Những yếu tố ảnh hưởng đến quyết định làm thêm của sinh viên Khoa Kinh tế - Trường Đại học An Giang

THS. NGUYỄN THỊ PHƯỢNG (Giảng viên Khoa Kinh tế - Trường Đại học An Giang) TRẦN THỊ DIỄM THÚY (Giảng viên Khoa Sư phạm - Trường Đại học An Giang)

TÓM TẮT:

Tại Khoa Kinh tế - Trường Đại học An Giang, số lượng sinh viên đi làm thêm (cả nội thành và ngoại tỉnh) chiếm tỉ lệ khá cao với 40,8%. Nghiên cứu đã chỉ ra 6 nhân tố tác động tích cực đến quyết định làm thêm của sinh viên gồm: thu nhập, kinh nghiệm, kỹ năng sống, năm đang học, chi tiêu, thời gian rảnh và kết quả học tập.

Từ khóa: Làm thêm, Trường Đại học An Giang, sinh viên.

1. Đặt vấn đề

Trong thời gian đi học, nhằm gia tăng thu nhập, bên cạnh việc hàng ngày lên lớp, bộ phận lớn sinh viên đã quyết định tham gia vào lực lượng lao động bán thời gian (part-time). Các công việc làm thêm chủ yếu mang tính chất thời vụ, có thể đi làm ngoài giờ như: gia sư, phát tờ rơi, bán hàng, trực điện thoại, chở hàng, xe ôm… Những công việc này thường giản đơn, không đòi hỏi tay nghề cao, không qua đào tạo bài bản nhưng thông qua đó các bạn có thể học hỏi được kỹ năng, kinh nghiệm, tay nghề cũng như gia tăng thu nhập. Không những vậy, sinh viên có thể tìm kiếm một môi trường để áp dụng kiến thức đã được học vào thực tế, trải nghiệm kỹ năng xử lý các tình huống phát sinh, từ đó giúp gia tăng cơ hội nghề nghiệp của mình sau khi ra trường.

Từ những lợi ích trên, công việc làm thêm không những thu hút các sinh viên ngoại tỉnh mà đây còn là nhu cầu của cả sinh viên nội thành, phải kể đến như tại trường Đại Học An Giang (thành phố Long Xuyên). Hiện nay, Trường Đại học An Giang có 13.498 sinh viên đang theo học, thuộc 57 ngành đào tạo khác nhau, trong đó Khoa Kinh tế có số lượng 2.435 sinh viên, chiếm 18,94% tổng số sinh viên toàn trường. Đây là nguồn cung cấp đáng kể cho nhu cầu thị trường lao động thời vụ của 1.314 doanh nghiệp và hộ kinh doanh đang hoạt động trên địa bàn Thành phố Long Xuyên (Niên gián thống kê tỉnh An Giang, 2018). Đề tài nghiên cứu này đã được thực hiện với mong muốn tìm hiểu các nhân tố ảnh hưởng đến quyết định làm thêm của sinh viên Khoa Kinh tế - Trường Đại học An Giang.

2. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu

2.1. Cơ sở lý thuyết

Công việc làm thêm hay công việc bán thời gian (part - time work) được định nghĩa là việc làm mà trong đó số giờ làm việc ít hơn bình thường (Thurman & Trah, 1990). Theo Arne (2000), tổng thời gian làm việc trung bình mỗi tuần được quy định làm căn cứ phân loại công việc bán thời gian và toàn thời gian ở các quốc gia khác nhau. Ở Hoa Kỳ và Pháp, công việc bán thời gian được quy định là dưới 35 giờ một tuần, Canada và Anh là dưới 30 giờ một tuần, Đức là dưới 36 giờ, trong khi đó ở Nhật Bản, việc quyết định một nhân viên làm bán thời gian hay không do chủ doanh nghiệp phân loại mà không căn cứ vào thời lượng làm việc. Theo đó, người lao động bán thời gian sẽ làm việc theo ca, mỗi ca được sắp xếp xoay vòng luân phiên giữa các nhân viên.

Nghiên cứu của Hielke năm 2004 về các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định làm việc bán thời gian ở các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) cho thấy có 3 nhóm yếu tố ảnh hưởng đến nhu cầu làm thêm của người lao động gồm: Chu kỳ kinh doanh, Tổ chức thị trường lao động, thể chế luật pháp và Yếu tố cấu trúc khác.

Chu kỳ kinh doanh:

Kết quả nghiên cứu của Hielke cho thấy chu kỳ kinh doanh có tác động đến sự biến động tỉ lệ việc làm bán thời gian của cơ cấu lao động trong ngắn hạn và trung hạn, trở thành phương tiện điều chuyển lực lượng lao động một cách linh hoạt sao cho phù hợp với từng giai đoạn trong chu kỳ kinh doanh của các doanh nghiệp. Trong thời kỳ suy thoái, những người làm việc theo ca tăng lên do các nhà tuyển dụng cung cấp việc làm bán thời gian như một cách để điều chỉnh số giờ làm việc, tránh cho nhân viên bị sa thải hoặc rơi vào tình trạng thất nghiệp dài hạn. Theo đó, chủ doanh nghiệp có thể giảm số giờ làm việc của lực lượng lao động hiện tại hoặc thuê thêm lao động mới làm việc bán thời gian nhằm tiết kiệm chi phí vượt qua giai đoạn khó khăn của chu kỳ kinh doanh.

Sự tác động của chu kỳ kinh doanh đến tỉ lệ việc làm bán thời gian ở chỗ người tuyển dụng có thể  sử dụng công việc bán thời gian để sàng lọc nhân viên tốt cho vị trí toàn thời gian, hoặc ngược lại cung cấp các hợp đồng toàn thời gian cho nhân viên bán thời gian nhằm giảm thiểu rủi ro không đáng có trong thời kỳ suy thoái của chu kỳ kinh doanh.

Về phía người được tuyển dụng, trong hoàn cảnh nền kinh tế giảm sút hoặc tỉ lệ thất nghiệp gia tăng, người lao động sẵn sàng coi công việc bán thời gian thay thế cho lựa chọn công việc toàn thời gian, đồng thời khả năng tham gia thị trường lao động bán thời gian của người có tay nghề thấp hoặc phụ nữ có xu hướng giảm.

Tổ chức thị trường lao động và thể chế luật pháp

Các yếu tố thị trường lao động và thể chế luật pháp có khả năng ảnh hưởng dài hạn đến tỉ lệ lao động bán thời gian. Các quy định luật pháp hoặc thỏa ước lao động tập thể có thể ảnh hưởng đến sự phát triển việc làm bán thời gian thông qua 3 cơ chế: Thứ nhất, một số quy định về thời gian làm việc làm hạn chế nhà tuyển dụng sử dụng công việc bán thời gian. Thứ hai, quy định về tiền lương, hệ thống bảo trợ xã hội hoặc hệ thống pháp luật thuế trong tương quan so sánh giữa việc làm bán thời gian và toàn thời gian ảnh hưởng đến nguồn cung lao động sẵn sàng tham gia công việc bán thời gian. Thứ ba, các quy định liên quan đến điều kiện để người lao động tự nguyện chuyển đổi công việc từ toàn thời gian sang bán thời gian để dung hòa giữa cuộc sống và sự nghiệp cá nhân, trong khi công việc bán thời gian ngày càng chứng tỏ ưu thế linh hoạt trong việc sắp xếp nhân sự và tiết kiệm chi phí của nhà tuyển dụng.

Yếu tố cấu trúc khác

Việc làm bán thời gian là cách thức phụ nữ tham gia vào thị trường lao động, biến động tăng giảm tỉ lệ phụ nữ trong cơ cấu dân số tỉ lệ thuận với sự gia tăng tỉ lệ việc làm bán thời gian ở nhiều quốc gia. Theo Fagan & ctg (1998), các gia đình có nam giới là trụ cột thì phụ nữ được khuyến khích làm việc bán thời gian nhiều hơn so với nam giới.

Kết quả lược khảo các nghiên cứu trong và ngoài nước cho thấy có nhiều nghiên cứu liên quan đến nhu cầu việc làm bán thời gian của người lao động. Valletta (2013) khi nghiên cứu những ẩn số đằng sau sự gia tăng của lao động bán thời gian trong các thời kỳ suy thoái của nền kinh tế giai đoạn từ năm 1976 đến 2013 cho thấy: sự tác động của chu kỳ kinh doanh đến tỉ lệ lao động bán thời gian khi nền kinh tế đi xuống, nhu cầu lao động giảm xuống kéo theo số giờ lao động giảm, đồng nghĩa với tỉ lệ thất nghiệp tăng lên.

Nghiên cứu của Arne (1995) lại nghiên cứu về việc làm bán thời gian của người lao động Hoa Kỳ ở khía cạnh chính sách. Các phân tích của ông nhấn mạnh những lợi ích của việc làm bán thời gian đối với cả người sử dụng lao động và nhân viên nhưng các chính sách thu nhập, lợi ích, thăng tiến, phúc lợi xã hội như bảo hiểm, hưu trí… dường như chỉ dành sự ưu ái cho lao động toàn thời gian, chính điều này đã làm giảm hiệu quả công việc và sự trung thành ở người làm việc bán thời gian đối với chủ sở hữu. Susan trong một nghiên cứu về sự tác động của chính sách đối với lao động bán thời gian năm 2015 cho thấy tỉ lệ lao động bán thời gian tại Nhật Bản tăng lên 80% từ năm 1982 đến năm 1992 và chiếm hơn 16% việc làm được trả lương năm 1992 nhờ các ưu đãi về thuế và phúc lợi của chính phủ đối với lao động bán thời gian và người phối ngẫu của họ.

Trong một nghiên cứu thực nghiệm được tiến hành trên 400 sinh viên Trường Đại học Cần Thơ của Nguyễn Quốc Duy và ctg (2015) cho thấy thu nhập của sinh viên, năm sinh viên theo học và kinh nghiệm, kỹ năng sống ảnh hưởng thuận chiều có ý nghĩa thống kê lên quyết định đi làm thêm của sinh viên Đại học Cần Thơ.

Kết quả nghiên cứu của tác giả Nguyễn Xuân Long (2009) về thực trạng nhu cầu làm thêm của 480 sinh viên Đại học Ngoại ngữ Đại học Quốc gia Hà Nội cho thấy có 33,1% đáp viên được hỏi lựa chọn lý do tham gia làm thêm vì muốn rèn luyện chuyên môn nghiệp vụ, 31,3% sinh viên đi làm vì lý do thu nhập, 12,5% vì muốn thử sức mình, 12,1% muốn tận dụng thời gian nhàn rỗi, 7,7% muốn tự khẳng định mình, còn lại vì muốn mở rộng giao tiếp và tìm cơ hội việc làm khi ra trường chiếm 8,4%.

Lê Phương Lan & ctg (2015) nghiên cứu về khả năng có việc làm của sinh viên Đại học Ngoại Thương sau khi tốt nghiệp đã chứng minh rằng những sinh viên có đi làm thêm trong thời gian còn đi học thì xác suất có việc làm sau khi tốt nghiệp sẽ cao hơn những sinh viên khác, điều đó có nghĩa là việc tích lũy kinh nghiệm để mong muốn tìm được việc làm đúng chuyên ngành sau khi ra trường là một trong những động lực thôi thúc sinh viên tham gia làm thêm.

2.2. Phương pháp phân tích

Để khám phá các nhân tố ảnh hưởng đến quyết định làm thêm của sinh viên, nhóm tác giả sử dụng mô hình kinh tế lượng probit để ước lượng xác suất xảy ra của biến phụ thuộc là hàm số của biến độc lập. Đây là một loại mô hình hồi quy phản ứng định danh (qualitative response regression models) có dạng như sau:

Trong đó biến phụ thuộc có dạng nhị phân (binary or dichotomous) nhận hai giá trị là Có tham gia làm thêm (1) và Không tham gia làm thêm (0), các biến độc lập được đưa vào mô hình gồm có Giới tính, ngành học, năm đang học, nơi cư trú, thu nhập, chi tiêu, thời gian rảnh, kinh nghiệm - kỹ năng sống và kết quả học tập. Dữ liệu được thu thập bằng bản câu hỏi soạn sẵn, điều tra trực tiếp trên 267 sinh viên các khóa thuộc khoa Kinh tế, trường Đại học An Giang.

3. Kết quả và diễn giải phân tích kết quả

3.1. Thống kê mô tả mẫu nghiên cứu

Trong tổng số 267 sinh viên trả lời phỏng vấn có 112 sinh viên nam tương đương 41,95% và có 154 sinh viên nữ tương đương 58,05%, như vậy số lượng sinh viên nữ nhiều hơn sinh viên nam.

Số lượng sinh viên theo học các ngành gồm có 76 sinh viên Ngành Quản trị kinh doanh; 56 sinh viên Ngành Kế toán, đây là ngành có số lượng sinh viên theo học cao nhất chiếm tỉ lệ lần lượt là 28,5% và 21%; 50 sinh viên học Ngành Marketing tương ứng 18,7%; và 40 bạn học Ngành Tài chính ngân hàng, tương đương 15%. Ngành có số sinh viên được phỏng vấn ít nhất gồm 32 bạn học Tài chính doanh nghiệp và 13 bạn học Kinh tế quốc tế, chiếm tỉ lệ lần lượt là 12% và 4,9%.

Trong tổng mẫu điều tra có 45 sinh viên đang học năm thứ nhất, 112 bạn đang học năm thứ hai, 76 bạn theo học năm thứ ba và 34 bạn theo học năm cuối, tương đương tỉ lệ 16,9%, 41,9%, 28,5% và 12,7%.

Qua thống kê cơ cấu mẫu theo giới tính, ngành học, khóa học cho thấy số đáp viên tham gia trả lời phỏng vấn đồng đều ở cả hai giới, đa dạng ở các ngành học và khóa học, tuy có chênh lệch về số lượng nhưng không đáng kể. Có thể kết luận cơ cấu mẫu tương đối phù hợp với đề tài nghiên cứu.

3.2. Thực trạng đi làm thêm của sinh viên

Số liệu điều tra về thực trạng sinh viên có tham gia đi làm thêm cho thấy số lượng sinh viên tham gia làm thêm tương đối đông. Có 109 bạn trả lời đang làm hoặc đã từng làm thêm cho các cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh trong thời gian theo học chiếm tỉ lệ 40,8%, tương đương gần một nửa số sinh viên được phỏng vấn. Có thể lý giải nguyên nhân tỉ lệ sinh viên tham gia lao động bán thời gian ngày càng nhiều là do lợi ích mang lại từ việc làm thêm như thu nhập, kỹ năng, kinh nghiệm… khiến cho các bạn sinh viên ngày càng hứng thú không chỉ đối với các bạn có hộ khẩu thường trú ngoại tỉnh mà còn cả đối với các bạn sinh viên có gia đình sinh sống trong nội thành.

Với 158 đáp viên không tham gia làm thêm tương đương 59,2%, có nhiều lý do khiến số sinh viên này không mặn mà với việc đi làm thêm gồm có: 39,4% sinh viên muốn tập trung thời gian cho việc học; 20,2% các bạn mặc dù muốn đi làm thêm nhưng gia đình không ủng hộ; 17,4% các bạn cảm thấy không đảm bảo sức khỏe khi cùng một lúc vừa đi làm vừa đi học, đặc biệt là các bạn sinh viên cuối khóa khi mà khối lượng kiến thức phải học tăng lên để chuẩn bị cho giai đoạn quan trọng trước khi tốt nghiệp. Còn lại 11,9% và 11% sinh viên không muốn đi làm thêm do không có thời gian hoặc không gặp áp lực về kinh tế nên không nhất thiết phải ra tăng thu nhập từ công việc làm thêm.

Qua khảo sát về loại công việc mà sinh viên lựa chọn thường là những công việc giản đơn không thông qua đào tạo chuyên sâu, không đòi hỏi kinh nghiệm và có thể chủ động thời gian tham gia như nhân viên phục vụ chiếm 39,4%, gia sư là 24,8%, bán hàng, nhân viên kinh doanh là 14,7%, phát tờ rơi chiếm 11%, tự kinh doanh trực tiếp hoặc online là 3,7%, còn lại 4,6% sinh viên được hỏi làm cộng tác viên cho các hoạt động marketing của doanh nghiệp và 1,8% làm các công việc khác. Trong số các công việc được chọn để làm thêm chỉ có 22,9% số sinh viên được hỏi đồng ý rằng các công việc đang làm phù hợp với chuyên ngành kinh tế mà các bạn đang theo học tại trường đại học.

Kết quả điều tra về thực trạng tiền công làm thêm của sinh viên cho thấy tiền công của sinh viên được trả theo số giờ đi làm thực tế hoặc được giao khoán theo thỏa thuận giữa sinh viên và người chủ dao động từ 12 đến 15 ngàn đồng/giờ. Nếu tích cực lao động thì tổng tiền công được trả trung bình tháng sẽ tương đối ổn định để các bạn trang trải các chi phí cần thiết. Tuy nhiên, số sinh viên này chiếm tỉ lệ nhỏ trong mẫu phỏng vấn, số sinh viên có tiền công trên 5 triệu đồng/tháng chỉ có 1,8%, tiền công từ 3 đến dưới 5 triệu đồng/tháng chiếm 7,3%, cao nhất là những sinh viên có tiền công trung bình dưới 1 triệu đồng/tháng chiếm 57,8% và tiền công từ 1 đến dưới 3 triệu đồng/tháng chiếm 33%.

3.3. Kết quả phân tích hồi quy probit (Bảng 1)

Bảng 1: Kết quả ước lượng mô hình probit

Biến giải thích

Hệ số hồi quy

Tác động biên dy/dx

Mức ý nghĩa

Giới tính

0,193

0,162

0,181

Ngành học

0,202

1,179

0,157

Năm đang học

0,632

0,131

0,000

Nơi cư trú

-0,038

0,121

0,191

Thu nhập

-0,320

0,118

0,042

Chi tiêu

-0,783

0,168

0,000

Thời gian rảnh

0,816

0,191

0,000

Kinh nghiệm, kỹ năng sống

0,721

0,221

0,031

Kết quả học tập

0,515

0,131

0,008

Hằng số

-2,113

-

0,000

Số quan sát

267

Giá trị kiểm định Chi bình phương

0,000

Hệ số xác định R2

0,424

(Nguồn: Phân tích từ dữ liệu khảo sát 267 đáp viên, 2020)

Đối với kết quả hồi quy của mô hình Probit thì các hệ số của hàm hồi quy không trực tiếp biểu diễn mối quan hệ tác động của biến độc lập lên biến phụ thuộc mà phải sử dụng hệ số tác động biên để giải thích sự thay đổi của biến độc lập lên khả năng xảy ra của biến phụ thuộc. Qua Bảng 1 cho thấy, biến giới tính, ngành học, nơi cư trú không có ý nghĩa về mặt thống kê trong mô hình nghĩa là khả năng để sinh viên đi làm thêm không căn cứ vào 3 yếu tố này.

Ngược lại, trong mô hình có 6 biến độc lập có ý nghĩa về mặt thống kê gồm có thu nhập, kinh nghiệm - kỹ năng sống (mức ý nghĩa 5%), năm đang học, chi tiêu, thời gian rảnh, kết quả học tập (mức ý nghĩa 1%).

Biến có ý nghĩa giải thích đầu tiên là thu nhập với mức ý nghĩa 5% có tác động vào quyết định đi làm thêm ngược chiều do hệ số mang dấu âm trái với kỳ vọng, nghĩa là sinh viên có thu nhập từ gia đình càng cao thì khả năng đi làm thêm càng thấp. Nguyên nhân là do sinh viên được chu cấp kinh phí đi học hàng tháng từ gia đình cao sẽ không đặt nặng vấn đề thu nhập là tiêu chí hàng đầu khi quyết định đi làm thêm mà do có mục đích khác.

Biến kinh nghiệm kỹ năng sống có mức ý nghĩa 5%, hệ số mang dấu dương nên biến có ảnh hưởng thuận chiều đến quyết định đi làm thêm đúng như kỳ vọng. Điều đó có nghĩa những sinh viên càng muốn nâng cao kỹ năng, kinh nghiệm, xu hướng quyết định đi làm thêm càng cao vì đây là cách đơn giản nhất để có cơ hội trải nghiệm thực tế và củng cố những kiến thức đã học được trên giảng đường.

Biến năm đang học có hệ số mang dấu dương như kỳ vọng ở mức ý nghĩa 1% cho thấy, những sinh viên năm thứ nhất thường ít đi làm thêm do mất thời gian để làm quen với môi trường và phương pháp học đại học. Đồng thời, khối kiến thức đại cương bắt buộc phải học trong năm đầu tương đối nặng khiến các bạn phải dành nhiều thời gian cho việc học tập nên khả năng quyết định đi làm thêm thấp hơn so với các anh chị học ở khóa trên.

Biến chi tiêu với mức ý nghĩa 1%, trái với kỳ vọng do có hệ số ước lượng âm nên có tác động ngược chiều với quyết định làm thêm của sinh viên. Những sinh viên có mức chi tiêu thấp thì khả năng đi làm thêm cao hơn do nhu cầu chi tiêu đối với một sinh viên đại học gồm ăn ở, đi lại, học phí, vui chơi, liên lạc… luôn có xu hướng tăng theo thời gian. Do chu cấp từ gia đình còn hạn hẹp, bắt buộc các bạn phải tiết kiệm và tìm cách gia tăng thu nhập để bù đắp thiếu hụt do nhu cầu chi tiêu các khoản phát sinh.

Biến thời gian rảnh có mức ý nghĩa 1%, hệ số ước lượng dương như kỳ vọng cho thấy sinh viên có nhiều thời gian rảnh sẽ quyết định đi làm thêm nhiều hơn so với các bạn khác. Nếu biết sắp xếp thời gian hợp lý, cân nhắc thời lượng học khi đăng ký học phần theo tín chỉ, các bạn sinh viên có thể tận dụng thời gian nhàn rỗi sau giờ học để tham gia làm thêm, gia tăng thu nhập.

Biến cuối cùng tác động cùng chiều lên biến phụ thuộc là kết quả học tập với mức ý nghĩa 1% như kỳ vọng nghĩa là những bạn có kết quả học tập thấp sẽ có khả năng tham gia làm thêm thấp hơn so với các bạn học khá, nguyên nhân do lực học hạn chế, các bạn muốn giành nhiều thời gian hơn để cải thiện điểm số.

4. Kết luận

Nghiên cứu này xác định được 6 yếu tố ảnh hưởng đến quyết định làm thêm của sinh viên Khoa Kinh tế - Trường Đại học An Giang bao gồm: thu nhập, kinh nghiệm - kỹ năng sống, năm đang học, chi tiêu, thời gian rảnh, kết quả học tập. Nghiên cứu đưa ra đánh giá khả năng tác động của các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định làm thêm của sinh viên, góp phần giúp lãnh đạo khoa Kinh tế, Ban Giám hiệu của Trường có định hướng đúng đắn để sinh viên vừa làm thêm đạt hiệu quả công việc vừa không ảnh hưởng đến kết quả học tập.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

Tài liệu tiếng Việt:

1. Vương Quốc Duy & ctg, Xác định các nhân tố ảnh hưởng đến quyết định làm thêm của sinh viên Đại học Cần Thơ, 105-113, số 40, 2015.

2. Nguyễn Thùy Dung & ctg, Thực trạng và các nhân tố ảnh hưởng đến kết quả học tập của sinh viên khoa Kinh tế và Quản trị kinh doanh, trường đại học Lâm nghiệp, 134-141, số tháng 10, 2017.

3. Hoàng Trọng & Chu Nguyễn Mộng Ngọc, Phân tích dữ liệu với SPSS, Hồ Chí Minh: Nhà xuất bản Hồng Đức, 2008.

4. guyễn Xuân Long, Nhu cầu làm thêm của sinh viên Đại học Ngoại ngữ Đại học Quốc gia Hà Nội: Thực trạng và giải pháp, số 9 (126), 2009.

Tài liệu tiếng nước ngoài

1. Hielke Buddelmeyer, Gilles Mourre, Melanie Ward, The Determinants of Part-Time Work in EU Countries : Empirical Investigations with Macro-Panel Data, page 1-32, October 2004.

2. Rob Valletta and Leila Bengali, What’s Behind the Increase in Part-Time Work, page 1-5, 2013.

3. Arne L. Kalleberg, Part-T ime W ork and W orkers in the U nited Stat es:

Correlates and P olicy Issues, page 771-798, Vol. 52, 1995.

4. Arne L. Kalleberg, Nonstandard employment relations:Part-time, Temporary and Contract Work, page 341-364, 2000.

Factors affecting the part-time job decision of students studying in Faculty of Economics and Business Administration - An Giang University

Master. Nguyen Thi Phuong

Lecturer, Faculty of Economics and Business Administration, An Giang University

Tran Thi Diem Thuy

Lecturer, Faculty of Pedalogy, An Giang University

 ABSTRACT:

Among students studying in the Faculty of Economics of An Giang University, the number of student doing part-time jobs is quite high, at 40.8%. Students work part-time jobs with many different goals and part-time jobs not only attract students from outside the province but also students from the inner city. This study finds out six factors positively impacting the sutdent’s decision on doing part-time jobs including income, experience, life skills, the year of study, spending, free time and academic performance.

Keywords: Part - time job, An Giang University, student.