Thị trường lao động Việt Nam: Lắm cơ hội, nhiều thách thức

(Chinhphu.vn) - Người lao động Việt Nam phải được thông tin đầy đủ, từ lộ trình hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN, các lĩnh vực ngành nghề triển vọng, điều kiện đi làm việc ở nước ngoài, cũng như nhữ
Ảnh minh họa
Thêm nhiều cơ hội

Theo lộ trình, vào cuối năm 2015, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) sẽ hình thành. Với thị trường 600 triệu dân của ASEAN, là một trong những thành viên, Việt Nam sẽ có thêm nhiều cơ hội về thương mại, đầu tư, dịch vụ, việc làm.

Theo nhận định của Giám đốc Tổ chức Lao động (LĐ) quốc tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương, với sự hình thành của Cộng đồng này, việc làm trong các ngành xây dựng, vận tải, dệt may và chế biến thực phẩm sẽ có sự tăng trưởng mạnh mẽ nhất.

Tình hình trên đã tác động ngay và trực tiếp đến thị trường LĐ Việt Nam, nhiều ngành nghề đang biến động, lao động dịch chuyển giữa các ngành. Theo kết quả khảo sát của Bộ LĐTB&XH năm 2014, tốc độ dịch chuyển việc làm của người LĐ giữa các doanh nghiệp (DN) vào cuối năm diễn ra nhanh hơn so với những tháng đầu năm (20% so với 15%).  

Theo ông Trần Anh Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường LĐ TP. Hồ Chí Minh: Năm 2015, toàn TP dự kiến có 265.000 chỗ làm việc trống, trong đó có 120.000 chỗ làm việc mới.

Nhu cầu tuyển dụng LĐ có chất lượng và quản lý cấp cao ở các DN tăng so với các năm trước và yêu cầu hơn về chất lượng, trình độ, hạn chế về số lượng. Nhu cầu tuyển dụng tập trung nhiều vào các ngành nghề: Cơ khí, xây dựng, công nghệ thông tin, dịch vụ, y tế, du lịch, điện tử, điện - điện công nghiệp - điện lạnh… Riêng các khu công nghiệp, khu chế xuất có nhu cầu khoảng 30.000 người.

Báo cáo tại Hội thảo đánh giá kết quả thực hiện Nghị định 102/2013/NĐ-CP và những kiến nghị sửa đổi, bổ sung (ngày 27/1/2015) do Bộ LĐTB&XH phối hợp với Hiệp hội các Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) tổ chức tại Hà Nội cho thấy: Tính đến tháng 12/2014, cả nước có 76.309 LĐ nước ngoài (NN) đang làm việc. Trong đó, số LĐ không thuộc diện cấp phép là 5.610 người (chiếm 7,35%). LĐ nước ngoài đến từ 74 quốc gia (quốc tịch châu Á chiếm 58%, quốc tịch châu Âu chiếm 28,5%).

Nhưng sẽ rất cạnh tranh    

Điều đáng quan ngại là không phải mọi DN Việt Nam đều quan tâm, có thông tin về những cơ hội lớn này.

Trên buổi đối thoại trực tuyến do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức 1/2015, Chủ tịch Hội DN trẻ Hà Nội Lê Đức Sơn dẫn kết quả một khảo sát của Hội: 80% số DN được hỏi rất thờ ơ, không hề quan tâm đến hội nhập; chỉ 20% và phần lớn là DN quy mô lớn quan tâm.

Còn Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội Nguyễn Hồng Sơn nhận định, lĩnh vực gặp thách thức nhiều nhất sau sản xuất hàng hóa tiêu dùng khi hội nhập là LĐ. Song, ông đánh giá cho sự chuẩn bị của DN Việt Nam với AEC chỉ là "dưới 5 điểm" (thang điểm 10).

"Có tới 60% DN Việt Nam không biết gì về AEC. Chỉ 20% lực lượng LĐ ở Việt Nam có kỹ năng, bộ phận này sẽ dịch chuyển nhiều sang khu vực FDI hoặc sang các nước ASEAN khác. Ngược lại, một bộ phận LĐ có kỹ năng từ NN sẽ vào Việt Nam - ông Sơn nhận định.

Thực trạng đáng buồn hiện nay là ở các cuộc thi tay nghề ASEAN gần đây, LĐ Việt Nam thường đạt thứ hạng khá cao, nhưng hầu hết các DN của nhiều ngành nghề đều kêu than thiếu trầm trọng LĐ có kỹ năng, tay nghề. Tình trạng chảy máu chất xám là hiện hữu bởi các DN ASEAN và ASEAN+ có nhiều lợi thế, có kinh nghiệm, kỹ năng quản lý, ứng dụng công nghệ cao và các chính sách hấp dẫn sẽ thu hút nguồn lực chất lượng cao, nguồn lực trẻ của khu vực và thế giới.   

Các chuyên gia đánh giá, LĐ Việt Nam thiếu sức cạnh tranh còn bởi một điểm yếu cơ bản là năng suất lao động thấp. Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2014 dẫn: Những ràng buộc đối với tăng trưởng của VEPR cho thấy, năng suất trung bình của người LĐ Việt Nam thấp dưới một nửa so với Philippines, nhỉnh hơn một phần tư của Thái Lan, dưới một phần mười của Malaysia và chưa bằng 3% năng suất của Singapore. Nghĩa là trong khu vực chỉ khá hơn Lào, Campuchia.

TS. Nguyễn Đức Thành cho rằng, nguy cơ của nền kinh tế chỉ dựa vào LĐ giá rẻ và năng suất thấp sẽ dẫn đến Việt Nam sẽ không phải là một điểm đến hấp dẫn cho những dự án đầu tư mang tính tiên phong về công nghệ hoặc quy mô.

Do mức sống ở Việt Nam ngày càng đắt đỏ đã khiến tiền lương tăng nhanh hơn năng suất, làm xói mòn lợi thế LĐ giá rẻ trong khu vực. LĐ chất lượng thấp đồng nghĩa với sự kém đa dạng của các loại kỹ năng, khả năng sáng tạo cũng như hiệu quả tổ chức.

Theo chuyên gia Nguyễn Chí Hiếu, Nhà nước đóng vai trò then chốt trong nhiều khâu cơ bản: Ổn định kinh tế vĩ mô; đảm bảo hiệu quả pháp luật, môi trường kinh doanh, cạnh tranh; chính sách giáo dục-đào tạo và khoa học-công nghệ… Năng suất LĐ sẽ được cải thiện nếu từng DN quyết liệt nâng cấp công nghệ (du nhập và nghiên cứu-phát triển); cải thiện hệ thống quản lý và dây chuyền sản xuất; chú trọng nâng cao tay nghề cho người LĐ; dịch chuyển sang ngành nghề mang lại giá trị gia tăng cao hơn.