Biểu đồ tổng hợp của hãng tin Bloomberg trong ngày 23/9/2014 cho thấy, tính từ đầu năm đến nay, chỉ số giá các loại hàng hóa (Bloomberg Commodity Index) – đo lường sự biến động giá của 22 loại nguyên liệu thô – đã trượt giảm 5,6%. Trong đó, giá dầu thô Brent đã giảm 12% và chạm mức thấp nhất trong vòng 2 năm trở lại đây trong tuần trước; giá quặng sắt tại cảng Tần Hoàng Đảo, Trung Quốc sụt giảm mạnh 41% xuống mức thấp nhất kể từ năm 2009.
Giá hàng hóa sụt giảm cho thấy dấu hiệu thị trường lo ngạivề tăng trưởng kinh tế toàn cầu (Nguồn: Bloomberg.com)
Các số liệu tích cực về nền kinh tế Mỹ đã giúp chỉ số chứng khoán Standard & Poor’s 500 Index trong tháng này chạm mức cao nhất từng được ghi nhận và cũng giúp đồng USD tăng lên mức cao nhất trong vòng 4 năm trở lại đây so với 10 đồng tiền mạnh khác trong rổ tiền tệ. Tuy nhiên, giá hàng hóa lại đang ở mặt khác của thị trường khi giá nhiều loại nguyên liệu thô đi xuống do khu vực Châu Âu đang dựa nhiều hơn vào các biện pháp kích thích để gia tăng tốc độ phục hồi kinh tế cùng với đó là tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc ở mức thấp nhất trong vòng 24 năm trở lại đây. Trung Quốc hiện là quốc gia tiêu thụ quặng sắt và đậu tương lớn nhất thế giới. Giá hàng hóa cũng chịu tác động từ việc dự trữ dầu tăng cao và dự báo các vụ mùa thu hoạch bội thu với mức sản lượng nông sản cao kỷ lục.
Vào ngày 11/9/2014, Cơ quan năng lượng quốc tế nhận định, lượng dầu dự trữ tại các nước phát triển trong tháng 8 vừa qua có khả năng cao tăng cao gấp đôi so với mức thông thường của thời điểm này trong năm. Tập đoàn Morgan Stanley dự báo, tình trang dự cung cũng xảy ra với các kim loại bao gồm nikel và sắt trong năm 2014. Giá các loại nông sản: ngô, lúa mỳ và đậu tương, tính từ đầu năm đến nay, đã giảm 21% trong bối cảnh Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo sản lượng các vụ thu hoạch trên toàn cầu sẽ đạt mức cao kỷ lục.
Ông Daniel Briesemann, chuyên gia phân tích thuộc tập đoàn tài chính Commerzbank AG (Đức) nhận định: “Tình trạng bi quan cao xảy ra với các nhà đầu tư hàng hóa. Tất cả chúng ta đều thấy rõ tốc độ phục hồi kinh tế chậm chạp tại Châu Âu, trong khi đó tiến trình phục hồi kinh tế tại Mỹ diễn ra tương đối tốt. Còn với Trung Quốc, những lo ngại về tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước này đang ngày càng tăng cao và chúng ta có thể thấy điều này được phản ánh qua việc giá hàng hóa sụt giảm.” Hãng tin Bloomberg dự báo, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm 2014 sẽ chỉ đạt 7,4% - mức thấp nhất kể từ năm 1990.