Thoát khỏi tầm vóc "tí hon"

Nằm khiêm tốn trên con phố cùng tên có độ dài chỉ vài trăm mét, Công ty May cổ phần Lê Trực là một trong số không nhiều đơn vị hoạt động trong ngành công nghiệp may mặc còn đang bị “kẹt” giữa mảnh đất

Giám đốc Công ty May cổ phần Lê Trực- Dương Văn Khàn bật cười thú vị khi chúng tôi mượn cụm từ  “người khổng lồ tí hon” để chỉ quy mô phát triển của công ty mình. Quả thật, với diện tích chưa đầy 6.000 m2 đất, tổng số công nhân là 530 người, và hoạt động với số vốn điều lệ là 4,2 tỷ đồng, Công ty May cổ phần Lê Trực chỉ tương đương với một doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tuy nhiên, nếu điểm lại quá trình phát triển vững chắc, kể từ khi tiến hành cổ phần đến nay, không ai có thể không thừa nhận Công ty May cổ phần Lê Trực là một chú bé tí hon nhưng lại là “bé hạt tiêu”.

Công ty May cổ phần Lê Trực tiền thân là một trong ba cơ sở may mặc của Công ty May Chiến Thắng. Năm 1998, khi Nhà nước bắt đầu chủ trương cổ phần hoá, khu vực sản xuất ở phố Lê Trực được lựa chọn để tiến hành cổ phần. Thế là, với tốc độ chuẩn bị nhanh đến chóng mặt, Hội đồng quản trị được thành lập và tiến hành một loạt những thủ tục cho việc cổ phần hóa. Đến cuối năm 1999 chính thức có quyết định cổ phần hoá của Bộ Công nghiệp, Công ty May Cổ phần Lê Trực bắt đầu hình thành các hoạt động của một công ty cổ phần thực sự với vốn điều lệ là 4,2 tỷ, trong đó Nhà nước nắm 25%, người lao động trong doanh nghiệp là 30%, còn lại là thành phần tự do. Ngày đầu tiên của năm 2000, Công ty May cổ phần Lê Trực chính thức đi vào hoạt động. Đó là những gạch đầu dòng thoạt nghe có vẻ ngắn gọn và đơn giản của “hành trình” cổ phần của Công ty, nhưng trên thực tế, theo lời của Giám đốc Khàn thì “hoàn toàn không ngon như ăn kẹo vậy đâu”. Nếu như  không có sự hỗ trợ, giúp đỡ của Ban Đổi mới Doanh nghiệp- Bộ Công nghiệp cũng như Tổng công ty Dệt May Việt Nam và đặc biệt là Công ty May Chiến Thắng thì Công ty May cổ phần Lê Trực không thể đi đến cuối “chặng đường” cổ phần của mình. Khó khăn- đó là vấp phải sự phản ứng từ phía các cán bộ, công nhân của Công ty, là những băn khoăn về quyền lợi và điều kiện làm việc trước và sau khi cổ phần có gì khác nhau. Khó khăn- đó là ngay bản thân các thành viên trong Hội đồng quản trị cũng chưa hoàn toàn nắm vững các điều khoản của quá trình cổ phần hoá. Thế là, những ngày làm việc đầu tiên của Công ty lại là những buổi giải thích cặn kẽ mọi thắc mắc của công nhân. Cũng phải mất một thời gian, mọi khó khăn mới được tháo gỡ, Công ty May cổ phần Lê Trực bắt đầu những guồng hoạt động cũ với phương thức mới. Năm 2000, năm đầu tiên sau cổ phần, doanh thu của Công ty đạt hơn 9 tỷ đồng. Năm 2001, con số này là 11 tỷ. Và thật đáng kinh ngạc, năm 2002 vừa qua, doanh thu đã lên tới 16 tỷ 525 triệu đồng, vượt 30% so với kế hoạch. Lương bình quân của công nhân hiện nay là 970.000 đồng/người/ tháng.

Sau khi cổ phần hoá, Công ty bắt đầu công tác đầu tư cơ sở vật chất. Với việc cải tạo lại nhà xưởng, máy móc thiết bị, mua thêm một hệ thống máy thêu và một số máy móc cho dây chuyền sản xuất, tổng giá trị lên đến gần 9 tỷ đồng, Công ty May cổ phần Lê Trực đã thực sự ổn định và phát triển, một sự phát triển vững chắc và đáng ghi nhận. Cũng lâm vào tình trạng chung của ngành may mặc hiện nay là thiếu nhân công, Công tyMay cổ phần Lê Trực cũng gặp khó khăn khi một số công nhân thôi việc. Để khắc phục tình hình, năm 2002, Công ty cũng tuyển thêm hơn 100 công nhân vừa học vừa làm, để họ có thể theo kịp trình độ của dây chuyền sản xuất. Công ty May cổ phần Lê Trực đã không để bất kỳ một sự cố nào xen ngang kế hoạch kinh doanh, sản xuất của mình. Năm 2002 đã thực sự là một minh chứng của sự thành công cho hướng đi chậm, nhưng chắc và hiệu quả của Công ty. Nhìn những tấm ảnh chụp sản phẩm mẫu cho thấy, các sản phẩm của Công ty làm ra rất hợp thị hiếu người tiêu dùng, chúng tôi còn cảm nhận được một cái gì đó rất thực thà trong mỗi con người nơi đây. Quả thật, sau những nỗ lực để hình thành, phát triển và hoạt động có phong cách riêng như thế thì Công ty May cổ phần Lê Trực có thể tự hào là đã xứng đáng với danh hiệu “người khổng lồ tí hon” mà chúng tôi so sánh.

Năm 2003, toàn ngành Dệt May đang đặt ra những bước phấn đấu, tăng trưởng có tính đột biến. Nói về việc có hay không một bước đột phá của Công ty May cổ phần Lê Trực để theo cùng sự tăng trưởng chung ấy, gương mặt của người Giám đốc thoáng chút tư lự: “Đấy cũng chính là vướng mắc của Công ty chúng tôi. Chúng tôi vẫn tự cho rằng, nhiều khi “cái khó cũng bó cái khôn” thật. Đột phá ư? Thật đáng buồn là chúng tôi chưa thể”. Và anh kể cho chúng tôi về những “cái khó”.

Như đã nói ở phần trên, đã 5 năm nay, kể từ khi bắt đầu quá trình hình thành một công ty riêng biệt với hoạt động riêng biệt, Công ty vẫn nằm lọt thỏm trên con phố Lê Trực với một diện tích  “bé tí hon” chưa đầy 6000 m2. Việc di chuyển địa điểm ra ngoại thành tại các khu công nghiệp vừa phù hợp với xu thế công nghiệp hoá, lại vừa có điều kiện mở mang, phát triển nhà xưởng, máy móc, thiết bị, nâng cao số lượng và chất lượng công nhân- tiền đề cho sự phát triển sản xuất, kinh doanh. Hiện nay, trong cái thế bị “kẹt” giữa đất thủ đô chật hẹp, tứ phía không thể cựa quậy, Công ty có muốn tuyển thêm công nhân, mua thêm máy móc để phát triển sản xuất thì đều không thể. Ngoài ra, chất thải công nghiệp do Công ty thải ra trong quá trình sản xuất ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến môi trường dân cư xung quanh. “Ra đi” là một xu thế tất yếu. ý thức rất rõ ràng về điều bất cập này, đã vài năm nay, Công ty tiến hành làm đơn xin đất ở khu công nghiệp Láng - Hoà Lạc nhưng không thành. Không nản, hướng mới của Công ty là làm đơn xin đất trên Quốc lộ 5 hoặc ở huyện Từ Liêm. Hơn ai hết, những người cầm cân, nảy mực của Công ty May cổ phần Lê Trực thấm thía sự thiệt thòi về “tầm vóc tí hon” của mình sau mỗi lần hợp đồng tuột khỏi tay chỉ vì khách hàng đến thăm cơ ngơi sản xuất của Công ty và lắc đầu vì “nhỏ quá!”. Đây cũng chính là nguyên nhân giải thích vì sao hoạt động xúc tiến thương mại của Công ty luôn nằm trong trạng thái “đóng băng”, hoặc hoạt động cầm chừng. Hàng năm, chỉ với việc hoàn thành hai hợp đồng với hai khách hàng truyền thống là Đài Loan với mặt hàng váy bầu và Nhật Bản với mặt hàng áo bơi là “chú bé tí hon” đã làm gần hết năm rồi. Việc còn lại là một số hợp đồng với Hàn Quốc, Mỹ- thông qua trung gian là Công ty May Chiến Thắng và một số hợp đồng trong nước khác. Đối với một công ty, việc đảm bảo công ăn việc làm cả năm cho công nhân của mình, đảm bảo doanh thu mỗi năm là một việc không đơn giản. Tuy nhiên, May cổ phần Lê Trực là một công ty hoàn toàn có thể phát triển hơn nữa, nếu những “cái khó” không còn “bó cái khôn”. Một cơ sở vật chất, nhà xưởng thông thoáng, rộng rãi hơn là điều Công ty May cổ phần Lê Trực đang rất cần. Với thế mạnh của một công ty có bộ máy hành chính gọn nhẹ, không quá phiền hà về mặt thủ tục hành chính, chất lượng tay nghề công nhân cao, luôn đúng hẹn với khách hàng… đặc biệt hơn cả là có một trung tâm thiết kế thời trang và may đo khá chuyên nghiệp, Công ty May cổ phần Lê Trực hoàn toàn có thể phát triển hơn nữa, hoàn toàn có thể thoát khỏi tầm vóc “tí hon” của mình.

“Chúng tôi vẫn tiếp tục tiến hành việc xin đất ở ngoại thành, đó là hướng lâu dài. Còn giải pháp trước mắt của Công ty là đành phải tận dụng không gian trên không bằng cách xây thêm tầng, nhà xưởng sẽ được mở rộng lên trên, công nhân sẽ được tuyển thêm, máy móc lúc đó mới có chỗ nằm và những hợp đồng mới sẽ ra đời”. Đây hoàn toàn là một giải pháp “cực chẳng đã” vì nghe nói sắp tới, trong kế hoạch phát triển thành phố, con đường Trần Phú sẽ dài thêm ra và nếu thế thì nó sẽ đi qua lòng Công ty. Nếu vậy, e kế hoạch “cơi nới” mang tính tạm thời trên cũng sẽ trở thành bất khả thi. “Người khổng lồ”  thì không dám nghĩ. Nhưng, được sản xuất, kinh doanh ở một khu đất mới, thực sự yên ổn và rộng rãi là chúng tôi đã thoát ra khỏi tầm vóc “tí hon”  của mình rồi”- Giám đốc Khàn chân tình thổ lộ khi chia tay với chúng tôi.

  • Tags: