo, trình độ quản lý còn yếu kém, 200 nghìn là to lắm.
- Dễ thế sao? nói thẳng ra à?
- Có trường hợp buộc phải nói thẳng. Một số trường hợp thì phải ”bẫy” bằng cách nói khó: Có cậu em thi đại học, làm thủ tục ở đây để được ưu tiên điểm dễ đỗ. Sau này thủ tục tiếp theo sẽ nhờ bác sau.
Tớ đã làm ”cầu thủ” và tổ chức cho các ”cầu thủ” thi trót lọt 5 vụ vào các trường như: Bách khoa, Thương mại, Kinh tế quốc dân, Hàng hải, Giao thông vận tải. Cứ qua mỗi một vụ là tớ lại rút ra kinh nghiệm để làm vụ sau tốt hơn. Vụ đầu tiên tớ nhận làm ” cầu thủ” thi hộ cùng một lúc cho cả hai thí sinh vào một trường cao đẳng. Lần ấy do chưa có kinh nghiệm, ”ngốc” quá nên mới bị phát hiện. Trong khi giám thị đang chép đề, mình đã đoán được và làm xong luôn rồi ném sang cho 2 cậu kia. Giám thị sinh nghi bèn kiểm tra và mình bị bắt đưa sang công an. Sau đó người nhà sang bảo lãnh mới được tha về.
Từ vụ đầu tiên ấy, tớ rút ra được nhiều kinh nghiệm. Thằng đi thi hộ phải thật lì lợm, non gan là hỏng. Song sự lì lợm ấy không được thể hiện ra ngoài. Khi giám thị đến bao giờ cũng phải dừng bút hoặc nháp rất rời rạc, giả vờ bí thì không bị nghi. Còn nếu cứ viết lia lịa là dễ bị phát hiện. Khi tuổi đã cao hơn một chút thì phải chú ý đến cả cách ăn mặc. Tớ lôi một bộ quần áo xấu nhất ra mặc, làm ra vẻ xộc xệch, quần ống thấp ống cao, đi dép nhựa tổ ong, tóc rũ xuống trán, trông như ”một thằng nhà quê ra tỉnh”. Quan trọng nhất, khi vào trong phòng thi không được phép nhìn vào mắt giám thị. Vì qua ánh mắt  họ sẽ phát hiện ngay ra kẻ từng trải, có độ lì cao. Buổi thi đầu tiên bao giờ cũng nguy hiểm nhất. Buổi thứ hai phải cẩn thận hơn nữa, không bị để ý thì buổi thứ ba sẽ trót lọt vì giám thị đã mệt mỏi hơn. Khi bị nghi ngờ bắt phải khai lý lịch thì cứ bình tĩnh khai đúng như trong hồ sơ. Nhất cử, nhất động trong phòng thi cũng không được sơ suất. Vừa phải giả giọng địa phương để đối phó với giám thị, vừa quan sát để đưa bài cho cậu kia. Có sung sướng gì đâu! Cứ như hoạt động tình báo ấy. Xong 3 buổi thi người mệt mỏi rã rời vì căng thẳng. Trong khi làm bài cũng không được làm nhanh quá, mà phải ”căn” đúng giờ. Tinh hơn nữa thì phải ”căn” được điểm chuẩn vào trường ấy và chỉ làm thừa từ 2- 3 điểm. Có đợt tớ thi hộ một cậu đỗ á khoa của trường Đại học nọ. Vào học, cậu ta được cử làm lớp phó học tập nhưng dốt quá đã bị nghi ngờ lại quay sang oán tớ. Cộng với việc bị một cậu bạn thi cùng phòng phát hiện và thỉnh thoảng tống tiền nên cậu ta đã phải chuyển trường.
Liều lĩnh nhất là vụ làm ”cầu thủ” thi vào trường Đại học Bách khoa. Lúc làm hồ sơ, tớ lấy tên của người dự thi nhưng ảnh lại là của mình. Để cho an toàn, tớ đã bôi chanh lên các ảnh gửi trong hồ sơ. Sau một thời gian các ảnh này sẽ bị nhoè hết, chỉ còn lại một cái dán trong thẻ dự thi. Kết thúc buổi thi cuối cùng, bôi chanh vào ảnh còn lại. Thế là xong. Khi nhập học, cậu kia nộp một loạt ảnh mới của mình và nghiễm nhiên bước vào giảng đường. Hiện nay cậu ta đã ra trường, nghe nói đang làm trưởng phòng tư vấn giám sát cho một công ty. Đợt ấy phải làm thế vì tớ rất bí tiền. Nhận cả vụ chỉ 5 triệu đồng. Nhà chủ cho ứng trước 2 triệu. Tớ dùng 1 triệu mắc thuê bao điện thoại trả góp, còn 1 triệu thì hai vợ chồng sống lần hồi được một thời gian dài. Thi đỗ, tớ được nhận tiếp 3 triệu còn lại. Thật là rẻ rúng cho sự nghiệp của cả một con người!
Nhưng không phải vụ nào cũng trót lọt. Như vụ thi vào trường Đại học Thương mại. Tớ nhận của chủ nhà vụ ấy là 42 triệu. Thông thường chỉ một ”cầu thủ” kèm một thí sinh. Để chắc ăn, tớ cho 3 ”cầu thủ” vào thi kèm với thí sinh kia với các tên na ná như nhau: Phan Trọng Đại, Phạm Trọng Đại, Phan Trịnh Đại. Mọi việc chuẩn bị đã rất chu đáo nhưng do ”cầu thủ” của mình, dù đã thi hộ nhiều lần, song vẫn thiếu kinh nghiệm, tỏ vẻ ta đây. Thế là bị lộ, phải trả lại tiền cho nhà chủ.
- Khi nhận thi thuê ông sợ gì nhất?
- Sợ nhất là bị chủ nhà quỵt tiền. Thi kèm có hai kiểu: ném bài và tráo bài. Ném bài thì an toàn, nhưng dễ bị chủ nhà quỵt tiền hơn. Còn tráo bài ”tóm” được chủ nhà nhưng cũng rất nguy hiểm. Như ở trường Đại học Kinh tế quốc dân và Giao thông vận tải, bên an ninh văn hoá vào kiểm tra, so chữ của người đã đỗ trong nhiều giai đoạn và phát hiện ra ngay. Năm 1997, có một cậu đã đỗ vào Trường Đại học Kinh tế quốc dân nhưng không dám đi học, vì bị phát hiện bằng phương pháp này. Sau khi bị đuổi, cậu ta lại rất vui vẻ về quê vì đã trút được gánh nặng là sự lừa dối. Cùng năm ấy, trường này đã phát hiện và đuổi hơn 100 trường hợp. Vì vậy, nhiều chủ nhà cũng rất ”tanh” (ý nói sự chắc lép, mặc cả), đã giữ lại tiền, nếu bị đuổi thì không trả tiền nữa. Nhưng cá biệt có những phòng đào tạo vẫn ”bật đèn xanh” cho những trường hợp bị phát hiện. Biết ”cư xử” thì cho qua.
- Ông tìm cầu thủ ở đâu?
- Thiếu gì. Các trung tâm gia sư chính là ”cái ổ” cung cấp cầu thủ. Ngoài ra có thể săn ở các trường đại học. Cách an toàn nhất trước kia tớ làm và bây giờ một số đầu nậu vẫn dùng là trước tiên săn tất cả những cầu thủ trùng tên, sau đó săn từng nhà một. Nhà nào có con thi đại học trùng tên cầu thủ, cho vào thi kèm là an toàn nhất vì giấy tờ ”chính chủ”. Nghề đi ”săn cầu thủ” này cũng công phu lắm. Thông thường các ”cầu thủ” sáng giá đã được săn từ trước tết sắp đặt đâu vào đấy cả rồi. Sau tết chỉ còn lại ”cầu thủ” loại thường thường thôi. Sinh viên năm thứ nhất và thứ hai thường thi tốt hơn vì họ còn nhớ được kiến thức cũ, còn càng về sau càng kém đi.
- Làm sao tìm được người có nhu cầu?
Cậu ta bỗng cười phá lên trước câu hỏi của tôi mà cậu ta cho là ngớ ngẩn. Chỉ có bà là không biết đấy thôi, dịch vụ này hoạt động như một thế giới ngầm và lan truyền cực kỳ nhanh, quảng cáo như báo cậu cũng không thể bằng đâu. Năm nay tớ bị rất nhiều phụ huynh săn vì tưởng vẫn còn ”hành nghề”.
- Giá mỗi vụ bao nhiêu?
- Không có giá cố định. ”Cầu thủ” thường được trả cho mỗi vụ thi hộ từ 7 - 10 triệu đồng. Còn đầu nậu có thể căn cứ vào điều kiện kinh tế và nhu cầu thực tế của gia chủ để ra giá. Có thể dao động từ 4000 - 7000 USD. ”Cao giá” nhất phải kể đến các trường: Đại học Bách khoa, Đại học Ngoại thương, Đại học An ninh, Học Viện Quan hệ quốc tế, rồi mới đến các trường khác, trong đó khó nhất là Trường An ninh.
Trong vai người đi tìm ”cầu thủ”
Trong vai khá hợp lý này, tôi lân la đến quán nước cạnh Trường Đại học Công đoàn. Phải uống hết vài cốc trà đá, tôi mới tiếp cận được với một cậu sinh viên, và phải mất hàng tiếng la cà hết chuyện nọ đến chuyện kia cậu ta mới tin. Thấy tôi nói có nhu cầu tìm người thi hộ cho cậu em, cậu ta dẫn tôi đến một quán cà phê ở mãi tận Cầu Giấy. Sau một hồi gọi điện và phải đợi khá lâu một đầu nậu mới xuất hiện. Tôi đoán cậu ta là người Hà Tĩnh, vì giọng nói của cậu ta còn nguyên chất địa phương. Khi biết tôi đang có nhu cầu tìm ”cầu thủ”, cậu ta nói: Sao chị làm muộn thế! Các trường đại học đã hoàn tất hồ sơ từ lâu rồi và đã sắp có giấy báo, không làm gì được đâu. Tôi tỏ vẻ tiếc, nói lý do là mình không biết và hỏi cậu ta xem có còn cách nào khác không.
- Bây giờ em chỉ có thể nộp hồ sơ cho chị vào Trường Công đoàn, đỗ 100%.
Cậu ta nói chắc như đinh đóng cột. Tôi vờ nghi ngờ: Lấy gì đảm bảo?
- Chị yên tâm đi! Giấy tờ của bọn em ” xịn” hoàn toàn. Vào thi trường này rất an toàn vì có giám thị đưa bài.
- Giá bao nhiêu?
- 40 triệu.
Tôi lấy cớ hoãn binh để chuồn êm nên nói rằng, học trường này ra khó xin việc lắm. Mặt cậu ta chợt biến sắc và kéo cậu sinh viên nọ vội vã bỏ đi.
Qua câu chuyện với đầu nậu nọ tôi được biết thêm, những ”cầu thủ” sáng giá và lì lợm nhất thuộc về các tỉnh miền trung như: Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình. Hầu hết họ học rất giỏi và cũng rất nghèo. Họ vẫn biết việc làm của mình là sai, nhưng do hoàn cảnh bức bách đành tặc lưỡi làm liều. Thời điểm mà các ”cầu thủ” bị săn cũng khá nhạy cảm. Đó là vào cuối học kỳ I, có rất nhiều khoản tiền cần phải đóng góp mà gia đình không có để gửi ra như tiền ăn, tiền nhà trọ, tiền học phí... Quan trọng nhất là tiền học phí, vì nếu không nộp cho nhà trường sẽ không được thi, mà nợ môn thì tất nhiên sẽ bị treo bằng. Vì vậy, chỉ cần ai cho ứng trước tiền là có thể nhận lời ngay. Mà đã nhận tiền rồi thì phải làm thôi.
Theo cảm nhận của tôi, đa số họ đều đáng thương vì quá nghèo, chứ không phải do lòng tham.
Có cầu thì ắt phải có cung
Trở lại câu chuyện với anh bạn tôi, theo anh thì hiện nay ”cầu thủ nữ” rất sáng giá. Vì họ ít bị để ý hơn. Nhưng săn được cầu thủ này rất khó, vì họ không có độ lì như nam. Do việc làm giấy tờ càng ngày càng khó, cho nên việc thi thuê được tổ chức thành hệ thống và cũng hoạt động tinh vi hơn. Gã đầu nậu tôi gặp còn cam đoan rằng, giấy tờ làm ”xịn” hoàn toàn. Thậm chí có đầu nậu còn bỏ tiền ra cho ”cầu thủ” ôn ròng rã mấy tháng trước khi thi. Hiện nay, nạn thi thuê đã lan tràn cả vào miền Nam, vì như cậu ta nói, ở đó dễ ”kiếm” hơn và cũng chưa bị phát hiện, nên quản lý vẫn còn nhiều sơ hở.
Chuyện thi thuê thường chỉ xảy ra  ở các khối tự nhiên, còn khối xã hội hầu như không có.  Nhu cầu thuê thi lớn nhất thường rơi vào những gia đình giàu có, cũng bởi cái cơ chế tuyển lao động đang phổ biến ở nước ta hiện nay. Cứ nhìn vào các thông báo tuyển người của các cơ quan thì rõ, nơi nào cũng đòi hỏi người lao động phải có bằng cấp, cho dù công việc chỉ cần có tay nghề là đủ. Muốn cho con cái đổi đời, ở nông thôn thì thoát khỏi cảnh ”một nắng hai sương”, còn ở thành thị thì không muốn rơi vào cái kiếp buôn thúng bán bưng hoặc làm nhân viên cho các nhà hàng, vất vả lắm chứ, ê chề lắm chứ! Vậy là tấm bằng đại học trở thành ”bảo bối” để con người ta bước vào đời. Cũng phải nói thêm, đã từ lâu, hệ thống đào tạo đại học của ta đã để lại một ý thức ăn sâu trong cộng đồng rằng, cứ vào được là ắt sẽ ra được. Vậy là bằng mọi giá từ chạy điểm cho đến ném bài, học trước các đề thi... miễn sao lọt qua được cổng trường đại học. Giầu có mà để con ”thất học” (tức là không có bằng cấp) không phải là tội lỗi đó sao? Chính vì vậy nhu cầu càng trở nên cấp thiết và phát triển mạnh mẽ. Theo quy luật, có cầu thì ắt có cung. Bởi thế cho nên mới sinh ra cái ”nghề” hốt ra bạc triệu này, và cho dù có kẻ đã phải lãnh án tù vì việc thi thuê, nhưng cái mạch ngầm này vẫn chưa chấm dứt, vẫn tuôn chảy ngày càng mãnh liệt hơn. Không những thế, từ nạn thi thuê đã dẫn đến nạn học thuê bắt đầu nhen nhóm vài năm trở lại đây. Không tự học được thì phải đi thuê người học thay cho, đó cũng vẫn là thứ logic muôn thủa vậy.  Mùa thi đại học đã qua, không biết trong số thí sinh dự thi tới đây sẽ có bao nhiêu kẻ thi thuê. Mai này và kể cả hiện nay, xã hội đã, đang và sẽ tiếp nhận biết bao nhiêu những cử nhân dởm kiểu ấy!?
Dù sao chăng nữa, cuối cùng, anh bạn tôi cũng vẫn còn giữ lại chút lương tâm. Anh ”giải nghệ” đã 2 năm và hiện nay đã mở công ty riêng. Anh giải nghệ vì nhận ra rằng, mình đã đem tài năng để ném cho xã hội phải gánh hậu quả nặng nề. Anh cũng muốn qua báo chí đưa ra lời cảnh báo cho những ai có liên quan và những ai còn quan tâm đến vận mệnh của đất nước

  • Tags: