Thị trường chứng khoán 2015: Triển vọng từ sự tăng tốc của nền kinh tế

Năm 2014 qua đi với quá nhiều thăng trầm trên thị trường chứng khoán mà chỉ những nhà đầu tư đã từng trải qua chuỗi ngày thê thảm năm 2008 mới có thể cảm nhận hết được sự khốc liệt. Tuy vậy những biến

Điểm lại 2014: Từ những con số buồn...

Chỉ số VNINDEX đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng của năm 2014 ở mức 545,63 điểm. Điều đáng buồn là chốt phiên giao dịch của ngày 31/12/2013, chỉ số này đã là 504,63 điểm. Như thế tính cho một chu kỳ năm, thị trường chứng khoán chỉ tăng trưởng hơn 8,1%.

Nếu nhìn kỹ hơn vào các biến động lớn trên thị trường năm 2014, VNINDEX đã hai lần đạt đỉnh cao, mức 607,55 điểm vào ngày 24/3/2014 và mức 640,75 điểm ngày 3/9/2014. Mức tăng trưởng tốt nhất như vậy được ghi nhận tương ứng 20,4% và 27%.

Điều gì đã xảy ra khi nhìn xuyên suốt 1 năm, mức tăng trưởng lại dưới con số 10%?

Một chu kỳ tăng trưởng dài hơi của thị trường chứng khoán Việt Nam kể từ khi thoát khỏi khủng hoảng tài chính 2008-2009 đã bị ngắt quãng bởi những biến động địa chính trị, thậm chí là những sự kiện mà lần đầu tiên giới đầu tư chứng khoán Việt Nam phải đối đầu.

Biến động đầu tiên chấm dứt đà tăng trưởng 20,4%, thậm chí là lấy đi hết sạch mức tăng đó là những sự kiện tại Biển Đông. Thị trường chứng khoán đã chịu những sức ép to lớn và số đông nhà đầu tư không biết phải ứng xử như thế nào, khi lần đầu tiên phải đối diện. Gần hai tháng suy giảm đã đưa VNINDEX từ đỉnh cao 607,55 điểm trở về vạch xuất phát đầu năm 2014.

Biến động thứ hai cũng mạnh không kém là hiện tượng sụt giảm của giá dầu thế giới.

Sự cộng hưởng của hai yếu tố này đã tạo nên một đợt suy giảm dài và mạnh mẽ, đưa VNINDEX từ 640,75 điểm về còn 518,22 điểm.

Tuy vậy, nếu như ở biến động hồi tháng 5, thị trường phản ứng tiêu cực và có phần hoảng loạn và tốc độ suy giảm nhanh hơn do rủi ro liên quan đến tổng thể nền kinh tế, thì tác động của biến động thứ hai lại hẹp hơn. Bằng chứng là mức sụt giảm giá trên cổ phiếu khác nhau: Những cổ phiếu dầu khí bị điều chỉnh mạnh nhất, trong khi khá nhiều cổ phiếu khác giảm ít hơn.

Nhìn vào các cổ phiếu trên thị trường, năm 2014 cũng không phải là một năm tốt lành cho đầu tư dài hạn. Thị trường chỉ tăng trưởng hơn 8%. Khoảng 300 cổ phiếu tăng trưởng tốt hơn mặt bằng chung này. Nhưng cũng cần lưu ý mức lạm phát năm 2014 khoảng 1,84%, lãi suất tiết kiệm từ 1 năm trở lên khoảng 6%-7%. Do đó, mức tăng trưởng của thị trường dài hạn năm 2014 cũng không có gì là hấp dẫn. Nếu nâng lợi suất yêu cầu để bù trừ rủi ro cho hoạt động đầu tư, số lượng cổ phiếu đem về 15% thu nhỏ lại còn khoảng 250 cổ phiếu. Con số này nói lên điều gì? Rằng chỉ hơn một phần ba số cổ phiếu trên thị trường đem lại lợi nhuận chấp nhận được, hay khoảng 30% cơ hội cho nhà đầu tư dài hạn chiến thắng thị trường, một tỷ lệ quá nhỏ.

Năm 2015: Hướng tới triển vọng mới

Bài học gì có thể rút ra từ những thăng trầm của năm 2014? Đó là, trong bất kỳ xu thế tăng trưởng dài hạn nào, cũng xuất hiện những đợt suy giảm trung hạn do tác động nội tại hoặc từ bên ngoài. Việc tránh xa những rắc rối đó là yếu tố then chốt để đạt được lợi suất đầu tư tốt hơn thị trường, thay vì trung thành với một trường phái đầu tư dài hạn bảo thủ kiểu mua và nắm giữ.

Một thực tế là trong các sự kiện lớn tác động đến thị trường chứng khoán 2014, chỉ duy nhất biến động giá dầu có khả năng ảnh hưởng đến tăng trưởng vĩ mô của nền kinh tế. Đã có những thống kê về khả năng giảm thu ngân sách từ việc giảm nguồn thu từ dầu mỏ do giá giảm. Tuy nhiên những tác động có đủ lớn đến mức mất cân đối vĩ mô hay không vẫn còn đang được “mổ xẻ”.

Tăng trưởng GDP năm 2014 của Việt Nam đạt mức 5,98%, vượt mọi dự báo. Trước những biến động lớn của giá dầu, mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2015 vẫn được các chuyên gia kinh tế đặt ở mức 6,2%. Nền tảng kinh tế vĩ mô vẫn là yếu tố hỗ trợ cơ bản cho thị trường chứng khoán trong dài hạn. Do đó, kế hoạch tăng tốc tăng trưởng kinh tế năm 2015 tiếp tục tạo cơ hội lớn cho thị trường.

Các chu kỳ kinh tế lớn đều gắn liền với các chu kỳ tăng trưởng và suy thoái dài hạn của thị trường chứng khoán. Nhà đầu tư thường chỉ có cái nhìn bó hẹp trong những biến động trước mắt, chẳng hạn như sự kiện Biển Đông hồi tháng 5/2014, nhưng xét về dài hạn tính bằng nhiều năm, những biến động đó vẫn chỉ là ngắn hạn.

Thị trường chứng khoán Việt Nam mới có gần 15 năm tuổi và cũng mới được chứng kiến đủ một chu kỳ tăng trưởng - suy thoái lớn. Chu kỳ lớn này bắt đầu khoảng năm 2005 và chạm đáy năm 2009, nhưng mãi tới năm 2013 mới có dấu hiệu thoát ra khỏi xu thế tích lũy trì trệ để khởi động một chu kỳ mới.

Chu kỳ lớn của thị trường chứng khoán gắn chặt với những biến động của nền kinh tế vĩ mô. Có thể thấy thời kỳ tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế 2006-2007 đã dẫn đến thời kỳ bùng phát của thị trường chứng khoán. Khủng hoảng kinh tế dẫn đến gần 2 năm suy giảm trầm trọng. Mặc dù đáy của thị trường chứng khoán được tạo ra vào đầu năm 2009 nhưng suốt 4 năm sau đó, thị trường vẫn rơi vào thời kỳ tích lũy.

Từ năm 2013 trở đi, nền kinh tế tăng trưởng tốt hơn. GDP liên tục tăng tốt, sức cầu nội địa cải thiện, lạm phát kiềm chế, nợ xấu đang dần được xử lý, chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) liên tục nằm trên mức 50 kể từ giữa năm 2013, thể hiện sự tăng trưởng của lĩnh vực sản xuất.

Ngoài ra, dấu hiệu lớn nhất của chu kỳ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế chính là việc nới lỏng tiền tệ. Thị trường giá lên (bull-market) năm 2006-2007 cũng là hệ quả của việc nới lỏng tiền tệ trước đó. Thị trường giá xuống (bear-market) kéo dài sau đó cũng là hệ quả của việc thắt chặt tiền tệ. Xu hướng nới lỏng tiền tệ hiện đang được tiến hành với liên tục những đợt cắt giảm trần lãi suất huy động và ép giảm lãi suất cho vay. Mới nhất là Thông tư 36 cũng cắt giảm cơ hội ngân hàng đổ tiền vào trái phiếu chính phủ. Mục đích lớn nhất cũng chỉ là để đẩy mạnh vốn vào sản xuất kinh doanh.

Những chỉ báo vĩ mô nói trên đều khẳng định thị trường chứng khoán đang bước vào chu kỳ giá lên dài hạn, trùng với sự phục hồi và tăng trưởng của nền kinh tế vĩ mô. Một chu kỳ lớn được tính bằng nhiều năm, và những biến động sụt giảm trong vài tháng cũng chỉ là hiện tượng điều chỉnh thứ cấp (trung hạn) của một chu kỳ lớn.

Năm 2015 có thể là một năm then chốt của thị trường chứng khoán khi nền kinh tế được xác định cần tăng tốc tăng trưởng. Nếu không phải hứng chịu những tác động bên ngoài như sự kiện Biển Đông hay giá dầu sụt giảm, năm 2014 rất có thể đã là một năm thăng hoa của thị trường. Những mất mát mà thị trường phải gánh chịu năm 2014 có thể được xem như chi phí để tạo sức đề kháng trên thị trường: Khi những biến động đó lặp lại, thị trường sẽ không còn phản ứng một cách thái quá nữa.