Tham gia chương trình cùng Thứ trưởng có lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Công Thương: Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Cục Điều tiết điện lực.
Báo cáo tại cuộc họp, ông Vũ Xuân Khu - Trưởng ban Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn của NSMO cho biết, bão số 3 Yagi sẽ đổ bộ vào nước ta được nhận định là cơn bão rất mạnh, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống điện.
Thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương, NSMO đã xây dựng các phương án cụ thể, có tính toán đến những nguy cơ, tình huống đặc biệt có thể xảy ra để sẵn sàng tinh thần, giải pháp ứng phó kịp thời.
Trong đó, trước hết là nguy cơ có thể phải vận hành hệ thống điện ở trạng thái tách đôi hệ thống, yêu cầu các Truyền tải khóa F79 hai đầu đường dây khi bão số 3 đi qua.
Thứ hai, đối với khu vực miền Bắc, bão đổ vào dọc theo phía Đông Bắc Bộ, gồm các tỉnh từ Quảng Ninh đến Ninh Bình về Thanh Hóa, đây là các tỉnh hết sức trọng điểm, có phụ tải cao, có thể xảy ra mất điện diện rộng.
NSMO đã sớm có các văn bản, chỉ đạo ba trung tâm điều độ hệ thống điện miền sẵn sàng ứng phó; đồng thời ngay ngày 5/9 đã tổ chức họp khẩn cấp để quán triệt phương án ứng phó, phối hợp xử lý nhuần nhuyễn nhất không chỉ trong nội bộ NSMO mà còn với EVN và các đơn vị khác.
Về phương tiện vận hành, tại phòng điều khiển của NSMO, hiện đã trang bị dự phòng 4 điện thoại di động dung lượng lớn có thể đàm thoại tương đối lâu, sẵn sàng trong trường hợp có thể mất trực thông như từng xảy ra trong quá khứ.
NSMO cũng đã triển khai thử nghiệm chuyển phòng điều khiển từ tòa nhà trụ sở hiện nay sang tòa nhà bên cạnh, cho kết quả tốt, để đảm bảo sẵn sàng ứng phó nếu trụ sở chính có vấn đề gì xảy ra. Trong chiều nay (6/9), sẽ tiếp tục thử nghiệm việc chuyển cơ sở dữ liệu sang một cơ sở khác để đảm bảo cung cấp điện liên tục, thông suốt trong thời gian bão về.
Về tăng cường nhân lực ứng trực, NSMO đã chỉ đạo các phòng điều độ quốc gia, phòng điều độ miền Bắc và phòng vận hành hệ thống điện sẽ đảm bảo tăng thêm 2-3 nhân viên trực ca, lên 3-5 nhân viên từ đêm nay. Lãnh đạo NSMO, lãnh đạo các phòng cũng đến tham gia hỗ trợ điều hành, đảm bảo bố trí tương đối đầy đủ lực lượng hỗ trợ xử lý sự cố trong những trường hợp cần thiết. Đồng thời, NSMO đã giao Kỹ sư an toàn căn cứ tình hình thực tế huy động lực lượng xung kích PCTT&TKCN sẵn sàng ứng phó ảnh hưởng từ bão số 3 đến trụ sở NSMO chính và dự phòng.
Ngoài ra, NSMO đã triển khai rà soát, chạy thử các phương án khởi động lại, chuyển chế độ hoạt động của hệ thống cơ sở hạ tầng, đảm bảo sẵn sàng hoạt động ổn định.
Trong thời gian chống bão số 3, NSMO đã yêu cầu các đơn vị có phương án ứng phó về kĩ thuật, đồng thời gửi văn bản đến các đơn vị phát điện trong toàn bộ khu vực miền Bắc yêu cầu sẵn sàng ứng phó, đặc biệt chú ý đến hệ thống tự dùng nhà máy.
NSMO cũng lập phương thức vận hành để đảm bảo cho các đường dây cân bằng công suất, không ảnh hưởng lớn đến hệ thống. Rà soát phương án khởi động đen, khôi phục hệ thống điện miền Bắc. Đề nghị các đơn vị Quản lý vận hành (NPT/NPC) tái lập ca trực hoặc tăng cường ứng trực tối đa theo khả năng tại các trạm biến áp thao tác xa trong phạm vi ảnh hưởng của cơn bão số 3 để sẵn sàng đáp ứng yêu cầu vận hành hệ thống điện và xử lý sự cố do ảnh hưởng mưa bão.
Tại cuộc họp, các đơn vị thuộc Bộ Công Thương đã có những trao đổi, đánh giá cao công tác chuẩn bị của NSMO và đề nghị NSMO tiếp tục phối hợp tốt với các đơn vị thuộc Bộ, kịp thời thông tin thường xuyên để báo cáo lãnh đạo Bộ nắm bắt tình hình, có các chỉ đạo xử lý ngay khi cần thiết trước, trong và sau bão số 3.
Đại diện các đơn vị thuộc Bộ Công Thương phát biểu tại buổi làm việc
Sau khi nghe báo cáo của các đơn vị, Thứ trưởng Trương Thanh Hoài đánh giá cao công tác chuẩn bị và các phương án ứng phó chi tiết của NSMO, đồng thời đề nghị NSMO tuân thủ nghiêm túc các Công điện, chỉ đạo của Bộ Công Thương và kết luận của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tại cuộc họp sáng cùng ngày, đặc biệt chú ý đảm bảo nguyên tắc bốn tại chỗ và đặt mục tiêu đảm bảo vận hành an toàn, ổn định hệ thống điện lên hàng đầu.
Thứ trưởng lưu ý cần theo dõi sát và cập nhật liên tục tình hình phụ tải khu vực miền Bắc, tập trung cấp điện tại chỗ, huy động đồng đều các nhà máy điện tại các miền để hạn chế tối đa truyền tải Nam - Bắc trên các đường dây 500kV và 220kV, chỉ duy trì công suất tối thiểu để tránh khởi động đen, tránh để xảy ra sự cố trên lưới.
Bên cạnh đó, đảm bảo ứng trực đầy đủ, duy trì liên lạc để điều độ hệ thống điện liên tục, an toàn và khôi phục lại cấp điện nhanh nhất trong trường hợp xảy ra sự cố. Đặt vấn đề an toàn vận hành hệ thống điện và đảm bảo cung cấp điện lên hàng đầu, thậm chí có thể tính đến phương án cô lập các khu vực cần thiết để hạn chế tối đa ảnh hưởng của sự cố nếu có, bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân.
Ngày 6/9/2024, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã có Công điện số 6751/CĐ-BCT gửi Sở Công Thương các tỉnh, thành phố có khả năng chịu ảnh hưởng của bão số 3; các Tập đoàn, Tổng Công ty thuộc Bộ; các chủ đập thủy điện, công trình dầu khí, công trình khai thác khoáng sản trên địa bàn các tỉnh, thành phố khu vực miền núi và trung du Bắc Bộ về việc khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.
Trong đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị trong ngành Công Thương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, kịp thời, hiệu quả công tác phòng ngừa, ứng phó siêu bão với tinh thần, trách nhiệm ở mức cao nhất theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các cấp chính quyền địa phương.
Cụ thể, Bộ trưởng yêu cầu các Sở Công Thương và các Tập đoàn, Tổng công ty và doanh nghiệp thuộc Bộ tiếp tục chỉ đạo các cơ sở sản xuất công nghiệp, thương mại, đặc biệt là các cơ sở tại khu vực có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất phải có phương án ứng phó đảm bảo an toàn cho người, công trình, máy móc, thiết bị và chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực, phương tiện, vật tư để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với các tình huống khẩn cấp có thể xảy ra do ảnh hưởng của cơn bão số 3.
Đối với Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu chỉ đạo các đơn vị điện lực tại các địa phương, các chủ đập thủy điện thuộc phạm vi quản lý tập trung sẵn sàng đầy đủ nhân lực, vật tư, phương tiện, hậu cần theo phương châm “4 tại chỗ” để ứng phó với siêu bão và hoàn lưu bão; tăng cường công tác kiểm tra, tự kiểm tra đối với các công trình lưới điện, hồ đập thủy điện nhằm đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định, đặc biệt cho các phụ tải quan trọng; sẵn sàng mọi phương án để cung cấp điện trở lại sớm nhất đối với các khu vực bị sự cố do ảnh hưởng của bão và hoàn lưu bão.a