Chính sách thương mại đầu tiên của Maldives đã được đưa ra vào năm 2003. Maldives đã đạt được các thành tựu lớn trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế gắn liền với phát triển quan hệ với các nước láng giềng. Maldives luôn theo đuổi con đường phát triển đất nước trong bối cảnh tự do về kinh tế, thương mại thông qua việc cải cách chính sách thương mại của mình.
Tháng 6 năm 2004, chính phủ Maldives đã thông báo, sẽ xây dựng Chương trình cải tổ chính trị, tiến trình mới trong cải tổ và hiện đại hóa thể chế dân chủ thông qua việc giới thiệu “ Lộ trình cho Cải cách”. Chương trình này đưa ra cách quản lý, thực hiện minh bạch dân chủ kết hợp với sự tham gia của mọi tầng lớp nhân dân nhằm phát triển đất nước. Chương trình này bao gồm: luật sửa đổi Thể chế dân chủ, cho phép hình thành các đảng phái chính trị và tham gia vào Hiệp ước nhân quyền của thế giới nhằm phù hợp với các Tiêu chuẩn luật pháp quốc tế cũng như thiết lập các thể chế độc lập.
Cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 10 năm 2008 đã đánh dấu sự khởi đầu cho kỷ nguyên dân chủ mới, và cuộc bầu cử tổng thống mang tính dân chủ, đa đảng đầu tiên tại Maldives. Tổng thống mới do đa số người dân Maldives bầu với nhiệm vụ tiếp tục thực hiện tiến trình cải tổ phương thức quản lý, đồng thời phải giữ gìn, bảo vệ và thúc đẩy các Lãnh đạo cấp cao của Maldives phấn đấu tiếp tục thực hiện nhiệm vụ phát triển và hiện đại hóa đất nước.
Trận sóng thần châu Á ngày 26 tháng 12 năm 2004 đã ảnh hưởng nặng nề đến môi trường kinh tế, xã hội của Maldives và cũng là sự kiện nổi bật được nhắc đến nhiều trong suốt giai đoạn vừa qua. Thảm họa này đã ảnh hưởng tời tốc độ tăng trưởng kinh tế của Maldives, trong đó ngành du lịch – ngành công nghiệp không khói mũi nhọn của Maldives ảnh hưởng nặng nề nhất. Chi phí thiệt hại trong vụ sóng thần này ước khoảng 470 triệu USD hay 62% GDP của cả nước. Tuy nhiên, tổn thất sẽ cao hơn nếu tính cả các chi phí về môi trường như đất trên đảo bị cuốn trôi, sạt lở dẫn đến Maldives bị thu hẹp về diện tích.
Mặc dù tổn thất về người là hạn chế, nhưng trận sóng thần năm 2004 đã xóa xổ 14 hòn đảo có người sinh sống và hơn 15.000 người bị mất nhà cửa. Sau vụ sóng thần, nhiều cư dân sống trên các đảo đã lâm vào tình trạng căng thẳng về tinh thần, tổn hại về sức khỏe, mất tài sản cũng như đe dọa về tính mạng.
Đồng thời trận sóng thần 2004 đã gây tác hại nghiêm trọng đến kinh tế của Maldives, chủ yếu là du lịch và ngành đánh bắt hải sản do phải đóng cửa ¼ khu nghỉ mát cao cấp và bị phá hủy đến 8% các thuyền bè đánh bắt cá. Thậm chí 6 tháng sau vụ sóng thần, các khu nghỉ mát vẫn chỉ hoạt động được một nửa so với thời kỳ trước sóng thần, các nhân viên làm việc tại đây cũng bị giảm thu nhập. Ngoài ra, các tác hại gây ra cho ngành đánh bắt cá truyền thống chính là giảm sản lượng đánh bắt trong năm 2005.
Đã nhiều năm kể từ trận sóng thần 2004, Maldives vẫn đang trong tiến trình tái xây dựng đất nước, đặc biệt là khôi phục các ngành kinh tế.
II. Chính sách tài chính và chính sách công
Chính phủ Maldives đang nỗ lực trong việc phát triển kinh tế, mở rộng chính sách về tài chính và chính sách công. Hiện nay, tại Maldives có khoảng hơn 20 các doanh nghiệp nhà nước, chủ yếu tập trung vào các ngành dịch vụ và hàng hóa. Các doanh nghiệp này hoạt động dựa trên sự quản lý của các Bộ, ngành trong nước.
Tháng 11 năm 2008, Chính phủ Maldives đã thông qua các văn kiện về việc không can thiệp nhiều vào các hoạt động thương mại của các doanh nghiệp và sẽ cổ phần hóa dần các doanh nghiệp này. Tổng công ty Hàng không Maldives chính là công ty đầu tiên được cổ phần hóa. Lý do chính cho sự thay đổi chính sách này nhằm tăng hiệu quả, minh bạch và nâng cao trách nhiệm về tài chính của các công ty này. Ngoài ra cũng là giảm đi khoảng cách giàu nghèo giữa người dân trong cả nước.
Tốc độ tăng trưởng về thu ngân sách giai đoạn từ 2003-2005 đạt mức trung bình 12% và tăng mạnh năm 2006-2007 lên 40% . Tuy nhiên đến năm 2008 và 2009 do khủng hoảng tài chính toàn cầu nên tôc độ tăng về doanh thu đã giảm xuống 9%. Năm 2012, nước này thâm hụt ngân sách ở mức 12,6%.
Do thiếu đi các ngành công nghiệp và sản xuất nên tiêu dùng của Maldives dựa chủ yếu vào nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài.
III. Chính sách thương mại
Malidive, một nước nằm ở vị trí chiến lược giữa Ấn Độ Dương, bắt đầu hội nhập kinh tế thế giới từ thế kỷ thứ 10, khi các thương nhân tại vùng Ả - rập đến nước này buôn bán. Các hàng hóa có được tại Maldives chủ yếu là các loại hoa quả và thủy sản như: lê, gia vị, dừa, cá khô, vỏ sò…
Mục tiêu chính trong Chính sách Thương mại của Maldives là thiết lập môi trường thương mại lành mạnh, tập trung vào đa dạnh hóa kinh tế, thương mại định hướng xuất khẩu về dịch vụ, phát triển công nghiệp. Maldives hiện đang thực hiện chính sách thương mại tự do với mức thuế thấp và hạn chế hàng rào phi thuế.
Hiện nay, hàng hóa nhập khẩu của Maldives chiếm hơn 75% trong tổng thương mại về hàng hóa. Thương mại hàng hóa chiếm 20% GDP của cả nước. Thương mại hàng hóa và dịch vụ bằng xấp xỉ 150% GDP.
IV. Kinh tế Maldives
1. Tăng trưởng kinh tế và xuất nhập khẩu
Nền kinh tế Maldives đã phát triển tương đối nhanh sau vụ sóng thần 2004. Thu nhập trên đầu người và tăng trưởng GDP của Maldives đã tăng một cách đáng kể. GDP tăng trung bình hơn 4% từ 2008-2011. Mức tăng này nhờ sự hỗ trợ mạnh mẽ của ngành du lịch sau vụ sóng thần và sự bùng nổ ngành công nghiệp xây dựng. Năm 2012, GDP tăng 3,5%, đạt mức 2,2 tỷ USD. Lạm phát ở mức 5,1%.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2012 đạt 1,68 tỷ đô la Mỹ, trong đó xuất khẩu là 283 triệu USD, giảm 10% so với năm 2011, kim ngạch nhập khẩu 1,4 tỷ USD, tăng 7%.
Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Maldives gồm có: hải sản, dệt may, dừa, thủ công mỹ nghệ….
Các đối tác nhập khẩu chính là Pakistan, Srilanka, Đức, Anh, Mỹ, Thái Lan, UAE, Pháp, Italia, Singapore, Malaysia, Ấn Độ…
Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu gồm có: các sản phẩm công nghiệp, máy móc và thiết bị, các loại thực phẩm thiết yếu, tàu thủy, xăng dầu…
Các đối tác xuất khẩu chính sang Maldives là Thái Lan, Anh, Pháp, I-ta-li a, Srilanka …
Ngoài ra, Maldives vẫn còn duy trì và phát triển một số ngành nghề công nghiệp truyền thống như: dệt, thảm, đồ gỗ sơn, mỹ nghệ và xe sợi. Các ngành công nghiệp mới xuất hiện gồm in, sản xuất ống PVC, polyvinyl, gạch, sửa chữa động cơ thủy, nước đóng chai, và dệt may….
2. Dịch vụ:
Dịch vụ phát triển đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển tổng thể nền kinh tế Maldives, chiếm 80% GDP của cả nước, trong đó chỉ tính riêng du lịch đã chiếm 28% GDP và hơn 60% nguồn thu ngoại tệ của đất nước. Đây cũng là nguồn thu ngoại tệ lớn nhất của Maldives. Ngoài ra, ngành du lịch đã giúp việc sử dụng trực tiếp và gián tiếp nguồn nhân lực cũng như tạo ra các cơ hội thu nhập trong những ngành công nghiệp liên quan khác.
3. Công nghiệp
Ngành công nghiệp của Maldives chiếm 17% GDP của cả nước, tập trung chủ yếu vào ngành may mặc, đóng tàu và thủ công mỹ nghệ…
Ngành đánh bắt hải sản là một trong hai ngành kinh tế mũi nhọn và là nghề chính của người dân Maldives, chiếm 15% Tổng sản phẩm quốc nội (GNP) và sử dụng 30% nguồn nhân lực. Hơn 60% sản lượng đánh bắt được dành cho xuất khẩu, trong đó cá ngừ đại dương chiếm 90%, được xuất khẩu sang các thị trường Sri Lanka, Hồng Kông, Thái Lan và châu Âu…. Cá ngừ chế biến dưới các hình thức cá ngừ tươi, đóng hộp, khô, ướp muối, ướp đá….Đây cũng là lĩnh vực mang lại nguồn ngoại tệ nước ngoài lớn thứ hai sau du lịch. Do đó, hiện nay chính phủ Maldives đang có những ưu đãi đặc biệt cho sự phát triển lĩnh vực này,
4. Nông nghiệp:
Maldives là quốc gia bằng phẳng nhất thế giới, với mức đất chỉ là 2.3m cao hơn mực nước biển và đất đai tương đối cằn cỗi. Trong thế kỷ qua, mực nước biển đã tăng khoảng 20 cm. Đại dương dường như đang tiếp tục tăng cao và đe doạ sự tồn tại của Maldives. Chính điều này đã hạn chế ngành nông nghiệp phát triển. Ngành này chỉ chiểm 3% GDP của cả nước. Một số sản vật nổi tiếng của Maldives như: dừa, chuối, trái sa kê, đu đủ, xoài, khoai sọ, ớt, khoai tây ngọt, và hành tây. Do đó hầu hết lương thực, thực phẩm thiết yếu đều phải nhập khẩu từ nước khác.
V. Quan hệ thương mại giữa Việt nam – Maldives những năm gần đây
Kim ngạch Xuất-Nhập khẩu Việt nam – Maldives
từ 2009 – 9 tháng 2013
Đơn vị: nghìn USD
Năm
Tổng kim ngạch
Xuất khẩu
Nhập khẩu
2009
1.874
1.828
46
2010
576
505
71
2011
1870
1.506
364
2012
1835
1.813
22
9T-2013
2.651
2.605
46
Nguồn: Tổng cục Hải quan Việt Nam
Trong cơ cấu ngoại thương với Maldives, Việt Nam luôn ở thế xuất siêu. Năm 2009, tổng kim ngạch hai chiều đạt 1,874 triệu USD trong đó xuất khẩu của Việt nam sang Maldives đạt 1,828 triệu USD. Năm 2010, do ảnh hưởng của cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ và khủng hoảng về chính trị giữa các đảng phái khiến cho nền kinh tế của Maldives trở nên trì trê, hoạt động thương mại kém hiệu quả và linh hoạt. Chính điều này đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến thương mại hàng hóa giữa Việt nam và Maldives. Năm 2010, xuất khẩu của Việt Nam sang Maldives giảm 261%, đạt 505 nghìn USD, nhập khẩu giảm 35,22%, đạt 71 nghìn USD.
Năm 2011, tình hình kinh tế chính trị của nước này đang dần trở lại ổn định. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Maldives đã đạt 1,506 triệu USD, tăng 198% so với năm trước. Năm 2012, kim ngạch xuất khẩu sang Maldives đã đạt khoảng 1,813 triệu USD, tăng 20,3% so với năm 2011. Chỉ tính riêng 9 tháng năm 2013, kim ngạch xuất khẩu đã đạt 2,605 triệu USD, tăng 112% so với cùng kỳ năm trước.
Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu gồm: gạo, nước uống các loại đóng chai, hàng hóa khác, hàng hải sản, gỗ và sản phẩm gỗ , sản phẩm sắt thép, sản phẩm hóa chất…
Theo chủ trương của Chính phủ Maldives từ năm 2011, nước này sẽ cơ cấu lại ngành du lịch, nâng cấp ngành công nghiệp đánh bắt thủy sản và cơ sở hạ tầng nên dự báo nhu cầu nhập khẩu chủ yếu hiện nay của Maldives là các loại sản phẩm về sắt thép, gỗ, các loại máy móc, linh kiện phụ tùng điện tử…Ngoài ra, do du lịch phát triển và các sản phẩm tiêu dùng thiết yếu đều chủ yếu dựa vào nhập khẩu nên hàng nông nghiệp của Việt nam cũng có khả năng thâm nhập nhiều hơn nữa vào thị trường này.
Nhìn chung, quan hệ thương mại giữa Việt Nam – Maldives tuy không nhiều do dung lượng thị trường nhỏ nhưng trong tương lai với lợi thế cạnh tranh đối với hàng nông sản, Việt nam có khả năng tiếp cận sâu hơn nữa thị trường này. Hiện nay, một số mặt hàng mới của Việt Nam đang dần có mặt tại thị trường Maldives như gạo, nước uống các loại đóng chai, sản phẩm hóa chất, phương tiện vận tải…