TÓM TẮT:
Luật Bảo vệ môi trường đã tạo hành lang pháp lý quan trọng để điều chỉnh quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của mọi cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân trong bảo vệ môi trường. Bài viết này, tác giả tập trung phân tích những nội dung cơ bản của Luật Bảo vệ môi trường của Việt Nam, thực trạng ô nhiễm môi trường ở nước ta hiện nay, những hạn chế còn tồn tại, đồng thời tìm nguyên nhân và đề xuất một số giải pháp cơ bản nhằm tiếp tục hoàn thiện pháp luật bảo vệ môi trường trong thời gian tới.
Từ khóa: Luật Bảo vệ môi trường, Việt Nam, thực thi, hướng hoàn thiện.
1. Đặt vấn đề
Môi trường bao gồm các yếu tố vật chất tự nhiên và nhân tạo có quan hệ mật thiết với nhau bao quanh con người và ảnh hưởng đến đời sống, kinh tế - xã hội, cũng như sự tồn tại, phát triển của con người, sinh vật và tự nhiên. Hoạt động bảo vệ môi trường là hoạt động phòng ngừa, hạn chế tác động xấu đến môi trường, ứng phó sự cố môi trường, khắc phục ô nhiễm, suy thoái môi trường, góp phần cải thiện chất lượng môi trường, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Môi trường đóng một vai trò vô cùng quan trọng đối với con người không chỉ về mặt sinh thái mà còn về mặt kinh tế, xã hội và văn hóa, đó là: cung cấp tài nguyên thiên nhiên, như: nước, không khí, đất đai, khoáng sản, và các nguồn năng lượng tự nhiên khác. Những tài nguyên này là nền tảng cho mọi hoạt động sản xuất và tiêu dùng trong xã hội, từ nông nghiệp đến công nghiệp; bảo vệ sức khỏe cộng đồng, một môi trường sạch và lành mạnh có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của con người. Ô nhiễm không khí, nguồn nước, đất đai có thể gây ra các bệnh tật, làm giảm chất lượng sống và tăng chi phí chăm sóc sức khỏe… Như vậy, bảo vệ môi trường không chỉ là trách nhiệm của mỗi cá nhân, mà còn là nhiệm vụ của toàn xã hội để đảm bảo sự phát triển bền vững và một tương lai tốt đẹp hơn cho các thế hệ mai sau. Việc nghiên cứu thực trạng thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường ở Việt Nam, từ đó nhận diện rõ những kết quả đạt được, hạn chế và nguyên nhân của hạn chế để có hướng hoàn thiện cho phù hợp là cần thiết và có tính thời sự trong giai đoạn hiện nay.
2. Nội dung cơ bản của Luật Bảo vệ môi trường của Việt Nam
Pháp luật bảo vệ môi trường ở Việt Nam được thể hiện qua Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 (số 72/2020/QH14) và Luật Bảo vệ môi trường năm 2025 sửa đổi, bổ sung theo văn bản hợp nhất số 21/VBHN-VPQH. Nội dung cơ bản của Luật Bảo vệ môi trường đề cập đến các vấn đề sau:
- Các quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân: Các tổ chức, cá nhân có quyền được hưởng môi trường trong lành, được tham gia giám sát, đánh giá tác động môi trường và có quyền yêu cầu bảo vệ quyền lợi môi trường của mình. Đồng thời với quyền được hưởng thụ từ môi trường thì nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân phải bảo vệ môi trường, hạn chế ô nhiễm, khai thác tài nguyên hợp lý, tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường và chịu trách nhiệm về những tác hại đến môi trường do hành vi của mình gây ra.
- Quy định về bảo vệ tài nguyên và đa dạng sinh học: Cần bảo vệ và khai thác hợp lý các tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ các hệ sinh thái và loài động, thực vật quý hiếm, các khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia, khu di sản thiên nhiên cần được quản lý chặt chẽ.
- Đánh giá tác động môi trường: Các dự án, công trình có khả năng tác động tiêu cực đến môi trường cần phải thực hiện đánh giá tác động môi trường trước khi triển khai. Việc đánh giá tác động của môi trường là cơ sở để cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, cấp phép hoặc yêu cầu bổ sung biện pháp bảo vệ môi trường.
- Quản lý chất thải: Luật yêu cầu phân loại, xử lý, tái chế và tiêu hủy chất thải một cách hợp lý, đặc biệt là chất thải nguy hại. Vì vậy, các cơ sở sản xuất, kinh doanh phải có kế hoạch quản lý chất thải và thực hiện việc thu gom, xử lý chất thải theo đúng quy định.
- Cơ chế giám sát và xử lý vi phạm: Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ thực hiện giám sát các hoạt động có liên quan đến môi trường, kiểm tra việc thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường của các tổ chức, cá nhân. Thực hiện biện pháp xử lý nghiêm minh, như: Cảnh cáo, phạt tiền, hoặc yêu cầu đình chỉ hoạt động đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm về môi trường.
- Đảm bảo sự tham gia của cộng đồng: Cộng đồng có quyền tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường, tham gia vào các cuộc họp, hội thảo và góp ý kiến về các dự án có tác động đến môi trường. Các tổ chức, cá nhân cũng có thể tham gia vào công tác giám sát và quản lý môi trường.
- Chính sách và biện pháp bảo vệ môi trường: Các biện pháp bảo vệ môi trường bao gồm: Việc áp dụng công nghệ xanh, thúc đẩy sản xuất sạch, sử dụng năng lượng tái tạo và giảm thiểu phát thải khí nhà kính, có chính sách khuyến khích các tổ chức và cá nhân tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
- Bảo vệ môi trường trong các ngành, lĩnh vực đặc thù: Những ngành đặc thù trong môi trường sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, giao thông, du lịch và các lĩnh vực khác đều có các quy định riêng, nhằm ngăn chặn và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.
- Hợp tác quốc tế trong bảo vệ môi trường: Việt Nam cam kết tham gia các hiệp định quốc tế về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ đa dạng sinh học.
Như vậy, Luật Bảo vệ môi trường Việt Nam không chỉ quy định trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc bảo vệ môi trường, mà còn đặt ra các tiêu chuẩn và cơ chế để bảo vệ sự sống, sức khỏe của người dân và tài nguyên thiên nhiên cho các thế hệ tương lai. Mục đích của Luật Bảo vệ môi trường là đảm bảo bảo vệ môi trường, phòng ngừa và khắc phục ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và phát triển kinh tế - xã hội bền vững; với nguyên tắc là bảo vệ môi trường trong mọi hoạt động phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quyền lợi của cộng đồng và thế hệ tương lai.
3. Thực trạng môi trường Việt Nam hiện nay
Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều vấn đề nghiêm trọng về môi trường, làm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng và sự phát triển bền vững nền kinh tế của quốc gia. Trong khuôn khổ bài viết, tác giả đề cập đến một số loại ô nhiễm cơ bản sau:
* Ô nhiễm không khí và phát thải CO2:
Ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn như Hà Nội đang ở mức báo động. Các chỉ số như bụi mịn (PM2.5), SO₂, CO, NO₂ thường xuyên vượt ngưỡng cho phép, đặc biệt vào mùa đông và mùa khô. Mật độ dân số, mật độ giao thông tại Hà Nội và một số thành phố lớn khác, như Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng... là những tác nhân tạo ra sự ô nhiễm lớn nhất trong toàn quốc về không khí. Năm 2024, xếp hạng toàn cầu, Việt Nam đứng thứ 23 trong danh sách các quốc gia có chất lượng không khí kém nhất thế giới, với nồng độ PM2.5 trung bình là 28,7 µg/m³, cao gấp 5-7 lần so với mức khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Năm 2025, chỉ số AQI (chỉ số chất lượng không khí) vào ngày 20 tháng 2 năm 2025 tại Hà Nội đạt 227, thuộc mức "tím" - rất không lành mạnh, khuyến cáo người dân hạn chế ra ngoài và sử dụng khẩu trang khi cần thiết. Ngày 24 tháng 3 năm 2025, nồng độ PM2.5 tại Hà Nội đạt 168,045 µg/m³, cao gấp hơn 4 lần mức khuyến nghị của WHO. Các thành phố khác như TP. Hồ Chí Minh cũng nằm trong nhóm các thành phố ô nhiễm nhất Đông Nam Á, với nồng độ PM2.5 cao gấp 11 lần mức khuyến nghị của WHO (DtiNews/NLD. 2025). Trong tháng 1/2024, lượng CO2 phát thải từ các nhà máy than đạt 11 triệu tấn, tăng 70% so với cùng kỳ năm 2023 (đạt kỷ lục). Nguồn than cung cấp 55% tổng sản lượng điện trong cả nước vào tháng 1/2024, so với mức trung bình 46% cả năm 2024. Theo chỉ số hiệu quả môi trường (EPI) năm 2024, Việt Nam xếp thứ 180/180 quốc gia với điểm tổng 24,6. Trong đó, chỉ số ô nhiễm không khí (Air Pollution) ở mức thấp (7,5/100) (Reuters, 2024).
* Ô nhiễm nguồn nước: Tại lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy (Hà Nội), chỉ 17% nước thải sinh hoạt được thu gom và xử lý (Việt Nam net, 2025). Nhiều sông, hồ và kênh, rạch tại các thành phố lớn như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng đang bị ô nhiễm nặng nề. Chất lượng nước tại các khu vực này thường xuyên vượt quá tiêu chuẩn cho phép, với các chỉ số như BOD, COD, NH₄, tổng Nitơ (Total Nitrogen), tổng Phospho (Total Phosphorus) cao hơn nhiều lần mức an toàn.
* Ô nhiễm về rác thải sinh hoạt và công nghiệp: Mỗi năm, Việt Nam phát sinh khoảng 13 triệu tấn rác thải, trong đó khu vực đô thị chiếm 7 triệu tấn. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 60% - 70% lượng rác thải được thu gom và xử lý. Phần còn lại thường được chôn lấp không hợp vệ sinh, hoặc xả thải ra môi trường, gây ô nhiễm đất, nước và không khí, có những thời điểm vượt ngưỡng an toàn, gây ảnh hưởng sức khỏe người dân.
* Ô nhiễm môi trường nông thôn và làng nghề: Tại các khu vực nông thôn, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học và xử lý chất thải chưa đúng cách đã dẫn đến ô nhiễm nguồn nước và đất. Ở các làng nghề, đặc biệt là các làng nghề thủ công, tình trạng xả thải chưa qua xử lý ra môi trường là rất phổ biến, gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và sức khỏe cộng đồng.
4. Nguyên nhân và giải pháp
4.1. Nguyên nhân
Thứ nhất, thiếu ý thức bảo vệ môi trường của một bộ phận người dân.
Người dân còn thiếu kiến thức và nhận thức, nhiều người dân chưa nhận thức được đầy đủ về tác hại về các hành động của mình gây ra đối với môi trường. Chưa hiểu rõ mối liên hệ giữa những hành động nhỏ của mình, như: vứt rác ra đường hay sử dụng bao bì nhựa với các vấn đề lớn như ô nhiễm không khí, nguồn nước... với biến đổi khí hậu.
- Thiếu chế tài và giám sát: Mặc dù nhiều khu vực đã có quy định về bảo vệ môi trường, nhưng việc thi hành và giám sát thực thi còn lỏng lẻo, mức phạt chưa đủ mạnh mẽ để tạo ra sự thay đổi thực sự trong nhận thức của người dân.
- Thói quen và tập quán: Một bộ phận người dân vẫn giữ thói quen tiêu dùng và sinh hoạt không thân thiện với môi trường, vì họ đã quen với việc này trong suốt thời gian dài và cảm thấy việc thay đổi là khó khăn, hoặc không cần thiết.
- Thiếu cơ sở vật chất và hạ tầng: Ở một số khu vực, đặc biệt là nông thôn hoặc những vùng chưa phát triển, thiếu các cơ sở vật chất như thùng rác công cộng, hệ thống xử lý chất thải, hay các dịch vụ tái chế khiến người dân không thể hành động đúng đắn trong việc bảo vệ môi trường.
Thứ hai, hệ thống pháp luật về môi trường chưa hoàn thiện và thiếu đồng bộ.
Các văn bản pháp luật liên quan đến môi trường còn chồng chéo và mâu thuẫn với các luật khác, chẳng hạn, như: còn có sự chồng chéo và mâu thuẫn giữa Luật Bảo vệ môi trường và các luật chuyên ngành, như: Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, hay Luật Khoáng sản. Điều này gây khó khăn trong việc thực hiện.
Thứ ba, thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng.
Việc triển khai và giám sát các chính sách bảo vệ môi trường cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành và địa phương. Tuy nhiên, có thời điểm, các cơ quan này thiếu sự liên kết và phối hợp chặt chẽ với nhau, dẫn đến việc xử lý các vấn đề môi trường chưa kịp thời và thiếu hiệu quả.
Thứ tư, chưa thật sự cập nhật và thích ứng với tình hình mới.
Các vấn đề môi trường đang ngày càng trở nên phức tạp và thay đổi nhanh chóng, ví dụ như biến đổi khí hậu, ô nhiễm không khí và nước, nhưng hệ thống pháp luật thường không theo kịp và cập nhật đầy đủ các thách thức mới. Điều này cần phải được điều chỉnh để đáp ứng kịp thời các vấn đề đang nảy sinh.
Thứ năm, các biện pháp xử lý chưa thật nghiêm minh.
Một số quy định pháp luật có tính chất chung chung và thiếu các biện pháp xử lý vi phạm nghiêm minh, khiến việc thực hiện chưa hiệu quả. Mặc dù các hình thức xử phạt đã được quy định, nhưng thực tế chưa đủ mạnh mẽ để tạo ra tác động rõ rệt đối với hành vi vi phạm pháp luật.
Thứ sáu, việc thực hiện và giám sát bảo vệ môi trường chưa đồng bộ và nghiêm minh.
Việc thực hiện các quy định pháp luật và giám sát các hoạt động gây ô nhiễm môi trường ở các doanh nghiệp hoặc các dự án phát triển còn gặp nhiều khó khăn, lực lượng quản lý và giám sát còn thiếu về số lượng, chất lượng chuyên môn của cán bộ quản lý và giám sát còn chưa đáp ứng được yêu cầu... nên việc theo dõi và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường chưa kịp thời và đầy đủ.
Thứ bảy, công nghệ xử lý lỗi thời, thiếu hiện đại.
Nhiều hệ thống xử lý nước thải hiện nay vẫn sử dụng công nghệ cũ, không đáp ứng được yêu cầu về xử lý chất lượng nước thải theo tiêu chuẩn môi trường hiện hành. Mặt khác, do thiếu vốn đầu tư, nên việc xây dựng và duy trì hệ thống xử lý nước thải và chất thải ở một số nơi, chính quyền địa phương, hoặc các doanh nghiệp không có đủ nguồn lực để đầu tư cải thiện hệ thống xử lý chất thải,...
4.2. Đề xuất một số giải pháp
Từ thực tế thực thi pháp luật bảo vệ môi trường ở Việt Nam và tham khảo các tài liệu nước ngoài về thực thi pháp luật bảo vệ môi trường, tác giả có một số đề xuất giải pháp sau:
Một là, cải thiện và thắt chặt các quy định về bảo vệ môi trường, như: Hoàn thiện hệ thống pháp luật và chính sách môi trường: Cập nhật luật môi trường để phù hợp với tình hình thực tế, đặc biệt là những thách thức như biến đổi khí hậu, ô nhiễm rác thải nhựa, suy giảm đa dạng sinh học; Thiết lập các chuẩn môi trường cụ thể (như nồng độ khí thải, nước thải, tiếng ồn) rõ ràng, đo lường được và có thể giám sát hiệu quả; Tăng cường chế tài xử phạt đối với hành vi vi phạm, bao gồm cả hình sự hóa một số hành vi gây ô nhiễm nghiêm trọng; Đồng thời, nâng cao năng lực thực thi giám sát bằng cách thành lập hoặc tăng cường các cơ quan thanh tra môi trường độc lập, có quyền hạn thực tế, biết ứng dụng công nghệ số (IoT, AI, GIS) để giám sát môi trường theo thời gian thực, đặc biệt ở các khu công nghiệp, nhà máy, công khai, minh bạch thông tin môi trường để người dân và các tổ chức xã hội cùng giám sát; Thúc đẩy trách nhiệm của doanh nghiệp và áp dụng cơ chế "người gây ô nhiễm phải trả tiền": doanh nghiệp phải chịu chi phí xử lý chất thải, hoàn nguyên môi trường; Khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi xanh thông qua chính sách ưu đãi thuế, vốn vay cho các mô hình sản xuất sạch hơn; Yêu cầu công bố báo cáo bền vững (ESG) hàng năm đối với các công ty niêm yết hoặc có quy mô lớn.
Hai là, nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo vệ môi trường. Để nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp về bảo vệ môi trường, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
- Thực hiện tuyên truyền qua truyền thông đại chúng, tận dụng các phương tiện thông tin, như: tivi, đài, báo, mạng xã hội để chia sẻ thông tin, câu chuyện truyền cảm hứng. Tạo các video ngắn hấp dẫn, dễ chia sẻ trên TikTok, Facebook, Instagram về các hành động bảo vệ môi trường hàng ngày.
- Giáo dục từ nhà trường bằng cách thực hiện lồng ghép giáo dục môi trường vào chương trình học phổ thông và đại học, đưa nội dung giáo dục môi trường vào chương trình học chính khóa; Tổ chức các buổi ngoại khóa, cuộc thi tái chế, vẽ tranh, làm mô hình về chủ đề môi trường...
- Tăng cường các chiến dịch truyền thông về biến đổi khí hậu, tiêu dùng bền vững, phân loại rác tại nguồn. Tổ chức “Ngày Chủ nhật xanh”, dọn rác, trồng cây trong khu dân cư, huy động thanh thiếu niên tình nguyện làm “đại sứ môi trường”, tạo các nhóm cộng đồng để cùng nhau hành động và chia sẻ kiến thức.
- Phát huy vai trò của các tổ chức, đoàn thể, như: kêu gọi sự tham gia của Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Cựu Chiến binh, Hội Nông dân... dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương.
- Thiết lập liên kết giữa Bộ Nông nghiệp và Môi trường, các địa phương, doanh nghiệp và tổ chức xã hội, huy động sự tham gia của cộng đồng và các tổ chức xã hội trong việc giám sát và bảo vệ môi trường. Tham gia các hiệp định môi trường quốc tế (như Paris Agreement, COP) và thực hiện đầy đủ các cam kết, học hỏi và áp dụng các mô hình quản lý môi trường hiệu quả từ các nước phát triển như mô hình kinh tế tuần hoàn, cơ chế tín chỉ carbon, tăng cường hợp tác khoa học và công nghệ để tiếp cận giải pháp xử lý chất thải, năng lượng sạch, đô thị thông minh.
Ba là, tăng cường công nghệ giám sát và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong công nghệ giám sát và AI trong bảo vệ môi trường.
Bằng cách thu thập dữ liệu theo thời gian thực, Sử dụng cảm biến IoT (Internet of Things) để thu thập dữ liệu từ không khí, đất, nước, và khí hậu, triển khai thiết bị bay không người lái (drone) và vệ tinh để giám sát các khu vực rộng lớn, vùng sâu vùng xa, rừng, biển, đê điều. Đồng thời xử lý và phân tích dữ liệu bằng AI để phân tích khối lượng lớn dữ liệu môi trường và phát hiện bất thường (ví dụ: rò rỉ chất độc, cháy rừng, lũ lụt). Tăng cường công tác cảnh báo sớm và ra quyết định nhanh chóng cho chính quyền và người dân về nguy cơ thiên tai hoặc sự cố môi trường, hỗ trợ cơ quan quản lý xây dựng chính sách, lên kế hoạch ứng phó và phân bổ nguồn lực hiệu quả.
Bốn là, thực hiện hợp tác trong việc xây dựng chính sách môi trường.
Việc thực hiện hợp tác trong việc xây dựng chính sách môi trường là một quá trình quan trọng và cần có có sự phối hợp giữa nhiều bên liên quan, như; chính phủ, doanh nghiệp, tổ chức xã hội, cộng đồng dân cư và tổ chức quốc tế, quy định rõ trách nhiệm giám sát lưu vực sông, thành lập ủy ban quản lý lưu vực sông, Cụ thể:
- Xác định các bên liên quan, như: Cơ quan nhà nước (Bộ Nông nghiệp và Môi trường, UBND các cấp, sở Nông nghiệp và Môi trường...); Doanh nghiệp (các công ty sản xuất, công ty phát triển hạ tầng, công ty xử lý chất thải...); Tổ chức xã hội, phi chính phủ, các nhà khoa học, chuyên gia, viện nghiên cứu, công đồng dân cư...
- Trong đổi mới, chuyển từ mô hình tổ chức bộ máy chính quyền địa phương 3 cấp sang 2 cấp, thời gian tới cần bổ sung thêm trách nhiệm, quyền hạn bảo vệ môi trường cho cấp xã, phường, thị trấn. Đó là cấp quản lý trực tiếp, gần dân và hiểu dân, hiểu môi trường, hiểu doanh nghiệp, từ đó giúp việc thực hiện quản lý, xử lý cụ thể sẽ tốt hơn.
- Các tổ chức quốc tế như Liên Hợp quốc, Ngân hàng Thế giới và các tổ chức khu vực có thể cung cấp các nguồn lực, kiến thức và hỗ trợ kỹ thuật cho các quốc gia trong việc xây dựng các chính sách bảo vệ môi trường hiệu quả.
- Chính phủ cần thúc đẩy các chính sách bảo vệ môi trường không chỉ trong nước mà còn tham gia vào các hiệp định quốc tế về môi trường (như Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu).
- Các tổ chức phi chính phủ có thể đóng vai trò giám sát, góp phần xây dựng và cải thiện các chính sách này thông qua các nghiên cứu, báo cáo và hoạt động vận động.
- Tạo ra các mô hình hợp tác công - tư, như: Các sáng kiến hợp tác giữa khu vực công và tư có thể thúc đẩy sự sáng tạo và đổi mới trong các giải pháp bảo vệ môi trường. Các tổ chức phi chính phủ có thể là cầu nối giữa hai khu vực này, đảm bảo rằng các chính sách và hoạt động bảo vệ môi trường không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn bảo vệ được lợi ích cộng đồng và hệ sinh thái. Thực hiện thường xuyên, công khai thông tin môi trường của doanh nghiệp theo mô hình “open Data”, tăng mức phạt và xử lý hành chính - Kinh tế để kịp thời nắm bắt, răn đe và xử lý vi phạm.
Năm là, tăng cường tài chính và hỗ trợ kỹ thuật cho các sáng kiến bảo vệ môi trường.
- Huy động các tổ chức quốc tế giúp cung cấp nguồn tài trợ và hỗ trợ kỹ thuật cho các quốc gia và tổ chức phi chính phủ thực hiện các dự án bảo vệ môi trường.
- Chính phủ có thể tạo ra các chính sách khuyến khích đầu tư vào các sáng kiến bảo vệ môi trường, bao gồm các ưu đãi thuế và hỗ trợ tài chính cho các tổ chức và doanh nghiệp tham gia bảo vệ môi trường.
Sáu là, thúc đẩy đối thoại và hợp tác xuyên biên giới.
Vấn đề môi trường là tình trạng chung của mọi quốc gia trong điều kiện “Thế giới là ngôi nhà chung”. Vì vậy, bảo vệ môi trường sống là nhiệm vụ cấp thiết mà mọi quốc gia đều phải có trách nhiệm. Chính vì vậy, vấn đề ô nhiễm không khí, suy giảm đa dạng sinh học hay biến đổi khí hậu là các vấn đề không có biên giới và cần phải có sự chung tay hợp tác xuyên biên giới giữa các quốc gia, tổ chức quốc tế và tổ chức phi chính phủ. Vì vậy, cần thường xuyên tổ chức các hội nghị, diễn đàn quốc tế và các hiệp định nhằm tạo ra cơ hội để các bên thảo luận và tìm ra các giải pháp chung cho các vấn đề môi trường toàn cầu, trong đó có Việt Nam.
5. Kết luận
Việt Nam là quốc gia đang đứng ở ngưỡng “đèn đỏ” về môi trường, từ hệ quả của ô nhiễm không khí, nước, rác thải nhựa nổi trôi trong tự nhiên. Pháp luật bảo vệ môi trường ở Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng, nhưng để khai thác hiệu quả thì cần hoàn thiện hơn ở khía cạnh thực hiện, giám sát và trách nhiệm pháp lý rõ ràng. Sự phối hợp đồng bộ giữa Nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng là “chìa khóa” để hướng tới phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và cam kết giảm phát thải. Bài học kinh nghiệm quốc tế như quản lý nguồn nước của Israel hay công nghệ quan trắc môi trường sẽ là động lực giúp Việt Nam từ “Đánh giá, cảnh báo” sang “Phát triển xanh thực chất”. Sự phối hợp chặt chẽ giữa Nhà nước - doanh nghiệp - người dân cùng với cải cách lập pháp, tăng chế tài và đầu tư cơ sở hạ tầng là yếu tố then chốt để Việt Nam chuyển từ cảnh báo sang hành động hiệu quả.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
Quốc hội. (2020). Luật Bảo vệ môi trường 2020 (số 72/2020/QH14).
Quốc hội. (2025). Luật Bảo vệ môi trường 2025 (Văn bản hợp nhất số 15/VBHN-VPQH ngày 24/2/2025).
Chính phủ. (2019). Nghị định 40/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường.
Chính phủ. (2022). Nghị định 08/2022/NĐ-CP Quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.
Bộ Tài nguyên và Môi trường. (2020). Thông tư số 19/2020/TT-BTNMT Ban hành Danh mục chất phân tán được phép sử dụng trong vùng biển Việt Nam và hướng dẫn về quy trình sử dụng chất phân tán trong ứng phó sự cố tràn dầu trên biển.
Tổng cục Thống kê. (2025). Báo cáo xử lý nước thải khu công nghiệp.
Trần Thường, Quang Phong, & Thu Hằng. (2024). Bộ trưởng TN&MT: Thực trạng mới thu gom được 17% nước thải sinh hoạt. Báo điện tử Vietnamnet. https://vietnamnet.vn/bo-truong-tnmt-thuc-trang-moi-thu-gom-duoc-17-nuoc-thai-sinh-hoat-2287526.html
Do, T. N., & Thi, T. D. (2022). Vietnam’s Environmental Policy: A 30-year Critical Review. In Z. Zhu (Ed.), Security, Development and Sustainability in Asia: Environment, Sustainability and Human Security (Vol. 3, pp. 113-134). World Scientific. https://doi.org/10.1142/9789811258220-0035
Hoang, T. D. (2023). Reassessing environmental protection in international investment agreements: The case of Vietnam. Review of European, Comparative & International Environmental Law, 32(3), 223-237. https://doi.org/10.1111/reel.12555
Le, T. M. (2024). The legal nature of emission rights - international experience and Vietnamese law. International Journal of Law, 5(10), 511-522.
Pham, X. N., & Nguyen, A. T. (2024). Vietnam’s regulations to prevent pollution from plastic waste. Journal of Environmental Law, 33(1), 137-158. https://academic.oup.com/jel/article/33/1/137/6053713
Nguyen, M. K. (2022). Transnational corporations and environmental pollution in Vietnam. Journal of Environmental & Sustainability Law, 15(2), 89-112.
Smith, J., & Li, P. (2024). Prevention policies for the marine ecological environment in Vietnam. Integrated Environmental Assessment and Management, 20(4), 510-522. https://doi.org/10.1002/ieam.4971
Krampe, F., Hegazi, F., & Vandeveer, S. D. (2021). Sustaining peace through better resource governance: Three potential mechanisms for environmental peacebuilding. World Development, 138, 105118. https://doi.org/10.1016/j.worlddev.2020.105118
DtiNews/NLD. (2025). Hanoi Tops Worldwide in air pollution ranking. https://dtinews.dantri.vn/vietnam-today/hanoi-tops-global-air-pollution-ranking-2025-0321130205975.htm
Reuter (2024). Vietnam coal-fired power emissions hit new highs in ealy 2024.
Vietnam’s Law on Environmental Protection: Current status and improvement directions
Duong Duc Chinh
Phenikkaa University
Abstract:
The Law on Environmental Protection provides a critical legal framework for defining the rights, obligations, and responsibilities of agencies, organizations, communities, households, and individuals in environmental protection efforts. This study analyzes the fundamental provisions of Vietnam’s Law on Environmental Protection, examines the current state of environmental pollution, and identifies key shortcomings in the existing legal framework. The study further explores the underlying causes of these limitations and proposes essential solutions aimed at enhancing the effectiveness and comprehensiveness of environmental protection legislation in the future
Keywords: Law on Environmental Protection, Vietnam, implementation, improvement direction.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 23 năm 2025]