Ngày 03/10, tại trụ sở Bộ Công Thương, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân đã tiếp và làm việc với đại diện Phái đoàn Liên minh châu Âu và Đại sứ quán Anh tại Việt Nam về triển khai Tuyên bố chính trị về việc thiết lập Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) và sự phối hợp giữa Ban Thư ký JETP và Nhóm Đối tác Năng lượng Việt Nam (VEPG).
Cùng tham dự buổi làm việc, về phía Bộ Công Thương có đại diện các Vụ, Cục: Điện lực và Năng lượng tái tạo, Điều tiết điện lực, Kỹ thuật và An toàn môi trường công nghiệp, Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Dầu khí và Than, Khoa học và Công nghệ.
Về phía Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) và Đại sứ quán Anh tại Việt Nam, tham dự buổi làm việc có ông Julien Guerrier - Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, ông Chris Taylor - Đặc phái viên về JETP của Vương quốc Anh; ông Lain Frew - Đại sứ Anh; ông Tibor Stelbaczky- Đặc phái viên JETP của Phái đoàn EU cùng các cán bộ, chuyên gia thuộc Phái đoàn EU và Đại sứ quán Anh.
Hỗ trợ Việt Nam thực hiện mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050
Tại buổi làm việc, Bộ Công Thương đã thông báo với các đối tác về tình hình triển khai Tuyên bố JEPT nói chung và tình hình triển khai các nhiệm vụ của Nhóm Công nghệ và Năng lượng do Bộ Công Thương chủ trì.
Ngày 14/12/2022, Việt Nam đã cùng Nhóm các Đối tác Quốc tế đưa ra Tuyên bố chính trị về việc thiết lập Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP). Thỏa thuận JETP nhằm hỗ trợ Việt Nam hiện thực mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, đẩy nhanh quá trình đạt đỉnh phát thải khí nhà kính và chuyển dịch từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng sạch.
Trước mắt, JETP sẽ huy động 15,5 tỷ USD nguồn tài chính từ khối tư nhân và chính phủ trong 3 - 5 năm tới để hỗ trợ quá trình chuyển dịch xanh của Việt Nam nhằm đạt các mục tiêu mới là đẩy nhanh thời gian đạt đỉnh phát thải khí nhà kính dự kiến từ năm 2035 lên 2030; giảm phát thải của ngành điện từ 240 triệu tấn xuống 170 triệu tấn vào năm 2030; giới hạn công suất điện than của Việt Nam ở mức 30.2GW từ mức dự kiến là 37GW; đẩy nhanh triển khai năng lượng tái tạo để nguồn năng lượng này chiếm ít nhất 47% tổng sản lượng điện vào năm 2030, tăng từ mức dự kiến 39% hiện tại.
Để triển khai cam kết này, ngày 14/7/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 845/QĐ-TTg về việc thành lập Ban Thư ký thực hiện Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) và Quyết định số 1009/QĐ-TTg ngày 31/8/2023 phê duyệt Đề án triển khai Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng.
Theo đó, thành lập các Nhóm công tác để triển khai thực hiện Tuyên bố JETP.
Nhóm Công nghệ và Năng lượng do Bộ trưởng Bộ Công Thương thành lập, chịu trách nhiệm rà soát, đề xuất hoàn thiện các chính sách, quy định thúc đẩy thực hiện chuyển đổi năng lượng công bằng; xác định nhu cầu, thúc đẩy và điều phối các hoạt động kỹ thuật, chuyển giao công nghệ trong triển khai thực hiện Tuyên bố JETP theo hướng dẫn của Việt Nam và Nhóm các đối tác quốc tế thực hiện chuyển đổi năng lượng công bằng.
Nhóm Tổng hợp do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường thành lập, chịu trách nhiệm tổng hợp các hoạt động, báo cáo kết quả của các nhóm công tác; chủ trì xây dựng báo cáo đánh giá hai năm một lần việc thực hiện các mục tiêu nêu trong Tuyên bố JETP để báo cáo Ban chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 và Nhóm các đối tác quốc tế; chủ trì tổ chức diễn đàn trao đổi, thảo luận giữa các bộ, ngành với Nhóm các đối tác quốc tế, Liên minh tài chính Glasgow vì mục tiêu phát thải ròng bằng “0” và các bên liên quan.
Nhóm Thể chế, Chính sách và Đầu tư do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thành lập, chịu trách nhiệm về hoàn thiện thể chế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cải cách thủ tục hành chính để tạo điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp tham gia thực hiện chuyển đổi năng lượng công bằng; lồng ghép nội dung chuyển đổi năng lượng công bằng vào các chương trình, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch dài hạn và trung hạn của đất nước. Huy động và sử dụng hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ từ các đối tác cho mục đích chuyển đổi năng lượng công bằng của Việt Nam.
Nhóm Tài chính do Bộ trưởng Bộ Tài chính thành lập, chịu trách nhiệm tổ chức đàm phán huy động hỗ trợ tài chính từ Nhóm các đối tác quốc tế, Liên minh tài chính Glasgow vì mục tiêu phát thải ròng bằng “0” và các bên liên quan, bao gồm các định chế tài chính song phương và đa phương, lĩnh vực tư nhân và các bên khác trong triển khai thực hiện Tuyên bố JETP.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, ngày 02/10/2023, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định thành lập Nhóm Công nghệ và Năng lượng hỗ trợ triển khai thực hiện Tuyên bố JETP. Nhiệm vụ của Nhóm Công nghệ và Năng lượng là rà soát, đề xuất hoàn thiện các chính sách, quy định thúc đẩy thực hiện chuyển đổi năng lượng công bằng; Xác định nhu cầu, thúc đẩy và điều phối các hoạt động kỹ thuật, chuyển giao công nghệ trong triển khai thực hiện Tuyên bố JETP theo hướng dẫn của Việt Nam và Nhóm các đối tác quốc tế thực hiện chuyển đổi năng lượng công bằng.
"Bộ Công Thương đánh giá cao sự quan tâm và các đề xuất hỗ trợ của các đối tác, tổ chức quốc tế nhằm giúp Bộ Công Thương triển khai hiệu quả Nhóm Công nghệ và Năng lượng nói riêng và thực hiện quá trình chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam nói chung. Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ khẩn trương xây dựng kế hoạch, chương trình cụ thể triển khai Nhóm Công nghệ và Năng lượng trong đó xác định cụ thể các nội dung cần ưu tiên hỗ trợ và danh mục các dự án ưu tiên triển khai", Thứ trưởng cho biết.
Ông Chris Taylor - Đặc phái viên về JETP của Vương quốc Anh cho rằng, việc thành lập Ban Thư ký JETP và cùng nhau xây dựng Dự thảo kế hoạch triển khai JETP cùng với sự tham gia của các Bộ liên quan, trong đó Bộ Công Thương đóng vai trò then chốt trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng. Việc chia sẻ kế hoạch triển khai JETP và sự hỗ trợ từ phía các đối tác sẽ thúc đẩy chương trình thực hiện hiệu quả.
Đề xuất, khuyến nghị nhiều chính sách trong lĩnh vực năng lượng
Đối với hoạt động của Nhóm Đối tác Năng lượng Việt Nam (VEPG) thành lập năm 2017 do Bộ Công Thương chủ trì, trong đó có sự tham gia của Liên minh Châu Âu và Ngân hàng Thế giới với vai trò đồng chủ trì, thời gian qua đã có nhiều đóng góp trong việc xây dựng và triển khai các chính sách năng lượng quốc gia cũng như các hoạt động chung với quốc tế thông qua đối thoại chính sách và những hoạt động khác của VEPG.
Trong phối hợp giữa VEPG và Ban Thư ký JETP hỗ trợ triển khai Nhóm Công nghệ và Năng lượng, VEPG đã thực hiện 40 khuyến nghị chính sách trong lĩnh vực năng lượng. Bên cạnh đó, thông qua cơ chế đối thoại cấp cao trong khuôn khổ VEPG, quan hệ hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và các Đối tác phát triển trở nên bền chặt hơn. Điều này có ý nghĩa to lớn, không chỉ đối với ngành năng lượng nói riêng, mà còn đối với sự phát triển kinh tế -xã hội của Việt Nam nói chung.
Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, Bộ Công Thương đánh giá cao hoạt động hiệu quả của Ban chỉ đạo, chủ trì và đồng chủ trì các Nhóm Công tác Kỹ thuật, cũng như Ban Thư ký VEPG trong những năm qua, đã thúc đẩy hoàn thành nhiều khuyến nghị chính sách cho ngành năng lượng Việt Nam.
Nhóm Đối tác Năng lượng Việt Nam (VEPG) và các Nhóm công tác kỹ thuật là một cơ chế phối hợp hiệu quả và là một diễn đàn đối thoại có ý nghĩa, giữa Chính phủ Việt Nam và các đối tác phát triển, cũng như các bên liên quan khác trong ngành.
Trong thời gian qua, VEPG đã hoàn thành tương đối tốt nhiệm vụ và mục tiêu đặt ra trong giai đoạn vận hành đầu tiên. VEPG chính là diễn đàn quan trọng giúp tăng cường hiệu quả cơ chế hợp tác đa phương giữa Chính phủ Việt Nam và các tổ chức phát triển trong và ngoài nước cùng với các bên liên quan khác đang hoạt động trong lĩnh vực năng lượng để thực hiện các mục tiêu về chuyển dịch năng lượng bền vững phù hợp với định hướng và điều kiện phát triển của Việt Nam.
Song hành với những hỗ trợ tài chính rất đáng kể và có ý nghĩa của các Đối tác quốc tế, Việt Nam xác định tầm quan trọng và tính cấp thiết của việc nghiên cứu cũng như hợp tác phát triển khoa học công nghệ - kỹ thuật và nâng cao nhận thức cộng đồng để cải cách ngành năng lượng theo cả chiều rộng và chiều sâu.
Trong giai đoạn tiếp theo (2021-2027), VEPG sẽ tập trung vào thúc đẩy chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam với định hướng kết nối và đa dạng các nguồn năng lượng phù hợp với các mục tiêu biến đổi khí hậu cũng như các cam kết quốc gia tự quyết định của Việt Nam thông qua các hoạt động được triển khai 05 Nhóm công tác kĩ thuật bao gồm: Quy hoạch Chiến lược ngành Điện; Năng lượng tái tạo; Tích hợp lưới điện và hạ tầng lưới điện; Hiệu quả năng lượng; Thị trường năng lượng.
"Tôi đánh giá cao việc đề xuất phối hợp hợp tác giữa khuôn khổ VEPG và Ban Thư ký JETP để tiếp tục thực hiện các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật giúp Bộ Công Thương nói riêng và Việt Nam đạt được mục tiêu chuyển dịch năng lượng bền vững hướng tới giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050", Thứ trưởng nhấn mạnh.
Tại buổi làm việc, Bộ Công Thương cũng đã thông tin về Kế hoạch chuyển dịch năng lượng theo Quy hoạch điện VIII đối với các mục tiêu liên quan đến JETP với các nội dung chính gồm: Phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện, đạt tỷ lệ khoảng 30,9 - 39,2% vào năm 2030, hướng tới mục tiêu tỷ lệ năng lượng tái tạo 47% với điều kiện các cam kết theo Tuyên bố chính trị thiết lập Quan hệ JETP với Việt Nam được các đối tác quốc tế thực hiện đầy đủ, thực chất. Định hướng đến năm 2050 tỷ lệ năng lượng tái tạo lên đến 67,5 - 71,5%;
Kiểm soát mức phát thải khí nhà kính từ sản xuất điện đạt khoảng 204 - 254 triệu tấn năm 2030 và còn khoảng 27 - 31 triệu tấn vào năm 2050. Hướng tới đạt mức phát thải đỉnh không quá 170 triệu tấn vào năm 2030 với điều kiện các cam kết theo JETP được các đối tác quốc tế thực hiện đầy đủ, thực chất. Đồng thời, xây dựng hệ thống lưới điện thông minh, đủ khả năng tích hợp, vận hành an toàn hiệu quả nguồn năng lượng tái tạo quy mô lớn…
Nhận định chuyển đổi năng lượng là một quá trình phức tạp với tất cả các quốc gia, ông Tibor Stelbaczky, Đặc phái viên JETP của Phái đoàn EU tại Việt Nam đánh giá cao mục tiêu Quy hoạch điện VIII đưa ra cũng như khối lượng công việc khổng lồ mà JETP phải triển khai cũng như mục tiêu trung hòa carbon và các mục tiêu khác của Việt Nam về môi trường, phát triển bền vững…