Lỗ nhưng vẫn mở rộng sản xuất
Theo số liệu của Cục Thuế TP.Hồ Chí Minh, nhiều DN FDI đóng trên địa bàn thành phố liên tục báo lỗ trong nhiều năm qua. Cụ thể 10 năm qua, Coca-Cola Việt Nam luôn lỗ ở mức trên 100 tỉ đồng/năm, có năm số lỗ chiến gần 1/3 doanh thu. Trong 2 năm 2006-2007, công ty này lỗ tương ứng lên tới 228 tỉ đồng. Năm 2010, doanh thu của đơn vị này lên đến 2.529 tỉ đồng, nhưng chi phí lại lên đến 2.717 tỉ đồng và số lỗ là 188 tỉ đồng. Năm 2011, công ty lỗ ít hơn 39 tỉ đồng, tuy nhiên tính đến ngày 30/9/2011, Coca-Cola đã lỗ lũy kế 3.768 tỉ đồng.
Trong khi đó, PepsiCo Việt Nam cũng báo lỗ liên tục kể từ khi thành lập cho tới năm 2007. Lỗ kéo dài từ năm 1991, vì thế, lỗ lũy kế tính đến ngày 31/12/2010 của Pepsi là 1.206 tỉ đồng.
Không chỉ Coca-Cola hay Pepsi, nhiều tên tuổi hàng đầu thế giới đầu tư ở Việt Nam đã liên tục báo lỗ, đơn cử như Metro Cash & Carry hay Adidas, Metro Cash & Carry khai lỗ từ năm 2001 đến 2009 là 1.157 tỉ đồng, đứng đấu bảng trong danh mục các DN FDI.
Tuy nhiên, có một nghịch lý là chính những DN lỗ triền miên trên lại liên tục mở rộng hoạt động đầu tư, sản xuất.
Tháng 10/2012, Pepsi khai trương nhà máy với tổng vốn đầu tư 73 triệu USD tại Khu công nghiệp VSIP Bắc Ninh. Ngay lập tức, Coca-Cola cũng rót thêm 300 triệu USD vào Việt Nam trong giai đoạn 2013-2015, nâng tổng số vốn đầu tư cam kết lên 500 triệu USD, để đầu tư nâng cao hiệu quả hoạt động của các nhà máy tại Việt Nam, phát triển thương hiệu và thị trường, cũng như phát triển nguồn nhân lực và hỗ trợ đại lí bán lẻ.
Cũng trong thời gian này, đại diện Coca-Cola Việt Nam đề xuất UBND Đà Nẵng cho thuê thêm diện tích đất 4.700 m2 với lí lẽ: các sản phẩm của Coca-Cola được tiêu thụ rất tốt tại Việt Nam cũng như khu vực miền Trung trong những năm qua vì vậy, công ty có nhu cầu mở rộng sản xuất. Tuy nhiên, đề xuất này không được chấp nhận. Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng - ông Võ Duy Khương cho biết, mặc dù thành phố đã cho thuê đất với giá ưu đãi (0,647 USD/m2/năm), nhưng tiền thuế thu được từ công ty là rất ít, cụ thể như trong năm 2011 gồm các khoản thuế VAT (4 tỉ đồng), thuế tài nguyên (73 triệu đồng) và thuế thu nhập DN (57,7 triệu đồng). Ông Khương cho biết thêm: trong cuộc làm việc với Coca-Cola Việt Nam, ông đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm rằng, DN làm ăn kiểu “chuyển giá, chuyển vốn”, rồi sau đó báo lỗ… khiến Thành phố bị thất thu thuế nên Thành phố sẽ không đồng ý để DN mở rộng dây chuyền, nhà máy sản xuất.
Bỗng dưng… mất tích
Không chỉ nhức nhối vấn nạn chuyển giá, lỗ giả, lãi thật, từ năm 2011 đến nay, hàng trăm DN FDI đã tranh thủ sự thông thoáng của chính sách xuất nhập khẩu ở Việt Nam, nợ thuế hàng trăm tỉ đồng rồi bỏ trốn về nước.
Thống kê mới đây của Tổng cục Hải quan cho thấy, con số DN mất tích trong cả nước đã lên tới con số hơn 1.000. Chỉ tính riêng tại TP.Hồ Chí Minh thời gian gần đây, hàng trăm DN FDI đã bỏ trốn hoặc mất tích khỏi địa chỉ đăng kí hoạt động do Chi cục Hải quan Quản lí hàng đầu tư.
Trong lĩnh vực gia công dệt may trên địa bàn, hiện có gần 100 DN FDI bỏ trốn khỏi địa chỉ đăng kí kinh doanh. Ở những ngành nghề khác như dịch vụ, quản lý DN, xây dựng, bất động sản, thương mại, phần mềm, nhà hàng ăn uống… tình trạng cũng tương tự. Thống kê từ Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh cho biết, con số mất tích đang chiếm khoảng 90%. Có thể nhắc đến những cái tên như Magnicon Việt Nam, Litus, Miso, Magnicon, Heakwang Vina, Jinsang vina… Tất cả hiện giờ đã trở thành “vườn không nhà trống”. Điều đáng nói là những gì còn lại sau cuộc bỏ trốn của các DN FDI này không chỉ là nhà xưởng với dây chuyền sản xuất đã hoen gỉ, hết thời gian khấu hao mà còn là các khoản nợ về thuế, bảo hiểm xã hội, tiền lương công nhân gần chục tỉ đồng.
Để hạn chế tình trạng trên, có nhiều ý kiến cho rằng đã đến lúc ngành chức năng cần xem xét bổ sung quy định bắt buộc các DN FDI khi đầu tư vào Việt Nam phải đăng ký ký quỹ nhằm giảm rủi ro khi DN làm ăn thua lỗ hay mất tích như hiện nay.
Mặt khác, với thực trạng DN FDI mất tích hàng loạt như hiện nay, việc hoàn thiện hành lang pháp lí và chuyên nghiệp hơn trong giải quyết thủ tục hành chính là yêu cầu cấp thiết, bởi việc này không chỉ liên quan đến chuyện truy thu thuế của cơ quan chức năng, mà quan trọng hơn, còn là để làm sạch môi trường kinh doanh và đầu tư của Việt Nam.
Những thiệt hại kinh tế mà chuyển giá gây ra
Thứ nhất, chuyển giá là hiện tượng khá phổ biến trên thế giới. Cốt lõi của chuyển giá là chuyển lợi nhuận ra nước ngoài thông qua giá cao khi nhập khẩu nguyên vật liệu, máy móc thiết bị… và giá thấp khi xuất khẩu. Thực tế, một vài lợi ích của chuyển giá không bù đắp được những thiệt hại kinh tế mà chuyển giá gây ra cho nước nhận FDI. Trước hết, là thất thu ngân sách nhà nước (NSNN) từ thuế thu nhập DN và thuế chuyển lợi nhuận ra nước ngoài. Quy mô các khoản thu NSNN này không nhỏ khi các DN FDI chiếm khoảng 20% GDP. Việt Nam cho phép ưu đãi thuế thu nhập DN đối với FDI, tạo điều kiện thuận lợi để chuyển lợi nhuận ra nước ngoài, ưu đãi tiếp cận đất đai, cho phép chuyển lỗ năm trước sang năm sau. Nhưng không ít DN FDI sau khi tận dụng hết những ưu đãi, đã hoàn vốn đầu tư và có lợi nhuận, đã hoặc là giải thể hoặc chuyển hướng kinh doanh hoặc báo lỗ để không nộp thuế thu nhập DN cho các khoản đầu tư lớn. Thu thuế giá trị gia tăng của các DN FDI cũng gặp khó khăn khi giá đầu vào cao, giá bán ra (trường hợp xuất khẩu) thấp, hoặc cao nhưng chưa tương xứng với mức giá đầu vào.
Thu NSNN chỉ có lợi trong trường hợp chuyển giá từ nhập khẩu. Tuy nhiên, hàng rào thuế nhập khẩu chịu tác động lộ trình giảm thuế theo các cam kết hội nhập và bị hạn chế từ phía cơ quan hoạch định chính sách tài chính và thuế. Do đó, chống chuyển giá chỉ hiệu quả khi gắn với việc cơ cấu lại nguồn thu NSNN theo hướng giảm tỉ trọng thu từ xuất nhập khẩu, đặc biệt là giảm tỉ trọng thu từ nhập khẩu, xuống mức 5-10% tổng thu NSNN.
Hai là, chuyển giá làm “đội giá” máy móc thiết bị, nguyên nhiên vật liệu đầu vào đồng thời “phá giá” sản phẩm đầu ra, khiến DN FDI bị “thua lỗ”. Không ít trường hợp các DN liên doanh có vốn FDI liên tục báo lỗ (do chuyển giá), khiến cho phần vốn góp của phía Việt Nam (chủ yếu là góp vốn bằng quyền sử dụng đất) bị bào mòn, thậm chí mất hẳn. Không chịu nổi thua lỗ, phía Việt Nam buộc phải nhượng lại phần vốn góp. Động thái này đã biến DN liên doanh thành DN 100% vốn nước ngoài.
Chuyển giá đối với máy móc, thiết bị của DN FDI, một mặt tạo “giá trị ảo” cho tài sản cố định, tăng tỉ lệ khấu hao tài sản cố định thực, “thổi phồng” phần vốn góp của phía nước ngoài, làm méo mó bức tranh thực tế về vốn FDI (cả thu hút và giải ngân), mặt khác, giá trị của máy móc, thiết bị cũ, lạc hậu nên không loại trừ nhà đầu tư FDI “ưu tiên” nhập khẩu máy móc, thiết bị cũ, lạc hậu nhằm chuyển giá dễ dàng hơn. Rõ ràng, do tác động của chuyển giá mà hai mục tiêu quan trọng nhất trong thu hút FDI là vốn và công nghệ hiện đại đã không thực hiện được, hoặc chỉ thực hiện nửa vời.
Chuyển giá còn có thể là một trong những nguyên nhân chính làm sụt giảm hiệu quả sử dụng vốn nói chung, sử dụng vốn FDI nói riêng, khiến ICOR của khu vực FDI rất cao, thậm chí cao hơn cả khu vực kinh tế trong nước. Cùng với đó, do lợi nhuận của nhà đầu từ FDI đã được hiện thực hóa thông qua chuyển giá nên các nhà quản lý DN FDI không có động lực nâng cao hiệu quả quản lý, cắt giảm chi phí và nâng cao năng suất lao động. Như vậy, mục tiêu quan trọng thứ ba trong thu hút FDI là góp phần nâng cao trình độ quản lý DN cũng khó trở thành hiện thực. Vì vậy, biện pháp quan trọng nhất để chống chuyển giá không phải là chỉ trông chờ vào sự kiểm soát giá nhập khẩu của cơ quan hải quan mà tất cả bộ máy liên quan đến FDI phải nắm vững về thị trường giá cả các hàng hóa, dịch vụ nhập khẩu của DN FDI.
Ba là, thị trường trong nước, cả thị trường tư liệu sản xuất và thị trường tư liệu tiêu dùng, đều phải chịu mức giá cao bất hợp lý do chuyển giá. Một mặt, mức giá nhập khẩu cao do chuyển giá đã thủ tiêu lợi ích về giá từ hoạt động nhập khẩu, làm cho mặt bằng giá cao giả tạo, gây thiệt hại cho DN và người tiêu dùng Việt Nam và tạo ra những khó khăn mới cho khả năng kiềm chế lạm phát. Mặt khác, giá nhập khẩu cao do chuyển giá còn làm hạn chế khả năng cạnh tranh của các DN Việt Nam với các DN nước ngoài ở cả thị trường trong nước cũng như thị trường xuất khẩu. Hơn nữa, DN Việt Nam phải chịu thuế trực thu (thuế thu nhập DN với thuế suất 25%) trong khi DN FDI chủ yếu chịu thuế gián thu (thuế nhập khẩu, thuế VAT) nên DN Việt Nam càng khó cạnh tranh hơn. Đối phó với tình trạng này, bên cạnh các biện pháp chống chuyển giá trên, Việt Nam phải đầu tư mạnh vào sản xuất thay thế nhập khẩu, đặc biệt là phát triển ngành công nghiệp phụ trợ.
Bốn là, đóng góp của DN FDI vào thương mại xuất khau của Việt Nam là không thể phủ nhận, với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu lên tới 150-160% GDP. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu khu vực FDI tăng nhanh, kim ngach nhập khẩu cũng tăng nhanh không kém, kết quả là nếu loại trừ yếu tố dầu thô thì khu vực FDI cũng nhập siêu với qui mô lớn, tác động tiêu cực đến cán cân thương mại và cán cân tài khoản vãng lai của Việt Nam, mà chuyển giá là một trong những nguyên nhân. Cùng với đó, chuyển giá còn làm cho thặng dư tài khoản vốn (một phần nhờ dòng vốn FDI vào) trở nên thiếu bền vững, chứa đựng “yếu tố ảo”, kéo theo tính thiếu bền vững của cán cân thanh toán và dự trữ ngoại hối. Do đó, các biện pháp chống chuyển giá cần đồng bộ với các biện pháp giảm thâm hụt thương mại, thâm hụt cán cân vãng lai, kiểm soát tài khoản vốn, quản lý cán cân thanh toán cũng như quản lý ngoại hối và điều hành chính sách tỉ giá hối đoái./.