Tinh hoa văn hóa của làng nghề
Vào WTO, cả nước ta ra biển lớn, hàng thủ công mỹ nghệ nước ta có thêm thị trường hàng hóa và đầu tư rộng lớn hơn trước rất nhiều, song cũng đứng trước những thách thức to lớn. Chúng ta đang có những khó khăn về vốn liếng, mặt bằng sản xuất kinh doanh, về thị trường; và những yếu kém về chất lượng hàng hóa, mẫu mã, sức cạnh tranh v.v... Điều quan trọng là mỗi cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng thủ công mỹ nghệ đều phải “biết mình, biết người”, hiểu rõ chỗ mạnh, chỗ yếu của mình và có đối sách thích hợp để tận dụng cơ hội mà phát triển. Trong thực tế, không có cơ hội nào thuần túy là cơ hội và cũng không có thách thức nào thuần túy là thách thức, bởi vì cơ hội và thách thức có thể chuyển hóa lẫn nhau: cơ hội nếu không nắm bắt và tận dụng được sẽ trở thành thách thức và ngược lại, thách thức sẽ trở thành cơ hội nếu ta biết khắc phục được và vượt qua; đồng thời cơ hội cho người này có thể trở thành thách thức cho người khác. Những giải pháp để khắc phục yếu kém, phát triển thủ công mỹ nghệ đã được đề cập khá nhiều, vấn đề hiện nay là có những biện pháp cụ thể đối với từng ngành hàng và có tổ chức để thực hiện.
Hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam luôn thể hiện tinh hoa văn hóa của làng nghề Việt Nam. Lịch sử phát triển hàng thủ công mỹ nghệ luôn gắn bó với sự phát triển làng nghề và phố nghề; sản phẩm thủ công mỹ nghệ (đồ đồng, đồ đá, đồ gốm, đồ thủy tinh, đồ gỗ, chạm khảm, thêu ren, đan lát, v.v... ) là sản phẩm hàng hóa mang đặc trưng kinh tế, văn hóa của dân tộc song đồng thời, cũng là những tác phẩm nghệ thuật mang dấu ấn của các nghệ nhân tài hoa và của các làng nghề. Cả nước ta hiện có khoảng 300 làng nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống trong tổng số khoảng 2.017 làng nghề; có những làng nghề nổi tiếng, như làng lụa Vạn Phúc, gỗ Đồng Kỵ, gốm sứ Bát Tràng, đúc đồng ý Yên, thổ cẩm Hòa Bình, thổ cẩm Chăm, thêu Huế, chạm bạc Đồng Xâm, sứ Bình Dương, v.v... Riêng tỉnh Hà Tây có đến 411 làng nghề, được mệnh danh là “đất trăm nghề”, nhiều nhất nước.
Hàng hóa thủ công mỹ nghệ nước ta hiện đã được xuất khẩu sang gần 100 nước và vùng lãnh thổ, trong đó, EU là thị trường hàng đầu, tiếp đến là Mỹ, Nhật Bản, Hồng Kông, Australia, Đức, Pháp... Năm 2006, giá trị xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ đã đạt 630 triệu USD, chưa kể đồ gỗ đã đạt 2 tỷ USD. Tốc độ tăng trưởng của thủ công mỹ nghệ bình quân hàng năm đạt 20 - 30% là một tốc độ khá nhanh. Giá trị ngoại tệ thực thu của hàng thủ công mỹ nghệ thường đạt 95 - 97%; trong khi có những ngành còn phải nhập khẩu một phần khá lớn các phụ liệu mới làm được hàng xuất khẩu: 400 triệu USD hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu có thể tương đương với 1,5 tỷ USD của ngành dệt may. Đây là một điểm mạnh của hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu nước ta.
Khi cuộc cạnh tranh với quy mô toàn cầu mở ra, những sản phẩm thủ công mỹ nghệ mà doanh nhân nước ta mang ra thị trường đều phải có sức cạnh tranh cao hơn trước, không những trên thị trường WTO mà ngay trên thị trường trong nước, đó là điều đã rõ. Song, điều cần nhấn mạnh là: đó không chỉ là những hoạt động đơn thuần kinh tế, mà ẩn chứa bên trong các sản phẩm thủ công mỹ nghệ ấy, luôn luôn có hàm lượng văn hóa, trước hết là văn hóa của mỗi cơ sở sản xuất và rộng hơn, là bản sắc văn hóa của từng làng nghề và của cả Việt Nam ta. Nói cách khác, kinh tế và văn hóa gắn bó với nhau, hòa quyện vào nhau trong mỗi sản phẩm thủ công mỹ nghệ.
Văn hóa thủ công mỹ nghệ làng nghề không chỉ được thể hiện rõ, nhận biết ngay được trong sản phẩm truyền thống của các làng nghề, mà còn thể hiện ngay trong phương thức kinh doanh của mỗi doanh nghiệp, cũng như trong thái độ ứng xử của mỗi doanh nhân. Có thể ví dụ: nếu như trong vải lụa, trong chiếc khăn thổ cẩm, bộ bàn ghế mây tre, chất lượng không tốt, dùng chóng hỏng, không đồng đều, mầu sắc chóng phai, v.v... thì rõ ràng là nội dung văn hóa trong sản phẩm, hàng hóa đã không được bảo đảm, ảnh hưởng xấu đến thương hiệu của nhà sản xuất, mất tín nhiệm đối với người tiêu dùng. Chúng ta mang hàng thủ công mỹ nghệ ra thị trường WTO càng nhiều càng tốt, nhưng tất cả cần phải toát lên bản sắc văn hóa Việt Nam, làm cho sản phẩm, hàng hóa mang thương hiệu làng nghề Việt Nam vẫn có những nét riêng của từng làng nghề, không lẫn được với sản phẩm, hàng hóa của nước khác, cũng tức là mang văn hóa kinh doanh Việt Nam ra thế giới, góp phần làm phong phú thêm văn hóa kinh doanh toàn cầu. Thực hiện các giải pháp thiết thực để thể hiện giá trị văn hóa trong hàng hóa, chống sản xuất và kinh doanh hàng giả, hàng rởm... chính là gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa của thủ công mỹ nghệ làng nghề, bảo vệ và phát huy uy tín, thương hiệu của làng nghề.
Phát triển bền vững làng nghề
Làng nghề nước ta là “cái nôi” chủ yếu sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống, cho nên, để phát triển hàng thủ công mỹ nghệ, nhất thiết phải quan tâm củng cố và phát triển làng nghề. Đó là các giải pháp như: quy hoạch sản xuất, xây dựng kết cấu hạ tầng của làng nghề, bảo vệ và phát triển môi trường, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường nhất là tại các làng nghề chế biến thực phẩm), tổ chức lại sản xuất, cải tiến quản lý, v.v...
Theo quy định hiện hành của Bộ NN và PTNT, được công nhận nghề truyền thống là những nghề (1) đã xuất hiện tại địa phương từ trên 50 năm tính đên thời điểm được công nhận; (2) tạo ra những sản phẩm mang bản sắc văn hóa dân tộc; (3) gắn với tên tuổi của một hoặc nhiều nghệ nhân hoặc tên tuổi của làng nghề. Được công nhận làng nghề là những làng có đủ các tiêu chí (1) có tối thiểu 30% tổng số hộ trên địa bàn tham gia các hoạt động ngành nghề nông thôn; (2) hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định tối thiểu 2 năm tính đến thời điểm được đề nghị công nhận và (3) chấp hành tốt chính sách, pháp luật của Nhà nước. Làng nghề truyền thống là những làng đạt được tiêu chí làng nghề và có ít nhất một nghề truyền thống (với một số làng tuy chưa đạt đầy đủ các tiêu chí làng nghề nhưng nếu có ít nhất một nghề truyền thống thì cũng được công nhận là làng nghề truyền thống).
Thực tiễn cho thấy, việc phát triển làng nghề, nhất là phát triển các nghề thủ công mỹ nghệ có ý nghĩa và tác dụng rất quan trọng trong nhiệm vụ phát triển nông thôn, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Không những thế, khôi phục và phát triển làng nghề còn có ý nghĩa sâu sắc về văn hóa và du lịch, là đề cao giá trị văn hóa truyền thống trong các sản phẩm làng nghề, trong các làng nghề có làng tồn tại hàng trăm năm, là giới thiệu và tôn vinh tinh hoa văn hóa nước ta bằng những sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách từ nhiều nước đến Việt Nam để “khám phá Việt Nam”...
ý nghĩa cấp bách trước mắt trong việc phát triển làng nghề, ngành nghề tiểu thủ công nghiệp ở nông thôn, đó là việc tạo thêm nhiều việc làm cho hàng chục triệu lao động nông nghiệp, những người đang chưa có việc làm gồm nông dân trong những ngày nông nhàn; nông dân trong các vùng đô thị hóa mà ruộng đất được chuyển đổi sang các mục đích phi nông nghiệp đang di chuyển về các thành phố, tạo ra sức ép về việc làm, nhà ở và nhiều nhu cầu khác về kinh tế, xã hội; đó là những thanh niên nông thôn hàng năm đến tuổi lao động; đó cũng là những lao động trong các doanh nghiệp nhà nước nay dôi ra do sắp xếp lại doanh nghiệp, v.v... Phát triển làng nghề sẽ góp phần vào quá trình đô thị hóa, hình thành nhiều đô thị nhỏ làm vệ tinh cho các thành phố lớn. Với hệ thống đường giao thông, hệ thống điện cho sản xuất và sinh hoạt, phương tiện thông tin liên lạc, trường học, bệnh viện, v.v... tất cả sẽ tạo nên bộ mặt nông thôn mới văn minh, hiện đại. Sản phẩm làng nghề, thủ công mỹ nghệ sẽ được sản xuất vừa tập trung vừa phân tán trong các khu, cụm công nghiệp nhỏ và vừa, cũng như trong các gia đình. Để thúc đẩy các công việc nói trên, rất cần xúc tiến triển khai quy hoạch phát triển ngành nghề, làng nghề nông thôn gắn với bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống, giúp cho thủ công mỹ nghệ có cơ sở phát triển, mở rộng thêm sản xuất và nâng cao thêm giá trị sản phẩm.
Làng nghề nước ta đang từ truyền thống tiến lên hiện đại và hội nhập kinh tế quốc tế. Từ đó, nhu cầu đòi hỏi tổ chức lại sản xuất trong mỗi cơ sở sản xuất, mỗi doanh nghiệp và trong phạm vi từng làng nghề là có thật. Mỗi làng nghề hiện có nhiều loại hình sản xuất kinh doanh; đó là các tổ sản xuất, hộ gia đình, doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần, công ty TNHH, hợp tác xã, v.v... rất phong phú, đa dạng, có thể ví dụ như Xã Dương Liễu (huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây) hiện có 25 công ty TNHH và công ty cổ phần, 1.938 hộ trong số 2.652 hộ của toàn xã tham gia sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ. Thế nhưng, hầu hết các cơ sở này vẫn kinh doanh riêng lẻ, nhà nào biết nhà ấy; quản lý sản xuất kinh doanh một cách đơn giản, có nơi còn tùy tiện theo kiểu gia đình. Việc liên kết, liên doanh giữa các cơ sở trong cung ứng nguyên liệu, vật tư, trong đổi mới công nghệ cũng như trong tiêu thụ hàng hóa hầu như chưa được tổ chức. Để nâng cao chất lượng hàng thủ công mỹ nghệ, tăng thêm sức mạnh cho các cơ sở, giải pháp hàng đầu hiện nay chính là tổ chức lại công tác quản lý ngay trong mỗi cơ sở sản xuât.
Các vấn đề về tổ chức quản lý nhà nước đối với sản xuất thủ công mỹ nghệ và làng nghề cũng cần được quan tâm hơn nữa. Tại nhiều địa phương, cấp xã chỉ có cán bộ chuyên trách quản lý xã hội và nông nghiệp, nhiều làng nghề có doanh thu hàng trăm tỷ đồng với hàng trăm hộ gia đình, hàng chục doanh nghiệp sản xuất tiểu thủ công nghiệp, nhưng tổ chức quản lý nhà nước về lĩnh vực này còn quá yếu, do đó, nhiều công việc liên quan đến hoạt động của các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn như phổ biến thể chế, chính sách, hướng dẫn sản xuất kinh doanh, thực hiện các chính sách trợ giúp, đào tạo thợ, chăm sóc nghệ nhân cao tuổi, v.v... nhất là xử lý những vấn đề nóng bỏng như ô nhiễm môi trường cũng như kiểm tra việc thi hành pháp luật trong làng nghề đang còn bị bỏ ngỏ. Hoạt động của các hội, hiệp hội ngành nghề, nhất là các hội của từng chuyên ngành thủ công mỹ nghệ cũng cần được tăng cường để trợ giúp có hiệu quả cho các cơ sở sản xuất kinh doanh trong làng nghề, đồng thời, là cầu nối để chuyển tải những vấn đề từ cuộc sống đến các cơ quan nhà nước, bảo đảm cho thể chế, chính sách phát triển thủ công mỹ nghệ thực sự xuất phát từ cuộc sống và do đó, có tính khả thi cao. Theo tinh thần đó, Luật về Hội cần được sớm ban hành, để tạo hành lang pháp lý cần thiết cho việc ra đời và hoạt động có hiệu quả của các hội, hiệp hội có lợi cho phát triển thủ công mỹ nghệ nước ta.
Nếu như thủ công mỹ nghệ là tinh hoa của làng nghề truyền thống Việt Nam và làng nghề là “cái nôi”, là “vườm ươm” để duy trì, nảy nở thêm nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ làm đẹp cho đời và đưa tinh hoa văn hóa Việt Nam ra thế giới, thì việc phát triển làng nghề cần được coi là một nhiệm vụ quan trọng để chấn hưng thủ công mỹ nghệ trong phát triển đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế ngày nay.