Siêu lợi nhuận từ hàng giả
“Mua mỹ phẩm dễ như mua rau” tại các chợ Sài Gòn, đây là câu khẳng định của 1 người bán hàng trong chợ Hạnh Thông Tây, quận Gò Vấp. Theo chỉ dẫn của người này, chúng tôi không quá khó để mua được một cây son “chính hãng giả”, của một thương hiệu lớn với giá rất rẻ được bày bán ngang nhiên tại chợ. Bất chấp về những hiểm họa, người bán cứ bán, người mua cứ mua dù biết đó là hàng nhái, hàng kém chất lượng.
Những mẫu son được làm giả đa số là các dòng son được giới trẻ săn tìm như: son Mac, son 3CE, son Kylie, son kem Bourjois Rouge Edition Velvet, son Chu Lipstick (son Chu)...
Ghi nhận tại chợ Hạnh Thông Tây (Q. Gò Vấp), chợ Phạm Văn Hai (Q. Tân Bình)... hàng ngàn biển quảng cáo bắt mắt cùng những chiêu trò “Đại hạ giá”,“ Giảm giá cực sốc”, “Sale 50 – 70%” tràn lan khắp chợ. Tại một sạp hàng có diện tích chưa đầy 4m2, những kệ hàng được phủ kín với đủ loại mỹ phẩm, trong nước hay nhập khẩu từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan... khi khách hàng hỏi đến thì đều sẵn có. Trên bao bì của nhiều loại mỹ phẩm không có tem nhãn của nhà sản xuất, không ghi rõ thành phần, hạn sử dụng...
Dễ dàng mua được những thỏi son của các hãng mỹ phẩm nổi tiếng với giá chỉ từ 30.000 tại các chợ trên địa bàn TP. HCM“Cửa hàng của chị có 2 loại son Chu, son có tem với giá là 180.000 đồng, son không tem với giá 85.000 đồng. Ngoài ra các loại son khác như Mac, 3CE giá chỉ từ 30.000 – 90.000 đồng”, một người bán hàng tại chợ Hạnh Thông Tây tư vấn khách mua hàng. (Giá thực của loại son giả này chỉ có giá từ 10.000 đến 15.000đ tùy thương hiệu - Phóng viên)
Theo giải thích của những người bán hàng nơi đây, sở dĩ sản phẩm được bán giá rất rẻ vì là hàng fake (hàng giả) có chất lượng tương đương sản phẩm chính hãng.
Không dừng lại ở đó, người bán còn dùng son bôi thử lên môi để kiểm định chất lượng và độ lì của son nhằm tạo thêm niềm tin cho khách hàng. Mặc dù biết rõ đây là hàng fake nhưng khách hàng vẫn mua không chút do dự.
Các loại mỹ phẩm không rõ nguồn gốc được bán với giá rẻ như cho“Những mẫu bị lỗi tem nên chị chỉ lấy son lẻ, đây là các son chính hãng được nhập từ nước ngoài nên các em yên tâm dùng, bảo đảm son không trôi, không độc hại mà còn dùng mượt môi” đấy là những lời mời chào của chủ một cửa hiệu bán son trong chợ Phạm Văn Hai (Q.Tân Bình).
Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi đến xuất xứ thì chủ cửa hàng khẳng định 100% là hàng nước ngoài xách tay về Việt Nam, đảm bảo chất lượng. Nhưng khi được yêu cầu chứng minh thì các cơ sở mỹ phẩm trên chưa đưa ra được nguồn gốc các “Son hàng hiệu”, đồng thời người bán còn tỏ thái độ khó chịu, nghi ngờ, lánh mặt.
Chị H.L chuyên nhập son và các loại mỹ phẩm về bán lại cho hay: “Giá nhập hàng son môi này rất rẻ, vì là hàng Fake. Chị lấy hàng này được hơn 3 năm, khi lấy về bán là có lời, giá thật của mỗi thỏi son này chỉ 20.000 - 90.000đ, khi về bán rẻ hơn 1 chút so với hàng chính hãng sẽ hút được khách”.
Thâm nhập “kho” son Fake giá rẻ
Trong vai người mua hàng online để đặt mỹ phẩm, phóng viên đã tiếp cận được “các con buôn”, không một chút ngần ngại, họ ngang nhiên mời chào khách hàng bằng những lời nói có cánh để quảng cáo cho sản phẩm giả của mình, thậm chí họ còn dùng hình ảnh của những người nổi tiếng cùng với sản phẩm thật.
Khi được hỏi đến nguồn gốc thì họ có vô vàn câu trả lời rằng “Hàng chính hãng do người nhà mình ở nước ngoài gửi về hay nhập hàng sỉ ở các công ty mỹ phẩm uy tín”. Hơn thế nữa, họ còn đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi, tặng thưởng, giảm giá cực sốc để thu hút người mua hàng.
Trên một website mua bán linh kiện giá sỉ, người mua hàng chỉ cần bỏ ra khoảng 50.000 đồng là có thể mang về cho mình 1 món mỹ phẩm của các thương hiệu như: MAC, 3CE, NYX, Innisfree,… Thậm chí có sản phẩm còn được bán với giá chưa đến 15.000 đồng. Tìm hiểu tại các cửa hàng chính hãng, giá bán của những sản phẩm trên không dưới 300.000 đồng.
Không ai biết bên trên tầng trệt của ngôi nhà là gì? Các sản phẩm bắt nguồn từ đâu? Mặc định, khách hàng đến đây chỉ “nhận hàng và ra về - không đổi trả, không kì kèo” hết sức nhanh chóngCó mặt trong căn nhà không số cuối đường số 40, phường 10, quận 6, không ai có thể nghĩ rằng nơi đây là “kho chứa hàng giả khổng lồ” của các công ty mỹ phẩm nổi tiếng. Tại đây, mặc dù cửa hàng không có biển hiệu, bảng giá... nhưng khách mua hàng vào ra liên tục. Những thỏi son và các loại mỹ phẩm đặt ngổn ngang, bên trong từng thùng hàng giấy phủ kín dưới sàn nhà.
Khách đến đây chỉ nhận tờ giấy đặt hàng, sau khi ghi đầy đủ các mặt hàng cần mua, người khách mang phiếu đặt hàng đưa nhân viên và quay về ghế ngồi chờ để nhận hàng. Không ai biết bên trên tầng trệt của ngôi nhà là gì? Các sản phẩm bắt nguồn từ đâu? Mặc định, khách hàng đến đây chỉ “nhận hàng và ra về - không đổi trả, không kì kèo” hết sức nhanh chóng.
Theo ghi nhận, khách quen thường xuyên đến đây lấy hàng với số lượng nhiều về bán lại tại các siêu thị nhỏ, cửa hàng mỹ phẩm của họ. Giá sỉ nhập về của các mặt hàng này chỉ từ 10.000 - 50.000 đồng. Nhưng với nhãn mác là hàng chính hãng, khi tới tay người tiêu dùng thì giá của nó lại tăng lên hàng chục lần. Chính vì tính siêu lợi nhuận đã làm cho các thương hiệu mỹ phẩm nổi tiếng trở thành mặt hàng thông dụng trôi nổi trên thị trường Việt.
Điều đáng nói, người bán hàng biết rằng đây là hàng giả, hàng nhái có thể gây nguy hại đến sức khỏe con người. Tuy vậy, họ mặc nhiên không quan tâm đến vấn đề này, người bán vẫn cứ ngang nhiên bán còn người mua vẫn cứ thoải mái dùng. Liệu cái giá phải trả cho sức khỏe của người tiêu dùng có rẻ như những thỏi “son hàng hiệu” này không ?./.
PV TCCT sẽ tiếp tục cập nhập thông tin về thị trường son môi giả, cơ quan quản lý nói gì, son giả ảnh hưởng như thế nào đối với các thương hiệu lớn... trong những bài tiếp theo.