Thúc đẩy hợp tác APEC để đảm bảo thương mại đầu tư tự do, mở và phát triển bền vững

Tại Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế lần thứ 35 vừa diễn ra tại Pê-ru, đoàn Việt Nam đã chia sẻ với các thành viên APEC một số nội dung trọng tâm trong hợp tác APEC để đảm bảo thương mại đầu tư tự do, mở và phát triển bền vững trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), ngày 14/11/2024, tại Lima, Pê-ru đã diễn ra Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế lần thứ 35 (AMM 35).

Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết, Hội nghị do Ngoại trưởng Pê-ru Elmer Schialer và Bộ trưởng Ngoại thương - Du lịch Pê-ru Desilú León đồng chủ trì, với sự tham dự của các Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng Kinh tế và Trưởng đoàn của 21 nền kinh tế thành viên APEC.

Tham dự Hội nghị còn có lãnh đạo Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Hội đồng Hợp tác Kinh tế Thái Bình Dương (PECC), Diễn đàn các đảo Thái Bình Dương (PIF), Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC (ABAC), Phó Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Tổng giám đốc Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), đại diện Ngân hàng Thế giới, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và nhiều tổ chức quốc tế và khu vực.

hợp tác APEC

Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế APEC lần thứ 35. (Ảnh: Vụ Chính sách thương mại đa biên)

Tập trung đánh giá 3 ưu tiên hợp tác của Năm APEC 2024

Hội nghị tập trung đánh giá tình hình hợp tác APEC năm 2024, cụ thể là 3 ưu tiên hợp tác của năm nay, gồm: (i) sáng tạo và số hóa để thúc đẩy chuyển đổi sang nền kinh tế chính thức và kinh tế toàn cầu; (ii) tăng trưởng bền vững để phát triển tự cường; (iii) thương mại và đầu tư để tăng trưởng bao trùm và kết nối.

Các Bộ trưởng đã nghe báo cáo kết quả Hội nghị các Quan chức cao cấp APEC phiên tổng kết (CSOM), hoạt động và khuyến nghị của Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC (ABAC), nghe bà Phó Tổng giám đốc WTO Angela Ellard cập nhật tình hình thương mại toàn cầu và hệ thống thương mại đa phương...

Các Bộ trưởng tái khẳng định cam kết về một cộng đồng châu Á - Thái Bình Dương mở, năng động, tự cường và hòa bình vào năm 2040 (Tầm nhìn Putrajaya 2040), nhấn mạnh vai trò của WTO và những đóng góp của Tổ chức này cho tăng trưởng toàn diện, kết nối và bền vững tại khu vực cũng như trên bình diện toàn cầu.

Các Bộ trưởng cũng thảo luận về nhiều nội dung, đề xuất hợp tác quan trọng như ưu tiên, định hướng trong chương trình nghị sự về Khu vực thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP), trao đổi về chính sách/ thông lệ tốt để giảm thiểu thất thoát và lãng phí lương thực ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, các phương thức tối ưu hóa lợi ích của các nguồn năng lượng mới và sạch (ví dụ: hydrogen sạch và carbon thấp), giải pháp khắc phục những khó khăn mà phụ nữ và các nhóm dễ bị tổn thương khác phải đối mặt trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế chính thức và toàn cầu...

Các Bộ trưởng hoan nghênh Báo cáo Chính sách Kinh tế APEC năm 2024 với chủ đề “Cải cách cơ cấu và Tài chính bao trùm” và các hoạt động tại Ủy ban Kinh tế APEC nhằm thực thi Chương trình nghị sự Cải cách cơ cấu APEC giai đoạn 2021 - 2025.

Đề cao vai trò là diễn đàn hàng đầu khu vực của APEC, các Bộ trưởng coi đây là cơ chế quan trọng tại châu Á - Thái Bình Dương, là “vườn ươm ý tưởng” để thúc đẩy các nỗ lực đa phương, góp phần thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế, hướng tới phát triển bền vững, bao trùm và tự cường.

Trong bối cảnh thế giới liên tục biến động do sự phát triển công nghệ nhanh chóng, biến đổi khí hậu và các vấn đề địa chính trị phức tạp, các Bộ trưởng hoan nghênh nỗ lực của các thành viên APEC trong việc đề xuất các sáng kiến tăng cường hợp tác và giải quyết các thách thức trong khu vực, nhấn mạnh tầm quan trọng của tăng cường hợp tác APEC để đạt được Tầm nhìn Putrajaya 2040 thông qua việc thực thi Kế hoạch hành động Aotearoa và các mục tiêu Bangkok về Kinh tế Xanh - Sạch và Tuần hoàn.

đoàn Việt Nam
Đại diện đoàn Việt Nam chia sẻ tại Hội nghị. (Ảnh: Vụ Chính sách thương mại đa biên)

Thúc đẩy thương mại đầu tư tự do, mở và phát triển bền vững trong khu vực

Tại Hội nghị, đoàn Việt Nam đã chia sẻ với các thành viên APEC một số nội dung trọng tâm trong hợp tác APEC để đảm bảo thương mại đầu tư tự do, mở và phát triển bền vững trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Thứ nhất, liên quan đến hệ thống thương mại đa phương, Việt Nam đánh giá cao vai trò của WTO trong việc dẫn dắt, thúc đẩy quá trình tự do hóa thương mại một cách hiệu quả. Để WTO góp phần tích cực hơn nữa trong việc thúc đẩy tăng trưởng thương mại bền vững, Việt Nam đề nghị các thành viên WTO tập trung vào những nội dung thảo luận/ đàm phán đã có nhiều tiến bộ để thu hẹp khoảng cách giữa các thành viên, tiến tới đồng thuận, đặc biệt là trong giải quyết vấn đề về cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO. Cũng như nhiều thành viên có trách nhiệm khác, Việt Nam cam kết ủng hộ nỗ lực và các sáng kiến cải cách WTO để nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức này.

Thứ hai, liên quan đến FTAAP, Việt Nam ghi nhận những kết quả tích cực tại 3 Đối thoại về FTAAP do Pê-ru chủ trì tổ chức năm nay, hoan nghênh Báo cáo của Ban Nghiên cứu Chính sách APEC về “Cái nhìn mới về FTAAP: Rà soát tiến độ của APEC” và nghiên cứu về “Tính hội tụ và phân kỳ của các FTA trong khu vực APEC”. Việt Nam đề xuất APEC tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động chia sẻ thông tin, xây dựng và nâng cao năng lực đàm phán FTA giữa các thành viên và sẽ tích cực tham gia Sáng kiến Nhu cầu Xây dựng Năng lực (CBNI) giai đoạn 4 do Hàn Quốc chủ trì.

Thứ ba, Việt Nam nhấn mạnh phát triển năng lượng tái tạo và nguồn nhiên liệu từ năng lượng tái tạo như hydrogen xanh là một trong những định hướng lớn trong chiến lược phát triển năng lượng của Việt Nam đến năm 2050. Tháng 2 năm nay, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Hoan nghênh việc các Bộ trưởng Năng lượng APEC thông qua Hướng dẫn Chính sách APEC cho xây dựng và thực thi khuôn khổ chính sách hydrogen carbon thấp vào tháng 8 năm nay, Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác APEC, hợp tác với các nền kinh tế phát triển, các tổ chức quốc tế, xây dựng chính sách thu hút đầu tư để có thể nhanh chóng tiếp cận và nhận chuyển giao công nghệ mới và hiện đại về nghiên cứu, ứng dụng, sản xuất và sử dụng năng lượng sạch và năng lượng tái tạo.

Hoàng Phương