Tại buổi đón tiếp, thay mặt Ban lãnh đạo Tổng công ty Giấy Việt Nam, đồng chí Nguyễn Việt Đức – Tổng giám đốc bày tỏ vui mừng được đón ngài Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Thụy Điển Robert Rydberg cùng phái đoàn Thụy Điển đã đến thăm công trình Giấy Bãi Bằng (thuộc Vinapaco) đúng vào dịp chuẩn bị kỷ niệm 40 năm Ngày truyền thống Giấy Bãi Bằng. Ông Nguyễn Việt Đức đồng thời bày tỏ lòng biết ơn đối với tình cảm của Chính phủ và nhân dân Thụy Điển dành cho nhân dân Việt Nam nói chung, cho Nhà máy Giấy Bãi Bằng nói riêng.
Cách đây hơn 40 năm, với sự giúp đỡ của Chính phủ và Nhân dân Thụy Điển, Công trình Nhà máy Giấy Bãi Bằng và vùng nguyên liệu giấy được hình thành đã mở ra sự phát triển về ngành công nghiệp giấy và trồng rừng ở các tỉnh phía Bắc như: Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Giang, Tuyên Quang. Hiện, Nhà máy Giấy Bãi Bằng đã nâng công suất bột giấy và giấy lên gấp đôi so với thiết kế, đạt 75.000 tấn bột giấy tẩy trắng/năm và 120.000 tấn giấy in, giấy viết/năm; diện tích rừng trồng nguyên liệu giấy tại các tỉnh phía Bắc là 22.000 ha.
Sự phát triển từ khu công nghiệp Giấy Bãi Bằng đã có nhiều đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế quốc dân, phát triển kinh tế địa phương, mở rộng phát triển vùng nguyên liệu, giải quyết việc làm, góp phần vào việc xóa đói giảm nghèo cho nông dân các tỉnh vùng trung du, miền núi đồng thời cải thiện đời sống của cộng đồng địa phương không chỉ tính bằng giá trị vật chất mà còn đem lại những giá trị về giáo dục, đào tạo, phát triển y tế và bảo vệ môi trường.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Thụy Điển ông Robert Rydberg cảm ơn sự đón tiếp nồng hậu của Tổng công ty Giấy Việt Nam dành cho đoàn và tỏ niềm xúc động khi được trở lại thăm Vinapaco, vui mừng khi Nhà máy Giấy Bãi Bằng đã có sự phát triển vượt bậc, không những cung cấp sản phẩm giấy chất lượng cho thị trường trong nước mà còn cho xuất khẩu.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Thụy Điển mong muốn thời gian tới, các cơ quan chức năng của hai bên phối hợp để các “mô hình Thụy Điển” tại Việt Nam được triển khai, góp phần giúp Vinapaco nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường và đảm bảo quyền lợi cho người lao động – Đây chính là ưu tiên của Chính phủ Thụy Điển trong việc phát triển công nghiệp bền vững.