Bức tranh tiền tệ quốc tế mới đang định hình với sự xuất hiện của một nhân vật mới trong rổ tiền tệ quốc tế - đồng CNY. Chỉ có điều số phận của đồng tiền này trong năm 2016 quá khó lường do chính sách kinh tế vĩ mô chưa rõ nét của Trung Quốc và các dự báo về kinh tế toàn cầu vẫn còn nhiều ẩn số. Dòng vốn đã âm thầm chảy ngược trở về các nước phát triển từ năm 2013, khi sức hấp dẫn các thị trường mới nổi giảm dần…
Đôla Mỹ (USD) đã tăng giá so với hầu hết các đồng tiền khác trong năm 2015. Nhưng đến tháng 12/2015, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) lại tăng lãi suất lần đầu sau gần một thập kỷ khiến đồng tiền này càng mạnh hơn và các chuyên gia của nhiều tổ chức tài chính lớn trên thế giới dự báo cả 10 đồng tiền chủ chốt ở khu vực châu Á sẽ mất giá so với đồng USD năm thứ ba liên tiếp trong 2016. Điều này rất dễ hiểu, bởi trong bối cảnh thị trường hàng hóa quốc tế đi xuống và kinh tế thế giới nhiều bất ổn, đồng Đôla Mỹ sẽ quay trở về vai trò của một “đồng tiền trú ẩn an toàn”.
Nhân dân tệ (CNY) giảm giá sẽ ảnh hưởng đến tỷ giá của các đồng tiền trong khu vực và của các nền kinh tế mới nổi trên toàn thế giới. “Đến thời điểm hiện tại, đồng CNY của Trung Quốc đã vượt qua USD về ảnh hưởng đối với các đồng tiền châu Á. Mức độ nhạy cảm của châu Á đối với đồng CNY đã gia tăng.” (Theo Claudio Piron - Trưởng bộ phận chiến lược tiền tệ và lãi suất thuộc Ngân hàng Bank of America ở Singapore). Trong tháng 12/2015, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) đã giảm tỷ giá tham chiếu đồng CNY 1,3%, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 8/2015 khi tỷ giá tham chiếu bị PBoC giảm 4,4% chỉ trong 3 ngày. Ngày 14/12/2015, PBoC công bố một chỉ số mới gồm 13 đồng tiền làm thước đo tỷ giá cho đồng CNY khiến giới đầu tư lo ngại CNY sẽ giảm giá sâu, gây lên xáo trộn lớn trên thị trường chứng khoán Trung Quốc ngay những phiên đầu năm 2016. Kết quả là Trung Quốc buộc phải đưa ra các giải pháp tình thế như bơm thêm Đôla Mỹ ra thị trường và lệnh tự động dừng giao dịch chứng khoán để chặn đà tháo chạy của dòng vốn ra khỏi thị trường Trung Quốc.
Đồng tiền của các đối tác thương mại của Trung Quốc tại châu Á được dự báo sẽ mất giá mạnh nhất trong năm tới. Đồng Rupiah (IDR) của Indonesia, đồng Won (KRW) của Hàn Quốc, và đồng Đôla Singapore (SGD) sẽ mất giá mạnh nhất ở châu Á trong năm tới. Theo Bloomberg, là những nước hướng về xuất khẩu, họ buộc phải giảm giá đồng nội tệ để hỗ trợ xuất khẩu. Trong năm 2015, các đồng tiền của 24 nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới, trừ đồng Đôla Hồng Kông, đều mất giá so với USD do tăng trưởng kinh tế giảm tốc, giá hàng hóa cơ bản giảm, và Mỹ tăng lãi suất vào cuối năm.
Đồng Rupee (INR) của Ấn Độ được dự báo sẽ mất giá ít nhất do tăng trưởng kinh tế Ấn Độ khả quan hơn các nước BRIC khác trong năm 2016. Ấn Độ cũng sẽ được lợi nhiều từ giá dầu giảm. Năm 2015, dự trữ ngoại hối của Ấn Độ thậm chí tăng 11% lên mức 328 tỷ USD trong bối cảnh nhiều nước khác bị sụt giảm.
Đồng Rúp Nga: Kể từ khi giá dầu bắt đầu giảm vào quý 2 năm 2014, đồng Rúp liên tục mất giá so với đồng USD và trở thành đồng tiền giao dịch phổ biến bị mất giá nhất trong năm 2015. Thâm hụt ngân sách, dự trữ ngoại hối giảm khiến niềm tin của giới đầu tư vào sự hồi phục của đồng tiền này trong năm 2016 cũng mong manh hơn. Nếu Nga không có những động thái đủ mạnh để ổn định kinh tế vĩ mô, đồng tiền này sẽ có một năm “lênh đênh theo giá dầu”.
Đồng Euro sẽ mất giá so với USD nếu Ngân hàng Trung ương châu Âu tiếp tục nới lỏng tiền tệ với các gói kích thích tăng trưởng mạnh hơn trong năm 2016. Từ một năm rưỡi trở lại đây, các tập đoàn của Mỹ đã coi đồng Euro như nguyên nhân chính khiến hàng hóa của Mỹ trở nên đắt đỏ hơn ở châu Âu. Sự trái chiều giữa chính sách tiền tệ chặt hơn của Mỹ và chính sách tiền tệ lỏng của châu Âu khiến tỷ giá càng là vấn đề lớn hơn. Tuy nhiên, vấn đề lớn hơn đối với đồng tiền này còn là việc duy trì “một cỗ xe” do nhiều đầu kéo với mã lực và hướng chạy khác nhau.
Đồng Yên Nhật khó mạnh lên trong năm 2016 mặc dù Nhật Bản tuyên bố đã thoát khỏi giảm phát. Mục tiêu lớn nhất của Nhật Bản hiện nay là tìm lại đà tăng trưởng, do đó họ có thể sẵn sàng giữ đồng Yên ở giá thấp để hỗ trợ kinh tế.