TÓM TẮT:
Trong những năm gần đây, Chính phủ Việt Nam đã ban hành rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật về đảm bảo an ninh tài chính (ANTC) của các tập đoàn kinh tế có vốn nhà nước. ANTC của các tập đoàn kinh tế có vốn nhà nước được đảm bảo không những giúp hoạt động sản xuất kinh doanh của tập đoàn được bền vững, mà còn ảnh hưởng tích cực đến tình hình kinh tế - chính trị - xã hội của quốc gia. Bài viết phân tích 2 giải pháp được các tập đoàn và các tổ chức quan tâm hiện nay là giám sát tài chính và quản trị rủi ro tài chính, từ đó, hiểu rõ hơn về các phương thức đảm bảo an ninh tài chính hiện nay.
Từ khóa: An ninh tài chính, tập đoàn kinh tế, rủi ro tài chính, giám sát tài chính.
1. Giới thiệu
Các tập đoàn kinh tế (TĐKT) có vốn nhà nước ở Việt Nam không những góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, đẩy nhanh tốc độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đóng góp không nhỏ vào nguồn thuế, tạo nguồn thu ngoại tệ và nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước, hạn chế nhập siêu, tạo nên sức mạnh cho nền kinh tế... mà còn góp phần giải quyết việc làm cho người lao động, nâng cao mức sống cho nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh... Tuy nhiên, một số TĐKT được sử dụng nguồn lực tài chính của Nhà nước nhưng hoạt động sản xuất, kinh doanh chưa thực sự hiệu quả. Vì vậy, đảm bảo an ninh tài chính đối với các TĐKT có vốn nhà nước hiện nay là một vấn đề được Đảng và Nhà nước quan tâm.
Các nghiên cứu gần đây của các nhà kinh tế cũng đã đưa ra một số giải pháp nhằm đảm bảo ANTC đối với các doanh nghiệp (DN) nói chung và với các TĐKT có vốn nhà nước nói riêng, có thể kể đến như: Giám sát tài chính, quản trị rủi ro tài chính (RRTC) và quản lý phần vốn nhà nước ở các TĐKT có vốn nhà nước.
2. Phương thức giám sát tài chính đối với TĐKT có vốn nhà nước
Giám sát tài chính (GSTC) đối với các TĐKT có vốn nhà nước giúp cho các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn và chủ thể quản lý tập đoàn đưa ra những giải pháp quản lý hữu hiệu nhằm bảo toàn và phát triển vốn nhà nước cũng như nâng cao hiệu quả hoạt động của các DN.
2.1. Cơ sở lý luận
GSTC đối với TĐKT có vốn nhà nước là công việc quan trọng của chủ thể quản lý cũng như các cơ quan chủ quản, cơ quan quản lý nhà nước nhằm đánh giá thực trạng, hiệu quả hoạt động và tình hình tài chính của tập đoàn trong từng thời kỳ nhất định.
Qua công tác GSTC giúp cho các cơ quan quản lý nhà nước, chủ sở hữu vốn, chủ thể quản lý tập đoàn cảnh báo và đề ra biện pháp quản lý hữu hiệu đối với tập đoàn.
Nghị định số 87/2015/NĐ-CP quy định, GSTC là việc theo dõi, kiểm tra, thanh tra, đánh giá các vấn đề về tài chính, chấp hành chính sách pháp luật về tài chính của DN nói chung và DN có vốn đầu tư nhà nước nói riêng. Như vậy, GSTC được xem là một trong những biện pháp quản lý, trong đó, chủ sở hữu thông qua các hình thức, phương thức và các chỉ tiêu giám sát để thực hiện việc GSTC của mình đối với các hoạt động của tập đoàn, nhằm đánh giá hiệu quả hoạt động và phát hiện những rủi ro để cảnh báo cho công tác quản lý điều hành.
Trên thực tế, có nhiều cách nhìn về phương thức GSTC nhưng chủ yếu được nhìn nhận theo phương thức giám sát quá trình thực hiện và giám sát thông qua kiểm tra, thanh tra quá trình thực hiện.
Thứ nhất, giám sát quá trình thực hiện. Việc giám sát được thực hiện bằng phương thức giám sát trực tiếp, giám sát gián tiếp, giám sát trước, giám sát trong, giám sát sau. Trong đó, tập trung việc giám sát trước và giám sát trong nhằm phát hiện kịp thời các rủi ro về tài chính, hạn chế trong quản lý tài chính của tập đoàn và có cảnh báo, giải pháp xử lý.
- Giám sát trực tiếp là việc kiểm tra, thanh tra trực tiếp tại tập đoàn.
- Giám sát gián tiếp là việc theo dõi và kiểm tra tình hình của tập đoàn thông qua các báo cáo tài chính, thống kê và báo cáo khác theo quy định của pháp luật và của cơ quan đại diện chủ sở hữu.
- Giám sát trước là việc xem xét, kiểm tra tính khả thi của các kế hoạch ngắn hạn, dài hạn, dự án đầu tư, phương án huy động vốn, các dự án và phương án khác của tập đoàn.
- Giám sát trong là việc theo dõi, kiểm tra việc thực hiện các kế hoạch, dự án của DN, việc chấp hành các quy định của pháp luật, của cơ quan đại diện chủ sở hữu trong suốt quá trình triển khai kế hoạch, dự án.
- Giám sát sau là việc kiểm tra kết quả hoạt động của tập đoàn trên cơ sở các báo cáo định kỳ, kết quả chấp hành pháp luật của cơ quan đại diện chủ sở hữu hoặc điều lệ tập đoàn, việc tuân thủ các quy định của pháp luật.
Thứ hai, GSTC thông qua kiểm tra, thanh tra thực hiện định kỳ hoặc đột xuất theo quy định của pháp luật về kiểm tra, thanh tra.
Nghị định 87/2015/NĐ-CP chỉ rõ, công tác giám sát được thể hiện thông qua giám sát hoạt động đầu tư ra nước ngoài và giám sát đối với công ty con và công ty liên kết.
Bên cạnh đó, với những tập đoàn hoạt động không có hiệu quả, mất an toàn về tài chính thì tập đoàn đó cần phải giám sát tài chính đặc biệt.
Hiện nay, công tác GSTC của cơ quan quản lý nhà nước và chủ sở hữu vốn tại các tập đoàn có vốn nhà nước chủ yếu là phương thức giám sát gián tiếp mà cụ thể là giám sát sau quá trình hoạt động… Mặt khác, dù GSTC được đề cập trong nhiều văn bản khác nhau nhưng hầu hết nội dung GSTC tại các TĐKT có vốn nhà nước chưa thể hiện nội dung trong phương thức giám sát trước và giám sát trong.
2.2. Giải pháp hoàn thiện các phương thức GSTC
Để khắc phục những hạn chế trong công tác GSTC tại các TĐKT có vốn nhà nước cần triển khai các nội dung sau:
Thứ nhất, đối với GSTC trực tiếp: Được tiến hành đối với những tập đoàn hoạt động kinh doanh chưa có hiệu quả trong nhiều năm liên tục, chưa sử dụng có hiệu quả vốn trong quá trình hoạt động.
Thứ hai, đối với GSTC gián tiếp: Phương thức giám sát này cần được quan tâm ở cả 3 khía cạnh: Giám sát trước, trong và sau đối với quá trình hoạt động của tập đoàn.
- Với phương thức giám sát trước quá trình hoạt động của tập đoàn: TĐKT có vốn nhà nước phải có trách nhiệm xây dựng và ban hành các quy trình quản lý phục vụ GSTC và đánh giá hiệu quả hoạt động sản xuất - kinh doanh trước quá trình hoạt động, bao gồm: Quy trình kế hoạch ngân sách và dự báo, quy trình kế toán, lập báo cáo tài chính, quy trình quản lý RRTC, dự báo nguy cơ phá sản, kế hoạch sản xuất kinh doanh, quy chế GSTC và đánh giá hiệu quả hoạt động đối với các công ty con, công ty liên kết, cũng như tình hình đầu tư ra nước ngoài.
- Với phương thức giám sát trong quá trình hoạt động: Để giám sát quá trình tổ chức thực hiện các kế hoạch sản xuất - kinh doanh, kế hoạch tài chính và triển khai các dự án đầu tư, các cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan đại diện chủ sở hữu phải thực hiện giám sát tính tuân thủ, tinh thần chấp hành của các DN, của từng bộ phận và cá nhân trong việc tổ chức thực hiện và triển khai các kế hoạch kinh doanh, các quyết định huy động vốn cũng như các phương án đầu tư vốn của DN, từ đó đề ra các biện pháp kịp thời nhằm ngăn ngừa những rủi ro có thể xảy ra.
- Với phương thức giám sát sau quá trình hoạt động: Hoạt động giám sát này được diễn ra sau quá trình thực hiện kế hoạch sản xuất - kinh doanh và kế hoạch huy động vốn, cũng như sau quá trình triển khai các dự án đầu tư của tập đoàn.
Để thực hiện đầy đủ các phương thức giám sát nói trên trước tiên cần phải tổ chức bộ máy giám sát một cách chặt chẽ, các bộ ngành và địa phương phải có đầu mối thống nhất cũng như việc công khai quy trình giám sát, nguồn nhân lực cho công tác giám sát tài chính ở tất cả các cấp.
Cùng với đó, cần thực hiện nghiêm quy trình và sử dụng hiệu quả các phương thức giám sát trực tiếp và giám sát gián tiếp, đặc biệt là giám sát trước, trong và sau quá trình hoạt động của các TĐKT có vốn nhà nước.
3. Phương thức quản trị RRTC
Trong những năm gần đây, vấn đề RRTC của các TĐKT có vốn nhà nước đặc biệt được xã hội quan tâm. Những dự án không hiệu quả, tình hình tài chính của tập đoàn bất ổn, chính phủ phải can thiệp để cứu một số tập đoàn đang lâm vào tình cảnh khó khăn,… và còn vô vàn vấn đề xuất phát từ RRTC của các TĐKT có vốn nhà nước.
3.1. Cấu trúc RRTC
Nhìn từ các chức năng của quản trị tài chính, RRTC của các TĐKT có vốn nhà nước về cơ bản cũng chính là RRTC doanh nghiệp, là rủi ro đối với quá trình tài trợ và đầu tư các quỹ của tập đoàn, là nguyên nhân gây ra sự bất ổn trong quản trị tài chính. Do đó, nhà quản trị tài chính cần phải nhận diện và có những giải pháp hữu hiệu đối phó với các RRTC nhằm đảm bảo sự tăng trưởng bền vững của tập đoàn.
Tiếp cận từ việc phân tích môi trường kinh doanh của tập đoàn, có thể thấy RRTC xuất phát từ 3 nguồn cơ bản sau: (i) Môi trường bên trong ; (ii) Môi trường ngành; (iii) Môi trường kinh tế vĩ mô. Từ tiếp cận đó, có thể hình dung cấu trúc RRTC cơ bản như sau:
Hình 1: Phân loại rủi ro tài chính theo nguồn hình thành
Nguồn: Tác giả tổng hợp
Rủi ro thanh khoản thường phát sinh trong ngắn hạn, tuy nhiên nếu khả năng thanh toán của DN không được duy trì tốt sau nhiều giai đoạn, có thể dẫn tới rủi ro phá sản. Cả hai loại hình rủi ro này chủ yếu phát sinh do cấu trúc tài trợ, cấu trúc dòng tiền và khả năng quản trị tài chính của DN. Rủi ro hối đoái thường có 2 dạng thể hiện cơ bản gồm: Rủi ro hối đoái nghiệp vụ tồn tại khi biến động tỷ giá đe dọa giá trị các dòng tiền tương lai của DN; Rủi ro hối đoái kinh tế tồn tại khi biến động tỷ giá đe dọa sức cạnh tranh về giá của sản phẩm do DN cung cấp.
Rủi ro lãi suất thường có 2 dạng thể hiện cơ bản, gồm: Lãi suất biến động đe dọa chi phí tài trợ của DN và lãi suất biến động đe dọa hiện giá các tài sản nợ do DN nắm giữ. Rủi ro tín dụng thường có 2 dạng: Khoản phải thu từ đối tác trở nên không chắc chắn; Khả năng thanh toán các chứng khoán nợ mà DN đang nắm giữ trở nên không chắc chắn.
3.2. Nhận diện các loại RRTC của các DN Việt Nam
Hiện nay, có rất nhiều loại RRTC của DN nhưng chủ yếu tập trung vào các loại RRTC sau:
- Rủi ro thanh khoản: Ngoại trừ các ngành chứng khoán, công nghệ viễn thông, dịch vụ du lịch, giáo dục, hàng không, dầu khí, phân bón, thực phẩm và vận tải có hệ số thanh toán nhanh lớn hơn 1, còn các ngành nghề khác đều có nguy cơ về khả năng thanh toán. Trong đó, các DN khoáng sản, thép và vật liệu xây dựng có các chỉ số thanh khoản thấp trong cả giai đoạn 2012 - 2016.
Hình 2: Khả năng thanh toán nhanh theo nhóm ngành (%)
Nguồn: Tính toán từ báo cáo tài chính DN niêm yết
- Rủi ro phá sản: Xu hướng sử dụng đòn bẩy tài chính cũng khác nhau giữa các ngành, có những ngành tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu ổn định ở mức cao như bất động sản, có những ngành thể hiện xu hướng tăng đòn bẩy như cao su, nhựa - bao bì, thủy sản và có những ngành giảm sử dụng đòn bẩy tài chính như thép, dầu khí, xây dựng, mặc dù tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu vẫn ở mức khá cao. Rủi ro phá sản có thể được nhận dạng bằng mô hình Z-score.
Nhiều ngành đang sử dụng đòn bẩy tài chính cao như bất động sản, hàng không, năng lượng, thép, thương mại, thủy sản và các DN ngành Xây dựng. Đặc biệt, có những ngành tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu ổn định ở mức cao như bất động sản và có những ngành thể hiện xu hướng tăng đòn bẩy như cao su, nhựa - bao bì, thủy sản.
Hình 3: Tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu theo nhóm ngành
Nguồn: Tính toán từ báo cáo tài chính DN niêm yết
- Rủi ro hối đoái: Rủi ro hối đoái nghiệp vụ tác động tới các DN theo nhiều hướng khác nhau do đặc trưng kinh doanh, cấu trúc tài trợ và cấu trúc dòng tiền của mỗi DN. Có những công ty có khoản vay bằng ngoại tệ lớn, đồng thời có các dự án đầu tư tại nước ngoài tạo thu nhập bằng ngoại tệ, do đó tự trung hòa rủi ro hối đoái. Ví dụ, trường hợp của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAG), ở thời điểm cuối năm 2014, dư nợ các khoản vay bằng USD của HAG chiếm khoảng 26% tổng dư nợ - tất cả đều là đầu tư nước ngoài như các dự án bất động sản tại Myanmar; đầu tư vào cao su và dầu cọ tại Lào và Campuchia.
- Rủi ro lãi suất: Ngoại trừ ngành năng lượng và ngành vận tải, hầu hết các DN đều có tỷ lệ nợ ngắn hạn chiếm trên 50% tổng nợ, trong khi đó có những ngành duy trì tỷ lệ nợ ngắn hạn cao trên 90% như thủy sản, giáo dục, dược phẩm. Đây là dấu hiệu cảnh báo rủi ro lãi suất do chiến lược tài trợ ưu tiên cắt giảm chi phí tài trợ sẽ có sự nhạy cảm cao với biến động lãi suất trong ngắn hạn. Đặc biệt, các DN khoáng sản năm 2016 có vốn lưu động âm và các DN ngành vật liệu xây dựng có vốn lưu động âm trong suốt giai đoạn 2012 - 2016 cũng là dấu hiệu tài chính đáng quan ngại. Áp lực vay ngắn hạn đối với các DN này sẽ càng làm trầm trọng hơn rủi ro lãi suất và rủi ro thanh khoản của DN.
- Rủi ro tín dụng: Có thể được nhận dạng qua Z-score (Altman, 2012). Nghiên cứu thực nghiệm cho thấy, mô hình của Altman có tỷ lệ dự báo chính xác đạt 91% tại thời điểm một năm trước khi DN kiệt quệ tài chính và đạt 72% trong vòng hai năm (Lan, 2015).
3.3. Giải pháp nhằm tăng cường quản trị RRTC tại DN Việt Nam
Hiện nay, để hạn chế các loại RRTC, các DN cần triển khai các giải pháp sau:
Thứ nhất, thiết lập bộ phận quản trị RRTC. Các DN Việt Nam có thể cân nhắc những lựa chọn gồm (i) Thành lập bộ phận quản trị RRTC thuộc phòng quản trị rủi ro; (ii) Thành lập bộ phận quản trị RRTC thuộc phòng quản trị tài chính; (iii) Bổ sung chức năng quản trị RRTC cho các bộ phận quản trị hiện có; (iv) Sử dụng dịch vụ tư vấn quản trị RRTC. Việc lựa chọn mô hình quản trị RRTC nào là tùy thuộc vào quy mô DN, năng lực và phong cách của nhà quản trị. Đồng thời, cần tăng cường hoạt động của các câu lạc bộ, các hiệp hội, diễn đàn các nhà quản trị để tăng cường hiệu quả truyền thông phương pháp, kỹ năng và kinh nghiệm quản trị RRTC doanh nghiệp.
Thứ hai, về tiến trình quản trị RRTC, nhà quản trị cần tuân thủ các bước sau:
- Bước 1: Xác định mục tiêu của DN. Nhà quản trị dựa vào mục tiêu để đề ra các mục tiêu và chỉ tiêu của quản trị RRTC tổng thể hay cho từng chương trình hành động, từng thương vụ.
- Bước 2: Đánh giá RRTC toàn diện, bao gồm: nhận dạng RRTC, đánh giá tác động qua lại giữa các RRTC, đánh giá tổn thất dự kiến và phân tích chuỗi rủi ro (Merkhofer, 1987).
- Bước 3: Kiểm soát RRTC. Tập trung vào các hoạt động né tránh RRTC, ngăn chặn hay giảm thiểu tổn thất do RRTC gây ra cho DN.
- Bước 4: Tài trợ tổn thất. Hình thành ngân quỹ đền bù tổn thất như thiết lập các chương trình tài trợ phi bảo hiểm, sử dụng các công cụ trên thị trường tài chính…
- Bước 5: Quản trị chương trình hành động. Yếu tố này thiết lập các chương trình và quy trình nghiệp vụ mà hoạt động quản trị RRTC hàng ngày phải tuân thủ. Việc xây dựng chương trình, quy trình thủ tục, kết hợp với quản trị chất lượng toàn diện (TQM) sẽ đảm bảo quản trị RRTC một cách toàn diện.
Từ các bước về quản trị RRTC của DN nêu trên có thể thấy, không tạo ra một quy trình cứng nhắc, mà trên thực tế thứ tự các nội dung có thể thay đổi, xen kẽ, thậm chí hợp nhất tùy theo điều kiện của DN và các diễn biến về nguồn rủi ro.
Thứ ba, về nhận dạng RRTC, các nhà quản trị DN có thể sử dụng nhiều kỹ thuật khác nhau như: Sử dụng bảng liệt kê; Phân tích báo cáo tài chính; Giao tiếp trong nội bộ tổ chức; Giao tiếp với các tổ chức chuyên nghiệp; Phân tích hợp đồng; Nghiên cứu số liệu tổn thất quá khứ. Tuy nhiên, trước hết, cần quan tâm tới các dấu hiệu nhận dạng RRTC cơ bản (rủi ro thanh khoản, phá sản, rủi ro hối đoái...)
Thứ tư, để kiểm soát RRTC, nhà quản trị trước hết cần xác định “khẩu vị rủi ro” của DN mình, thấu hiểu môi trường kinh doanh và nguồn hiểm họa, thấu hiểu cấu trúc tài trợ, cấu trúc dòng tiền và đặc trưng kinh doanh của DN. Từ đó, có chính sách chủ động né tránh các giao dịch vi phạm “khẩu vị rủi ro”, ngăn ngừa tổn thất thông qua các thỏa thuận bảo lãnh hoặc chia sẻ rủi ro và tổn thất, quản trị thông tin liên quan tới RRTC, chuyển giao RRTC bằng các thỏa thuận chia sẻ rủi ro hoặc bằng cách sử dụng các công cụ trên thị trường tài chính nhằm giảm thiểu RRTC tổ hợp.
Thứ năm, để tài trợ tổn thất do RRTC, nhà quản trị trước hết cần quan tâm tới các giải pháp, các công cụ giúp tìm kiếm nguồn tài trợ cho các tổn thất gây nên bởi RRTC. Trong đó, cần chú trọng việc sử dụng hài hòa các biện pháp tự tài trợ tổn thất của DN với việc thiết lập các quỹ dự phòng và chia sẻ tổn thất ở cấp độ tập đoàn, hiệp hội, liên minh DN, hoặc tài trợ tổn thất thông qua việc sử dụng các công cụ tài chính phái sinh. Đồng thời, các nhà quản trị cũng phải tính tới việc tài trợ cho các hoạt động quản trị RRTC, tài trợ cho các phương tiện nhận dạng, phân tích và kiểm soát RRTC của DN, cũng như trong trường hợp DN sử dụng các dịch vụ tư vấn quản trị RRTC.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Báo cáo số 428/BC-CP ngày 17/10/2016 về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong phạm vi toàn quốc năm 2015;
- Lương Thanh Bình (2014), Vai trò của DNNN và những vấn đề cần thay đổi, Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 12/2014, tr.22-24;
- Phạm Thị Vân Anh (2014), Quản lý, sử dụng nguồn vốn nhà nước tại doanh nghiệp: Thực trạng và một số kiến nghị, Tạp chí Tài chính số 10-2014;
- Phạm Minh Ngọc (2015), Quản lý sử dụng vốn, tài sản tại DNNN: vẫn chưa có giải pháp căn bản, http://www.thesaigontimes.vn/137338/Quan-ly-su-dung-von-tai-san-tai-DNNN-van-chua-co-giai-phap-can-ban.html, ngày 26/10/2015.
- Các website: tapchitaichinh.vn; duthaoonline.quochoi.vn…
- Nguyễn Minh Kiều (2009), Quản trị rủi ro tài chính, NXB Thống kê;
- Trịnh Thị Phan Lan (2015), Các bằng chứng thực nghiệm về tác động của quản trị rủi ro tới giá trị doanh nghiệp Tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội.
SOLUTIONS TO ENSURE THE FINANCIAL SECURITY OF VIETNAM’S STATE-OWNED ECONOMIC GROUPS
● NGUYEN MINH HANH
Faculty of Economics, Academy of Finance
TÓM TẮT:
In recent years, the Government of Vietnam has issued many legal documents on financial security of state-owned economic groups. The assurance of financial security of state-owned economic groups does not only to help the group’s development be sustainable but also to create positive impacts on the country’s socio-economic-social development. Thi study is to present clear analysis on corporate financial monitoring and financial management which have attracted great interest from state-owned economic corporations in order to help these corporations understand financial security practices.
Keywords: Financial security, economic group, financial risk, financial supervision.