Thị trường Khoa học và Công nghệ đặc trưng của kinh tế tri thức

Giáo sư Tiến sĩ Vũ Đình Cự là một nhà khoa học lớn, rất có uy tín, nguyên là Chủ nhiệm UBKH và CN của Quốc hội. Chúng tôi đã xin phép phỏng vấn Giáo sư về nội dung “Thị trường khoa học công nghệ ở nướ

Phóng viên (PV): Được biết giáo sư rất quan tâm tới thị trường KH&CN, xin giáo sư cho biết Việt Nam đã có thị trường KH&CN (TTKHCN) chưa?
Giáo sư Vũ Đình Cự: Vấn đề TTKHCN được nêu lên chủ yếu từ khi chuẩn bị cho Đại hội IX của Đảng được thể hiện trong Báo cáo chính trị như một thành phần để hình thành về cơ bản “thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Muốn vậy phải “tiếp tục tạo lập đồng bộ các yếu tố thị trường” và “đặc biệt quan tâm các thị trường quan trọng nhưng hiện chưa có hoặc sơ khai như: thị trường lao động, thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản, thị trường khoa học và công nghệ”. Các văn kiện khác của Đại hội IX như Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội 2001- 2020, Phương hướng nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm 2001- 2005 đều đề cập đến TTKHCN. Tại Hội nghị Trung ương 6 khoá IX, khi xem xét những việc chủ yếu cần tập trung giải quyết để đẩy mạnh phát triển KH&CN, việc tạo lập và phát triển triển TTKHCN được đề ra như một nhiệm vụ rất quan trọng. Cần phải thấy rằng, phạm trù TTKHCN là mới, không chỉ đối với chúng ta, mà còn là mới đối với thế giới, mặc dầu sản phẩm KH&CN đã được trao đổi như hàng hoá trong thị trường từ khi kinh tế công nghiệp phát triển. Trong các tác phẩm kinh điển về kinh tế học chính trị của C. Mác, tuy đã nêu bật vai trò của KH&CN trong đại công nghiệp và dự báo khoa học trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, nhưng chưa có bộ phận lý luận về TTKHCN, vì lẽ, khi đó, KH&CN nói riêng và thông tin, tri thức nói chung chưa trở thành hàng hoá trao đổi trên thị trường ở mức độ đáng kể.
Ngay ở các nước công nghiệp phát triển, từ sau khi bùng nổ cuộc cách mạng KH&CN hiện đại giữa thế kỷ XX, công nghệ cao phát triển mạnh, mới chỉ có thị trường các bằng sáng chế nói riêng và thị trường công nghệ nói chung chưa phát triển.
Khoảng vài thập kỷ gần đây, xuất hiện các dấu hiệu của kinh tế tri thức khi thông tin, tri thức có vai trò quyết định trong sản xuất, kinh doanh, tạo ra của cải dồi dào cho xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống của con người. Thông tin, tri thức KH&CN đã trở thành một loại hàng hoá đặc biệt mà J.Stiglitz gọi là hàng hoá công toàn cầu (A.global public good). Vì đây là loại hàng hoá đặc biệt, nên tương ứng với nó, thị trường KH&CN cũng là một thành phần đặc biệt trong hệ thống các thị trường của nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN ở nước ta.
Thuật ngữ TTKHCN hiện nay còn ít dùng trên thế giới. Tuy nhiên, nếu hiểu tri thức KH&CN đã trở thành hàng hoá (đặc biệt) thì việc xuất hiện thị trường của loại hàng hoá này, tức là thị trường KH&CN cũng là bình thường, phù hợp với các nguyên tắc của kinh tế thị trường và cũng là không trái với kinh tế học chính trị Mác- xít.
TTKHCN được tạo lập khi các thể chế, tổ chức và các cơ chế vận hành đảm bảo cho các sản phẩm KH&CN (thông tin tri thức, KH&CN, dịch vụ KH&CN) được sản xuất, lưu thông phù hợp với cơ chế thị trường theo định hướng XHCN ở nước ta. TTKHCN mặc nhiên là nhân tố quan trọng của kinh tế tri thức hội nhập toàn cầu hoá.
Như vậy, các cơ sở KH&CN sẽ được xem xét như các doanh nghiệp thuộc vào bản thể của thị trường này, bao gồm: các cơ sở nghiên cứu, triển khai KH&CN, các trường đại học, cao đẳng, các trung tâm dịch vụ KH&CN.v.v.. Về bản chất, chúng là các doanh nghiệp KH&CN của thị trường KH&CN.
Nhưng vì sản phẩm KH&CN là hàng hoá công toàn cầu, nghĩa là có các đặc tính khác thường, nên trong cơ chế chung của nền kinh tế, thì cơ chế cho thị trường KH&CN, tức là cho các doanh nghiệp KH&CN cũng phải có những điểm đặc biệt. Nhưng dù đặc biệt thế nào thì doanh nghiệp KH&CN vẫn phải tuân thủ những quy định chung nhất của pháp luật về doanh nghiệp. Ví dụ: hàng năm, các viện nghiên cứu, các trường đại học, cao đẳng và các cơ sở KH&CN khác phải có báo cáo tài chính được kiểm toán xác nhận, phải có đánh giá nhà nước về hiệu quả hoạt động. Trong kết luận về KH&CN của Hội nghị Trung ương 6 khoá IX có nêu: “Từng bước chuyển các tổ chức KH&CN thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ sang cơ chế tự trang trải kinh phí, được hoạt động theo cơ chế doanh nghiệp”. Thực ra, đây là bước ban đầu để tạo lập và phát triển TTKHCN. Về lâu dài phải là, cho TTKHCN không bị “méo” (distortion), tức là “sân chơi” của các cơ sở KH&CN phải thống nhất để tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh và công bằng, tất cả đều được hoạt động theo cơ chế doanh nghiệp, nhưng là doanh nghiệp KH&CN.
Như trên đã trình bày, TTKHCN là một vấn đề rất mới, cần có một chuyên đề nghiên cứu sâu để có căn cứ xây dựng chính sách tạo lập và phát triển TTKHCN.

PV: Vậy thì quy chế đánh giá (thẩm định) KH&CN như thế nào, thưa Giáo sư?

Giáo sư Vũ Đình Cự: Sản phẩm tiêu dùng thông thường có chất lượng được các cơ quan đo lường tiêu chuẩn xác nhận dựa vào các tiêu chuẩn đăng ký, tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế. Bởi vậy, người tiêu dùng có căn cứ để trả giá theo giá cả của thị trường, phù hợp với quy luật cung- cầu.
Sản phẩm của KH&CN rất đặc biệt ở chỗ đánh giá chất lượng của nó khó khăn hơn nhiều. Trước hết, hệ thống tiêu chuẩn để đánh giá các sản phẩm KH&CN rất khó xây dựng, vì đó là các sản phẩm chủ yếu phi vật thể. Chỉ có các chuyên gia rất am hiểu về chuyên ngành tương ứng, mới có khả năng đánh giá các sản phẩm của lĩnh vực đó. Ví dụ: Một hệ điều hành của máy vi tính chỉ có thể được đánh giá bằng cách đưa chúng vào dùng thử nhiều lần cho hàng chục ngàn chuyên viên máy tính, sau khi thẩm định bởi các chuyên gia đầu ngành về xây dựng hệ điều hành. Ngay cả cơ quan đo lường tiêu chuẩn hàng đầu của các nước công nghiệp phát triển cũng gặp khó khăn trong các trường hợp như vậy.
Để cho TTKHCN không rối loạn, nhất là trong điều kiện hoạt động của KH&CN phát triển mạnh như hiện nay, thì việc thiết lập một quy chế đánh giá KH&CN vững mạnh là rất cần thiết.
ở nước ta hiện nay, tuy có tổ chức đánh giá kết quả các đề tài, chương trình, dự án KH&CN, nhưng vì chưa có đủ cơ sở về tổ chức và quy định pháp lý cho việc này, nên bên cạnh các két quả tích cực còn có nhiều hiện tượng tiêu cực. Kết quả đánh giá phần lớn là “xuất sắc”, nhưng hiệu quả rất thấp. Thậm chí đã xảy ra, tuy không nhiều, nhưng cũng không ít hiện tượng giả mạo, bè cánh, tâng bốc nhau, hành hung, trù úm... để che giấu chất lượng thấp kém của sản phẩm KH&CN. Đánh giá KH&CN không đúng nên chất lượng xuống thấp cả về nguồn nhân lực KH&CN, cả về sản phẩm KH&CN. Từ đó dẫn đến tật háo danh, chạy chọt, tâng bốc, phong hàm cao, mua bán bằng cấp. Hội đồng bảo vệ bằng cấp có nơi trở thành “có đi có lại” với nhau “dễ người dễ ta” và chất lượng cứ tuột dốc.
Vì đánh giá KH&CN tuỳ tiện nên gây rối thông tin. Ví dụ: một bài thuốc gia truyền, cứ bị hãm hàng chục năm không kết luận được, dẫn đến lãng phí. Việc đánh giá KH&CN bị gắn với quan liêu hành chính. Có hiện tượng cố sắp xếp để các đề tài có chủ nhiệm là cán bộ chức vụ càng cao càng tốt, vì như thế dù có “chẳng nghiên cứu gì” vẫn được xuất sắc. Cán bộ khoa học tốt đều biết, nhưng với kiểu đánh giá KH&CN như hiện nay thì không ai đấu tranh được.
ở những nước thiếu quy chế đánh giá KH&CN, các hiện tượng tiêu cực như trên đều xảy ra. Những nước có quy chế đánh giá KH&CN chặt chẽ, các hiện tượng tiêu cực cũng có nhưng ít hơn. ở Mỹ vừa qua đã phát hiện người được xét đề nghị giải Nobel là lừa đảo.
Để thực hiện tốt về tạo lập và phát triển TTKHCN, chúng ta phải sớm thiết lập được quy chế đánh giá KH&CN chặt chẽ đúng đắn, trung thực. Bước đầu, cần phải liên kết với các tổ chức đánh giá KH&CN nước ngoài. Đây cũng là một bước quyết định để lập lại trật tự, kỷ cương trong hoạt động KH&CN.
Phải phấn đấu để sớm có được quy chế đánh giá KH&CN, tương tự như tất cả các nước công nghiệp phát triển (OECD) và nhiều nước đang phát triển, thì mới thực hiện được nhiệm vụ tạo lập và phát triển TTKHCN, cũng có nghĩa là phát triển kinh tế tri thức được một bước quan trọng.
Thiết lập quy chế đánh giá KH&CN cần dựa trên Luật KH&CN thông qua năm 2000 (điều 24: Đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN). Căn cứ vào luật này và các quy định pháp luật khác có liên quan trước hết cần làm rõ mục tiêu đánh giá, nguyên tắc đánh giá, quy định xây dựng tiêu chuẩn cho việc đánh giá, quy định tổ chức đánh giá, các quy định cho việc đánh giá các loại hình hoạt động KH&CN, thanh tra, giám sát và xử lý vi phạm pháp luật trong đánh giá KH&CN. Đây thực sự là một công việc nghiên cứu rất khó, đòi hỏi phải xây dựng nhiều văn bản, thử nghiệm, rút kinh nghiệm để sớm ban hành thực hiện. Hiển nhiên chúng ta có thể tiếp thu kinh nghiệm của nhiều nước đã có quy chế đánh giá KH&CN rất quy củ từ lâu.
Khi quy chế đánh giá KH&CN được xây dựng và đi vào cuộc sống thì chúng ta mới có nền tảng vững chắc để tạo lập và phát triển TTKHCN.
PV: Xin cám ơn Giáo sư!

  • Tags: