Thông cáo báo chí số 10, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV

Ngày 01/6/2023, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 10 của Kỳ họp thứ 5 tại Nhà Quốc hội với các phiên họp toàn thể tại hội trường dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Phiên họp được truyền hình, phát thanh trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Truyền hình Quốc hội Việt Nam.
quoc hoi
Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV, ngày 01/6/2023

 

Buổi sáng

Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội tiếp tục thảo luận về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023; chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam.

Các đại biểu đã tập trung thảo luận về: giáo dục đại học và vấn đề tự chủ đại học; thực hiện chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông; vấn đề tăng lương, cải cách hành chính, phân cấp, phân quyền; phát triển nguồn nhân lực; tình trạng doanh nghiệp nợ đọng, trốn đóng bảo hiểm xã hội; việc rút bảo hiểm xã hội một lần của người lao động; chính sách, giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn giá, hỗ trợ nông nghiệp, nông dân, nông thôn; đầu tư phát triển đường sắt; chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi; việc triển khai một số dự án đầu tư trọng điểm trên địa bàn các tỉnh miền núi; bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc; lập và phê duyệt quy hoạch; điện cho vùng biển đảo; việc giảm thuế, phí, lệ phí và các nghĩa vụ tài chính khác cho doanh nghiệp, người dân; khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng cháy, chữa cháy; phát triển đô thị; chuyển dịch năng lượng; xã hội hóa ngành đăng kiểm…

Cuối phiên thảo luận, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng đã giải trình, làm rõ vấn đề lãi suất cho vay cao, điều hành nới room tín dụng; tình trạng doanh nghiệp khó tiếp cận vốn tín dụng; việc xử lý các ngân hàng, tổ chức tín dụng yếu kém; việc thực hiện gói hỗ trợ lãi suất trong Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội ngày 11/01/2022 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; một số nội dung liên quan đến gói cho vay 120.000 tỷ đồng để xây dựng nhà ở xã hội;

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình, làm rõ một số vấn đề liên quan đến thực hiện chính sách tài khóa kết hợp với chính sách tiền tệ và tín dụng (trong đó có tình hình thực hiện giải pháp hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp và những bất cập trong tổ chức thực hiện, trong việc hoàn thuế VAT và cho vay đối với các doanh nghiệp); về hoạt động kinh doanh bảo hiểm và công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với hoạt động này; việc bố trí nguồn lực ngân sách các cấp trong việc thực hiện Chương trình tiêm chủng mở rộng; cơ chế đối với đơn vị sự nghiệp công lập;

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình, làm rõ về tình hình thực hiện các giải pháp và mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ doanh nghiệp, phát triển thị trường, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, hỗ trợ phát triển xuất khẩu, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công đối với các chương trình mục tiêu quốc gia; thời gian và tiến độ hoàn thành các quy hoạch.

Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ: Trong 1,5 ngày thảo luận đã có 75 đại biểu Quốc hội phát biểu, có 13 đại biểu Quốc hội tham gia tranh luận, 6 Bộ trưởng các Bộ đã tham gia phát biểu giải trình thêm một số vấn đề có liên quan. Nhìn chung, không khí thảo luận sôi nổi, thẳng thắn và trách nhiệm, các ý kiến phong phú, toàn diện, sâu sắc, thể hiện tâm huyết của đại biểu Quốc hội đối với các vấn đề quan trọng của đất nước và các vấn đề mà đông đảo cử tri quan tâm.

Các đại biểu Quốc hội đánh giá cao nỗ lực của cả hệ thống chính trị, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các ngành, các cấp và ghi nhận đóng góp to lớn của cả dân tộc, kiều bào ta ở nước ngoài, bạn bè quốc tế để vượt qua những khó khăn, thách thức của năm 2022.

Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội thống nhất với nhiều nội dung nêu trong Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2022, các tháng đầu năm 2023 và chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam.

Các đại biểu cũng nêu lên những bất cập, hạn chế nổi lên từ quý IV/2022 và những tháng đầu năm 2023, đề nghị làm rõ hơn những thách thức và triển vọng của kinh tế Việt Nam năm 2023 để định hướng điều hành kinh tế vĩ mô phù hợp, hoàn thành mục tiêu tăng trưởng và các mục tiêu kinh tế - xã hội năm 2023, cơ cấu lại nền kinh tế, có giải pháp tích cực để cải thiện 2 chỉ tiêu quan trọng không đạt mục tiêu của năm 2022 gồm: Năng suất lao động và tỷ trọng chế biến, chế tạo trong công nghiệp.

Nhiều đại biểu cho rằng, với tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường và những nội tại của nền kinh tế trong nước khó khăn, thách thức sẽ nhiều hơn cơ hội nên phải chủ động đánh giá đúng tình hình, có những giải pháp mới, đột phá, quyết liệt hơn.

Các đại biểu cũng kiến nghị nhiều giải pháp để ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; ngăn chặn đà suy giảm đối với  những động lực tăng trưởng, địa bàn tăng trưởng; chủ động, kịp thời hơn trong phản ứng chính sách; tăng cường hiệu quả, hiệu lực của chính sách tài khóa, tiền tệ.

Các đại biểu cũng đề nghị cần phải triển khai các giải pháp miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ sản xuất, kinh doanh; giữ vững sự phát triển ổn định, an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng, thị trường tiền tệ, bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, xử lý nợ xấu, xử lý các ngân hàng yếu kém, đảm bảo cân đối cung cầu, điều hành bình ổn giá phù hợp, đảm bảo cung ứng lưu thông hàng hóa, cân đối về điện, than, xăng dầu.

Các đại biểu đề nghị Chính phủ cần đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định, phê duyệt các quy hoạch, giải ngân vốn chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, chấm dứt việc chậm giải ngân vốn đầu tư công; khắc phục tình trạng xây dựng dự toán thu thấp; cơ cấu lại ngân sách theo hướng bền vững, tăng cường quản lý nguồn thu, chống thất thu, trốn lậu thuế để đảm bảo cân đối ngân sách; khẩn trương đề xuất các giải pháp, chính sách phù hợp đối với các cơ chế khi thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu, thuế carbon; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, siết chặt kỷ luật, kỷ cương công vụ, khắc phục tình trạng né tránh trách nhiệm trong một bộ phận đội ngũ cán bộ, công chức.

Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật để tạo điều kiện thuận lợi, thông suốt cho sản xuất, kinh doanh, hoạt động của doanh nghiệp, người dân; tháo gỡ triệt để khó khăn, vướng mắc trong cơ chế của các đơn vị sự nghiệp công lập; phân bổ các chương trình mục tiêu quốc gia trong mua sắm thuốc, vật tư y tế; đăng kiểm ô tô; ứng phó kịp thời với tình hình thiên tai, dịch, bệnh; ổn định việc làm cho người lao động; hỗ trợ kịp thời cho người lao động thất nghiệp, xây dựng nhà ở xã hội và các chính sách liên quan đến người có công, các vùng an toàn khu.

Xây dựng và nâng cao hiệu quả các thiết chế văn hóa cho công nhân khu công nghiệp, khu chế xuất; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp; nâng cao chất lượng giáo dục, y tế; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ; ngăn chặn sự suy thoái về đạo đức, lối sống; phòng, chống bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em và tệ nạn xã hội; đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Các đại biểu đề nghị Chính phủ, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có giải pháp để quản lý chặt chẽ, sử dụng có hiệu quả, bảo tồn vốn điều lệ được cấp bổ sung. Tăng cường cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, tiến độ cấp vốn ngân sách phải lập dự toán, tuân thủ Luật Ngân sách nhà nước, đánh giá tác động để đảm bảo cân đối ngân sách nhà nước.

Buổi chiều

Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận về: Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021; Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022;  Việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022; Việc giao danh mục và mức vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; giao, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 và phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2023 của chương trình mục tiêu quốc gia. Tại phiên thảo luận đã có 19 đại biểu phát biểu, tập trung về các nội dung cụ thể như sau:

Về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021: Các ý kiến đại biểu đánh giá kết quả quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021 là sự ghi nhận nỗ lực rất đáng trân trọng của Chính phủ, của các bộ, ban, ngành trung ương, các địa phương, sự đồng hành của cả hệ thống chính trị và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế của nội dung này như: việc giao dự toán vẫn chậm; còn tình trạng phát sinh số nợ đọng xây dựng cơ bản lớn và đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát chi tiết những số chi chuyển nguồn không đúng quy định; thực hiện đúng, nghiêm Luật Ngân sách Nhà nước; đồng thời cần có giải pháp cụ thể để chấn chỉnh tình trạng chậm thu hồi các khoản tạm ứng từ các niên độ quyết toán của năm 2020 trở về trước…

 Về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022: Đa số các ý kiến đại biểu đồng tình với Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; đánh giá kết quả đã thể hiện rõ nét sự chủ động, quyết tâm của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương. Bên cạnh đó, các đại biểu đã tập trung thảo luận về: tình trạng lãng phí trong việc phân bổ vốn đầu tư công và chậm giải ngân vốn đầu tư công; việc sử dụng vốn cho chương trình mục tiêu phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội; tình trạng lãng phí trong cải cách hành chính; lãng phí nguồn nhân lực; lãng phí trong chậm, nợ ban hành văn bản quy phạm pháp luật…

Về việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022: Nhiều ý kiến đại biểu tán thành với việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% để tháo gỡ khó khăn, khơi thông nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh nền kinh tế đối mặt với nhiều thách thức hiện nay. Bên cạnh đó, các ý kiến đại biểu cũng đề nghị cần đánh giá kỹ lại thời gian thực hiện để chính sách phát huy tác dụng, đạt mục tiêu đã đề ra; rà soát và cân nhắc mở rộng phạm vi đối tượng được giảm thuế giá trị gia tăng; nghiên cứu thêm một số chính sách để hỗ trợ cho doanh nghiệp. Có ý kiến đại biểu đề nghị kéo dài chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng đến hết năm 2025 hoặc ít nhất đến hết năm 2024; đồng thời, khẩn trương, kịp thời hướng dẫn các hồ sơ xem xét xin hoàn thuế giá trị gia tăng, góp phần tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.

Về việc giao danh mục và mức vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; giao, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 và phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2023 của chương trình mục tiêu quốc gia: Các ý kiến đại biểu cơ bản tán thành việc trình Quốc hội xem xét, quyết định phân bổ vốn của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và vốn của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết 43, đây là các chương trình, dự án góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, bảo đảm quốc phòng, an ninh; bên cạnh đó, các đại biểu cũng đóng góp ý kiến đối với một số dự án cụ thể.

Kết thúc phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.

Thứ sáu, ngày 02/6/2023: 

Sáng, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023; nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Viễn thông (sửa đổi). Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân; 

Chiều, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi). Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.