Bộ Tài chính quy định thóc nhập kho dự trữ quốc gia phải là thóc mới. Tùy thuộc vào tình hình sản xuất, thời vụ từng năm, Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước quyết định thời vụ thóc nhập kho phù hợp.
Đây là đề xuất của Bộ Tài chính tại dự thảo Thông tư ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với thóc dự trữ quốc gia. Dự thảo quy định rõ về chất lượng thóc nhập kho dự trữ quốc gia, cụ thể:
Về màu sắc, hạt thóc phải có màu sắc đặc trưng của giống, có mùi tự nhiên của thóc mới, không có mùi lạ.
Thóc nhập kho không bị nấm men, nấm mốc, không có côn trùng sống, nhện nhỏ và sinh vật hại khác nhìn thấy bằng mắt thường. Thóc nhập kho phải bảo đảm chỉ tiêu chất lượng như sau: Độ ẩm không lớn hơn 14,0% khối lượng; tạp chất không lớn hơn 2,5% khối lượng; hạt hư hỏng không lớn hơn 2,0% khối lượng..
Về công nghệ bảo quản, dự thảo đề xuất: Thóc lưu kho dự trữ quốc gia được bảo quản theo công nghệ bảo quản kín bổ sung khí N2 duy trì nồng độ ≥ 98%, nhằm giảm đến mức thấp nhất nồng độ khí ôxy trong lô thóc ≤ 2%, hạn chế quá trình ôxy hóa làm suy giảm chất lượng thóc và các hoạt động sống của côn trùng, vi sinh vật. Thóc được bảo quản theo 2 hình thức là đổ rời và đóng bao.
Vật tư, dụng cụ kê lót phải đảm bảo yêu cầu: Khô sạch, chắc chắn, chịu lực khối hạt, không lọt thóc, không làm ảnh hưởng xấu đến chất lượng thóc.
Túi chính bảo quản để bọc kín lô thóc được gia công từ màng PVC có độ dày (0,5 ± 0,03) mm. Màng PVC được gắn kết với nhau bằng keo dán PVC hoặc bằng các thiết bị dán chuyên dụng theo kích thước của lô thóc, đảm bảo độ kín các đường dán trong quá trình gắn kết các tấm màng PVC với nhau.
Bao bì đóng gói bảo quản thóc đóng bao: Thóc dự trữ quốc gia được đóng bằng bao PP và được khâu hoặc máy miệng bao đảm bảo chắc chắn. Bao PP chứa thóc được dệt từ sợi polypropylen đồng màu, đảm bảo mới, bền chắc, khô sạch, không mốc, không nhiễm sâu, mọt, hóa chất, không có mùi lạ.
Kho bảo quản thóc dự trữ phải là loại kho kín, mái che chống nắng, mưa, gió, bão... đảm bảo ngăn được tác động trực tiếp của các yếu tố thời tiết. Kho chứa thóc phải thường xuyên sạch, trong kho không có mùi lạ; xung quanh kho phải quang đãng, đảm bảo thoát nước tốt, cách ly các nguồn nhiễm bẩn, hóa chất.
Dự thảo cũng quy định về việc báo cáo chất lượng thóc như sau: Chậm nhất một tháng sau khi kết thúc nhập kho, Thủ trưởng đơn vị dự trữ quốc gia chỉ đạo các bộ phận chuyên môn báo cáo chất lượng thóc nhập kho về Cơ quan quản lý dự trữ quốc gia chuyên trách.
Hàng tháng đơn vị dự trữ quốc gia trực thuộc báo cáo đơn vị dự trữ quốc gia tình hình chất lượng thóc bảo quản trước ngày 25 hàng tháng, riêng tháng cuối của quý báo cáo trước ngày 20 của tháng.
Hàng quý, đơn vị dự trữ quốc gia tổng hợp, báo cáo Cơ quan quản lý dự trữ quốc gia chuyên trách tình hình chất lượng thóc bảo quản trước ngày 20 tháng cuối quý. Trường hợp đột xuất đơn vị gửi báo cáo riêng.
Về phạm vi điều chỉnh, Quy chuẩn này quy định các yêu cầu kỹ thuật, phương pháp thử; yêu cầu về giao nhận (nhập, xuất), công nghệ bảo quản và công tác quản lý đối với thóc dự trữ quốc gia.
Về đối tượng áp dụng, Quy chuẩn này áp dụng đối với các đơn vị dự trữ quốc gia, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động giao nhận (nhập, xuất), bảo quản và quản lý thóc dự trữ quốc gia.
Năm 2020, Tổng cục Dự trữ Nhà nước (Bộ Tài chính) sẽ mua 190.000 tấn gạo và 80.000 tấn thóc nhập kho dự trữ quốc gia, theo Quyết định số 05/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã phê duyệt thực hiện đấu thầu rộng rãi mua 190.000 tấn gạo, loại 15% tấm, gạo được xay xát từ thóc thu hoạch Vụ Đông - Xuân Nam Bộ năm 2020 theo quy định của Luật Đấu thầu và Luật DTQG, thời gian mở thầu từ ngày 12/3/2020; dự kiến hoàn thành việc nhập kho trước ngày 15/6/2020; gạo đạt tiêu chuẩn theo quy định tại Thông tư số 78/2019/TT-BTC.
Đối với việc mua 80.000 tấn thóc đạt tiêu chuẩn chất lượng theo quy định tại Thông tư số 53/2014/TT-BTC, các đơn vị thực hiện mua trực tiếp rộng rãi của mọi đối tượng (không qua tổ chức đấu thầu) theo quy định của Luật Dự trữ quốc gia và Thông tư số 89/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn nhập xuất, mua bán hàng dự trữ quốc gia.