Đối thoại là hoạt động tổ chức bởi Bộ Công Thương phối hợp với Ban Thư ký quốc tế APEC, nằm trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác kinh tế APEC. Đối thoại hướng tới mục tiêu mở ra cơ hội kết nối và trao đổi thông tin về cải cách cơ cấu trong lĩnh vực logistics giữa các nhà hoạch định chính sách, các doanh nghiệp, hiệp hội, học giả từ Trung Quốc, Malaysia, New Zealand, Đài Bắc (Trung Quốc) và Peru, từ đó thảo luận về phương hướng giải quyết các rào cản trong thương mại và đầu tư vào lĩnh vực logistics nhằm thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp.
Đối thoại nhiều bên APEC về Cải cách cơ cấu trong lĩnh vực Logistics tổ chức sáng ngày 19/4/2018 với sự tham gia chia sẻ của nhiều chuyên gia kinh tếCải cách cơ cấu ngành dịch vụ mang ý nghĩa quan trọng
Phát biểu tại Đối thoại, ông Lương Hoàng Thái - Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương nhận định, lĩnh vực dịch vụ có những đóng góp lớn trong việc nâng cao năng suất tại nhiều nền kinh tế thành viên APEC.
Năm 2015, các Bộ trưởng Cải cách cơ cấu APEC đã đánh giá “những thách thức trong việc giải phóng tiềm năng của ngành dịch vụ, góp phần cho tăng trưởng và tạo việc làm" như xử lý các hạn chế về dịch vụ và đầu tư, giới hạn tiếp cận thị trường và phân biệt đối xử với các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài, đặc biệt cần ưu tiên ngành dịch vụ trong chương trình nghị sự phát triển của nền kinh tế và đồng thời cân bằng các mục tiêu cạnh tranh không ảnh hưởng đến quyền lập pháp v.v...
Bởi vậy, các Bộ trưởng APEC luôn khuyến khích các nền kinh tế tiến hành cải cách trong lĩnh vực dịch vụ của mình. Bản thân Lộ trình Cạnh tranh dịch vụ APEC (ASCR), được Lãnh đạo APEC thông qua năm 2016, cũng bao gồm việc thực thi Chương trình nghị sự APEC về Cải cách cơ cấu, xem xét các nội dung được nêu tại Báo cáo Chính sách Kinh tế APEC về Cải cách cơ cấu và Dịch vụ năm 2016.
Đối với Việt Nam, logistics là lĩnh vực chủ chốt trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong giai đoạn 2016-2020 với khoảng 1.300 doanh nghiệp hoạt động, chiếm 2-3% GDP. Việt Nam đặt mục tiêu tăng tỷ trọng logistics trong GDP lên 8-10% vào năm 2025, với tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm từ 15-20%.
Do sự đa dạng về trình độ phát triển kinh tế, cũng như sự khác biệt trong hệ thống pháp luật, mỗi nền kinh tế APEC sẽ theo đuổi các mục tiêu và chiến lược về cải cách cơ cấu của riêng mình. Theo đó, mỗi nền kinh tế APEC có quyền hợp pháp để lựa chọn ngành mà mình muốn cải cách cũng như cách thức thực hiện cải cách. Trong bối cảnh đó, chia sẻ kinh nghiệm và thông lệ tốt trong giải quyết các rào cản thương mại và đầu tư trong lĩnh vực logistics, đặc biệt là các vấn đề về pháp luật, luôn được hoan nghênh và đặc biệt quan tâm.
Nhiều rào cản sau biên giới cần được giải quyết
Chia sẻ sự đồng tình với quan điểm này, bà Fatimah Alsagoff - Phụ trách Ngoại giao công chúng khu vực Đông Nam Á, Úc và New Zealand tại UPS Châu Á - Thái Bình Dương cho biết, việc cải cách cơ cấu không chỉ hỗ trợ cho sự vận hành hiệu quả của thị trường, mà còn giảm thiểu tối đa những rào cản sau biên giới (behing-the-border barriers).
Bà Fatimah Alsagoff - Phụ trách Ngoại giao công chúng khu vực Đông Nam Á, Úc và New Zealand tại UPS nhấn mạnh tầm quan trọng của việc gỡ bỏ các rào cản sau biên giớiBà Fatimah Alsagoff nhấn mạnh, cải cách cơ cấu nâng cao sức cạnh tranh và đảm bảo cạnh tranh công bằng trong cộng đồng doanh nghiệp, từ đó mang lại lợi ích về giá cả và đa dạng lựa chọn cho người tiêu dùng, hướng đến mục tiêu vĩ mô là tăng trưởng kinh tế ổn định và thu hút đầu tư mạnh mẽ.
“Độ mở của nền kinh tế đối với thương mại và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đem lại các cơ hội chứ không phải sự đảm bảo, những cơ hội này có thể sẽ lướt qua nếu như các chính sách sau biên giới không hỗ trợ cạnh tranh và hiệu quả.”
Theo Cơ quan hỗ trợ chính sách APEC (PSU)
Tại nhiều quốc gia, một số rào cản sau biên giới tồn tại sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ tới sự phát triển của ngành logistics. Một trong những rào cản đó phải kể đến sự phân biệt và thiếu công bằng khi quản lý cạnh tranh giữa các doanh nghiệp nội địa và doanh nghiệp nước ngoài trong nhiều lĩnh vực như việc tham gia vào các dự án của Chính phủ, tiếp cận sử dụng cở sở hạ tầng, đáp ứng quy định góp vốn và trợ cấp ngân sách,…
Theo đại diện UPS, giải quyết được những rào cản này sẽ mở đường cho việc phát triển ngành logistics hiệu quả, đem lại tác động đa dạng cho sự tăng trưởng của nền kinh tế. Không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp giảm thiểu tồn kho và các chi phí phụ khác thông qua việc tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, logistics còn thúc đẩy xuất khẩu và tăng cường sự linh hoạt, năng động cho nền kinh tế, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho thu hút đầu tư và góp phần vào sự phát triển của khu vực.
Dư địa phát triển và hợp tác trong APEC còn rất nhiều
Ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng ban Chính sách kinh tế vĩ mô, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương nhận định, sự phát triển của khoa học công nghệ hiện nay cũng đã được ứng dụng tại nhiều nhà cung cấp dịch vụ logistics, kéo theo sự cải thiện về mức độ lưu động của hàng hóa và dịch vụ giữa các quốc gia trên thế giới nói chung cũng như trong APEC nói riêng.
Ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng ban Chính sách kinh tế vĩ mô, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương đề nghị thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa hợp tác logistics giữa các quốc gia APECTuy nhiên, dư địa để tiếp tục cải cách cơ cấu và phát triển ngành logistics vẫn còn rất nhiều, trong bối cảnh cơ chế chính sách liên quan tới sự tham gia của các doanh nghiệp nước ngoài vào nền kinh tế một số quốc gia và rào cản đối với sự cạnh tranh vẫn còn tồn tại rõ nét.
Đặc biệt, cơ hội hợp tác giữa các nước thành viên APEC trong lĩnh vực logistics vẫn đang rộng mở, bao gồm cả việc giao lưu, trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm cũng như năng lực xây dựng kế hoạch cải cách cơ cấu hiệu quả.
Để nắm bắt được những cơ hội như vậy, các quốc gia APEC sẽ cần tập trung hơn nữa phát triển lĩnh vực dịch vụ, chủ động giải quyết vấn đề cơ cấu từ đó nâng cao sức cạnh tranh của thị trường. Quan trọng nhất, cần có tầm nhìn xa hơn về chuỗi giá trị để có thể tạo đòn bẩy cho cải cách ngành dịch vụ, gia tăng phản ứng linh hoạt trước những biến động thị trường, giảm thiểu áp lực chi phí logistics hiện đang là nỗi lo lớn đối với cộng đồng doanh nghiệp.
Đối thoại nhiều bên APEC về Cải cách cơ cấu trong lĩnh vực Logistics sẽ tiếp tục diễn ra trong ngày 19 - 20/4/2018 với nhiều nội dung khác nhau chia sẻ bởi các chuyên gia kinh tế. Các kết quả và khuyến nghị của Đối thoại sẽ được báo cáo lên Ủy ban Thương mại và Đầu tư APEC và là thông tin giá trị cho các cuộc thảo luận tiếp theo về cải cách cơ cấu và ngành logistics tại các nhóm công tác và diễn đàn APEC liên quan.
p.p1 {margin: 0.0px 0.0px 0.0px 0.0px; font: 12.0px 'Helvetica Neue'; color: #454545}