Nền kinh tế ban đêm - Nền kinh tế thứ hai của du lịch Việt Nam

ThS. NGUYỄN THU HƯƠNG - ThS. CAO THỊ PHƯƠNG THỦY (Khoa Kinh tế và Quản lý - Trường Đại học Điện lực)

TÓM TẮT:

Tại Việt Nam, nhiều chuyên gia cho rằng, cũng như "kinh tế ngầm", "kinh tế ban đêm" chưa có nghiên cứu chính thức nào xác định quy mô, cũng như tác động của nó đến hoạt động kinh tế nói chung. Hoạt động kinh tế về đêm, ngoài sự chú ý gần đây, trước nay chỉ được biết đến qua một số chuỗi cửa hàng tiện lợi mở cửa 24/24h tại những tuyến phố mang nét đặc trưng như Tạ Hiện (Hà Nội), hay Bùi Viện (TP. Hồ Chí Minh). Vì vậy, bài viết phân tích thực trạng của các thành phố du lịch của Việt Nam trong việc thu hút du khách hàng năm, đồng thời tác giả cũng đã đề xuất một số biện pháp nhằm giúp phát triển nền kinh tế ban đêm tại Việt Nam, cũng như gia tăng giá trị thặng dư cho ngành Du lịch.

Từ khóa: Kinh tế ban đêm, điểm du lịch, ngành Du lịch.

1. Lời mở đầu

Kinh tế ban đêm - Night time Economy (NTE) được hiểu là tất cả những hoạt động dịch vụ diễn ra sau 17h ngày hôm trước cho đến 6h sáng hôm sau, bao gồm: ẩm thực, nghệ thuật, âm nhạc, các chương trình giải trí, lễ hội, sự kiện, cho tới các điểm du lịch chỉ mở cửa vào ban đêm.

Hiện nay tất cả sản phẩm du lịch của chúng ta chủ yếu tập trung từ 7h sáng đến 17h chiều, trong ngành Du lịch gọi là sản phẩm cứng, đã được quan tâm phát triển và thu được nhiều tiền của cho đất nước và các địa phương. Tuy nhiên, các sản phẩm bổ sung, từ 18h tối hôm trước đến 2h sáng ngày hôm sau và có thể thu được nhiều tiền nhất  vẫn chưa được phát triển. Nếu được tổ chức một cách bài bản, những khu ẩm thực, chợ đêm chắc chắn sẽ là một trong những sản phẩm tiềm năng thu hút khách du lịch quốc tế.

2. Thực trạng phát triển nền kinh tế ban đêm tại Việt Nam

2.1. Tại miền Bắc

Tại Quảng Ninh, UBND cũng đã họp bàn triển khai Đề án Phát triển kinh tế ban đêm. Đây là tỉnh có nhiều điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế ban đêm với tốc độ phát triển mạnh về du lịch. Trong những năm gần đây, lượng khách du lịch đến với Hạ Long - Quảng Ninh tăng mạnh. Chỉ tính riêng năm 2018, số lượng khách đến Quảng Ninh đạt hơn 12 triệu lượt, gấp 10 lần dân số của tỉnh, trong đó khách quốc tế đạt 5,2 triệu lượt. Lượng khách du lịch đến Tỉnh tiếp tục tăng, nhất là trong 10 tháng năm 2019, Quảng Ninh đã đón gần 12 triệu lượt khách, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó khách quốc tế đạt hơn 4,2 triệu lượt... Đây là cơ sở rất thuận lợi để phát triển các dịch vụ du lịch phục vụ du khách, đặc biệt là các dịch vụ kinh tế vào ban đêm đối với du khách quốc tế ở các quốc gia có múi giờ khác với Việt Nam.

Tuy có nhiều điều kiện để phát triển kinh tế ban đêm, nhưng hiện nay trên địa bàn Tỉnh, các dịch vụ hoạt động về đêm chủ yếu mới tập trung ở một số địa bàn, trung tâm du lịch lớn như TP. Hạ Long và TP. Móng Cái. Ngoài các tour ngủ đêm trên vịnh Hạ Long, Du lịch Quảng Ninh còn đang bỏ trống một mảng lớn về dịch vụ thương mại, giải trí, tham quan ban đêm, do chưa có nhiều sản phẩm và còn bị hạn chế bởi các quy định hiện hành. Bên cạnh đó, kinh tế ban đêm của Tỉnh hoạt động với quy mô còn nhỏ lẻ, manh mún, ít có sự đầu tư bài bản, chưa thu hút được các nhà đầu tư lớn. Tỉnh cũng còn thiếu các trung tâm, điểm vui chơi giải trí về đêm quy mô lớn...

Ở Hà Nội, các điểm vui chơi về đêm ở phố cổ, nằm trên địa bàn trung tâm như quận Hoàn Kiếm rất náo nhiệt từ khoảng 18h mỗi ngày. Nhưng không khí này chỉ kéo dài đến khoảng 23 - 24h, sau đó phải nhường chỗ cho sự im lặng của màn đêm. Đó là phần nổi bật nhất của kinh tế ban đêm ở Thủ đô.

Du khách đến với Hà Nội thường nhắc đến phố Tạ Hiện (quận Hoàn Kiếm) trầm mặc, bình yên, rêu phong, cổ kính vào ban ngày và đông đúc, nhộn nhịp khi màn đêm buông xuống. Đây là một phần rất ít sôi động về đêm ở Hà Nội và cũng chỉ hoạt động đến gần 12 h đêm. Trong khi đối với nhiều du khách phương Tây, thời điểm đó mới bắt đầu các cuộc vui chơi, giải trí.

Nhiều người trẻ Việt cũng khá hụt hẫng khi mới 23h đêm, nhiều điểm vui chơi đã phải lặng lẽ dọn dẹp, ngưng phục vụ. Điển hình là phố lẩu Phùng Hưng (Hà Nội) đậm chất Hà thành, nhưng do nhiều vấn đề về an ninh, trật tự, các hàng quán đều phải dọn dẹp bàn ghế, đóng kín cửa theo quy định và chỉ phục vụ khách ở tầng 2, 3, 4… thay vì ngồi ở vỉa hè hay tầng 1 như thời điểm 20-21h. Các quán bán hàng ăn đêm ở Hà Nội nếu muốn hoạt động sau 12h đêm, phải là những địa điểm nằm sâu trong ngõ, bày biện vài chiếc bàn nhỏ và sẵn sàng bị lực lượng chức năng yêu cầu dọn hàng, đóng cửa bất cứ lúc nào.

Các hoạt động vui chơi, giải trí, lễ hội để phục vụ người dân, du khách ở Hà Nội cũng khá khiêm tốn. Ngoài chương trình biểu diễn của các nhà hát truyền thống như Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Múa rối Thăng Long… các hoạt động khác gần như chỉ mang tính chất thời vụ, hoặc vào các dịp lễ.

Từ năm 2016, Hà Nội bắt đầu tổ chức tuyến phố đi bộ xung quanh hồ Hoàn Kiếm và liên thông với khu vực phố cổ. Đây được coi là bước tiến quan trọng của thành phố hơn 8 triệu dân. Các hoạt động vui chơi, giải trí, lễ hội đường phố, biểu diễn âm nhạc đường phố đã bắt đầu hút khách du lịch và tạo nên những dấu ấn riêng cho Thủ đô. Dù vậy, phố đi bộ mới chỉ hoạt động vào các ngày cuối tuần, không khí về đêm dù rất đông đúc, nhưng chưa thực sự hấp dẫn.

2.2. Tại miền Trung

Đà Nẵng cũng nổi tiếng là thủ phủ du lịch miền Trung. Tuy nhiên, từ khoảng 21h, các tuyến phố ở khu vực trung tâm quận Hải Châu, hay phố du lịch ở Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, người dân đã bắt đầu tắt đèn, đi ngủ. Con đường phố thời trang Lê Duẩn cũng chỉ hoạt động tới 22h. Nhiều du khách lần đầu đến Đà Nẵng đều bất ngờ với việc "thành phố đi ngủ sớm". Dạo quanh một vòng ở khu phố An Thượng, quận Ngũ Hành Sơn - được mệnh danh là phố Tây của Đà Nẵng cũng chỉ có vài hàng quán mở cửa đón khách sau 22h. Nhiều nhóm du khách cho biết, ban đêm ở Đà Nẵng, họ chỉ trải nghiệm dịch vụ đến 22h ở các điểm như Helio, chợ đêm Sơn Trà, hay một số quán bar nổi tiếng.

Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, xác định du lịch là một trong 3 trụ cột chính phát triển kinh tế - xã hội của TP. Đà Nẵng; trong đó, phát triển du lịch về đêm là một trong những định hướng phát triển du lịch của TP. Đà Nẵng đến năm 2030. Mặc dù TP. Đà Nẵng đã và đang nỗ lực tạo ra các sản phẩm vui chơi giải trí về đêm, nhưng hiện vẫn loay hoay tìm hướng phát triển.

Theo định hướng phát triển du lịch của TP. Đà Nẵng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, trước mắt, Đà Nẵng sẽ tổ chức phố đêm 24/7 tại quận Ngũ Hành Sơn, với các hoạt động vui chơi giải trí, biểu diễn nghệ thuật ở khu vực bãi biển... và đưa vào hoạt động phố đi bộ - chợ đêm Bạch Đằng.

TP. Đà Nẵng cũng khuyến khích các trung tâm mua sắm lớn, cụm dịch vụ tại khu vực ven sông phía Đông đường Hai Tháng Chín, các tuyến Bạch Đằng, Trần Hưng Đạo, phố du lịch An Thượng, tuyến biển Trường Sa - Võ Nguyên Giáp - Hoàng Sa kéo dài thời gian mở cửa phục vụ khách đến 24h... Tuy nhiên, đến nay, các hoạt động về đêm vẫn chưa thu hút du khách.

Nhắc đến Quảng Nam, chúng ta không thể không nhắc đến phố cổ Hội An. Nét đẹp của phố cổ về đêm đã góp phần lớn làm cho Hội An được du khách yêu thích và bình chọn, tôn vinh nhiều danh hiệu, như: thành phố quyến rũ, điểm đến hấp dẫn, hay là một trong 10 thành phố du lịch tốt nhất thế giới (theo bình chọn của Tạp chí Du lịch nước Anh Wanderlust).

Ở Việt Nam nói chung, Quảng Nam nói riêng, các loại hình kinh tế ban đêm đã và đang phát triển. Tuy nhiên, các sản phẩm du lịch còn sơ sài, thời gian diễn ra các hoạt động trong đêm thường ngắn (kết thúc vào khoảng 23h). Các loại hình du lịch về đêm cũng bắt chước na ná nhau như chợ đêm, đêm phố cổ (Hội An và Hà Nội), nếu không đổi mới sáng tạo, gia tăng bản sắc địa phương, sẽ dễ gây nhàm. Hội An đã nhận thức được vấn đề này, nên đã và đang tìm cách làm mới sau 20 năm tổ chức “Đêm phố cổ” (với hơn 230 đêm được tổ chức từ năm 1998 đến năm 2018). Mới đây, trong cuộc tọa đàm “Tìm giải pháp nâng cao chất lượng du lịch Hội An”, nhiều doanh nghiệp có chung đề xuất cần phải tạo ra những “đêm An Bàng”, “đêm Trà Quế”… xen kẽ vào những ngày giữa tuần để điều tiết được dòng khách thường đi vào thời điểm cuối tuần, cũng như chỉ tập trung vào khu vực phố cổ. Đó là ý kiến xác đáng cần nghiên cứu, bởi hiện tại, dòng khách về Hội An cũng sụt giảm sau khoảng 21 - 22h đêm. Hội An còn khó vậy, các địa phương phía Nam của tỉnh sẽ còn khó khăn hơn. Ngay tại tỉnh lỵ Tam Kỳ, một số quán nhậu, quán karaoke còn hoạt động tới 22h, ngoài ra, khách chẳng biết chơi gì vào ban đêm. Đến một thành phố để ngủ sẽ khó níu chân khách du lịch lưu trú dài ngày được.

2.3. Tại miền Nam

Tính đến thời điểm này, TP. Hồ Chí Minh có khoảng 5 tuyến phố đi bộ. Trong đó, nổi tiếng và thu hút nhất là 2 tuyến ở trung tâm là Bùi Viện và Nguyễn Huệ (Q.1). Dù cả 2 tuyến phố đều thu hút rất đông khách trong và ngoài nước hằng đêm, nhưng vẫn chưa đủ các yếu tố để đưa Thành phố trở thành “thành phố không ngủ”, nhằm thu hút du khách nước ngoài.

Phố đi bộ Bùi Viện trước khi được quy hoạch thành phố đi bộ, được gọi là “phố Tây”, vì tập trung rất đông khách nước ngoài. Đến nay, khu phố này đã trở thành “điểm nhấn” về vui chơi giải trí, nhưng hoàn toàn bỏ qua các sự kiện văn hóa, sự kiện quần chúng, khiến Bùi Viện dần trở thành “phố nhậu” thuần túy. Trước đây có chương trình hoạt động văn hóa duy nhất là “À ố show”, nhưng cũng không được đầu tư đến nơi đến chốn, doanh nghiệp (DN) tự vận động, nên nay cũng chìm dần.

Ngược lại, đường Nguyễn Huệ trở thành điểm tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, giải trí, nhưng lại thiếu các dịch vụ mua sắm, shopping, ẩm thực đậm chất du lịch. Thế nên, phố đi bộ Nguyễn Huệ vẫn tập trung chủ yếu các bạn trẻ đến hóng mát, chụp hình, uống cà phê và ăn quà hàng rong, thay vì trở thành “đặc sản” về đêm của Thành phố.

Trong khi đó, TP. biển Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) hiện có 4 chợ đêm hoạt động tại: Số 46 Trần Phú của Công ty Yến sào Khánh Hòa; Nha Trang Market trên đường Trần Quang Khải; Yasaka 9 market của Khách sạn Yasaka Sài Gòn - Nha Trang và "Phố mua sắm" trên đường Nguyễn Thiện Thuật. Tuy nhiên, các chợ đêm này vẫn đơn thuần là mua sắm những mặt hàng lưu niệm.

Ngoài chợ đêm, Nha Trang cũng có những quán bar, nhưng số lượng ít, chỉ đếm trên đầu ngón tay, như: Sailing Club, Skylight, Zima, Lodge, Yasaka. Các hoạt động biểu diễn văn hóa về đêm cũng còn ít, dù có đủ không gian biểu diễn như ở Trung tâm hội nghị 46 Trần Phú, Công viên Phạm Văn Đồng, Công viên bờ biển Trần Phú. Ông Đinh Văn Cường - Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin TP. Nha Trang cho biết, địa bàn hiện  có gần 70 cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke. Trong đó, số lượng đủ tiêu chuẩn hoạt động đến 2h sáng chỉ khoảng trên 10 cơ sở.

Từ thực tế đó, du khách đến Nha Trang cũng đi ngủ rất sớm. Hoạt động kinh tế ban đêm tại Nha Trang đến nay vẫn chưa phát triển một cách bài bản, đồng bộ,  chỉ là các hoạt động đơn lẻ của các doanh nghiệp du lịch. Là địa phương phát triển du lịch mạnh mẽ vào tốp đầu cả nước, tuy nhiên, thực tế là du khách nước ngoài đến Nha Trang chi tiêu chủ yếu ở các hoạt động ăn uống, vui chơi ban ngày, còn khi màn đêm buông xuống, họ vẫn phải tự giải quyết câu hỏi đi đâu, ăn gì, chơi gì. Cũng giống như Phú Quốc, ở Nha Trang cũng có dịch vụ câu mực đêm và khách du lịch cũng hay đi bộ dạo chơi các chợ đêm nơi đây. Bar và club của Nha Trang đắt đỏ, tuy nhiên dịch vụ phục vụ của 2 hoạt động này khiến cho khách du lịch cảm thấy xứng đáng với đồng tiền chi trả.

Phú Quốc cũng chỉ có một vài hoạt động về đêm, như: chợ đêm và câu mực đêm. Chợ đêm Phú Quốc là điểm vui chơi náo nhiệt nhất về đêm.  Tập trung tại chợ là vô số các hàng quán, chuyên bán các món ăn dân dã, mang đặc trưng của Phú Quốc, như: hột é, mủ trôm, bánh bao chỉ, đậu phộng chou chou,… Đặc biệt, chợ đêm Phú Quốc là cả một thiên đường ẩm thực, với các món từ nguồn hải sản tươi sống mang hương vị của biển đảo Phú Quốc. Tuy nhiên, những hoạt động này cũng không hoạt động mạnh vào ban đêm. Một hoạt động khá sôi nổi về đêm tại Phú Quốc mà hầu như du khách nào cũng muốn tham gia, đó là trải nghiệm câu mực đêm. Chương trình thường bắt đầu lúc 17h chiều, du khách sẽ lên tàu ra ngư trường câu mực. Trải nghiệm thú vị đầu tiên chính là đắm chìm trong không gian lãng mạn của hoàng hôn trên biển.

Khác với những thành phố khác, thành phố Vũng Tàu có rất nhiều địa điểm cắm trại thú vị cho hành trình khám phá Vũng Tàu không bao giờ nhàm chán. Du khách được trải nghiệm một buổi tối cắm trại ngoài trời, cùng nhau thưởng thức những bữa tiệc BBQ ngoài trời. Chợ đêm Vũng Tàu không chỉ là nơi khách du lịch mua sắm những món đồ lưu niệm, hải sản tươi sống, hải sản khô, hay những món đặc sản Vũng Tàu khác, mà còn là điểm đến khám phá văn hóa, phong tục, tập quán và con người Vũng Tàu một cách dễ dàng nhất.

3. Một số đề xuất

3.1. Với các cơ quan nhà nước

Bộ Công Thương đánh giá: “Việt Nam hội tụ nhiều điều kiện phát triển kinh tế đêm, như có tài nguyên du lịch ưu đãi và ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách quốc tế, chính trị an ninh ổn định, không có nguy cơ khủng bố...”. Theo đó, Bộ Công Thương cho rằng, để phát triển kinh tế ban đêm, Chính phủ cần giao cơ quan đầu mối triển khai xây dựng “Đề án phát triển kinh tế đêm của Việt Nam”; chỉ đạo các địa phương đưa nội dung quy hoạch phát triển kinh tế đêm vào trong quy hoạch tổng thể quy hoạch kinh tế - xã hội của tỉnh, thành phố; lựa chọn thực hiện thí điểm phát triển kinh tế ban đêm tại một số thành phố lớn và một số khu du lịch lớn trên cả nước, như: Hà Nội, TP. HCM, Đà Nẵng, Vũng Tàu, Đà Lạt, Sa Pa, Hội An...”.

Ba năm gần đây, kinh tế ban đêm (Night-time economy) bắt đầu thu hút sự quan tâm từ những nhà lập pháp, kéo theo đó là hàng loạt chính sách thúc đẩy phát triển của các nước trên thế giới. Chính quyền Bắc Kinh cho biết sẽ tối ưu hóa dịch vụ giao thông công cộng, quảng bá các nhà hàng đêm, ủng hộ việc kéo dài thời gian kinh doanh. Các cơ quan chức năng của Nhật Bản đề xuất thúc đẩy cơ sở hạ tầng giao thông, các quy định liên quan đến địa điểm, điều kiện làm việc; Chính phủ Canada tìm lời giải cho bài toán “phát triển kinh tế ban đêm ngoài các quán bar và câu lạc bộ”,... Đây là những thực tế chính sách phát triển kinh tế ban đêm của nước ngoài để Việt Nam tham khảo và tìm ra hướng giải quyết cho đất nước mình. Muốn có được chính sách hỗ trợ kinh tế về đêm cho các địa điểm thu hút nhiều khách du lịch, cũng cần tính tới việc sửa đổi các quy định hiện hành về kinh doanh dịch vụ sau 0h...

Nếu không có các hoạt động vui chơi, giải trí, kinh doanh về đêm, sẽ không làm cho điểm du lịch có sức hút và cũng không đem lại một nguồn thu lớn từ du lịch, vì thực tế hoạt động vui chơi, giải trí về đêm chiếm tỷ trọng doanh thu rất lớn.Vì vậy, việc phát triển kinh tế đêm là vấn đề thiết yếu để phát triển du lịch tốt hơn.

Theo chúng tôi, các thành phố du lịch hàng đầu đương nhiên sẽ là những thành phố cần được chọn để đặt những nền móng đầu tiên cho nền kinh tế đêm. Trong số đó, Phú Quốc sẽ là một trong điểm du lịch hàng đầu, với quần thể Vinpearl Phú Quốc tại Bãi Dài, Khu Casino Corona, thiên đường giải trí VinWonders, đặc biệt là siêu tổ hợp nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí và mua sắm 85ha Grand World của chủ đầu tư NewVision.

3.2. Với các doanh nghiệp lữ hành

Hoạt động của các doanh nghiệp lữ hành góp phần quảng bá thông tin điểm đến cho du khách, ảnh hưởng đến lựa chọn điểm đến của du khách và phối hợp với các dịch vụ khác (nhà hàng, khách sạn…) tạo thành “gói” sản phẩm du lịch. Đồng thời, hoạt động của các doanh nghiệp lữ hành không chỉ ảnh hưởng đến truyền thông, góp phần nâng cao chất lượng du lịch, mà còn liên quan đến các vấn đề bảo tồn văn hóa, bảo vệ tài nguyên môi trường… Vì vậy, hoạt động của các doanh nghiệp lữ hành chắc chắn có ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển bền vững của ngành Du lịch.

Về nội dung, kinh tế ban đêm sẽ không chỉ gói gọn trong chợ đêm, hay phố đi bộ, mà còn có hàng loạt dịch vụ khác, như: dịch vụ vận tải, thương mại, thậm chí là giao dịch tài chính xuyên quốc gia. Do đặc thù múi giờ khác nhau, cho nên, các doanh nghiệp lữ hành cần đa dạng hóa thị trường du lịch, đa dạng hóa sản phẩm du lịch, đẩy mạnh liên kết du lịch, đặc biệt là cần, liên kết tổ chức các chương trình, tới những điểm đến như phố đêm 24/7, để làm đa dạng và phong phú các hoạt động du lịch về đêm tại khu vực này, ngoài các quán bar, pub... cần có những không gian công cộng, đưa các hoạt động nghệ thuật xuống phố như chơi bài chòi, các hoạt cảnh... Đó phải là những chương trình để du khách không chỉ thưởng thức, mà còn có thể tham gia; đồng thời phải có sự tương tác qua lại giữa chủ thể hoạt động và du khách, kích thích sự tò mò, hấp dẫn du khách.

4. Kết luận

Theo các chuyên gia kinh tế, Việt Nam có nhiều lợi thế phát triển kinh tế ban đêm, như dân số trẻ, thích sinh sống tập trung tại các thành phố, bên cạnh những yếu tố văn hóa - nghệ thuật và ẩm thực đặc sắc, mức độ hội nhập và toàn cầu hóa cao; thời tiết ban đêm  dễ chịu. Do đó, hầu hết thành phố lớn, không riêng Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, đều có những tiềm lực phát triển kinh tế ban đêm theo những hướng khác nhau. Quan trọng lúc này là cần phải thay đổi lại quan điểm mới giải quyết được vấn đề thu hút du khách.

Để làm được điều đó, việc phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam cần sự đầu tư bài bản và chính sách đồng bộ hơn, bao gồm các khu vực riêng, được quy hoạch dài hạn và phát triển hạ tầng điện, nước và có kết nối giao thông công cộng, hệ thống quy định pháp lý và mạng lưới quản lý dịch vụ an ninh, an toàn; các sản phẩm dịch vụ ngày càng đa dạng và tiện ích cao từ nhiều ngành ẩm thực, nghệ thuật và giải trí đạt các yêu cầu cao về chất lượng… Việc kích thích tiêu dùng ban đêm sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư vào cơ sở vui chơi, giải trí, mua sắm,... Từ đó, các công ty du lịch sẽ có nhiều phương án kéo dài thời gian lưu trú cho du khách, các tour dài ngày hơn. Du khách ở lại dài ngày hơn sẽ chi tiêu nhiều hơn, được thụ hưởng và trải nghiệm nhiều hơn. Nếu làm tốt, chắc chắn các khu kinh tế ban đêm sẽ vừa là động lực kinh tế, vừa là động lực văn hóa tại các thành phố, địa phương và khu vực, giúp tăng việc làm và thu nhập cho người lao động, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước, tăng công suất hữu dụng và giúp cả giảm áp lực cho các cơ sở hạ tầng thương mại dịch vụ, giao thông vận tải.

Với những đột phá về nhận thức và cách nghĩ, cách làm mới, kỳ vọng kinh tế ban đêm sẽ là “cửa sáng” cho phát triển các ngành Dịch vụ thương mại và Du lịch của Việt Nam, đáp ứng nhu cầu của cả du khách trong nước và quốc tế.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Vũ Đức Thanh (2006), Phố Tây - Nửa đêm về sáng, Tạp chí Du lịch TP. HCM (số 4).
  2. Đặng Thanh Vũ (2004), Phố cổ Hội An lung linh cổ tích, Tạp chí Du lịch TP. HCM (số 8).
  3. http://baoquangninh.com.vn/tieu-diem/201911/phat-trien-kinh-te-dem-2461543/
  4. http://tinhuykhanhhoa.vn/tin-chi-tiet/id/6395/Thuc-day-phat-trien-kinh-te-ban-dem
  5. https://baodanang.vn/channel/5404/201911/hang-loat-giai-phap-phat-trien-du-lich-ve-dem-3264929/
  6. http://baoquangnam.vn/su-kien-binh-luan/theo-nhip-tho-ban-dem-70436.html
  7. https://baokhanhhoa.vn/du-lich/202001/thuc-day-phat-trien-kinh-te-ban-dem-8145452/
  8. https://www.nhandan.com.vn/hangthang/item/42800402-%E2%80%9Ccan-nhung-giai-phap-thich-ung-voi-kinh-te-dem%E2%80%9D.html

NIGHT-TIME ECONOMY – THE SECOND ECONOMY

FOR VIETNAM’S TOURISM INDUSTRY

Master. NGUYEN THU HUONG - Master. CAO THI PHUONG THUY

Faculty of Economics and Business Administration

Electric Power University

ABSTRACT:

In Vietnam, many experts believe that, like "underground economy", there has been no official study to determine the scale of “night-time economy” and its impacts on the country’s economy in general. Night-time economic activities have only been known through a number of 24h convenience stores and some typical streets like Ta Hien Street in Hanoi and Bui Vien Street in Ho Chi Minh City. This article analyzes the current situation of Vietnam's tourism cities in attracting tourists annually and proposes some measures to develop the night-time economy in Vietnam, increasing the added value for the country’s tourism industry.

Keywords: Night-time economy, tourist destination, tourism industry.