Chương trình Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam đặt ra nhiệm vụ chính là đẩy mạnh công tác quảng bá các điểm đến, xây dựng sản phẩm du lịch hấp dẫn, dịch vụ du lịch chất lượng thông qua triển khai các gói kích cầu du lịch đa dạng, kèm theo những ưu đãi và cam kết của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ du lịch.
Theo kế hoạch, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch sẽ phối hợp với các địa phương và các bên liên quan tổ chức phát động Chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” tại một số địa bàn du lịch trọng điểm nhằm thu hút sự vào cuộc của các hiệp hội, doanh nghiệp và các đối tác, thực hiện truyền thông để các bên và du khách có thông tin, tham gia tích cực. Đồng thời, phối hợp với các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp, các hãng hàng không xây dựng các gói sản phẩm kích cầu hấp dẫn nhằm thu hút khách du lịch nội địa.
Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đề nghị UBND các tỉnh có chính sách hỗ trợ, miễn, giảm phí, lệ phí tham quan, các hãng hàng không, doanh nghiệp vận tải du lịch giảm giá vé, cùng với doanh nghiệp du lịch xây dựng các chương trình du lịch trọn gói với giá ưu đãi.
Đối với các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh du lịch, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch yêu cầu xây dựng các chương trình kích cầu, khuyến mại, giảm giá, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ. Bên cạnh đó, cần cung cấp thông tin, thông báo về dịch vụ và giá cá khuyến mại thực hiện đúng cam kết với khách du lịch, đồng thời tích cực xây dựng các sản phẩm, dịch vụ du lịch mới và nâng cao tính chuyên nghiệp phục vụ du khách. Xây dựng môi trường du lịch chất lượng, vệ sinh, văn minh, thân thiện và thực hiện tốt các quy định an toàn phòng, chống dịch.
Trước đó, Hiệp hội Du lịch Việt Nam (VITA) phối hợp với Hiệp hội Du lịch các địa phương đã thống nhất triển khai Chương trình kích cầu du lịch nội địa trên phạm vi toàn quốc, từng bước chuẩn bị cho lữ hành quốc tế để phục hồi du lịch sau Covid 19. Dự kiến, Lễ phát động chương trình kích cầu ở cả 3 miền Bắc – Trung – Nam sẽ được tổ chức vào giữa tháng 5/2020.
Căn cứ vào tình hình thực tế và đề xuất của các địa phương, chương trình kích cầu được triển khai ở cả 3 miền Bắc – Trung – Nam. Cụ thể, khu vực phía Nam sẽ kết nối du lịch cả nước với đồng bằng Sông Cửu Long; vùng Đông Nam bộ (Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai…) để thúc đẩy du lịch khu vực này.
Khu vực phía Bắc: kích cầu khu vực đồng bằng Bắc bộ, các tỉnh ven biển Bắc Trung bộ (Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa); thúc đẩy du lịch Tây Bắc và vòng cung Đông Bắc (Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang) – hiện khu vực này có 2 công viên địa chất toàn cầu có thể xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng.
Khu vực miền Trung: Quảng Nam – Đà Nẵng – Thừa Thiên Huế làm trung tâm. Khu vực Tây Nguyên – Nam Trung bộ: bên cạnh 4 tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, Bình Định, Phú Yên sẽ mở rộng thêm Kon Tum và Đắk Nông.
Về giá tour chương trình kích cầu, ông Vũ Thế Bình Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết, sẽ có 2 phương án song song, thứ nhất là giá rẻ hơn tour du lịch thông thường từ 20 -30% nhưng chất lượng dịch vụ không giảm; thứ hai là giữ nguyên giá nhưng tăng dịch vụ cao cấp cho khách. “Hàng không Việt Nam đã sẵn sàng tham gia kích cầu du lịch nội địa, VITA sẽ ‘chốt’ giá vé đảm bảo chương trình kích cầu đạt kết quả tốt nhất”.
Theo Chủ tịch VITA Nguyễn Hữu Thọ, chương trình kích cầu nội địa là hết sức quan trọng để khôi phục du lịch, thời điểm này việc kích cầu nên hướng tới kéo dài thời gian lưu trú của khách tại một điểm, hạn chế di chuyển. Các sản phẩm từ du lịch biển, sinh thái, khám phá, văn hóa, lịch sử, ẩm thực… vô cùng phong phú đa dạng do tất cả các địa phương đều tham gia kích cầu, chắc chắn sẽ tạo sức hấp dẫn thu hút du khách.