Đất nước Kazakhstan

            Trước khi độc lập Kazakhstan được biết đến với tên gọi nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xô viết Kazakh, một nước nằm trong Liên Xô cũ. Ngày nay, Kazakhstan là một thành viên của Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG). Cộng hòa Kazakhstan có diện tích 2.717.300 km2, rộng lớn hơn cả Tây Âu và đứng hàng thứ 9 thế giới. Tuy vậy, với dân số chỉ hơn 15 triệu người nên Kazakhstan là một trong những quốc gia có mật độ dân cư thưa thớt nhất trên thế giới.

            Kazakhstan là một nước cộng hòa lập hiến. Tổng thống là người đứng đầu quốc gia, đồng thời là tổng chỉ huy lực lượng vũ trang. Thủ tướng là người đứng đầu Chính phủ.

            Kazakhstan chia sẽ đường biên giới với các nước Nga (6648 km), Uzbekistan (2203 km), Trung Quốc (1533 km), Kyrgyzstan (1051 km), Turkmenistan (379 km). Các thành phố chính gồm Astana (thủ đô từ năm 1997), Almaty (thủ đô cũ), Karaganda, Shymkent, Semey và Turkestan. Thủ đô Astana đa dạng và hiện đại, là sự giao thoa của các nền văn hóa phương Đông và phương Tây.

            Kazakhstan là một nước có nền kinh tế công, nông nghiệp khá phát triển, trong đó nền nông nghiệp chủ yếu dựa vào chăn nuôi, trồng trọt; nền công nghiệp chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên và chế tạo máy. Thiên nhiên ưu đãi cho Kazakhstan nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú: trữ lượng dầu mỏ đứng hàng thứ 8 trên thế giới, riêng vùng biển Caspi của nước này có trữ lượng 8 tỷ tấn dầu. Kazakhstan còn đứng thứ ba thế giới về trữ lượng crôm, thứ 2 về uranium, thứ 4 về quặng thiếc, thứ 8 về trữ lượng vàng và than. Chính phủ Kazakhstan thực thi chính sách khá thông thoáng nhằm thu hút nguồn vốn đầu tư và công nghệ nước ngoài để khai thác nguồn tài nguyên quý giá này. Nhiều tập đoàn dầu khí lớn của Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc… đang đẩy mạnh đầu tư vào Kazakhstan. Chính phủ Kazakhstan đang nỗ lực đẩy mạnh công cuộc thăm dò, khai thác những mỏ dầu khí mới, nâng cao năng lực lọc hóa dầu, xây dựng hệ thống đường ống dẫn dầu và khí đốt phục vụ xuất khẩu. Ngoài dầu khí, Kazakhstan còn có thế mạnh và đang phát triển các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, chế tạo máy, dịch vụ… để không quá phụ thuộc vào dầu mỏ.

            Thu nhập theo đầu người của Kazakhstan năm 2008 được thống kê ở mức 11.500 USD/người. Trong cơ cấu các ngành kinh tế, nông nghiệp hiện chỉ chiếm 5,3%, công nghiệp chiếm 40,9 và dịch vụ chiếm 53,8%.

            Thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt Nam - Kazakhstan

            Việt Nam và Kazakhstan thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 29/6/1992. Kể từ đó đến nay, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước phát triển tốt đẹp, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế. Hai nước đã thành lập Uỷ ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế - thương mại và khoa học - kỹ thuật.

            Năm 2010, Việt Nam là Chủ tịch luân phiên của ASEAN và Kazakhstan là Chủ tịch luân phiên của Tổ chức hợp tác và an ninh châu Âu (OSCE), là những điều kiện thuận lợi để hai bên tăng cường hợp tác, hỗ trợ nhau mở rộng và phát triển quan hệ với các nước khác ở khu vực.

            Hai nước đã có nhiều chuyến trao đổi các đoàn lãnh đạo cấp cao sang thăm và hợp tác giữa hai nước. Mới đây, trong chuyến thăm chính thức Cộng hòa Kazakhstan ngày 14-16/9/2009 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, lãnh đạo cấp cao hai nước đã có nhiều cuộc tiếp xúc nâng quan hệ hai nước nên những bước phát triển mới. Những thỏa thuận trong chuyến thăm Kazakhstan lần này của Thủ tướng sẽ mở ra mốc mới trong quan hệ hợp tác giữa hai nước, nhất là trên lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư.

            Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Karim Masimov của Kazakhstan đã thống nhất các biện pháp thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư; nhấn mạnh cần tiếp tục bổ sung và hoàn thiện cơ sở pháp lý của hợp tác song phương, cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước vào đầu tư và kinh doanh trên lãnh thổ của nhau.

            Đặc biệt, hai bên nhất trí ưu tiên thiết lập và tăng cường quan hệ hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực dầu khí, coi đây là hướng hợp tác chiến lược lâu dài. Trước mắt, lãnh đạo hai nước ủng hộ việc thiết lập quan hệ hợp tác trực tiếp giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Công ty Quốc gia "KazMunaiGaz" của Kazakhstan trong việc tìm kiếm, thăm dò và khai thác, vận chuyển, chế biến dầu và khí đốt ở Kazakhstan, Việt Nam và các nước thứ ba. Nhân dịp này, hai tập đoàn dầu khí hàng đầu của Việt Nam và Kazakhstan đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược, mở ra một giai đoạn mới hợp tác trong lĩnh vực quan trọng này.

            Qua chuyến thăm này, hai bên đã đạt được một bước tiến trong quan hệ hợp tác nhiều mặt, thể hiện bằng một số hiệp định và biên bản ghi nhớ được ký kết, trong đó có Hiệp định về khuyến khích và bảo hộ đầu tư giữa hai nước; Hiệp định giữa hai Chính phủ về công dân Việt Nam làm việc tại Kazakhstan và công dân Kazakhstan làm việc tại Việt Nam; Biên bản ghi nhớ giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Năng lượng và Tài nguyên Kazakhstan hợp tác năng lượng và dầu khí… Lãnh thổ Kazakhstan rộng lớn, dân số ít, tiềm năng khoáng sản rất lớn, nhất là ngành khai thác, lọc hóa dầu, đất đai màu mỡ, phù hợp phát triển chăn nuôi và trồng trọt, do đó phía bạn có ý định tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc tại Kazakhstan. Ngoài ra, hai bên cũng sẽ tiếp tục xúc tiến hợp tác trên lĩnh vực khoa học kỹ thuật, du lịch, giáo dục - đào tạo…

            Đẩy mạnh thương mại hàng hóa Việt Nam tại Kazakhstan

            Để đẩy mạnh hơn nữa quan hệ thương mại song phương, tháp tùng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lần này có khoảng 80 doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam sang tìm hiểu thị trường, tìm kiếm cơ hội hợp tác làm ăn với các đối tác Kazakhstan.

            Những năm gần đây, kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước tăng nhanh, năm 2007 đạt 68,8 triệu USD, năm 2008 đạt 96 triệu USD. Tuy nhiên, con số này vẫn còn khiêm tốn. Việt Nam có thể xuất khẩu nhiều sản phẩm sang thị trường Kazakhstan như gạo, chè, cà phê, hạt tiêu, lạc, hải sản, đồ gỗ, giầy dép, hàng may mặc…

            Một số bà con trong cộng đồng Việt Nam sinh sống tại Astana cho biết, nhiều loại hàng hóa do Việt Nam sản xuất có mặt trên thị trường Kazakhstan nhưng phải mang thương hiệu của nước thứ ba. Hơn nữa, người dân Kazakhstan chưa biết nhiều thông tin về Việt Nam, chưa biết Việt Nam có những sản phẩm đặc trưng nào. Trong buổi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp và nói chuyện thân mật với cộng đồng người Việt Nam sinh sống tại Kazakhstan sáng 15/9/2009, một số bà con đề xuất thành lập "Ngôi nhà Việt" như cộng đồng Việt Nam đã làm thành công ở Đức, vừa giới thiệu ẩm thực, vừa trưng bày hàng hóa Việt Nam để quảng bá hình ảnh đất nước và thương hiệu sản phẩm trong nước, là biện pháp thiết thực để thúc đẩy thương mại hai chiều. Tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam và Kazakhstan được tổ chức chiều 15/9/2009 với sự hiện diện của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Karim Masimov, đông đảo doanh nghiệp Kazakhstan đã tham dự, tìm hiểu cơ hội làm ăn với các đối tác Việt Nam.

            Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã giới thiệu với phía Kazakhstan tình hình, triển vọng kinh tế của Việt Nam, đồng thời hoàn nghênh các doanh nghiệp Kazakhstan đầu tư vào Việt Nam. Diễn đàn này là cơ hội tốt, giúp các doanh nghiệp Việt Nam hiểu rõ hơn tình hình, nhu cầu, cách thức làm ăn và cách tiếp cận thị trường Trung Á quan trọng này. Với sự quan tâm, ủng hộ nhiệt thành của hai Chính phủ, sự hợp tác làm ăn của doanh nghiệp hai nước góp phần quan trọng, là yếu tố cơ bản để thúc đẩy mối quan hệ giữa Kazakhstan và Việt Nam. Thời gian tới, Chính phủ hai nước tiếp tục đàm phán, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tiến tới ký Hiệp định tránh đánh thuế hai lần, tạo điều kiện cho trao đổi hàng hóa, thương mại hai bên cùng phát triển.

 

 

  • Tags: