THẾ GIỚI ĐỨNG TRƯỚC THẢM HỌA MÔI TRƯỜNG KHÔNG THỂ ĐẢO NGƯỢC
Hằng năm, con người khai thác và sử dụng hàng tỷ tấn than đá, dầu mỏ, khí đốt… làm cho bầu khí quyển của chúng ta bị ô nhiễm, tạo nên sự ngột ngạt và hiện tượng “sương mù” hay các cơn mưa acid là điều tất yếu xảy ra, làm hủy diệt môi trường sinh thái và gây nhiều bệnh tật cho con người. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm có đến 7 triệu người tử vong do sự thay đổi khí hậu gây ra. Điều đó sẽ làm trái đất rơi vào một kỷ nguyên suy giảm mạnh mẽ sự đa dạng về sinh học và khiến nhiều giống loài trên trái đất bị tuyệt chủng trong vài thế kỷ tới.
Theo báo cáo của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) thuộc Liên hiệp quốc, tình trạng trái đất nóng lên sẽ làm mất cân bằng sinh thái và các nước nghèo trên thế giới sẽ là quốc gia gánh chịu đầu tiên. Các chuyên gia về khí tượng cũng cảnh báo, nhiệt độ khí hậu toàn cầu sẽ tăng nhanh từ 1,8-40C trong thế kỷ này (có thể làm cho 2 triệu người chết sớm mỗi năm trên toàn thế giới); mực nước biển sẽ tăng 18-59 cm; các đô thị lớn của châu Á sẽ chịu cảnh lụt lội do nước sông hồ dâng cao; khoảng 20-30% các loài có nguy cơ tuyệt chủng… Tình trạng này sẽ kéo theo nhiều hệ quả nghiêm trọng như bão tố, cuồng phong, bão nhiệt đới mạnh hơn, hỏa hoạn, hạn hán và dịch bệnh đều có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Theo đó, những núi băng ở Himalaya sẽ tan biến, các rạn san hô ở Indonesia sẽ bị tan vỡ, các đảo quốc nhỏ như Phigi, Samoa và Vanuatu sẽ bị thiệt hại hàng năm lên tới 7% GDP, một số quốc gia có thể mất đi hoàn toàn. Trong đó, Việt Nam bị đánh giá là quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất của việc biến đổi khí hậu ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó sẽ có 22 triệu người phải di dời, khoảng 1/5 dân số sẽ mất nhà và 45% diện tích đất nông nghiệp ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long bị phá hủy.
CẢNH BÁO ĐỐI VỚI MÔI TRƯỜNG VIỆT NAM
Việt Nam có lịch sử lâu dài đối phó với thiên tai và có nhiều biện pháp ứng phó khi có thiên tai xảy ra. Cùng với sự phát triển kinh tế và quá trình CNH-HĐH, tình trạng ô nhiễm không khí đang gia tăng ở Việt Nam. Trong đó, Hà Nội, TP.HCM gánh chịu nhiều nhất và hai thành phố này bị đánh giá là hai thành phố bị nhiễm bụi hàng đầu ở châu Á .
Hàng năm, Việt Nam có khoảng hơn 1 triệu ha rừng bị tàn phá, hàm lượng khí CO2 trong bầu khí quyển đang cao hơn bất cứ thời kỳ nào trong suốt hơn 600 năm qua. Cụ thể, năm 2006, Việt Nam đã phải chịu 10 trận bão lớn, riêng hai cơn bão Chanchu và Xangsane đã ảnh hưởng trực tiếp và gây thiệt hại nặng nề cho ngành Chế biến thủy sản các tỉnh ven biển miền Trung, trong đó, 3.974 ha đầm nuôi cá, tôm bị ngập kéo theo 494 tấn cá tôm bị phá hủy, 951 tàu thuyền đánh cá bị chìm, ước tính thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng. Chỉ tính riêng tháng 11/2007, do ảnh hưởng của bão số 7, áp thấp nhiệt đới trên biển Đông và ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc hoạt động mạnh, đã làm hạn chế lớn đến các hoạt động khai thác thủy sản của nước ta.
Các nhà khí tượng Việt Nam tiên đoán đến năm 2050, mực nước biển sẽ xâm thực ngày càng sâu vào nội địa Việt Nam và đây là mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với môi trường thiên nhiên cũng như các khu dân cư ở vùng ven biển. Theo tính toán, nếu mực nước biển trên thế giới dâng cao thêm 1 m thì Việt Nam sẽ chịu mức thiệt hại lên tới 17 tỷ USD mỗi năm; 1/5 dân số sẽ bị mất nhà cửa; 12,2% diện tích đất đai màu mỡ nhất của Việt Nam có thể bị mất đi… Cùng với đó là 40.000 km2 đất đồng bằng và 17 km2 đất ven biển tại những tỉnh chịu ảnh hưởng nhiều nhất thuộc Đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị lũ lụt ở mức độ nghiêm trọng chưa từng thấy từ trước đến nay.
Đứng trước tình hình này, Chính phủ ta đã có nhiều biện pháp để khắc phục. Theo đó, Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2008 đã đưa ra các chỉ tiêu môi trường như sau: Cung cấp nước sạch cho 75% dân số nông thôn và 85% dân số đô thị; nâng tỷ lệ che phủ rừng lên 40%; xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường đạt 60%; tỷ lệ chất thải rắn được thu gom đạt 80%; Tỷ lệ xử lý chất thải nguy hại đạt 64%; Tỷ lệ xử lý chất thải y tế đạt 86%; tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 60%.
Để làm được các chỉ tiêu trên, chúng ta cần lưu ý các biện pháp như sau:
- Các nhà quản lý cần kiểm soát các chất gây ô nhiễm môi trường, xử lý nước thải sản xuất và sinh hoạt trước khi thải ra môi trường; sử dụng một cách hợp lý, không lạm dụng quá đáng các loại phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật trong hoạt động sản xuất nông nghiệp.
- Đẩy mạnh hoạt động trồng và bảo vệ rừng, nhằm mục đích chống xói mòn và rửa trôi. Đồng thời, cần chú ý đến một thể chế, một khung pháp chế để Chính phủ có thể hỗ trợ tạo ra các biện pháp giảm thiểu những ảnh hưởng xấu của môi trường bằng công nghệ, khoa học và sáng tạo mới. Ngoài ra, nâng cao nhận thức, kiến thức và giáo dục về môi trường cho cộng đồng bằng những biện pháp hết sức cụ thể.
- Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường cho các tổ chức cá nhân để nâng cao nhận thức cộng đồng và ý thức tự giác tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường, để toàn xã hội tham gia bảo vệ môi trường.
Trên cơ sở đó, Việt Nam cũng đang nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện kịch bản biến đổi khí hậu, trên cơ sở đó sẽ xây dựng chiến lược quốc gia về thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong đó, cần sự phối hợp, hợp tác quốc tế giữa các nước nhằm biến đổi dần môi trường thiên nhiên theo hướng tích cực và có lợi cho cuộc sống con người. Đây là vấn đề cấp bách mà chúng ta phải hành động ngay để bảo vệ sự tồn tại cho hôm nay và của cả các thế hệ mai sau.