Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Hoàng, Trưởng khoa Đào tạo Quốc tế, Trường Đại học Thương mại cho biết, Hội thảo được chia theo 2 chủ đề chính là “Khởi nghiệp kinh doanh trong bối cảnh mới” và “Đổi mới trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và các chủ thể kinh doanh” trong bối cảnh có rất nhiều sự thay đổi của các yếu tố môi trường kinh doanh.
Các tham luận sẽ được các nhà khoa học/chuyên gia, nhà quản trị doanh nghiệp đến từ nhiều trường đại học, cao đẳng và doanh nghiệp trên phạm vi cả nước trình bày, đưa ra những giải pháp để thúc đẩy khởi nghiệp bền vững. Thông qua Hội thảo này, nhiều sinh viên, doanh nghiệp cũng đúc rút cho mình được những kinh nghiệm, bài học trong quá trình khởi nghiệp và đổi mới kinh doanh.
“Khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong kinh doanh là một trong những thước đo thành công của doanh nghiệp, của nền kinh tế năng động và tạo nền tảng phát triển bền vững, bằng những cách riêng của mình, các doanh nghiệp, các nhà khoa học, chuyên gia đang hướng tới xây dựng những chính sách đổi mới, quản trị doanh nghiệp trong kinh doanh”, PGS.TS Nguyễn Hoàng nhận định.
Chia sẻ tại Hội thảo, TS. Lương Minh Huân, Viện Phát triển doanh nghiệp Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, trong năm 2017, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) đang phát triển mạnh mẽ. Theo thống kê của Tạp chí Echelon, Singapore, một trong những tạp chí online lớn nhất về khởi nghiệp ở Đông Nam Á, Việt Nam hiện có khoảng 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST, tăng gần gấp đôi so với số liệu ước tính cuối năm 2015 là 1.800 doanh nghiệp.
Một số doanh nghiệp có những bước phát triển mạnh mẽ và ghi dấu ấn trong nhiều lĩnh vực. Điển hình là, lĩnh vực nông nghiệp, trang trại thông minh Delco ứng dụng IoT để tự động hóa hoàn toàn công việc quản lý, theo dõi, vận hành toàn bộ quá trình trồng trọt và chăn nuôi.
Ngoài ra, số lượng và chất lượng của các doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST cũng ngày càng tăng cao, thể hiện ở số lượng các thương vụ đầu tư, số lượng vườn ươm, khu làm việc chung phát triển mạnh mẽ trong năm 2017.
Theo thống kê của tổ chức Topica Founder Institute, năm 2017, Việt Nam tiếp nhận 92 thương vụ đầu tư cho khởi nghiệp ĐMST với tổng số vốn hơn 291 triệu USD, tăng gấp đôi về mặt số lượng thương vụ và gần 50% về mặt tổng số vốn đầu tư so với năm 2016 (50 thương vụ với 205 triệu USD).
Nhấn mạnh tại Hội thảo này, TS. Lương Minh Huân cho rằng khởi nghiệp sáng tạo là con đường rất dài, đầy khó khăn của những người có đam mê, khát vọng cháy bỏng và sự dấn thân để làm nên thành công, những điều phi thường, có ích cho bản thân và xã hội đến thực tiễn khởi nghiệp và đổi mới trong kinh doanh, đã thể hiện các cách tiếp cận đa chiều, phong phú về các vấn đề liên quan đến chủ đề Hội thảo.
Khởi nghiệp sáng tạo gắn liền với những ý tưởng kinh doanh mới, dựa trên nền tảng trí tuệ, công nghệ với mục tiêu tạo giá trị kinh tế lớn, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, mạo hiểm, TS. Huân nhận định.
Chia sẻ về phương thức đào tạo khởi nghiệp tại các trường đại học, PGS.TS Bùi Hữu Đức đã nêu ra ba yếu tố tạo động lực cho sinh viên khởi nghiệp: Khoa học công nghệ, nguồn nhân lực và chính sách. Trong đó, các trường đại học có trách nhiệm với xã hội ở hai yếu tố trước. Chức năng cốt lõi của đại học là mang đến tri thức mới, các kết quả nghiên cứu và đào tạo con người. Nhân tố lõi của quốc gia khởi nghiệp là các trường đại học.
Theo PGS.TS Bùi Hữu Đức, vai trò cốt lõi của đại học là tạo ra hạt giống và ươm tạo các ý tưởng khởi nghiệp. Nhà trường có điều kiện tạo môi trường thuận lợi để sinh viên tham gia các hoạt động đổi mới, sáng tạo và nghiên cứu khoa học, tổ chức các cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp, tạo sự kết nối giữa các nhóm nhằm hình thành các dự án khởi nghiệp.
Trường đại học cần có vườn ươm trong giai đoạn đầu, giống như Singapore có Block 71, để tạo cơ hội cho các nhóm khởi nghiệp hiện thực hóa ý tưởng của mình. Không gian thư viện, phòng thí nghiệm có thể trở thành không gian ươm tạo, đó chính là nơi khởi đầu cho những dự án khởi nghiệp mang tính sơ khai, thử nghiệm, nghiên cứu ban đầu, PGS.TS Bùi Hữu Đức cho biết.