Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Danh Vĩnh: Doanh nghiệp Việt Nam không bán phá giá giầy mũ da và không theo đuổi chính sách này

LTS: Từ ngày 17 đến 20/9 năm 2008, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Gia Khiêm đã đến thăm và làm việc tại Bỉ, EC và Hà Lan. Tham gia Đoàn của Phó Thủ tướng Chính phủ có Thứ trưởng

P.v: Với tư cách là thành viên Đoàn Phó Thủ tướng Chính phủ trong chuyến thăm và làm việc tại Bỉ, EC và Hà Lan, xin Thứ trưởng cho biết những hoạt động chính của Đoàn trong chuyến công tác này?

 

Thứ trưởng Lê Danh Vĩnh: Tại cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Karel De Gucht trong khuôn khổ chuyến viếng thăm Bỉ từ ngày 17 đến ngày 18/9, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm cho rằng, cần khôi phục Uỷ ban hỗn hợp và hợp tác kinh tế Việt Bỉ. Phó Thủ tướng cũng đề nghị Chính phủ Bỉ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam phát triển quan hệ với Liên minh châu Âu (EU), tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hoá của Việt Nam vào Bỉ và EU. Ngoại trưởng Bỉ đánh giá cao những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, xoá đói giảm nghèo của Việt Nam, khẳng định Chính phủ Bỉ sẽ tiếp tục chủ động hợp tác, ủng hộ và hỗ trợ Việt Nam trong công cuộc đổi mới và mỏ rộng quan hệ với EU và các nước thành viên. Ngoại trưởng Bỉ khẳng định, Chính phủ Bỉ đang và sẽ tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp Bỉ tăng cường hoạt động thương mại và đầu tư vào Việt Nam.

Ngày 18/9, phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt - Bỉ, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm khẳng định, tình hình kinh tế Việt Nam được ổn định, lạm phát và nhập siêu ở nước ta đã được kiềm chế. Phó Thủ tướng kêu gọi các doanh nghiệp Bỉ tăng cường đầu tư vào Việt Nam.

Trong các buổi làm việc với Uỷ ban châu Âu (EC), hai bên hài lòng đánh giá cao sự phát triển nhanh chóng và tích cực trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và EU trong gần 20 năm qua. Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm đã cảm ơn EU đã ủng hộ Việt Nam, dành cho Việt Nam nguồn ODA quan trọng trong những lĩnh vực xoá đói giảm nghèo, y tế, giáo dục, bảo vệ môi trường. Phó Thủ tướng cũng khẳng định, Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hợp tác với EU, mong muốn xây dựng với EU “Quan hệ đối tác bình đẳng, toàn diện, lâu dài vì mục tiêu cùng phát triển”.

Phía EU đánh giá cao những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực xoá đói, giảm nghèo, khẳng định tiếp tục ủng hộ VN phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế, mong muốn tăng cường hơn nữa trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa, giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học. EU hoan nghênh và đánh giá cao chủ trương của Việt Nam phát triển quan hệ đối tác, hợp tác toàn diện với EU, nhất trí cho rằng, việc sớm ký kết Hiệp định đối tác và hợp tác (PCA) là bước đi cần thiết hướng tới mục tiêu trên.

Phó Thủ tướng Pham Gia Khiêm nêu rõ, việc EU quyết định không cho một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam hưởng Quy chế ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) giai đoạn 2009 – 2011 sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống một bộ phận không nhỏ người lao động ở VN, đi ngược với xu hướng phất triển tích cực của quan hệ hợp tác Việt Nam – EU. Phó Thủ tướng cũng đề nghị phía EU không tiến hành rà soát và chấm dứt việc áp thuế chống bán phá giá đối với giầy mũ da của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU, sớm công nhận Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường và tiếp tục dành ODA cho VN cả sau năm 2013.

Trong khuôn khổ chuyến thăm Hà Lan, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm đã hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Hà Lan. Phó Thủ tướng đề nghị Chính phủ Hà Lan tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế, ủng hộ phát triển quan hệ Việt Nam với Liên minh châu Âu và EU. Bộ trưởng ngoại giao Hà Lan khẳng định, Chính phủ Hà Lan sẽ tiếp tục ủng hộ Việt Nan trong công cuộc đổi mưới và trong quan hệ với EU.

Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm đã đến dự và có bài phát biểu quan trọng tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – Hà Lan. Phó Thủ tướng kêu gọi các doanh nghiệp Hà Lan ủng hộ Việt Nam, đề nghị EC bãi bỏ và không rà soát cuối kỳ thuế chống phá giá đối với giầy mũ da  xuất khẩu của Việt Nam, sớm công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.

P.v: Được biết trong chuyến công tác này, Thứ trưởng đã phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại EU tổ chức họp báo. Xin Thứ trưởng cho biết, có những hãng tin quốc tế nào đến dự họp và nội dung chủ yếu của cuộc họp báo là gì?

 

            Thứ trưởng Lê Danh Vĩnh: Cuộc họp báo đã thu hút được nhiều phóng viên các hãng truyền thông quốc tế lớn như: Reuter, AFP, European Voice, Finance Time, Wall Street Journal, Thông tấn xã Việt Nam... Nội dung cuộc họp báo là bày tỏ quan điểm của Việt Nam về vấn đề thuế chống bán phá giá giầy mũ da của Việt Nam xuất khẩu vào EU.

 

             P.v: Xin Thứ trưởng cho biết rõ hơn về những diễn biến mới nhất liên quan đến thuế chống bán phá giá của EU đối với giầy mũ da xuất khẩu của Việt Nam?

 

            Thứ trưởng Lê Danh Vĩnh: Ngày 17/9/2008, Uỷ ban Tư vấn về vấn đề chống phá giá của EC đã họp cho ý kiến về rà soạt thuế chống phá giá giầy mũ da của Việt Nam xuất khẩu sang EU. Kết quả bỏ phiếu là 15/27 nước thành viên EU phản đối việc rà soát cuối kỳ. Tới đây, các Cao uỷ của Uỷ ban châu Âu sẽ họp và cho ý kiến về việc có tiếp tục rà soát cuối kỳ hay không.

            P.v: Vậy quan điểm của Việt Nam về việc EC đang xem xét yêu cầu rà soát và gia hạn thuế chống phá giá giầy mũ da của Việt Nam xuất khẩu sang EU là gì, thưa Thứ trưởng?

            Thứ trưởng Lê Danh Vĩnh: Tôi xin khẳng định một lần nữa là, các doanh nghiệp Việt Nam không bán phá giá giầy mũ da và không theo đuổi chính sách này. Việc một số doanh nghiệp sản xuất giầy ở EU yêu cầu rà soát thuế chống bán phá giá không phản ánh hết quan điểm của các doanh nghiệp giầy dép châu Âu, đi ngược lại xu thế tự do hoá thương mại mà EU đang theo đuổi, bỏ qua lợi ích cộng đồng người tiêu dùng và doanh nghiệp liên quan? Tôi đề nghị, EU không tiến hành rà soát và để cho thuế chống bán phá giá giầy mũ da của Việt Nam xuất khẩu vào EU tự động hết hạn vào ngày 6/10/2008.

P.v: Xin được hỏi Thứ trưởng một câu hỏi cuối cùng. Thứ trưởng có thông điệp gì gửi đến quan chức và các nhà sản xuất giầy dép ở châu Âu?

 

Thứ trưởng Lê Danh Vĩnh: Việt Nam hiện vẫn là một nước đang phát triển, quy mô kinh tế còn nhỏ, không thể đe doạ và không có khả năng đe doạ lợi ích của các doanh nghiệp EU. Theo chủ trương, EU luôn kêu gọi, thúc đẩy tự do hoá thương mại, tôi hy vọng các nhà sản xuất giầy dép châu Âu nhận thức rõ hơn về sự phân công lao động quốc tế. Việc các ngành sản xuất cần nhiều lao động như: giầy, dệt may... đã và đang chuyển đầu tư từ các nước công nghiệp phát triển sang các nước đang phát triển là một thực tế không thể đảo ngược. Các doanh nghiệp EU có lợi thế về vốn, công nghệ thiết kế, tiếp thị... trong khi các doanh nghiệp Việt Nam có lợi thế về lao động, kỹ năng sản xuất. Hai bên đều có thể hợp tác, thay vì cạnh tranh, đối đầu.

            Tôi hoan nghênh các doanh nghiệp trong ngành giầy dép châu Âu tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp trong ngành giầy dép Việt Nam. Việt Nam sẵn sàng tiếp tục phối hợp với EU, tăng cường hơn nữa quan hệ kinh tế, thương mại song phương cũng như khu vực.

             P/v: Xin cám ơn Thứ trưởng