Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận về bức tranh chung của GMS

Chiều ngày 30/3/2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có những chia sẻ tại Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác Tiểu vùng Mekong (GMS) mở rộng lần thứ 6 cùng với lãnh đạo cấp cao của Campuchia, Trung
p.p1 {margin: 0.0px 0.0px 0.0px 0.0px; font: 12.0px 'Helvetica Neue'; color: #454545} p.p2 {margin: 0.0px 0.0px 0.0px 0.0px; font: 12.0px 'Helvetica Neue'; color: #454545; min-height: 14.0px}

Hội nghị được tổ chức từ ngày 29-31/3/2018, là dịp để Lãnh đạo các nước GMS, Lãnh đạo các tổ chức quốc tế và khu vực, đại diện các đối tác phát triển, giới doanh nghiệp và học giả chia sẻ quan điểm về các vấn đề phát triển then chốt của khu vực GMS, cũng như thảo luận về biện pháp tăng cường hợp tác giữa các bên liên quan.

Diễn đàn Thượng đỉnh Kinh doanh GMS là sáng kiến của Việt Nam trong nỗ lực kết nối các bên nhân dịp Hội nghị Thượng đỉnh GMS mở rộng lần thứ 6 và Hội nghị Cấp cao Hợp tác Khu vực Tam giác Phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam (CLV) lần thứ 10. Đây là lần đầu tiên một diễn đàn quy mô lớn được tổ chức bên lề Hội nghị GMS, có sự tham gia của đông đảo gần 2.600 nhà đầu tư và doanh nhân trong cũng như ngoài GMS - những người là động lực chủ yếu cho sự tăng trưởng kinh tế của khu vực.

Diễn đàn Thượng đỉnh Kinh doanh GMS với sự đồng chủ trì của lãnh đạo các nước Việt Nam, Campuchia, Trung Quốc, Lào, Myanmar và Thái Lan

GMS - sức mạnh đến từ cộng hưởng chung

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhận định, GMS là khu vực rộng lớn với số dân 340 triệu người bao gồm 5 quốc gia là Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan cùng hai tỉnh Vân Nam và Quảng Tây của Trung Quốc. Quy mô GDP khu vực đạt hơn 1.300 tỷ USD, cho thấy hiệu quả mà mối liên kết chặt chẽ của các nước trong khuôn khổ chung là GMS, tạo ra một khu vực chung, kinh tế chung, cộng hưởng chung, mang lại cơ hội phát huy sức mạnh cho nền kinh tế.

Nằm ở trung tâm châu Á với sự phát triển năng động, GMS đang trỗi dậy bằng tất cả quyết tâm, tiềm năng và sức mạnh, góp phần tăng thêm gam màu tươi sáng cho bức tranh tăng trưởng chung của châu lục.

Thủ tướng khẳng định, tầm nhìn mới trong hợp tác mà các thành viên GMS cần hướng đến trong tương lai chính là kết nối - hội nhập - phát triển bền vững, thịnh vượng và hài hòa. Để hiện thực hóa tầm nhìn đó, mỗi quốc gia cần tập trung cải cách thể chế pháp luật, phát triển hạ tầng cơ sở và nguồn nhân lực, đồng thời phát triển thị trường nội địa song song với thúc đẩy các hoạt động thương mại trên thế giới. Đặc biệt, cần tiếp tục đẩy mạnh tham gia vào nấc giá trị to lớn hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu thông qua các hiệp định hợp tác kinh tế và thương mại tự do.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận về bức tranh chung của GMS, về vai trò của Việt Nam trong công cuộc đi tìm động lực phát triển mới cho kinh tế khu vực

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh, ngoài vai trò kiến tạo phát triển của các chính phủ, chính quyền các cấp cùng vai trò chất xúc tác và hỗ trợ của các định chế quốc tế như Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Thế giới (WB) thì nhóm hành động chủ yếu không ai khác chính là cộng đồng các doanh nghiệp.

Nhận thức được điều đó, Việt Nam mong muốn Diễn đàn lần này có thể thúc đẩy sáng kiến và khơi nguồn kết nối không chỉ các chính quyền với nhau mà còn với các doanh nghiệp, quan trọng nhất là đề cao vai trò kết nối, hợp tác giữa các doanh nghiệp với nhau nhằm tạo nên những kiên kết hợp tác thực chất trong phát triển thịnh vượng của GMS và CLV.

Việt Nam với những tiềm năng và cam kết

Năm 2017, Việt Nam đang có những bước nhảy tích cực trên đà tăng trưởng kinh tế ở mức cao hàng đầu châu Á, lạm phát được kiểm soát ở mức 3,5%, lãi suất tỉ giá ổn định. Trong năm 2017, kim ngạch thương mại Việt Nam đạt kỉ lục 455 tỷ USD với dự trữ ngoại tệ trên 60 tỷ USD.

Với những tiềm năng như vậy, hiện nay có 25.000 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) đang hoạt động ở Việt Nam với số vốn đầu tư trên 320 tỷ USD. Một số chỉ số như tỷ số thị trường chứng khoán Vn-Index năm 2017 tăng 41%, nằm trong Top 3 thế giới, chỉ số môi trường kinh doanh tăng 14 bậc lên 68/140, năng lực cạnh tranh tăng 5 bậc lên 55/137 và chỉ số đổi mới sang tạo tăng 12 bậc lên 47/157.

“Tất cả phần nào thể hiện lòng tin, niềm phấn khởi của nhà đầu tư, doanh nghiệp đối với sự nỗ lực cải cách đổi mới của Chính phủ Việt Nam trong thời gian qua, và đây chính là động lực để chúng tôi tiếp tục tự tin thúc đẩy cải cách.” Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam quyết tâm xây dựng chính phủ kiến tạo phát triển, hành động phục vụ người dân và doanh nghiệp. Nhà nước không còn thay thị trường và doanh nghiệp và tập trung kiến tạo môi trường phát triển thuận lợi với việc hoàn thiện thể chế pháp luật chuẩn mực, nâng cao năng lực quản trị nhằm đem lại cơ hội bình đẳng cho các thành phần kinh tế.

Lòng tin, niềm phấn khởi của nhà đầu tư, doanh nghiệp chính là động lực để Việt Nam tiếp tục tự tin thúc đẩy cải cách

Đồng thời, Nhà nước cũng sẽ quan tâm đào tạo phát triển nguồn nhân lực trong đó ưu tiên đầu tư phát triển nguồn nhân lực có trình độ kĩ năng và năng lực thích ứng hướng tới mục tiêu phát triển bao trùm và bền vững; phát triển hạ tầng cơ sở, chỉ đầu tư vào một số khu vực quan trọng mà doanh nghiệp tư nhân khó đầu tư; phấn đấu xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi mang tính cạnh tranh, vươn lên nhóm đầu trong ASEAN và hướng tới tiêu chuẩn cao của OCD, thực hiện cam kết về bảo hộ sở hữu trí tuệ, ý tưởng sáng tạo, phát kiến mới trong khởi nghiệp và tiếp tục đẩy mạnh cắt giảm hành chính, thuế, thuế suất, thuế thu nhập doanh nghiệp, dự kiến sẽ chỉ còn 15-17%. Đặc biệt, áp dụng nhiều quy định ưu đãi dành cho đầu tư công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp hữu cơ ứng dụng công nghiệp cao, tạo nhiều việc làm.

Trong năm 2018-2019, Việt Nam sẽ tiếp tục chủ động đẩy mạnh hội nhập quốc tế với khu vực GMS và CLV, xác định trọng tâm là ký kết phê chuẩn đi vào hiệu lực 2 Hiệp định tự do công nghệ mới là CPTPP và Hiệp định giữa Việt Nam - EU để mở rộng tiếp cận tới thị trường lớn hơn trong đó bao gồm gần 40 nước phát triển, song song với việc đẩy mạnh thực thi hiệu quả 10 FTA đã có hiệu lực, thúc đẩy đàm phán các Hiệp định chưa ký kết.

Chính phủ Việt Nam luôn ưu tiên đầu tư và thu hút đầu tư mạnh mẽ vào tuyến giao thông huyết mạch và tuyến cao tốc như tuyến Hồ Chí Minh đi Cần Thơ, Cà Mau; Hà Nội đi Hải Phòng, Lào Cai kết nối với Côn Binh (Trung Quốc); Hà Nội đi Lạng Sơn kết nối với Nam Ninh (Trung Quốc) hay tuyến hành lang kinh tế Đông Tây, Bắc Nam và hành lang phía Nam. Đây giống như kết nối trong khuôn khổ 2 hành lang 1 vành đai kinh tế với sáng kiến của Trung Quốc về “vành đai con đường”, cũng như cam kết thúc đẩy và cụ thể hóa các sáng kiến như đầu tư kết cấu hạ tầng, kết nối hiệu quả nhằm hỗ trợ thương mại, đầu tư, du lịch, nông nghiệp, kinh tế cửa khẩu và các hình thức hợp tác kinh tế xuyên biên giới khác.

Đi tìm động lực mới cho phát triển kinh tế

Trong bối cảnh kinh tế thế giới và môi trường phát triển đang có những chuyển biến sâu sắc, lãnh đạo các nước đều đồng tình rằng GMS phải có động lực mới cạnh tranh mạnh mẽ hơn cho sự phát triển của mình. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, cho rằng, các nước thành viên cần tiếp tục giữ được bản sắc riêng với một cơ chế hiệu quả nhằm cộng hưởng được sự quyết tâm và nỗ lực từ tất cả các bên, tạo nên nguồn lực mới giải quyết các khác biệt, mở rộng không gian hợp tác kinh tế cả chiều rộng lẫn chiều sâu.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh, một nguồn lực mới cho phát triển trước hết đến từ việc phát huy tốt nội lực của chính mình. Mỗi nền kinh tế cần tạo lập một môi trường kinh doanh thuận lợi để giải phóng mọi nguồn lực, tiềm năng, sức sáng tạo của doanh nghiệp và người dân. Đó chính là nguồn lực mới và cũng là nền tảng cho thành công của hội nhập liên kết kinh tế quốc tế và khu vực nhằm thu hút sự hỗ trợ của các đối tác phát triển và các nguồn lực từ bên ngoài khác.

Hơn ai hết, các doanh nghiệp hiểu rõ cách mạng 4.0 với các tiến bộ đột phá của khoa học công nghệ sẽ là yếu tố tiềm năng để khai thác, từ đó kết nối các nền kinh tế GMS và CLV với nhau theo cách phi truyền thống, vượt ra ngoài sự tưởng tượng của những nhà khởi xướng GMS cách đây 5 năm. Hiện nay nhiều công nghệ tiên tiến như mạng toàn cầu, công nghệ sinh học, trí tuệ nhân tạo,.. đã và đang lan tỏa ngày càng mạnh mẽ trong nhiều nền kinh tế của khu vực, mang lại sung lực mới cho sự phát triển của GMS trong giai đoạn tới.

Nguồn lực mới cho phát triển trước hết đến từ việc phát huy tốt nội lực của chính mình, giải phóng mọi nguồn lực, tiềm năng

Tuy nhiên, để xây dựng GMS thịnh vượng bền vững và hội nhập cần đảm bảo phát triển bền vững và hài hòa. Tăng trưởng nhanh nhưng phải bảo đảm phát triển nhân lực bền vững, giữ gìn bảo vệ môi trường sinh thái, nguồn tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt quản lý sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong.

Không chỉ vậy, mỗi kế hoạch phát triển quốc gia, hoạt động đầu tư, kinh doanh hay chương trình hợp tác GMS, CLV cần bảo đảm sự hài hòa, cân bằng lợi ích của các bên, của chính phủ, doanh nghiệp và người dân.

Trả lời câu hỏi từ người điều hành phiên họp - nhà báo Angie Lau trong phần thảo luận, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng khẳng định để đóng góp vào tăng trưởng chung của khu vực, Việt Nam trước hết ổn định chính trị xã hội và ổn định kinh tế vĩ mô, cùng với đó tiến hành cải cách môi trường đầu tư - kinh doanh mạnh mẽ thông qua việc cắt bỏ các thủ tục không cần thiết (dự kiến cắt bỏ 50% các quy định không cần thiết), chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm là chính, từ đó giải quyết tốt 3 điểm nghẽn là phát triển hạ tầng, giải quyết nguồn nhân lực và tiếp tục đổi mới cơ chế chính sách pháp luật. 

Chính phủ và các cấp chính quyền tại Việt Nam sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp trong nước cũng như các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam để hoàn thiện chính sách tại địa phương, hỗ trợ tối đa cho hoạt động của doanh nghiệp.

“Khu vực GMS và 3 quốc gia CLV, chúng ta có núi liền núi, sông liền sông, và có chung khát vọng về hòa bình, phát triển thịnh vượng. Cùng các nhà lãnh đạo, tôi rất mong nhận được sự ủng hộ, đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp và đối tác phát triển. Trong dòng chảy kinh tế đang kết nối các nền kinh tế khu vực Mekong, chúng tôi coi thành công của các bạn là thành công của chính mình”.

Thy Thảo - Ảnh: Văn Điệp