An toàn và giá cả được quan tâm hàng đầu
Theo số liệu khảo sát của Google công bố tại hội nghị, nhu cầu du lịch ở Việt Nam từ giữa tháng đến nay đã cho thấy sự phục hồi đáng kể, đa phần nhờ vào du lịch nội địa.
Lượng tìm kiếm trên Google liên quan đến chuyến bay nội địa chiếm 85% trong 30 ngày vừa qua và tăng 85% trong thời gian cùng kỳ, bà Emily Nguyễn - đại diện Google châu Á - Thái Binh Dương cho biết. Hai vấn đề được khách du lịch Việt Nam quan tâm hàng đầu là mức độ an toàn và giá cả.
Đặc biệt, trong 6 tuần gần đây, lượng tìm kiếm liên quan tới du lịch biển ở Việt Nam tăng gấp đôi. Những điểm đến được tìm kiếm nhiều nhất là Vũng Tàu, Phú Quốc, Nha Trang, Quy Nhơn, vịnh Hạ Long..., tiếp đến là các công viên, vườn quốc gia như Phong Nha Kẻ Bàng, Ba Vì, Cúc Phương, hang Sơn Đoòng, Cát Tiên… Một số hãng máy bay và công ty du lịch đã có các chương trình hỗ trợ tốt cho khách hàng trong thời gian này là Bamboo Airways, Traveloka…, số liệu của Google cho thấy.
Cơ hội trong khủng khoảng
Đại diện một địa phương có du lịch là lĩnh vực kinh tế đầu tàu, ông Cao Tường Huy - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, trước ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh, Quảng Ninh đã nhanh chóng đưa ra một loạt giải pháp ứng phó.
Về chính sách, tỉnh đã ban hành nghị quyết hỗ trợ kích cầu với rất nhiều ưu đãi, như miễn giảm lệ phí với các điểm tham quan; kéo dài tuyến xe buýt phục vụ du lịch; miễn, giảm, giãn nộp thuế cho các doanh nghiệp,…
Về thị trường, tỉnh hưởng ứng chiến dịch "Người Việt Nam du lịch Việt Nam", vận động các doanh nghiệp cho ra sản phẩm mới trong tháng 5-6 như tour du lịch chăm sóc sức khoẻ; đồng thời tăng cường quảng bá kích cầu du lịch, du lịch an toàn…
Bày tỏ quan điểm về tiềm năng du lịch của Việt Nam, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC, Chủ tịch Bamboo Airways, nhấn mạnh có không ít các điểm đến quốc tế dù được gán cho những mỹ từ tuyệt vời, nhưng trên thực tế lại không thể sánh bằng cảnh sắc và dịch vụ tại Việt Nam. Nguyên nhân là do nhiều nước bạn đã làm quảng bá du lịch quá tốt, còn chúng ta về cơ bản vẫn đang bị động chờ đợi người ta tìm đến với mình.
Hoạt động cả trong lĩnh vực hàng không và du lịch, có một chi tiết thú vị được ông quan sát thấy, đó là khu vực đỗ xe của tại quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái FLC Sầm Sơn, Thanh Hóa, trong nửa tháng trở lại đây không chỉ tăng rất mạnh về số lượng xe, mà còn xuất hiện thêm nhiều xe hơi siêu sang.
"Như vậy, nhu cầu đi du lịch các khu vực gần Hà Nội và TP.HCM đối với nhóm khách có mức chi tiêu cao là rất lớn. Xu hướng dịch chuyển toàn bộ khu vực người Việt đi du lịch quốc tế sang du lịch nội địa với những điểm nghỉ dưỡng cao cấp có khả năng lớn tăng trưởng từ nay đến cuối năm, và thậm chí sẽ kéo dài sang năm 2021. Do đó, theo tôi, ngành du lịch cần cố gắng tận dụng thời điểm vàng này để người dân Việt Nam đi du lịch Việt Nam, và khi đã hình thành thói quen cho nhiều du khách, thì nhu cầu sẽ được nhân lên trong những năm tiếp theo", ông Quyết nói.
Liên kết thì sẽ vượt qua
“100 ngày qua chứng kiến những khó khăn chưa từng thấy trong lịch sử ngành du lịch Việt Nam, nhưng các doanh nghiệp đã cùng nhau vượt qua một cách bản lĩnh và nhân văn”, ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Thiên Minh Group, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Du lịch Quốc gia (TAB) nhận xét.
Ông cũng bày tỏ quan điểm, “kích cầu” với du lịch nội địa không có nghĩa đơn thuần là giảm giá, mà chính xác là sự gia tăng thêm quyền lợi và giá trị cho khách thông qua sự liên kết của các doanh nghiệp, đồng thời tạo ra nhiều sản phẩm mới, nhu cầu mới
Ông Lê Quang Tùng, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch chỉ ra một hiện trạng khác, đó là tổng doanh thu, du lịch nội địa mới chỉ chiếm 45% trong 2019, còn lại là từ khách quốc tế. Nhiều người Việt Nam có xu hướng đi du lịch nước ngoài và chi tiêu rất nhiều.
"Chúng ta còn hạn chế về sản phẩm chi tiêu tại địa phương. 80 triệu khách nội địa sẽ thúc đẩy bao nhiêu ngành sản xuất, bao nhiêu ngành kinh doanh khác?", ông Tùng đặt câu hỏi, đặt vấn đề về tầm quan trọng của một kế hoạch tổng thể chung bao trùm toàn bộ nền kinh tế.
"Muốn mở cửa du lịch, dĩ nhiên phải mở cửa hàng không. Các địa phương cần đưa ra nhiều hơn các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp du lịch để thực hiện những kế hoạch phục hồi", ông nói, đồng thời nhấn mạnh cộng đồng doanh nghiệp du lịch chỉ có thể vượt qua gian khó nhờ liên kết chặt chẽ với nhau, cùng nhau kích cầu.
Nhưng may mắn là trong đại dịch, các ngành, các doanh nghiệp đã cùng nhau san sẻ, gánh vác rủi ro. Thứ trưởng Tùng nói, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch mong muốn chứng kiến sự liên kết chặt chẽ hơn nữa giữa các doanh nghiệp địa phương với các bộ ban ngành, để các chính sách được triển khai nhịp nhàng.