Tính tới cuối năm 2018, đã có 13,1 nghìn tỉ USD trái phiếu bằng đồng nội tệ đang lưu hành tại thị trường Đông Á mới nổi, cao hơn 2,4% so với thời điểm cuối tháng 9 năm 2018 và nhiều hơn 11,9% so với cuối năm 2017.
Lợi suất trái phiếu đã giảm trong khi tỉ lệ nắm giữ của khối ngoại gia tăng tại hầu hết các thị trường. Tuy vậy, đầu tư nước ngoài vào trái phiếu bằng đồng nội tệ tại Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (CHND Trung Hoa) đi ngược với xu hướng của khu vực. Tỉ lệ nắm giữ của khối ngoại trong thị trường CHND Trung Hoa đã giảm từ mức 5,1% vào cuối tháng 9 năm 2018 xuống còn 5% vào cuối tháng 12 năm 2018, đảo ngược xu hướng gia tăng kể từ năm 2016, do tốc độ tăng lãi suất của Mỹ chậm lại và sự sụt giá đồng nhân dân tệ.
Chuyên gia Kinh tế trưởng của ADB, ông Yasuyuki Sawada, nhận định: “Gần đây, những nguy cơ đối với sự ổn định tài chính tại Đông Á mới nổi đã phần nào giảm bớt. Tuy nhiên, vẫn còn một số yếu tố bất định, đáng chú ý là cuộc xung đột thương mại chưa được giải quyết giữa CHND Trung Hoa và Hoa Kỳ, việc nước Anh rời khỏi Liên minh Châu Âu với nhiều hỗn loạn tiềm tàng, và sự giảm sút đà tăng trưởng toàn cầu. Sự gia tăng nhanh chóng nợ tư nhân trong thập niên vừa qua cũng có thể gây thiệt hại tới các nền kinh tế và sự ổn định tài chính trong khu vực”.
Làn sóng biến động tài chính gây bất ổn cho các thị trường mới nổi năm ngoái đã lắng xuống trong những tháng gần đây. Các thị trường dễ tổn thương như Ác-hen-ti-na và Thổ Nhĩ Kỳ đang đang có dấu hiệu ổn định. Một yếu tố then chốt đằng sau sự ổn định của các thị trường mới nổi ở Châu Á cũng như các nơi khác, vốn được thấy rõ trong sự ổn định của tỉ giá hối đoái tại các thị trường này, chính là sự điều tiết dự kiến trong tốc độ tăng lãi suất của Cục dự trữ liên bang Mỹ. Mặc dù có những tiến triển tích cực này, căng thẳng thương mại toàn cầu đang tiếp diễn và các rủi ro bất lợi lớn khác cho thấy sự bất định trên toàn cầu vẫn đang gia tăng.
CHND Trung Hoa vẫn có thị trường trái phiếu bằng đồng nội tệ lớn nhất tại Đông Á mới nổi vào cuối năm 2018, với 9,453 nghìn tỉ USD trái phiếu đang lưu hành, chiếm 72,2% tổng thị trường khu vực. Tại Châu Á nói chung, chỉ thị trường của Nhật Bản là có giá trị lớn hơn với ước tính đạt 10,668 nghìn tỉ USD.
Thị trường trái phiếu bằng đồng nội tệ của Việt Nam là thị trường duy nhất tại khu vực Đông Á mới nổi bị thu hẹp trong quý IV năm 2018, giảm 5,3% với giá trị đồng nội tệ tương đương 51 tỉ USD tính tới cuối năm 2018. Sự sụt giảm này chủ yếu là do mức giảm 6,2% của thị trường trái phiếu chính phủ trong quý IV khi tất cả tín phiếu ngân hàng nhà nước đang lưu hành đáo hạn vào cuối tháng 12 năm 2018.
Tuy nhiên, tính chung cả năm 2018, thị trường trái phiếu bằng đồng nội tệ của Việt Nam đã tăng 9,3% tính theo giá trị đồng nội tệ. Điều này được hỗ trợ bởi mức tăng 29,4% của thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong năm ngoái, lên mức 4 tỉ USD.
Trong một phần đặc biệt, báo cáo đã lưu ý tiềm năng phát triển của các thị trường trái phiếu xanh, mà tiền thu về được sử dụng cho các khoản tài trợ môi trường hoặc khí hậu. Trong giai đoạn 2016 tới 2018, việc phát hành trái phiếu xanh của khu vực này chủ yếu bằng đồng nhân dân tệ Trung Quốc, chiếm tới 46% tổng giá trị trái phiếu xanh của các thị trường mới nổi. Trái phiếu xanh bằng đồng rupi Ấn Độ chiếm 2% tổng giá trị.
Một phần khác của báo cáo lưu ý rằng nợ có xu hướng đắt hơn tại các thị trường dễ bị ảnh hưởng hơn bởi biến đổi khí hậu. Chi phí nợ cao hơn có nghĩa là các dự án để giảm thiểu tác động vật chất của biến đổi khí hậu cũng sẽ tốn kém hơn.
Khu vực Đông Á mới nổi bao gồm Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa; Hồng Kông (Trung Quốc); In-đô-nê-xia; Hàn Quốc; Ma-lai-xia; Phi-lip-pin; Xing-ga-po; Thái Lan và Việt Nam.