Thủ công mỹ nghệ TP. Hồ Chí Minh

So với hàng ngàn năm hình thành và phát triển của làng nghề thủ công mỹ nghệ (LNTCMN) Việt Nam, thì 300 năm hình thành và phát triển LNTCMN Sài Gòn - TP. Hồ Chí Minh là quá non trẻ. Tuy nhiên, ở mảnh

                Cũng phát triển dựa theo khái niệm “bến sông bãi chợ”, nhưng Sài Gòn là đất nhập cư, nên gốc nghề từ Bắc hay Trung vào còn pha với các nguồn nghề thủ công của người Hoa - Khmer - Champa - ấn Độ, nên sản phẩm rất đa dạng. Nói là làng, nhưng với Sài Gòn chỉ có những xóm nghề, đến nay đã có những xóm nghề đã biến mất, như xóm nghề cẩn đồng Hòa Hưng, gốm sứ Cây Mai, đúc lư đồng Tân Hòa Hưng, đan bồ trúc Cây Trôm... Mỗi xóm làng chỉ còn dăm ba hộ còn hành nghề cũ, phần lớn đã di chuyển ra xa, như mây tre lá Ba Nhất chuyển về Bình Phước, sơn mài chuyển về Tân Bình Hiệp, gốm sứ chuyển về Hóa An, tất cả là do yêu cầu đi tới các vùng nguyên liệu.

                Thống kê chưa đầy đủ, hiện tại còn khoảng 300 hộ cá thể hành nghề tại 65 làng nghề nội thành Sài Gòn. Nét đặc biệt của LNTCMN Sài Gòn - TP. Hồ Chí Minh, là đã tự chuyển động theo thị trường rất nhanh và đã có nhiều làng nghề thủ công chuyển lên đơn vị sản xuất hiện đại, có thương hiệu tham gia xuất khẩu. Cụ thể như từ làng nghề kim hoàn Hàm Tử - Chương Dương, đã chuyển lên thành lập Công ty Vàng bạc đá quý SJC, Phú Nhuận, làng mây tre lên HTX Ba Nhất, sơn mài gốm sứ lên công ty Culturimex, Artex, Lam Sơn hay á Châu, thêu đan lên Công ty Minh Trân, XQ hay Hữu Hạnh, cùng trên 50 thương hiệu mộc mỹ nghệ , mộc gia dụng đã nâng cấp đầu tư, làm hàng xuất khẩu.

                Cũng nhờ sự chuyển hóa kịp thời này, mà LNTCMN đã có thể cung ứng khoảng 400 chủng hàng quà tặng, phục vụ du lịch. Ghi nhận từ lễ hội “Đất Phương Nam” vừa qua cho thấy, các mặt hàng quà tặng sau đây, rất hấp dẫn du khách: “Thổ cẩm trang trí và may mặc, hàng thêu mỹ nghệ, thêu gia dụng, các sản phẩm từ gốc tre, gáo dừa, nghêu sò, mây đan lát, sợi lục bình, chạm bạc, ảnh tượng thờ bằng sơn mài hay tranh lụa, ngà, sừng, các sản phẩm từ dừa, nón bài thơ, hoa vải, hòn non bộ hay bonsai... tất cả đều do tay nghệ nhân các LNTCMN sản xuất.

                Từ xác lập sức mạnh của làng thủ công mỹ nghệ, các Sở Du lịch, Khoa học - Công nghệ và Kế hoạch - Đầu tư của Thành phố đã có kế hoạch hợp tác, nhằm phát triển có định hướng và tập trung. Trước mắt cần khảo sát điều tra, chọn ra 4 làng nghề sau đây để đầu tư phát triển, sau đó là triển khai theo vết dầu loang các nghề còn lại. Đó là các làng nghề đan lát xuất khẩu Thái Mỹ và sản xuất bánh tráng Phú Hòa Đông thuộc huyện Củ Chi, làng nuôi và chế biến da cá sấu Thạnh Xuân và làng nghề muối Lý Nhơn ở huyện Cần Giờ.

                Ngoài 4 làng nghề ưu tiên này, còn có một số làng nghề đang ăn lên làm ra, cần phải được giúp đỡ, nhất là khâu tiêu thụ sản phẩm, như phố nghề chạm gỗ Bà Hạt quận 10, phố cá kiểng, non bộ Nguyễn Thông, phố sản xuất lồng đèn Lạc long Quân hay làng dệt chiếu Gò Vấp.

                Kế hoạch xác lập để nâng cấp LNTCMN hướng tới mục tiêu năm 2010 tạo mức tăng trưởng 15% trong khu vực ngành nghề nông thôn, đạt kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ (TCMN) 118.000.000 USD, thu hút 40.000 lao động, xóa đói giảm nghèo đạt mức 1%/năm. Để đạt các mục tiêu trên, qua một đại hội LNTCMN mới đây, đã đề xuất hai nguyện vọng: xin được chính quyền Thành Phố quan tâm, hỗ trợ, xin thành lập “Quỹ hỗ trợ phát triển nghề thủ công” và xin đặc biệt đầu tư nâng cấp hạ tầng cơ sở các khu vực có làng nghề để tạo thuận lợi vận chuyển hàng xuất khẩu cũng như vận chuyển nguyên liệu sản xuất. Các đề nghị này nhằm giảm giá thành, để hàng TCMN TP.Hồ Chí Minh có thể cạnh tranh được với hàng các nước trong khối ASEAN và Trung Quốc.

 

  • Tags: