Liên kết giữa trường đại học và doanh nghiệp trong đào tạo nguồn nhân lực ngành Du lịch

NGUYỄN NGỌC TRUNG - NGUYỄN THU HƯƠNG - CAO THỊ PHƯƠNG THỦY (Khoa Kinh tế và Quản lý, Trường Đại học Điện lực)

TÓM TẮT:

Theo thống kê sơ bộ ngành Du lịch Việt Nam, nước ta có khoảng 1,3 triệu lao động phục vụ trong lĩnh vực du lịch (chiếm 2,5 tổng số lao động trong cả nước), trong đó có khoảng 20% chỉ được huấn luyện tại chỗ, chưa qua đào tạo chính quy với chất lượng mang tính chuyên nghiệp. Tại Việt Nam hiện nay có khoảng hơn 412 trường đại học. Tuy nhiên, sự hợp tác giữa doanh nghiệp và nhà trường vẫn chưa được quan tâm đúng mức hoặc có một mô hình liên kết phù hợp để hợp tác đào tạo nguồn nhân lực cho nền kinh tế du lịch quốc gia. Đào tạo chưa gắn liền với nhu cầu của xã hội, trong đó đặc biệt là nhu cầu của các doanh nghiệp. Bài viết tập trung đưa ra cơ sở lý thuyết của mối liên kết giữa trường đại học và doanh nghiệp, mô hình liên kết trong đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực ngành Du lịch.

Từ khóa: Đại học, nguồn nhân lực, ngành Du lịch, đào tạo nhân lực.

1. Giới thiệu

Trong bối cảnh hiện nay của các nền kinh tế trên thế giới, có hai yếu tố chi phối tới mô hình tổ chức và cơ chế hoạt động giáo dục đại học: Thứ nhất, các khoản đầu tư công cho giáo dục ngày càng giảm đi, nhất là nguồn ngân sách nhà nước; thứ hai, giáo dục đại học đang phải cạnh tranh gay gắt để đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực và các sản phẩm dịch vụ chất lượng cao đáp ứng yêu cầu luôn thay đổi của nền kinh tế.

Với lợi thế so sánh mang tính bổ sung, trường đại học và doanh nghiệp có nhiều cơ hội để tăng cường hợp tác với nhau nhằm giải quyết những mối quan tâm của nhau một cách hiệu quả. Liên kết giữa đại học với doanh nghiệp là mối quan hệ cộng hưởng, trường đại học sẽ được hỗ trợ tài chính để phát triển đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyển giao công nghệ theo nhu cầu của doanh nghiệp. Doanh nghiệp được thừa hưởng nguồn nhân lực đó, giảm chi phí cho việc đào tạo lại và các loại chi phí cơ hội khác. Đồng thời, doanh nghiệp thông qua quá trình học hỏi và liên kết khả năng hấp thụ công nghệ sẽ đạt hiệu quả cao, nguồn tài chính được cải thiện.

Hiện nay, theo thống kê sơ bộ của ngành Du lịch Việt Nam, nước ta có khoảng 1,3 triệu lao động phục vụ trong lĩnh vực du lịch (chiếm 2,5 tổng số lao động trong cả nước). Trong đó có khoảng 20% chỉ được huấn luyện tại chỗ, chưa qua đào tạo chính quy với chất lượng mang tính chuyên nghiệp. Do vậy, cùng với tiến bộ tăng trưởng du lịch như hiện nay, đòi hỏi mỗi năm cần phải đào tạo thêm 25.000 lao động mới, kết hợp với công tác không ngừng đào tạo và bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực hiện có với số lượng tương tự (Tạp chí Du lịch, 2019).

Tuy nhiên, sự hợp tác giữa doanh nghiệp và nhà trường vẫn chưa được quan tâm đúng mức hoặc có một mô hình liên kết phù hợp để hợp tác đào tạo nguồn nhân lực cho nền kinh tế du lịch quốc gia. Đào tạo chưa gắn liền với nhu cầu của xã hội, trong đó đặc biệt là nhu cầu của các doanh nghiệp. Phần lớn sinh viên tốt nghiệp khó tìm được việc làm hoặc công việc không phù hợp với chuyên môn được đào tạo (Phùng Xuân Nhạ, 2008).

Bài viết tập trung gợi ý những cơ sở lý thuyết liên quan tới hiệu quả liên kết, đồng thời đưa ra mô hình liên kết giữa trường đại học và doanh nghiệp trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực du lịch, từ đó đưa ra các kiến nghị nhằm nâng cao khả năng liên kết giữa 2 chủ thể là các trường đại học và doanh nghiệp.

2. Cơ sở lý thuyết

Ý nghĩa dễ nhận thấy của các mô hình tăng trưởng nội sinh là nền kinh tế đạt tăng trưởng dài hạn nhờ vào sự tích lũy về vốn kiến thức và vốn con người, đề cao việc thúc đẩy phát triển kinh tế thông qua đầu tư trực tiếp vào giáo dục; Chính phủ đề ra các đường lối, chủ trương tập trung tạo điều kiện cho giáo dục phát triển, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực giáo dục cùng nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ, con người nhằm tạo ra lợi thế cạnh tranh cho chính doanh nghiệp. Sự đổi mới được thúc đẩy bởi sự tương tác giữa các nhà sản xuất và người tiêu dùng, mô hình tương tác này đã thay thế cho các mô hình tuyến tính cổ điển về đổi mới. Sự hình thành của nó bao gồm cả dòng chảy và mối quan hệ giữa các ngành công nghiệp, chính phủ và các trường đại học trong việc phát triển khoa học và công nghệ là một yếu tố quyết định quan trọng cho nền kinh tế.

Theo S.Yusuf (2007) chuyên gia ngân hàng thế giới, trường đại học ngày nay không chỉ bó hẹp trong hoạt động giáo dục, đào tạo mà còn tham gia vào hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ. Nguồn nhân lực chất lượng cao và các sản phẩm công nghệ do các trường đại học tạo ra đã góp phần cho tăng trưởng kinh tế dài hạn. Mô hình Triple Helix, trường đại học đóng vai trò nâng cao đổi mới trong các vấn đề kinh tế - xã hội với vai trò phát triển tri thức. Điều này khác hoàn toàn với lý thuyết mô hình Hệ thống đổi mới quốc gia (NIS) coi công ty là quan trọng, có vai trò hàng đầu trong đổi mới và mô hình Tam giác của Sabato (1975) coi nhà nước có vai trò đặc quyền... Tuy nhiên, trường đại học phát huy tốt vai trò của mình khi nó nằm trong mạng lưới liên kết giữa khu vực chính phủ và các doanh nghiệp.

Sự phát triển của hệ thống đổi mới và cạnh tranh thị trường chính là việc thúc đẩy mối liên kết giữa trường đại học với doanh nghiệp, trong đó Nhà nước đóng vai trò định hướng, đưa ra các thể chế chính sách tạo lập ba thực thể liên kết: trường đại học - doanh nghiệp - chính phủ. Triple Helix 1, trong mô hình này hướng vào trung tâm hợp tác là trường đại học và doanh nghiệp, điển hình như ở Liên Xô cũ và các nước đông Âu đi theo con đường chủ nghĩa xã hội, theo sau đó là các quốc gia Mỹ Latinh.

Hình 1: Mô hình Triple Helix 1

Mô hình Triple Helix 1

Mô hình Triple Helix 2, trung tâm hợp tác không chỉ tồn tại giữa trường đại học và doanh nghiệp mà nó bao gồm cả chính quyền nhà nước, mối quan hệ này rất chặt chẽ trong tất cả các lĩnh vực nhưng mỗi thực thể lại có những chính sách riêng biệt và có sự chia cắt giữa chúng.

Hình 2: Mô hình Triple Helix 2

Mô hình Triple Helix 2

Cuối cùng, mô hình Triple Helix 3 đang tạo ra sự kết hợp hạ tầng kiến thức và các chính sách giao thoa giữa các bên liên kết, đề cao vai trò của mối liên kết giữa các chủ thể với nhau.

Hình 3: Mô hình Triple Helix 3

Mô hình Triple Helix 3

Giữa 3 mô hình nêu trên thì hai mô hình sau được quan tâm nhiều hơn và được coi là tiêu chuẩn. Theo Henry Etzkowitz & Loet Leydesdorff (2000), mô hình một được coi là không thành công bởi các sáng kiến đổi mới không được khuyến khích. Mô hình thứ 2 lại đòi hỏi một chính sách kinh điển, nhưng hiện nay vẫn được duy trì và được coi là một số biện pháp để giảm vai trò của nhà nước.

Ở dạng này hay dạng khác, các quốc gia đang cố gắng theo đuổi mô hình thứ ba, liên kết giữa các bên nhằm tạo ra một môi trường sáng tạo như các doanh nghiệp được thành lập trong trường đại học, phát triển kinh tế cơ bản dựa trên nền tảng tri thức và liên minh chiến lược giữa các công ty vừa và nhỏ - Chính phủ - các trường đại học trong tất cả các lĩnh vực.

3. Mô hình nghiên cứu đề xuất

Như vậy, với thuyết tăng trưởng nội sinh và Triple Helix thừa nhận việc liên kết giữa trường đại học và doanh nghiệp mang lại kết quả tích cực cho nền kinh tế. Một trong những vấn đề liên kết nổi bật được đề cập tới nhiều nhất là hình thức liên kết trong đào tạo. Liên kết trong đào tạo sẽ đem lại nhiều lợi ích cho các nhà trường và doanh nghiệp. Qua liên kết với doanh nghiệp, các trường đào tạo có nhiều cơ hội để tăng cường cơ sở vật chất. Các doanh nghiệp có thể hỗ trợ giải quyết một phần khó khăn cho nhà trường về giảng đường, phòng thí nghiệm, thiết bị dạy học và đào tạo tại doanh nghiệp. Hợp tác đào tạo có hệ thống và có tổ chức tại các trường đại học có thể đóng vai trò quan trọng và trung tâm trong phát triển tổ chức, trong việc thúc đẩy môi trường học tập và phát triển cộng đồng (Dr. Dinah W. Tumuti, Prof. Peter M. Wanderi, Prof. Caroline Lang'at - Thoruwa, 2013). Các trường đại học có thể giúp đào tạo nhân viên và khuyến khích học tập (Daniel Schiller & Ingo Liefner, 2006).

Vấn đề được đưa ra để thảo luận, liên kết giữa trường đại học và doanh nghiệp trong hoạt động đào tạo mà cụ thể là đào tạo nguồn nhân lực du lịch được diễn ra như thế nào? bao gồm những hoạt động gì?

Các nghiên cứu đi trước cho thấy, liên kết đào tạo nguồn nhân lực được thực hiện bởi các hoạt động Liên kết trao đổi nguồn nhân lực giữa hai chủ thể trường đại học và doanh nghiệp: Dr. Dinah W. Tumuti, Prof. Peter M. Wanderi, Prof. Caroline Lang'at - Thoruwa (2013). Liên kết thực hiện các chương trình đào tạo dài hạn và ngắn hạn giữa trường đại học và doanh nghiệp: Daniel Schiller & Ingo Liefner (2006). Liên kết tổ chức thực tập thực tế cho sinh viên, tạo điều kiện cho sinh viên thực tập tại doanh nghiệp: Diane L Peters PE & Anne M Lucietto (2016). Liên kết thành lập hội đồng tư vấn đào tạo bao gồm các đại diện của doanh nghiệp: Michael D. Samtoro & Alok K. Chakrabarti (2001). Doanh nghiệp sẽ kết hợp với trường đại học hàng năm khảo sát nhu cầu đào tạo của doanh nghiệp: Valeria Arza & Mariela Carattoli (2016).

Sau khi thực hiện thảo luận các hoạt động liên kết đào tạo giữa trường đại học và doanh nghiệp. Chúng tôi cho rằng, các hoạt động này là điển hình, trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực cho ngành Du lịch có thể không ngoại lệ. Bằng chứng thực tế là hiện tại một số các trường đại học có các ngành đào tạo về du lịch hoặc khách sạn, đã chủ động tìm đến doanh nghiệp để hợp tác đào tạo với năm hoạt động trên.

Do vậy, mô hình chúng tôi đề xuất về vấn đề liên kết giữa trường đại học và doanh nghiệp trong hoạt động đào tạo nguồn nhân lực ngành Du lịch như Hình 4.

Hình 4: Mô hình liên kết giữa trường đại học và doanh nghiệp

trong hoạt động đào tạo nguồn nhân lực ngành Du lịch

Mô hình liên kết giữa trường đại học và doanh nghiệp

Tuy nhiên, mô hình trên được đưa ra nhờ sự thừa hưởng của các nghiên cứu đi trước và kinh nghiệm của các chủ thể thực tế đã triển khai các hoạt động liên kết đào tạo nguồn nhân lực cho các ngành kinh tế nói chung. Để khẳng định mô hình là đúng đối với ngành Du lịch, cụ thể là ngành Du lịch Việt Nam, cần thực hiện các nghiên cứu sâu hơn để chứng minh.

4. Kết luận

Liên kết giữa trường đại học và doanh nghiệp trong đào tạo nguồn nhân lực ngành Du lịch hiện nay là rất cần thiết với bối cảnh cụ thể của Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, để làm được điều này, cần sự vào cuộc thực sự của cả các trường đại học và doanh nghiệp dưới sự định hướng của Chính phủ. Theo kinh nghiệm của các quốc gia đã thực hiện các hoạt động liên kết đào tạo nguồn nhân lực, hai bên chủ thể trường đại học có thể liên kết trao đổi nguồn nhân lực, liên kết thực hiện các chương trình đào tạo dài hạn và ngắn hạn, liên kết tổ chức thực tập thực tế cho sinh viên, liên kết thành lập hội đồng tư vấn đào tạo, khảo sát nhu cầu nguồn lực của doanh nghiệp, từ đó đề xuất mô hình liên kết và đo lường hiệu quả của việc liên kết.

Mô hình đề xuất cần được nghiên cứu sâu hơn và kiểm chứng trong liên kết đào tạo nguồn nhân lực ngành Du lịch, cũng là một gợi ý tiếp theo cho những nghiên cứu saun

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Phùng Xuân Nhạ (2008), “Mô hình đào tạo gắn với nhu cầu của doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay”, Tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội, Kinh tế và Kinh doanh, 25, 1-8.
  2. Dr. Dinah W. Tumuti, Prof. Peter M. Wanderi, Prof. Caroline Lang'at - Thoruwa (2013), Benefits of university industry Partnerships: The Case of Kenyatta University and Equity Bank, International Journal of business and social science, vol 4 No.7.
  3. Daniel Schiller & Ingo Liefner (2006), Higher education funding reform and university - industry links in developing countries: The case of Thailand, High Educ 54: 543-556.
  4. Michael D. Samtoro & Alok K. Chakrabarti (2001), Firm size and Technology Centrality in industry - University interactions, MIT IPC working Paper IPC - 01-001.
  5. Valeria Arza & Mariela Carattoli (2016), Personal ties in university-industry linkages: A case-study from Argentina, Springger Science+Business Media New York 2016, J Technol Transf (2017) 42: 814-840.
  6. http://tapchidulich.net.vn/

THE COOPERATION BETWEEN UNIVERSITIES AND ENTERPRISES IN TRAINING HUMAN RESOURCES FOR THE TOURISM INDUSTRY

● NGUYEN NGOC TRUNG -NGUYEN THU HUONG

- CAO THI PHUONG THUY

Faculty of Economics and Business Administration, Electric Power University

ABSTRACT:

According to preliminary statistics of Vietnam's tourism industry, there are about 1.3 million workers in the tourism industry (accounting for 2.5% of the total number of employees in Vietnam). About 20% of Vietanmese workers in the toursim industry are trained on the job. There are 412 universities and colleges in Vietnam. However, the cooperation between enterprises and training organizations has not received enough attention and there is no appropriate cooperation model between schools and enterprises for the tourism industry. The toursim training in Vietnam is not associated with the needs of society, especially the needs of businesses. This paper focuses on providing the theoretical basis of the training cooperation  between schools and businesses in order to meet the needs of human resources in the tourism industry.

Keywords: Universtiy, human resources, tourism industry, human resource training.