Tham dự và chủ trì Diễn đàn có các đồng chí: Phạm Minh Chính, Thủ tướng Chính phủ; Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Đức Hải, Ủy viên BCHTW Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội.
Diễn đàn được tổ chức trong thời điểm chuẩn bị bước sang năm 2023, là năm thứ ba Việt Nam thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025; vì vậy là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để bảo đảm hoàn thành các mục tiêu phát triển đất nước đã đề ra cho cả giai đoạn 2021-2025 và 2021-2030.
Những con số ấn tượng từ sự tăng trưởng của nền kinh tế
Năm 2022, tăng trưởng kinh tế Việt Nam dự kiến đạt khoảng 8% - mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2011 trở lại đây, cũng là mức tăng trưởng cao nhất trong khu vực. Tính chung 11 tháng năm 2022, chỉ số toàn ngành công nghiệp ước tăng gần 8,6%, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động 56,9 nghìn doanh nghiệp và 137,8 nghìn doanh nghiệp thành lập mới.
Xuất khẩu cả nước vẫn duy trì tăng trưởng đáng ghi nhận với tổng kim ngạch ước gần 342,2 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm ngoái, cán cân thương mại hàng hóa ước thặng dư 10,6 tỷ USD; tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng 20,5%; thu ngân sách tăng 17,4% so với cùng kỳ năm trước, cân đối NSNN năm 2022 bội thu gần 280 nghìn tỷ đồng, mức cao kỷ lục trong 5 năm gần đây; CPI được kiểm soát ở mức bình quân là 3,02%; lạm phát cơ bản là 2,38%; vốn đầu tư nước ngoài giải ngân đạt mức cao nhất trong 11 tháng của 5 năm trở lại đây khi ước tính đạt 19,68 tỷ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm trước góp phần hỗ trợ ổn định tỷ giá và các cân đối vĩ mô khác.
Qua những con số này cho thấy, Việt Nam đã giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm được các cân đối lớn của nền kinh tế, đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước có những diễn biến mới, nhanh chóng và phức tạp, khó lường hơn cả dự đoán.
Năm 2022, Việt Nam cũng tổ chức thành công nhiều sự kiện văn hoá, thể thao, giải trí quy mô lớn, quốc phòng, an ninh, đối ngoại được tăng cường. Dự báo đến hết năm 2022, có thể hoàn thành và hoàn thành vượt mức 14/15 chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
Phát biểu khai mạc phiên toàn thể, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, việc kinh tế Việt Nam năm 2022 không bị suy thoái trong đại dịch và phục hồi, tăng trưởng mạnh mẽ đã khẳng định được nội lực và khả năng chống chịu khá tốt của nền kinh tế. Bên cạnh những kết quả khả quan trong năm 2022, nền kinh tế nước ta cũng đã bộc lộ nhiều khó khăn thách thức cần có những quyết sách đúng đắn kịp thời để đảm bảo phục hồi vững chắc nền kinh tế trên nền tảng tích cực đã được tích lũy trong những năm qua và tạo bước phát triển bền vững trong năm 2023 và những năm tiếp theo.
Theo Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, sau thời gian 2 năm 2020-2021 tập trung thực hiện mục tiêu kép "vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế", năm 2022 vừa qua nền kinh tế Việt Nam đã có bước phục hồi mạnh mẽ, đạt kết quả tích cực và tương đối toàn diện; các cân đối lớn luôn được đảm bảo, nền tảng vĩ mô ổn định, đặc biệt là trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều khó khăn, bất ổn, nhiều nền kinh tế suy giảm tăng trưởng, lạm phát được kiềm chế theo mục tiêu đề ra.
Kịp thời có những quyết sách, phương án ứng phó
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cho rằng, cần thấy rõ những khó khăn thách thức lớn đặt ra, thậm chí lớn hơn trước mà nền kinh tế Việt Nam đang tiếp tục phải đối mặt để kịp thời có những quyết sách, phương án ứng phó. Hiện nay, sự suy yếu nhanh chóng của tổng cầu thế giới đã ảnh hưởng trực tiếp lên các đơn hàng sản xuất trong nước; chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) lần đầu tiên chỉ đạt 47,4 điểm, giảm dưới ngưỡng trung bình 50 điểm sau 13 tháng liên tiếp ở mức cao. Hệ lụy là ở một số lĩnh vực người lao động đã bị mất việc làm. So với cùng kỳ 2021, chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp khai khoáng tháng 11-2022 giảm 10%, ngành sản xuất giường tủ bàn ghế giảm 6,2%…
Cán cân thương mại dịch vụ vẫn đang bị mất cân đối ngày càng lớn. Tỷ giá và lãi suất trong mấy tháng gần đây có những bước tăng đột biến phản ánh mức độ căng thẳng thanh khoản trên thị trường tài chính ngân hàng. Giải ngân đầu tư công thấp, 11 tháng ước chỉ đạt 58,33% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Điều này tạo nên nghịch lý nền kinh tế thì thiếu vốn trong khi nguồn lực khá lớn của nhà nước lại không thể đưa vào lưu thông trong nền kinh tế.
Những bất cập, hạn chế từ nội tại của nền kinh tế cùng với bối cảnh thế giới đang có nhiều diễn biến bất lợi, có nhiều vấn đề mới phát sinh chưa có tiền lệ... đang đặt ra thách thức gay gắt đối với ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định tài chính, tiền tệ, nợ công, an ninh năng lượng và các vấn đề an sinh xã hội trong nước; tác động trực tiếp tới việc thực hiện các mục tiêu phát triển cả trước mắt và dài hạn.
Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nêu rõ, nhận diện đúng các cơ hội, những khó khăn thách thức và đề xuất các chủ trương, chính sách thích ứng phù hợp là điều kiện cần để đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và thực hiện thành công các mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 mà Nghị quyết Đại hội XIII cũng như các Nghị quyết của Đảng đã đề ra.
Phiên toàn thể tập trung thảo luận 5 báo cáo chính: Tổng quan kinh tế Việt Nam 2022 và định hướng điều hành 2023 do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình bày; Triển vọng kinh tế thế giới 2023 và các gợi ý chính sách cho Việt Nam do Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB) trình bày; Những vấn đề đặt ra đối với kinh tế Việt Nam 2023 qua đánh giá phản ứng chính sách vĩ mô của các nước và dự báo viễn cảnh kinh tế châu Á 2023 do Giám đốc ADB tại Việt Nam trình bày; Ổn định tài chính, lành mạnh hóa thị trường tài chính và thị trường bất động sản Việt Nam tạo nền tảng vững chắc cho phát triển kinh tế 2023 do Chủ tịch Quỹ VinaCapital trình bày; Tăng tốc đầu tư công và khơi thông nguồn vốn cho doanh nghiệp để tạo bứt phá tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023 do Trưởng đại diện UNDP tại Việt Nam trình bày.
Cũng tạo Phiên thảo luận, các đại biểu đã tham gia tọa đàm đưa ra các ý kiến phân tích những vấn đề rất cơ bản cả trước mắt và chiến lược lâu dài về: Kiến tạo không gian phát triển và các động lực tăng trưởng kinh tế mới; lành mạnh hoá thị trường tài chính và thị trường bất động sản để phát triển kinh tế nhanh và bền vững; đẩy nhanh tiến độ giải ngân và nâng cao hiệu quả đầu tư công tạo động lực tăng trưởng kinh tế năm 2023; phát triển thị trường lao động bền vững, bảo đảm an sinh xã hội trong phát triển KTXH. Các báo cáo, phát biểu đã đánh giá rõ bối cảnh tình hình, các công việc làm được, kết quả đạt được, những hạn chế, bất cập và thảo luận, thống nhất về quan điểm, định hướng, giải pháp trọng tâm thời gian tới.
Lựa chọn giải pháp tốt nhất với ưu tiên phù hợp
Trong bài phát biểu tại Phiên Toàn thể, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, năm 2023 là năm bản lề của thời kỳ kế hoạch 5 năm 2021-2025 với dự báo khó khăn, thách thức hơn so với năm 2022 và nhiều hơn thời cơ thuận lợi, đòi hỏi chúng ta phải chuẩn bị tâm thế, sẵn sàng ứng xử phù hợp với mọi rủi ro, thách thức, có quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn.
"Chúng ta không hoang mang, lo sợ, dao động, cũng không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, mà giữ vững bản lĩnh, bình tĩnh, nắm chắc tình hình để đưa ra giải pháp. Tất nhiên, không có giải pháp hoàn hảo, cũng không có lựa chọn hoàn hảo, chỉ có giải pháp, lựa chọn tốt nhất và phải có ưu tiên phù hợp", Thủ tướng phát biểu.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã có Kết luận, Quốc hội đã có Nghị quyết về Kế hoạch phát triển KTXH năm 2023, trong đó xác định rõ các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cho năm 2023. Cơ bản thống nhất với các đề xuất, góp ý tại Diễn đàn, Thủ tướng nêu một số vấn đề trọng tâm trong quan điểm, định hướng, nhiệm vụ, giải pháp chỉ đạo điều hành trong năm 2023 và thời gian tới theo tinh thần "Đoàn kết, kỷ cương; Bản lĩnh, linh hoạt; Đổi mới sáng tạo; Kịp thời, hiệu quả".
Thủ tướng yêu cầu tiếp tục thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, quyết liệt Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, kế hoạch 5 năm, chiến lược 10 năm, các nghị quyết chuyên đề của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ. Các bộ, ngành, địa phương phải chủ động sáng tạo, kịp thời, hiệu quả, thích ứng với tình hình.
Theo dõi, nắm chắc tình hình, chủ động, linh hoạt, có phản ứng chính sách phù hợp, kịp thời, dứt khoát, lựa chọn ưu tiên phù hợp, có trọng tâm, trọng điểm trong bối cảnh nguồn lực có hạn, công việc nhiều; trong điều hành tuyệt đối không chuyển trạng thái đột ngột, "giật cục".
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, nhất quán mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, linh hoạt, hiệu quả, bảo đảm cân bằng, hợp lý giữa tỷ giá và lãi suất, giữa kiểm soát lạm phát với tăng trưởng kinh tế, phù hợp với tình hình thực tiễn; chính sách tài khóa tập trung, mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, tiết kiệm chi tối đa, nghiên cứu tiếp tục miễn, giảm, gia hạn thuế, lệ phí; các chính sách phải phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hòa, không triệt tiêu mà bổ sung cho nhau, bảo đảm hiệu quả tổng thể.
Giải quyết dứt điểm những tồn tại, hạn chế, thực hiện nghiêm túc, đồng bộ 4 công điện của Thủ tướng Chính phủ về các thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế, phát triển thị trường lao động, chăm lo đời sống người lao động. "Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết tâm làm, nhưng phải đôn đốc các bộ, ngành làm tích cực hơn", Thủ tướng phát biểu.
Cùng với đó, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh thông tin. Huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, tăng cường thu hút đầu tư xã hội qua hợp tác công tư. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, chương trình phục hồi và phát triển, 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng.
Khẩn trương tập trung thực hiện, hoàn thành công tác quy hoạch với tư duy đột phá và tầm nhìn chiến lược, dài hạn, nhưng thực hiện có thể phân kỳ. Tập trung xây dựng và hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là đào tạo kỹ năng nghề.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh, cần tiếp tục giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, giữ chính sách tương đối ổn định để các nhà đầu tư, doanh nghiệp, người dân yên tâm sản xuất, kinh doanh. Đẩy mạnh hội nhập và đối ngoại, phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Quan tâm bảo đảm an sinh xã hội, nhất là quan tâm vấn đề lương thực, thực phẩm, giá năng lượng, nhà ở. Đẩy mạnh công tác truyền thông khách quan, trung thực. Đẩy mạnh cải cách hành chính, các cơ quan, cán bộ, công chức, viên chức phải xem công việc của người dân và doanh nghiệp như công việc của nhà mình.