Thủ tướng Chính phủ đặt ra 5 bài toán cho xuất khẩu Việt Nam

Sáng 23/42018, Hội nghị trực tuyến về giải pháp tổng thể thúc đẩy xuất khẩu đã diễn ra dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ và sự tham gia của các bộ, ngành, địa phương trên cả nước cùng đông đảo c
p.p1 {margin: 0.0px 0.0px 0.0px 0.0px; font: 12.0px 'Helvetica Neue'; color: #454545} p.p2 {margin: 0.0px 0.0px 0.0px 0.0px; font: 12.0px 'Helvetica Neue'; color: #454545; min-height: 14.0px}

Xuất khẩu Việt Nam bước vào thời kì khởi sắc

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, 2017 là một năm tăng trưởng cao của Việt Nam, trong đó có đóng góp mạnh mẽ của xuất khẩu. Hoạt động xuất khẩu hàng hoá năm 2017 đã đạt được những kết quả tích cực, tăng mạnh về quy mô, lần đầu tiên vượt mốc 200 tỷ USD đạt 214 tỷ USD, tăng 21,2% so với năm 2016.

Hoạt động xuất khẩu hàng hoá năm 2017 đã đạt được những kết quả tích cực, tăng mạnh về quy mô, lần đầu tiên vượt mốc 200 tỷ USD. (Ảnh: Trần Hải)

So với quy mô xuất khẩu năm 2011 là thời điểm bắt đầu thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hoá thời kỳ 2011-2020, định hướng đến năm 2030, xuất khẩu 7 năm đã bằng 2,21 lần. Tốc độ tăng xuất khẩu bình quân đạt 12%/năm.

Tính riêng năm 2017, đã có thêm 4 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, đưa số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD lên 29 mặt hàng. Trong đó, nhóm hàng công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục là động lực chính trong tăng trưởng xuất khẩu, nhiều mặt hàng đạt mức kim ngạch và tăng trưởng ấn tượng như điện thoại các loại và linh kiện đạt 45,27 tỷ USD, tăng 31,9% hay máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 25,9 tỷ USD, tăng 36,8%.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu trong năm 2017 đã cho thấy sự chuyển dịch thành công, với nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm tỷ trọng 81,3% tăng mạnh so với mức 61% của năm 2011; hàng nông, thủy sản giảm còn 12,1% so với mức 20,4% của năm 2011; nhóm nhiên liệu, khoáng sản giảm còn khoảng 2% so với mức 11,6% năm 2011.

Cũng theo đó, tỷ lệ nội địa hóa trong sản phẩm xuất khẩu đang dần được cải thiện. Nếu như năm 2000 tỷ lệ nội địa hóa trong ngành dệt may mới khoảng 15-17% thì đến năm 2017, tỷ lệ nội địa hóa đã đạt trên 50%. Không những phần nào chủ động được nguồn nguyên liệu trong nước, ngành dệt may còn xuất khẩu được nguyên phụ liệu như xơ, sợi dệt các loại có kim ngạch xuất khẩu tăng 22,7%.

Bên cạnh đó, thị trường xuất khẩu đang được mở rộng, phát triển mạnh theo hướng đa dạng hóa, đa phương hóa, cơ cấu thị trường xuất khẩu được đánh giá tích cực, đặc biệt đối với nhóm hàng công nghiệp. Hàng hóa Việt Nam đã tiếp tục khai thác các thị trường truyền thống và mở rộng tìm kiếm, phát triển thêm nhiều thị trường mới. Cả năm 2017, có 28 thị trường xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, trong đó 7 thị trường đạt kim ngạch trên 5 tỷ USD, 4 thị trường trên 10 tỷ USD.

Công tác khai thác cơ hội từ cam kết hội nhập được thực hiện có hiệu quả. Ở tất cả các thị trường mà Việt Nam có ký kết FTA đều ghi nhận tăng trưởng vượt trội, nổi bật như xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc tăng 31,1%, sang thị trường ASEAN tăng 24,3%, sang thị trường Nhật Bản tăng 14,2%… Ngoài ra, các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU… đều được giữ vững, hoặc thậm chí có mức tăng ấn tượng như xuất khẩu sang Trung Quốc tăng 60,6%.

Thách thức gắn liền với cơ hội trong năm 2018 

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhận định, trong năm 2018, nhu cầu thế giới sẽ tiếp tục phục hồi do tăng trưởng kinh tế toàn cầu được dự báo khả quan. Theo lộ trình cam kết tại các FTA, thuế nhập khẩu của các đối tác sẽ tiếp tục được xóa bỏ hoặc cắt giảm, tạo thêm lợi thế cạnh tranh cho hàng Việt.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhận định những cơ hội và thách thức xuất khẩu Việt Nam cần đối mặt trong năm 2018 sau thành công của 2017

Đặc biệt, Chính phủ và các bộ, ngành đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển doanh nghiệp.

Bức tranh kinh tế QI/2018 cho thấy nhiều điểm sáng với GDP đạt 7,38%, là mức cao nhất trong 10 năm qua; khu vực công nghiệp và nông nghiệp đều có kết quả tích cực cũng như tăng trưởng tín dụng và vốn FDI đạt mức cao,… Tất cả đều đã và đang tạo ra môi trường ngày càng thuận lợi hơn cho sản xuất nói chung và xuất khẩu nói riêng.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng cho rằng, thương mại toàn cầu năm 2018 vẫn tiềm ẩn những biến động khó lường khi quan hệ ngoại giao, kinh tế giữa các nền kinh tế lớn đang trở nên căng thẳng trong những ngày gần đây. Một trong những nguyên nhân dẫn đến nguy cơ về một cuộc chiến thương mại giữa các cường quốc chính là chủ nghĩa bảo hộ đang xuất hiện trở lại và thể hiện rõ ràng hơn trong những tháng đầu năm nay, khiến nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư mang tâm lý hoang mang, không an tâm về hoạt động kinh doanh và xuất khẩu.

Đồng thời, nhận thức của người dân cũng như của Chính phủ các nước về bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và bảo vệ môi trường ngày càng cao, dẫn đến việc áp dụng các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm và về bảo vệ môi trường ngày càng khắt khe, đòi hỏi các doanh nghiệp xuất khẩu phải tự nâng cao sức cạnh tranh của bản thân hơn mới có thể đáp ứng được những yêu cầu của thị trường đối tác. Những rào cản kỹ thuật và phi thuế quan như vậy là thách thức lớn đối với mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam, trong khi giá nông sản đã tăng khá tốt trong năm qua nên khả năng tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu nhờ yếu tố giá không còn nhiều.

Đứng trước những cơ hội và thách thức của năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã đặt ra 5 câu hỏi cho các bộ ngành để thúc đẩy xuất khẩu, 5 bài toán cần đến sự chung tay đồng hành của cả cơ quan chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng để có thể tìm được lời giải đáp.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt ra 5 câu hỏi - 5 bài toán cần giải quyết để thúc đẩy lĩnh vực xuất khẩu cho nền kinh tế Việt Nam (Ảnh: Trần Hải)

Thủ tướng nhấn mạnh, câu hỏi lớn đặt ra chính là làm sao để tăng giá trị gia tăng xuất khẩu của Việt Nam, làm sao doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia mạnh mẽ vào chuỗi giá trị toàn cầu mà không chỉ là giá trị thô như hiện nay.

Song song với đó, cần có những sáng kiến từ nhiều bên để chỉ ra và loại bỏ những nút thắt lớn còn tồn tại trong xuất khẩu, đặc biệt là những rào cản liên quan tới thể chế, quy định của Nhà nước đối với hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp.

Không chỉ vậy, “làm sao để doanh nghiệp Việt Nam nắm bắt được thông tin thị trường, các quy định pháp luật ở nước ngoài, những cơ hội, rủi ro, định hướng của thị trường quốc tế?” Thủ tướng cho rằng, ở đây cần nhìn nhận rõ ràng vai trò của các cơ quan ngoại thương, các thương vụ và tham tán thương mại tại tuyến đầu, các bộ, ngành trong nước trong việc tuyên truyền, hướng dẫn, định hướng cho cộng đồng doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng. Trong những trường hợp xảy ra tranh chấp, cần kịp thời có những động thái đàm phán, làm việc để bảo vệ quyền lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu của ta.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, bài toán thị trường vẫn là vấn đề mang tính chất quyết định đối với hoạt động xuất khẩu, vậy nên cần làm thế nào để tiếp tục phát triển thị trường, tạo cầu cho hàng hóa, liên tục xem xét và nghiên cứu những ưu đãi, nghị định trong nước liên quan tới chính sách thúc đẩy sản xuất nội địa, để sản phẩm không chỉ gia tăng về số lượng mà còn đảm bảo nâng cao chất lượng để đáp ứng được yêu cầu của các thị trường khó tính.

Thủ tướng cũng khẳng định, cần tìm thấy khâu nào của Việt Nam trong hoạt động xuất khẩu còn yếu, từ đó đề xuất chiến lược tổng thể đẩy mạnh xuất khẩu, xây dựng hệ thống tốt hơn với tầm nhìn xa và tiếp cận bức tranh lớn của xuất khẩu thay vì nhìn vào những yếu tố rời rạc, không thống nhất.

Cùng đồng hành với doanh nghiệp phát triển xuất khẩu 

Sau khi lắng nghe những ý kiến của các Hiệp hội ngành hàng và đặc biệt là phát biểu của một số địa phương trên cả nước cũng như bộ ba nhóm giải pháp thúc đẩy xuất khẩu của Bộ Công Thương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thẳng thắn nhận định, chiến lược xuất khẩu sẽ cần có cái nhìn tổng thể hơn nữa chứ không phải chắp vá như một số Hiệp hội đưa ra hiện nay. Giải pháp đầu tiên trong đó cần chú trọng nâng cao giá trị gia tăng của Việt Nam trong xuất khẩu bằng cách hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tạo liên kết với khu vực FDI, từ đó gia nhập và tiến lên trong chuỗi giá trị toàn cầu một cách tự chủ và mạnh mẽ, thay vì phụ thuộc vào hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp FDI như hiện nay.

"Chiến lược xuất khẩu sẽ cần có cái nhìn tổng thể hơn nữa" với sự đồng hành của các bộ ngành, các địa phương và Hiệp hội ngành hàng chung tay hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp

Thủ tướng đề nghị, cần tạo điều kiện tốt nhất và đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp trong hoạt động xuất khẩu để có thể tăng trưởng xuất khẩu một cách bền vững. Các bộ ngành cần tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và xem xét những kiến nghị xung quanh thuế - vốn mà doanh nghiệp đặt ra, theo sát hoạt động thực tế để phát hiện và loại bỏ những điểm nghẽn chính trong xuất khẩu như câu hỏi mà Thủ tướng đã đặt ra ban đầu. Đồng thời, cần cắt giảm nhiều hơn nữa những thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp ảnh hưởng đến quy trình tiếp cận và triển khai hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp.

Để nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp trên trường quốc tế, vấn đề cấp bách cần sớm được giải quyết hiện nay chính là xây dựng hệ thống logistics có mô hình hiện đại và hiệu quả hơn, nhất là đường thủy và đường bộ, để giảm bớt áp lực về chi phí cho doanh nghiệp. Trong môi trường cạnh tranh toàn cầu ngày càng khốc liệt, doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước cần có giải pháp cụ thể, riêng biệt sẵn sàng đối phó với mọi biến động và chủ động nâng cao chất lượng sản phẩm, uy tín doanh nghiệp nhằm xâm nhập sâu hơn vào kênh phân phối của các tập đoàn bán lẻ lớn trên thế giới cũng như những thị trường có hiệu quả hơn mà Bộ Công Thương đã và đang tích cực tìm kiếm, mở rộng và tháo gỡ các rào cản tồn tại.

Thủ tướng Chính phủ hy vọng, trong thời gian tiếp theo, các Hiệp hội và địa phương sẽ tiếp tục phát huy vai trò quan trọng trong việc cùng các bộ, ngành và Chính phủ tích cực hỗ trợ doanh nghiệp tìm ra những giải pháp tốt nhất để phát huy tiềm năng, khai thác lợi thế của Việt Nam, gia tăng xuất khẩu về cả số lượng và giá trị gia tăng, mang đến cho nền kinh tế sự tăng trưởng mạnh mẽ và bền vững.

Thy Thảo