Thông tư 01/1999/TT-UBCK1 của Ủy ban chứng khoán Nhà nước, ngày 30/12/1999, hướng dẫn Quyết định 139/1999/QĐ-TTg về tỷ lệ tham gia của bên nước ngoài vào thị trường chứng khoán nhà nước
ỦY BAN CHỨNG KHOÁN NHÀ NƯỚC
Số: 01/1999/TT-UBCK1
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 30 tháng 12 năm 1999
THÔNG TƯ
Hướng dẫn Quyết định 139/1999/QĐ-TTg ngày 10 tháng 6 năm 1999của Thủ tướng Chính phủ về tỷ lệ tham gia của bên nước ngoài vào thị trường chứng khoán nhà nước
Thi hành Quyết định số 139/1999/QĐ-TTg ngày 10 tháng 6 năm 1999 của Thủ tướng Chính phủ về tỷ lệ tham gia của bên nước ngoài vào Thị trường chứng khoán Việt Nam, Ủy ban chứng khoán Nhà nước hướng dẫn cụ thể tỷ lệ tham gia sở hữu chứng khoán của nhà đầu tư nước ngoài và tỷ lệ tham gia của bên nước ngoài vào công ty chứng khoán liên tại Việt Nam như sau;
1.Thông tư áp dụng cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tham mua, bán chứng khoán tại Trung tâm Giao dịch Chứng khoán và tổ chức kinh doanh chứng khoán nước ngoài góp vốn để thành lập công ty chứng khoán liên doanh hoạt động tại Việt Nam theo quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam.
2.Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau;
2.1. Tổ chức, cá nhân nước ngoài là tổ chức được thành lập theo pháp luật nước ngoài, người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước Ngoài.
2.2. Cổ phiếu lưu hành của Tổ chức phát hành là cổ phiếu đã phát hành do các cổ đông sở hữu.
2.3. Trái phiếu đang lưu hành của tổ chức phát hành là trái phiếu đã phát hành.
2.4. Công ty chứng khoán liên doanh là công ty Chứng khoán được thành lập trên cơ sở hợp đồng liên doanh giữa các đối tác Việt Nam và Tổ chức kinh doanh chứng khoán nước ngoài, theo giấy phép thành lập và hoạt động do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp.
3. Tổ chức cá nhân nước ngoài muốn mua, bán chứng khoán tại Trung tâm giao dịch chứng khoán phải đăng ký với Trung tâm giao dịch chứng khoán (Thông qua các Tổ chức lưu ký) và phải tuân thủ các quy định theo pháp luật hiện hành của Việt Nam.
4. Các tổ chức, cá nhân nước ngoài được nắm giữ tối đa 20% tổng số cổ phiếu đang lưu hành của một tổ chức phát hành, chứng chỉ qũy đầu tư của một qũy đầu tư chứng khoán, trong đó một tổ chức nước ngoài được nắm giữ tối đa 7% và một cá nhân nước ngoài được nắm giữ tối đa 3%.
5. Các tổ chức, cá nhân nước ngoài được nắm giữ tối đa 40% tổng số trái phiếu đang lưu hành của một tổ chức phát hành, trong đó một tổ chức nước ngoài được nắm giữ tối đa là 10% và một cá nhân nước ngoài được nắm giữ tối đa 5%.
6. Các doanh nghiệp đã có cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp phát hành cổ phiếu theo Quyết định 145/1999/QĐ-TTg ngày 28 tháng 6 năm 1999 của Thủ tướng Chính phủ và Quy chế bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài được đăng ký niêm yết tại Trung tâm giao dịch chứng khoán khi các doanh nghiệp này đáp ứng các điều kiện niêm yết theo quy định hiện hành. Trường hợp các tổ chức, cá nhân nước ngoài đang nắm giữ cổ phần trên mức quy định tại điểm 4 Thông tư này thì họ chỉ được tham gia bán cổ phiếu.
7. Phần vốn góp của tổ chức kinh doanh chứng khoán nước ngoài tham gia vào công ty chứng khoán liên doanh tối đa không quá 30% vốn điều lệ của công ty chứng khoán liên doanh.
8. Phần vốn góp vào liên doanh có trách nhiệm góp vốn đủ phần vốn của mình vào vốn điều lệ khi thành lập liên doanh và số vốn điều lệ này không được giảm trong quá trình hoạt động của công ty chứng khoán liên doanh. Việc tăng vốn điều lệ, thay đổi tỷ lệ vốn góp của các liên doanh quyết định theo quy định của luật pháp Việt Nam và được sự chấp nhận của Ủy ban chứng khoán Nhà nước.
9. Hồ sơ cấp giấy phép thành lập và hoạt động của công ty chứng khoán liên doanh được quy định cụ thể tại khoản 2 Điều 6 Quy chế tổ chức và hoạt động của Công ty chứng khoán (Ban hành kèm theo quyết định số 04/1998/QĐ-UBCK3 ngày 13 tháng 10 năm 1998 của Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
10. Thông tư này có hiệu lực sau 15 này kể từ ngày ký ban hành. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn vướng mắc, đề nghị phản ánh về Ủy ban Chứng khoán Nhà nước để nghiên cứu bổ sung, sửa đổi.
CHỦ TỊCH ỦY BAN CHỨNG KHOÁN NHÀ NƯỚC
Lê Văn Châu