Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa phê duyệt Kế hoạch thực hiện Công ước La Hay năm 1970 về thu thập chứng cứ ở nước ngoài trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại của Việt Nam.
Mục tiêu của Kế hoạch nhằm khai thác tối đa các lợi ích, đồng thời thực hiện đầy đủ trách nhiệm thành viên Công ước của Việt Nam; nâng cao năng lực và hiệu quả công tác ủy thác tư pháp trong thu thập chứng cứ của Việt Nam.
Qua đó hỗ trợ giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài; tạo điều kiện thuận lợi cho việc hoàn thiện pháp luật trong nước về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự theo chuẩn mực quốc tế.
Theo Kế hoạch, các cơ quan chức năng sẽ thực hiện tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về Công ước; thực hiện hiệu quả Công ước; hoàn thiện pháp luật về tương trợ tư pháp thu thập chứng cứ trong lĩnh vực dân sự; nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ thực thi Công ước.
Bộ Tư pháp là cơ quan đầu mối trong việc tổ chức thực hiện Kế hoạch trên theo quy định của Luật Điều ước quốc tế năm 2016; có trách nhiệm phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức hữu quan thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trên.
Bộ Tư pháp định kỳ hàng năm đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch lồng ghép trong Báo cáo hoạt động tương trợ tư pháp của Chính phủ trình Quốc hội.
Trước đó, ngày 4/3/2020, tại Phiên họp Hội đồng các vấn đề chung và chính sách của Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế diễn ra tại La Hay (Hà Lan), đại diện Việt Nam, bà Phạm Hồ Hương, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế đã nộp Văn kiện gia nhập Công ước La Hay 1970 về thu thập chứng cứ ở nước ngoài trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại (Công ước Thu thập chứng cứ).
Sau Công ước La Hay 1993 về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực con nuôi quốc tế và Công ước La Hay 1965 về tống đạt ở nước ngoài giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại, đây là Công ước thứ ba trong khuôn khổ Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế mà Việt Nam gia nhập. Công ước Thu thập chứng cứ sẽ có hiệu lực với Việt Nam từ ngày 3/5/2020.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế mạnh mẽ của Việt Nam, các quan hệ dân sự, kinh tế, thương mại có yếu tố nước ngoài cũng phát triển đa dạng cả về bề rộng lẫn chiều sâu dẫn đến nhiều vụ việc tranh chấp về dân sự, thương mại có yếu tố nước ngoài phát sinh và để giải quyết được thì cần sự hỗ trợ, hợp tác về tương trợ tư pháp (TTTP) giữa các nước có liên quan trong việc thực hiện các hoạt động tố tụng xuyên quốc gia như thu thập chứng cứ ở nước ngoài hay tống đạt giấy tờ ra nước ngoài…
Điều này thể hiện rất rõ qua số lượng uỷ thác tư pháp về dân sự (UTTP) mà Việt Nam đã tiếp nhận của nước ngoài cũng như UTTP của Việt Nam gửi đi nước ngoài tăng mạnh trong thời gian gần đây.
Nếu trong giai đoạn từ 2008-2011, số lượng UTTP trung bình mỗi năm là hơn 2.000 hồ sơ thì từ giai đoạn 2013-2019, con số này đã tăng lên khoảng trên 4.000 hồ sơ mỗi năm, nội dung UTTP phần lớn là tống đạt giấy tờ tư pháp và thu thập chứng cứ lấy lời khai của đương sự