Số liệu của Hải quan Trung Quốc cho biết, tổng kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc trong tháng 8/2014 đã giảm tháng thứ hai liên tiếp, giảm 2,4%. Điều này cho thấy nguy cơ nhu cầu sử dụng dầu của Trung Quốc sẽ giảm xuống trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế giảm tốc; qua đó làm trầm trọng thêm tình trạng dư cung dầu thô trên toàn cầu. Trung Quốc hiện là quốc gia sử dụng dầu thô lớn thứ hai thế giới, sau Mỹ. Theo dự báo của các chuyên gia kinh tế, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc có thể chỉ đạt 7,4% trong năm 2014; đây là tốc độ tăng trưởng thấp nhất của nước này kể từ năm 1990.
Tín hiệu tiêu cực từ nền kinh tế Trung Quốc đã tác động mạnh đến giá dầu thô trên thị trường thế giới. Vào lúc 21h09’ (ngày 8/9/2014, giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent đã giảm 1,23 USD/thùng tương đương 1,2% xuống mức 99,59 USD/thùng. Trong phiên giao dịch, đã có lúc giá dầu thô Brent giảm xuống chỉ còn 99,36 USD/thùng – mức giá thấp nhất trong ngày giao dịch kể từ ngày 1/5/2013. Trong khi đó giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) trên sàn NYMEX giảm 1,33 USD/thùng tương đương 1,4%, đạt 91,96 USD/thùng; giá dầu thô WTI cũng có lúc giảm chỉ còn 91,80 USD/thùng trong phiên giao dịch – mức thấp nhất kể từ ngày 14/8/2014.
Trong tháng 8/2014, Cơ quan năng lượng quốc tế cho biết, thị trường dầu thô tại Mỹ và Châu Âu đang đối mặt với nguy cơ dư thừa do mức tiêu thụ giảm và nguồn cung dầu thô từ Libya tăng trở lại.
Ông Mohamed Elharari, phát ngôn viên Tập đoàn dầu khí quốc gia Libya cho biết, sản lượng dầu thô của Libya hiện đạt 740.000 thùng/ngày, cao hơn mức trung bình tháng 400.000 thùng/ngày trong tháng 7/2014. Libya hiện là quốc gia có trữ lượng dầu thô lớn nhất Châu Phi. Theo ông Mohamed Elharari, Lybia hiện chịu “tác động tiêu cực” do giá dầu thô giảm và khối Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) cần sớm có hành động để ngăn đà giảm giá.