Như tin đã đưa, sáng 8/5, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ
kết, đánh giá 6 năm thực hiện Nghị quyết số 30a của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ
giảm nghèo nhanh và bền vững đối với các huyện nghèo.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng nhấn mạnh giảm nghèo nhanh và bền vững là một nhiệm vụ trọng
tâm được Chính phủ thường xuyên quan tâm chỉ đạo. Tinh thần chung trong thời gian tới là phải thực
hiện tốt hơn nữa Nghị quyết 30a để tập trung giảm nghèo nhanh và bền vững đối với các huyện nghèo
nhất, khó khăn nhất của cả nước. Đây cũng là trọng điểm của công tác giảm nghèo nhanh và bền vững
chung của đất nước.
Thực hiện giảm nghèo phải có mục tiêu cụ thể
Thủ tướng nêu rõ các bộ, ngành theo chức năng, trách nhiệm của mình đều phải đặc biệt quan tâm đến
nhiệm vụ này. Các địa phương cũng phải đưa mục tiêu giảm nghèo vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các
cấp với mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể.
Thủ tướng đề nghị tiếp tục rà soát, hoàn thiện chính sách theo hướng chính sách nào trùng lặp, kém
hiệu quả thì loại bỏ; những chính sách nào đúng, phù hợp thì tiếp tục khẳng định; chính sách nào
thấy cần bổ sung để làm tốt hơn thì tiến hành bổ sung.
Trong bổ sung chính sách cần đặc biệt chú ý đến những vấn đề liên quan đến giao khoán, bảo vệ rừng,
chính sách khuyến khích trồng rừng đi liền với việc sắp xếp lại các nông lâm trường theo Nghị quyết
của Bộ Chính trị.
Thủ tướng đề nghị Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh trong tháng tới chỉ đạo việc rà soát, lên phương án sắp
xếp lại các nông lâm trường một cách thật cụ thể. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện, bổ sung chính
sách hỗ trợ đồng bào ở các huyện nghèo phát triển sản xuất, chăn nuôi như hỗ trợ về vốn, giống cây,
con, thức ăn...
Thủ tướng nhấn mạnh việc các bộ, ngành đề nghị giảm bớt cho không là đúng nhưng có khía cạnh vẫn
phải tiếp tục duy trì, ví dụ như hỗ trợ hộ nghèo trong thời kỳ giáp hạt. Bên cạnh đó là phải tăng
tín dụng cho vay, mở rộng đối tượng cho vay để hỗ trợ hộ nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ cận nghèo
làm kinh tế. Đây chính là cho "cần câu" giúp hộ nghèo có phương tiện thoát nghèo.
Tiếp tục rà soát chính sách, tăng cường nguồn lực
Thủ tướng cũng lưu ý cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách để khuyến khích doanh
nghiệp đầu tư vào các huyện khó khăn cũng như tạo điều kiện để doanh nghiệp tiêu thụ các sản phẩm
của vùng khó khăn. Vì 1 doanh nghiệp đầu tư đã tạo ra nhiều công ăn việc làm, thu nhập cho người
dân.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành hữu quan tiếp tục cân đối, đảm bảo tăng cường nguồn lực của Trung
ương trong trung hạn dành cho chương trình; đề nghị các địa phương cũng quan tâm dành nguồn lực của
địa phương theo thẩm quyền cho thực hiện chương trình giảm nghèo; lồng ghép hiệu quả chương trình
giảm nghèo với các chương trình, mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội khác, kiểm soát tốt các nguồn
lực đầu tư. Tiếp tục quan tâm, huy động nguồn lực từ các nguồn khác để tăng tín dụng cho thực hiện
chương trình giảm nghèo.
Nhấn mạnh việc cố gắng tăng thêm nguồn lực, song phải đi liền với sử dụng hiệu quả nguồn lực cho
triển khai thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững, Thủ tướng đặc biệt lưu ý các bộ, ngành, địa
phương trong khâu tổ chức thực hiện phải làm tốt việc kiểm tra, thanh tra, đôn đốc, kịp thời tháo
gỡ, xử lý những vướng mắc phát sinh trong triển khai thực hiện các chính sách giảm nghèo.
Cuối cùng, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan truyền thông đại chúng thực
hiện hiệu quả hơn nữa công tác thông tin, truyên truyền. Tuyên truyền những cách làm tốt, nơi làm
tốt, những kinh nghiệm hay để nhân rộng ra, đồng thời phê phán những nơi làm còn thiếu trách nhiệm,
những nơi làm chưa tốt.
Ưu tiên đầu tư hạ tầng, đào tạo cán bộ tại chỗ
Phát biểu tham luận tại Hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương cho rằng, qua 6 năm triển khai
thực hiện, Nghị quyết số 30a đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao
đời sống của người dân ở các huyện nghèo.
Từ thực tiễn công tác giảm nghèo ở các tỉnh Tây Bắc, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc Hoàng Thị Hạnh
kiến nghị cần tiếp tục ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ở các huyện nghèo và hỗ trợ phát triển
sản xuất, tạo sự liên kết vùng, khu vực; làm tốt hơn nữa công tác đào tạo và bố trí cán bộ tại chỗ;
tạo các điều kiện thuận lợi, xây dựng cơ chế mở để thu hút doanh nghiệp về đầu tư vào những huyện
nghèo…
Việc hạn chế tình trạng chính sách còn chồng chéo, trùng lắp về đối tượng, nội dung, địa bàn; hỗ
trợ đồng bào về đất ở, nhà ở; đào tạo nghề, tạo việc làm cho lao động ở các huyện nghèo; tăng cường
công tác kiểm tra, giám sát của các cấp, các tổ chức đoàn thể trong thực hiện chính sách giảm
nghèo; việc thực hiện hiệu quả các giải pháp chống tái nghèo; nhân rộng các mô hình hay, cách
làm tốt trong công tác giảm nghèo; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tập quán canh tác phù hợp
với khí hậu, thổ nhưỡng, lợi thế của vùng miền… cũng là những vấn đề lớn được Chủ nhiệm Ủy ban Dân
tộc Giàng Seo Phử, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Danh Út và một số lãnh đạo bộ, ngành
đề cập tại Hội nghị.