TÓM TẮT:
Bảo vệ người tiêu dùng là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng của tất cả các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các nước đang phát triển. Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ (công nghệ máy tính, internet, cách mạng công nghiệp 4.0…) cũng như quá trình quá trình hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, bùng nổ thương mại điện tử xuyên biên giới đặt ra các vấn đề về giải quyết tranh chấp tiêu dùng xuyên biên giới. Việt Nam đã tham gia và ký kết 16 hiệp định tự do thương mại thế hệ mới, trong đó có nội dung về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Trên cơ sở nghiên cứu thực trạng giải quyết tranh chấp tiêu dùng xuyên biên giới của Việt Nam và kết quả nghiên cứu kinh nghiệm của quốc tế về giải quyết tranh chấp tiêu dùng xuyên biên giới, bài nghiên cứu chỉ ra cơ sở pháp lý, định hướng và đề xuất giải pháp có tính khả thi về giải quyết tranh chấp tiêu dùng xuyên biên giới giữa Việt Nam với các nước ASEAN.
Từ khóa: người tiêu dùng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, giải quyết tranh chấp người tiêu dùng.
1. Đặt vấn đề
Bảo vệ người tiêu dùng là một trong những nhiệm vụ quan trọng của tất cả các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các nước đang phát triển. Xét về mặt kinh tế, tiêu dùng là một khâu trong quá trình tái sản xuất, là mục đích và điều kiện tiên quyết của sản xuất. Bảo vệ người tiêu dùng thực chất là bảo vệ sản xuất, bảo đảm cho sản xuất phát triển hiệu quả và đúng hướng. Xét về mặt xã hội, người tiêu dùng là tất cả chúng ta, là trung tâm của các mối quan hệ về sự phát triển bền vững, toàn diện, bảo đảm cho mọi người được sống hạnh phúc và lành mạnh.
Một trong những hoạt động quan trọng trong công tác bảo vệ người tiêu dùng là giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng với tổ chức, cá nhân kinh doanh, nhằm giúp người tiêu dùng bảo vệ tốt nhất quyền lợi khi phát hiện quyền lợi bị vi phạm. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ (công nghệ máy tính, internet, cách mạng công nghiệp 4.0…) và các mô hình kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ số “digital economy” đang làm đổi thay căn bản hoạt động kinh doanh - tiêu dùng của người tiêu dùng và các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên thị trường. Sự hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, bùng nổ thương mại điện tử xuyên biên giới quốc gia dẫn tới sự gia tăng và tính chất phức tạp của các tranh chấp tiêu dùng xuyên biên giới. Điều đó đặt ra các vấn đề về giải quyết tranh chấp tiêu dùng xuyên biên, trong đó có giải quyết tranh chấp tiêu dùng xuyên biên giới giữa Việt Nam và các nước ASEAN. Nội dung bài nghiên cứu sau đây sẽ phần nào chia sẻ nội dung liên quan đến giải quyết tranh chấp tiêu dùng xuyên biên giới giữa Việt Nam và các nước ASEAN.
2. Khái quát về giải quyết tranh chấp tiêu dùng và giải quyết tranh chấp tiêu dùng xuyên biên giới
2.1. Khái niệm và đặc điểm của giải quyết tranh chấp tiêu dùng
Khái niệm về giải quyết tranh chấp
Giải quyết tranh chấp là việc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét và ra quyết định xử lí các tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, trên cơ sở xem xét các tài liệu, chứng cứ có trong vụ việc tranh chấp nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức.
Khái niệm về giải quyết tranh chấp người tiêu dùng
Giải quyết tranh chấp người tiêu dùng được hiểu là việc các cá nhân, tổ chức có liên quan hoặc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét và ra quyết định xử lí các tranh chấp liên quan đến quá trình mua và xử dụng hàng hóa, dịch vụ giữa người tiêu dùng và cá nhân tổ chức kinh doanh.
Đặc điểm của giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh
- Tranh chấp phát sinh tại giai đoạn cuối của quá trình sản xuất - phân phối - tiêu dùng. Do vậy người tiêu dùng luôn là người phải đối mặt mọi rủi do phát sinh từ các quá trình trước đó;
- Là loại tranh chấp phải có một bên là người tiêu dùng tham gia;
- Đối tượng của tranh chấp là hàng hóa và dịch vụ mà người tiêu dùng mua và sử dụng hàng ngày, do vậy phần lớn những tranh chấp thường có giá trị không lớn, chứng cứ đơn giản, rõ ràng.
- Người tiêu dùng là bên yếu thế so với tổ chức cá nhân kinh doanh, yếu thế về mặt tài chính, về kiến thức, về vị thế so với tổ chức cá nhân kinh doanh.
Các phương thức giải quyết tranh chấp tiêu dùng
Theo quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 và năm 2023, giải quyết tranh chấp tiêu dùng có 5 loại sau: giải quyết tranh chấp bằng thương lượng, giải quyết tranh chấp bằng hòa giải, giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, giải quyết tranh chấp bằng tòa án, giải quyết tại cơ quan quản lý nhà nước.
2.2. Khái niệm và đặc điểm của giải quyết tranh chấp tiêu dùng xuyên biên giới
Khái niệm
Giải quyết tranh chấp người tiêu dùng xuyên biên giới được hiểu là việc các cá nhân, tổ chức có liên quan hoặc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét và ra quyết định xử lí, hoặc hỗ trợ để giải quyết các tranh chấp liên quan đến quá trình mua và xử dụng hàng hóa, dịch vụ giữa người tiêu dùng và cá nhân tổ chức kinh doanh, trong đó người tiêu dùng và tổ chức cá nhân kinh doanh là công dân của các quốc gia khác nhau.
Đặc điểm của giải quyết tranh chấp tiêu dùng xuyên biên giới
Thứ nhất: đối tượng tham gia vào tranh chấp là ở các quốc gia khác nhau, người mua và người bán ở các quốc gia khác khau.
Thứ hai: ngôn ngữ sử dụng của người mua và người bán có thể là ngôn ngữ khác ngữ khác nhau nhưng về cơ bản có thể hiểu được ngôn ngữ giao tiếp quốc tế là tiếng Anh.
Thứ ba: cần có sự hỗ trợ của cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của một hoặc hai bên.
Thứ tư: cần có sự hỗ trợ bởi các ứng dụng thương mại điện tử.
Kinh nghiệm quốc tế về giải quyết tranh chấp tiêu dùng xuyên biên giới
Thông qua nghiên cứu kinh nghiệm về giải quyết tranh chấp tiêu dùng xuyên biên giới của các nước trong khu vực và trên thế giới, trên cơ sở nghiên cứu và so sánh cho thấy mô hình giải quyết tranh chấp ODR từ Liên minh châu Âu có tính khả thi cao. Mô hình ODR cho phép các công dân trong Liên minh châu Âu cũng như các doanh nghiệp có thể giải quyết các tranh chấp tại thị trường nội địa, cũng như tại các quốc gia khác nhau trong liên minh. Yêu cầu cơ bản đối với mô hình ODR của châu Âu là:
(i). Xây dựng nền tảng công nghệ dễ tiếp cận cho các thiết bị khác nhau.
(ii). Mẫu đơn khiếu nại có thể hoàn thành trong 3 bước đơn giản (điền thông tin vụ việc, gửi vụ việc, theo dõi tiến trình vụ việc)
(iii). Xây dựng nền tảng công nghệ thuận tiện cho người khiếu nại hoàn thiện tất cả các thủ tục của quá trình khiếu nại qua mạng.
(iv). Nền tảng công nghệ đa ngôn ngữ, có phần mền hỗ trợ cho công dân các nước khác nhau có thể sử dụng ngôn ngữ của quốc gia mình để khiếu nại.
3. Thực trạng giải quyết tranh chấp tiêu dùng xuyên biên giới giữa Việt Nam và các nước ASEAN thời gian qua
3.1. Kết quả trong giải quyết tranh chấp tiêu dùng xuyên biên giới giữa Việt Nam và các nước ASEAN
- Hợp tác quốc tế về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là chủ trương nhất quán đã được Đảng và Nhà nước chỉ đạo ở nhiều văn bản, cụ thể là Chỉ thị số 30-CT/TW của Ban Bí Thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng; Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023, cũng như nội dung cụ thể tại các hiệp định tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã ký kết thời gian gần đây.
- Quy định về các phương thức giải quyết tranh chấp tiêu dùng ở Việt Nam đã được quy định khá chi tiết trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Về các phương thức giải quyết tranh chấp tiêu dùng của Việt Nam cũng tương đồng như các phương thức giải quyết tranh chấp tiêu dùng của các quốc gia trên thế giới như thương lượng, hòa giải, trọng tài, tòa án.
- Cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở Việt Nam bước đầu đã thụ lý và giải quyết các khiếu nại tiêu dùng xuyên biên giới của người tiêu dùng, cấp trung ương là Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia và địa phương là các tỉnh có đường biên giới chung với các nước bạn như Lào Cai, Quảng Ninh...
- Cơ quan Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Việt Nam tích cực tham gia vào các tổ chức quốc tế về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng như: Ủy ban Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ASEAN (ACCP),
Mạng lưới thực thi bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quốc tế (ICPEN), Tổ chức quốc tế người tiêu dùng (CI), và ký kết các văn bản hợp tác song phương về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng với Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc. Đó là những cơ sở ban đầu quan trọng trong việc xây dựng cơ chế giải quyết tranh chấp tiêu dùng xuyên biên giới.
3.2. Tồn tại và hạn chế trong giải quyết tranh chấp tiêu dùng xuyên biên giới giữa Việt Nam và các nước ASEAN
Tồn tại, hạn chế liên quan đến quy định pháp luật.
Khó khăn đầu tiên đối với việc giải quyết các tranh chấp tiêu dùng xuyên biên giới tại Việt Nam đến từ việc thiếu vắng khung khổ pháp luật đặc thù để giải quyết loại tranh chấp này. Giải quyết tranh chấp tiêu dùng xuyên biên giới có những đặc điểm khác biệt, có quy trình giải quyết phức tạp, thậm chí còn liên quan đến các yếu tố chính trị ngoại giao giữa Việt Nam với các quốc gia khác. Chẳng hạn trường hợp hai nước có những hiệp định tương trợ tư pháp, có thỏa thuận về việc giải quyết cá tranh chấp tư giữa thường nhân, công dân hai nước. Do vậy, việc giải quyết tranh chấp tiêu dùng xuyên biên giới xuyên biên giới được “đối xử” theo quy trình thông thường, giống như giải quyết tranh chấp tiêu dùng trong nước sẽ là không phù hợp, thậm chí còn lạc hậu khi số lượng các giao dịch TMĐT ngày càng tăng lên…
Thêm nữa, cũng chưa có khung khổ pháp luật cho phương thức giải quyết tranh chấp trực tuyến (ODR), một phương thức được coi là phù hợp nhất đối với tranh chấp xuyên biên giới phát sinh từ Giao dịch TMĐT xuyên quốc gia. Rất cần có quy định đặc thù về chủ thể, quyền và nghĩa vụ, quy trình thực hiện ODR và sự kiểm soát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền với cơ chế giải quyết này ở Việt Nam.
Tồn tại, hạn chế về năng lực thực thi của các cơ quan nhà nước và tổ chức xã hội tham gia bảo vệ người tiêu dùng.
Căn cứ quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, chức năng quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Trung ương được giao cho Bộ Công Thương và chức năng này được Bộ Công Thương giao cho Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia tại địa phương được giao cho Sở Công Thương (Phòng Quản lý Thương mại hoặc Chi cục QLTT) và Phòng Kinh tế (cấp huyện). Tuy nhiên, thực tế, ngay tại Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia cũng chỉ có khoảng 14 cán bộ trực tiếp làm công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Trong khi đó, tại cơ quan quản lý nhà nước địa phương còn thiếu nguồn lực hơn khi thường chỉ có một cán bộ làm công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nhưng đồng thời kiêm nhiệm thêm khoảng 3 đến 4 mảng công việc khác.
Tồn tại, hạn chế về việc triển khai việc thực thi các cơ chế giải quyết tranh chấp.
Tại chương IV Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định về giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, cụ thể là điều 30 Phương thức giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ bao gồm: Thương lượng; Hòa giải; Trọng tài; Tòa án. Trên thực tế, các phương thức giải quyết tranh chấp nêu trên mới áp dụng cho giải quyết tranh chấp tiêu dùng trong nước chưa có quy định chính thức cho giải quyết tranh chấp tiêu dùng xuyên biên giới.
Tồn tại, hạn chế về ngôn ngữ.
Căn cứ trên quy định của pháp luật hiện hành, các tranh chấp trên lãnh thổ Việt Nam tại tòa án phải là tiếng Việt, tuy nhiên, các vụ việc xuyên biên giới đều sử dụng nhiều ngôn ngữ khác nhau. Ngay cả trong trường hợp, các ngôn ngữ trên được hiểu, dịch và diễn giải ra tiếng Việt thì việc sử dụng những bản dịch không chính thức (free-translation) để phục vụ công tác tiếp nhận, hỗ trợ giải quyết khiếu nại vẫn chưa có những cơ sở pháp lý đầy đủ, dẫn tới những khó khăn trong quá trình giải quyết khiếu nại.
Tồn tại, hạn chế về việc thu thập chứng cứ (đặc biệt chứng cứ điện tử).
Điều 21, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định: “Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có trách nhiệm cung cấp cho người tiêu dùng hóa đơn hoặc chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch theo quy định của pháp luật hoặc theo yêu cầu của người tiêu dùng. Tuy nhiên do khác biệt về ngôn ngữ, khoảng cách địa lý, quy định pháp luật cho nên việc thu thập các chứng cứ cho giải quyết tranh chấp sẽ gặp những khó khăn nhất định”.
Trong Luật Giao dịch điện tử thì quy định về giá trị chứng cứ của thông điệp được giải thích tại khoản 1, 2 điều 14 như sau: “Thông điệp dữ liệu không bị phủ nhận giá trị dùng làm chứng cứ chỉ vì đó là một thông điệp dữ liệu.
Giá trị chứng cứ của thông điệp dữ liệu được xác định căn cứ vào độ tin cậy của cách thức khởi tạo, lưu trữ hoặc truyền gửi thông điệp dữ liệu; cách thức bảo đảm và duy trì tính toàn vẹn của thông điệp dữ liệu; cách thức xác định người khởi tạo và các yếu tố phù hợp khác”.
Dù vậy, thực tế cho thấy các giao dịch xuyên biên giới thường được thực hiện thông qua phương thức thương mại điện tử. Trong nhiều trường hợp, người tiêu dùng không lưu giữ được các chứng cứ, bằng chứng giao dịch. Vì vậy, các cơ quan, tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng gặp nhiều khó khăn trong việc đánh giá và xử lý vụ việc.
Khó khăn, tồn tại liên quan đến nhận thức của người tiêu dùng Việt Nam.
Người tiêu dùng vẫn còn tâm lý e ngại khi sử dụng các phương thức giải quyết tranh chấp bảo vệ quyền lợi của mình.
Khó khăn, tồn tại liên quan ứng dụng khoa học, công nghệ.
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và quá trình chuyển đổi số quốc gia diễn ra mạnh mẽ, yêu cầu các bộ, ngành địa phương cần số hóa các hoạt động chuyên môn, áp dụng các ứng dụng thông minh trong quá trình tương tác với người dân và doanh nghiệp.
4. Đề xuất giải pháp giải quyết tranh chấp tiêu dùng xuyên biên giới giữa Việt Nam với một số nước Asean
4.1. Cơ sở để đề xuất giải quyết tranh chấp tiêu dùng xuyên biên giới
Tại Điều 1, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 quy định về phạm vi điều chỉnh là: “Luật này quy định về nguyên tắc, chính sách bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; …; giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh”. Hơn nữa tại Khoản 2 điều 5 của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 quy định về đối tượng áp dụng của Luật là “5. Cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”.
Chỉ thị số 30-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và Nghị quyết số 82/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW đã nêu: “Coi trọng việc tham gia và thực hiện các thỏa thuận song phương, đa phương và các điều ước quốc tế về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Quan tâm hợp tác với các nước có kim ngạch thương mại, số lượng du khách qua lại, nguồn vốn đầu tư lớn hoặc có nhiều hoạt động giao lưu nhân dân với Việt Nam; xây dựng cơ chế giải quyết tranh chấp người tiêu dùng xuyên biên giới. Tăng cường hỗ trợ, hợp tác giải quyết các tranh chấp nhằm bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam; thúc đẩy sự tin tưởng của người tiêu dùng các nước đối với sản phẩm, dịch vụ, môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam”.
4.2. Định hướng đề xuất giải pháp giải quyết tranh chấp tiêu dùng xuyên biên giới giữa Việt Nam với một số nước ASEAN
Thứ nhất, các giải pháp giải quyết tranh chấp tiêu dùng xuyên biên giới giữa Việt Nam với một số nước ASEAN phải phù hợp với các thỏa thuận song phương, đa phương và các điều ước quốc tế về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mà Việt Nam đã tham gia.
Thứ hai, các giải pháp giải quyết tranh chấp tiêu dùng xuyên biên giới giữa Việt Nam với một số nước ASEAN phải phù hợp với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước đối với lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Thứ ba, các giải pháp giải quyết tranh chấp tiêu dùng xuyên biên giới giữa Việt Nam với một số nước ASEAN bên cạnh bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng phải góp phần thúc đẩy du lịch và quan hệ thương mại giữa Việt Nam và các nước ASEAN cũng như các đối tác thương mại lớn khác.
Thứ tư, các giải pháp giải quyết tranh chấp tiêu dùng xuyên biên giới giữa Việt Nam với một số nước ASEAN cần sử dụng tiến bộ khoa học công nghệ đặc biệt là tiến bộ trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và quá trình chuyển đổi số quốc gia.
Thứ tư, các giải pháp giải quyết tranh chấp tiêu dùng xuyên biên giới giữa Việt Nam với một số nước ASEAN cần phải có tính khả thi, đã được các tổ chức quốc tế lớn áp dụng, khuyến nghị triển khai.
5. Đề xuất giải pháp giải quyết tranh chấp tiêu dùng xuyên biên giới giữa Việt Nam với một số nước ASEAN
- Thúc đẩy nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, tiến hành đàm phán, xây dựng cơ chế hợp tác song phương với các quốc gia trong ASEAN trong giải quyết tranh chấp triêu dùng xuyên biên giới
Ký cam kết, điển hình là Biên bản ghi nhớ (Memorandum of Understanding - MOU) là một hình thức hợp tác điển hình và rất hiệu quả trong việc giải quyết khiếu nại xuyên biên giới. Trong phạm vi liên quan, MOU là cam kết giữa 2 cơ quan bảo vệ người tiêu dùng của 2 quốc gia, bao gồm các điều khoản hợp tác về giải quyết khiếu nại trong trường hợp phát sinh tranh chấp giữa người tiêu dùng nước A và doanh nghiệp nước B và ngược lại.
- Thúc đẩy nghiên cứu, đàm phán, thực hiện các cam kết về bảo vệ người tiêu dùng trong các Hiệp định thương mại tự do đa phương
Một số cơ chế đặc thù đang được áp dụng để giải quyết tranh chấp tiêu dùng xuyên biên giới ở Việt Nam cần được vận dụng hiệu quả, cũng như tiếp tục nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện cùng các quốc gia thành viên như:
+ Các Hiệp định thương mại tự do Hiệp định Thương mại tự do (Free Trade Agreement - FTA) là một Hiệp ước thương mại giữa hai hoặc nhiều quốc gia. Theo đó, các nước sẽ tiến hành theo lộ trình việc cắt giảm và xóa bỏ hàng rào thuế quan, cũng như phi thuế quan nhằm tiến tới việc thành lập một khu vực mậu dịch tự do. Tính đến cuối năm 2023, Việt Nam đã đàm phán và ký kết thành công nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) với các đối tác thương mại song phương và đa phương, trong đó đã ký kết và thực thi 16 FTA, đang trong quá trình đàm phán và khởi động đàm phán là 3 FTA, là quốc gia duy nhất ký kết Hiệp định thương mại tự do với tất cả các đối tác kinh tế lớn trên toàn cầu như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU, Anh, Nga,…
- Thúc đẩy nghiên cứu áp dụng app giải quyết tranh chấp xuyên biên giới theo mô hình ODR của các nước châu Âu có thể áp dụng trong khu vực ASEAN, app đó cần đáp ứng tiêu chí sau:
(i). Xây dựng nền tảng công nghệ dễ tiếp cận cho các thiết bị khác nhau.
(ii). Mẫu đơn khiếu nại có thể hoàn thành trong 3 bước đơn giản ((điền thông tin vụ việc, gửi vụ việc, theo dõi tiến trình vụ việc).
(iii). Xây dựng nền tảng công nghệ thuận tiện cho người khiếu nại hoàn thiện tất cả các thủ tục của quá trình khiếu nại qua mạng.
(iv). Nền tảng công nghệ đa ngôn ngữ, có phần mền hỗ trợ cho công dân các nước khác nhau có thể sử dụng ngôn ngữ của quốc gia mình để khiếu nại.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Bộ Công Thương (2018). Báo cáo tổng kết công tác BVQLNTD giai đoạn 2011-2018.
2. Nghị viện châu Âu và Hội đồng châu Âu (1999). Chỉ thị số 1999/44/EC ngày 25/5/1999.
3. Ban Bí thư Trung ương Đảng (2019). Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 22 tháng 01 năm 2019 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
4. Quốc hội (2010). Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam 2010.
5. Quốc hội (2023). Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam 2023.
6. Website của Cơ quan Người tiêu dùng Hàn Quốc (KCA), http://www.consumer.or.kr.
7. Website của Trung tâm Quốc gia về các vấn đề người tiêu dùng Nhật Bản (NCAC), http://www.kokusen.go.jp.
Solution to slove cross-border consumer disputes between Vietnam and ASEAN countries
Ph.D Doan Quang Dong1
MSc. Nguyen Quynh Anh1
MA. Tran Minh Ngan1
1Vietnam Competition Commission
ABSTRACT
Consumer protection is a common responsibility of the whole society. This is one of the vital tasks for all countries around the world, especially for the developing countries. The robust development of science and technology (computer technology, the Internet of Things, the Fourth Industrial Revolution, etc.), along with the process of profound international economic integration and the emergence of e-commerce, has raised issues on resolving cross-border consumer disputes. Vietnam has signed 16 new-generation free trade agreements (FTAs), and these FTAs have content on protecting consumers’ rights. This study explored the current situation of resolving cross-border consumer disputes in Vietnam and presented international experience in this matter. The study highlighted the legal basis and direction and proposed feasible solutions for resolving cross-border consumer disputes between Vietnam and ASEAN countries.
Keywords: consumers, protection of consumer’s rights, the Law on Protection of Consumers’ rights, consumer disputes resolution.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 17 tháng 7 năm 2024]