Đề xuất giảm nhập khẩu than chất lượng thấp của Trung Quốc có thể không được triển khai trong thời gian tới

Hãng tin Reuters cho biết, kế hoạch cắt giảm nhập khẩu than chất lượng thấp của Trung Quốc có thể sẽ không được triển khai trong thời gian sớm tới.

Bên cạnh đó, các chuyên gia nhận định tác động từ chính sách của Trung Quốc lên thị trường có khả năng sẽ được bù lại bằng việc nhu cầu sử dụng than của Ấn Độ tăng cao. 

Vừa qua, Hiệp hội ngành than quốc gia Trung Quốc (CNCA) đã đưa ra đề xuất, kêu gọi Chính phủ Trung Quốc ngừng nhập khẩu than chất lượng thấp, có hàm lượng tro cao hơn 15% và hàm lượng lưu huỳnh vượt mức 0,6%; Trung Quốc hiện là quốc gia nhập khẩu than lớn nhất thế giới. Các chuyên gia ngành than nhận định, đề xuất này sẽ gây thiệt hại lớn nhất cho các doanh nghiệp xuất khẩu than Australia; trong khi đó các doanh nghiệp xuất khẩu than Indonesia sẽ không chịu ảnh hưởng nhiều. Hiện phần lớn lượng than được Indonesia xuất khẩu là loại than có mức nhiệt lượng thấp.

Tuy nhiên, hãng tin Reuters dẫn lời ông Bob Kamadanu, chủ tịch Hiệp hội ngành than Indonesia cho biết, phần lớn lượng than được Indonesia xuất khẩu sang Trung Quốc là loại chất lượng thấp và có hàm lượng tro vượt quá 15%. Ông Kamandanu hiện chưa thể đưa ra đánh giá dự kiến tác động của đề xuất đối với hoạt động xuất khẩu hoặc hoạt động khai thác than của Indonesia. Bên cạnh đó, ông Kamandanu tỏ ý nghi ngờ việc thực thi đề xuất của Chính phủ Trung Quốc với nhận định Trung Quốc phụ thuộc nhiều vào loại than này.

Ngược lại, Hội đồng khoáng sản Australia cho biết hoạt động xuất khẩu than của Australia, nhìn chung, sẽ không chịu ảnh hưởng nhiều từ đề xuất trên. Do hàm lượng tro trung bình trong than nhiệt lượng xuất khẩu của Australia đạt từ 10 đến 12% và hàm lượng tro trung bình đạt từ 0,2 đến 0,5%.

Ngoài đề xuất của Hiệp hội than quốc gia Trung Quốc, Cơ quan quản lý năng lượng quốc gia Trung Quốc hiện đang nghiên cứu kế hoạch cấm các nhà máy điện nước này sử dụng than có hàm lượng tro vượt mức 16% và hàm lượng lưu huỳnh vượt 1% nhằm bảo vệ môi trường.

Ông Kamadanu cũng cho biết nếu như việc xuất khẩu than sang Trung Quốc bị đình trệ thì thị trường Ấn Độ có thể giúp ngành than Indonesia; Ấn Độ hiện cũng là một trong những bạn hàng ngành than lớn nhất của Indonesia. Theo ông Kamdanu, nhiều nhà máy điện tại Ấn Độ không đủ khả năng tự đảm bảo nguồn cung than trong vòng một tuần. Hiệp hội ngành than Indonesia dự báo Indonesia sẽ xuất khẩu được 350 triệu tấn than trong năm 2014 và 2015; trong đó, lượng than xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm gần 50%.

Tính từ đầu năm đến nay, giá than nhiệt lượng Newcastle được coi là giá than tiêu chuẩn Châu Á đã giảm 20%, đạt 69,69 USD/tấn vào ngày 29/8/2014 - chạm mức thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Nguyên nhân chủ yếu do dư thừa nguồn cung khi các mỏ khai thác mới đi vào hoạt động. Các mỏ than mới này được xây dựng trong giai đoạn nhu cầu sử dụng than tại Trung Quốc tăng cao. Tuy nhiên, tình trạng giảm tốc kinh tế, dư cung than trên thị trường nội địa cùng với các chính sách bảo vệ môi trường của Chính phủ Trung Quốc đã làm giảm nhu cầu sử dụng than của nước này và khiến ngành than Trung Quốc gặp nhiều khó khăn.

Giá than nhiệt lượng tiêu chuẩn của Trung Quốc đã giảm xuống kể từ cuối năm 2011 và hiện tiệm cận mức thấp nhất trong vòng 6 năm trở lại đây, đạt 77,75 USD/tấn.