Ngày 19/4/2023, Nghị viện châu Âu đã chính thức thông qua đạo luật về cấm đưa vào lưu thông và xuất khẩu các sản phẩm liên quan đến phá rừng và suy thoái rừng (Regulation on deforestation-free products) - Quy định (EU) số 2023/1115, thay thế Quy định (EU) số 995/2000 (gọi tắt là Luật chống phá rừng của châu Âu (EUDR)). Các quy định của luật này bắt đầu có hiệu lực từ ngày 29/6/2023, là một bước quan trọng trong nỗ lực thực hiện Kế hoạch Xanh của EU về giảm khí thải, chống biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.
07 nhóm mặt hàng áp dụng ban đầu
Quy định áp dụng với 07 nhóm hàng hóa chính gồm: gia súc, ca cao, cà phê, dầu cọ, cao su, đậu nành và gỗ; trong đó, bao gồm cả sản phẩm phái sinh từ các nhóm hàng hóa này như thịt bò và thịt chế biến, da thuộc; sản phẩm từ ca cao như sôcôla, bột ca cao; sản phẩm làm từ dầu cọ, cao su, đậu nành; sản phẩm làm từ gỗ như đồ nội thất, giấy và sản phẩm giấy in….
Các mặt hàng trong phạm vi điều chỉnh cũng sẽ được xem xét và cập nhật thường xuyên.
Quy định mới nhằm mục tiêu tránh để các sản phẩm mà người tiêu dùng châu Âu mua, sử dụng và tiêu thụ góp phần gây phá rừng và suy thoái rừng ở EU và toàn cầu; giảm lượng khí thải carbon do tiêu thụ và sản xuất các mặt hàng có liên quan của EU ít nhất 32 triệu tấn mỗi năm; giải quyết nạn phá rừng do mở rộng nông nghiệp để sản xuất hàng hóa, cũng như suy thoái rừng.
Quy định mới đặt ra các quy tắc thẩm định bắt buộc đối với các doanh nghiệp muốn đưa các sản phẩm trên vào thị trường EU hoặc xuất khẩu chúng.
Theo đó, các nhà khai thác và thương nhân sẽ phải tuyên bố thẩm định, chứng minh rằng các sản phẩm không liên quan đến phá rừng (được sản xuất trên vùng đất không phá rừng sau ngày 31/12/2020) và hợp pháp (tuân thủ các luật hiện hành có liên quan tại quốc gia sản xuất và quyền của người dân bản địa được tôn trọng).
Các thông tin liên quan đến giải trình như: tên doanh nghiệp, địa chỉ, các nhà cung cấp, vị trí địa lý các lô thửa đất sản xuất nông nghiệp, mã HS các mặt hàng và sản phẩm, tên khoa học nơi các hàng hóa mà chúng đã được trồng để các mặt hàng này có thể được kiểm tra tuân thủ...
Dữ liệu này sau đó có thể được kiểm tra bởi các cơ quan có thẩm quyền ở các quốc gia thành viên EU. Các cơ quan có thẩm quyền của EU sẽ có quyền truy cập vào thông tin liên quan do các công ty cung cấp như tọa độ định vị địa lý. Họ sẽ tiến hành kiểm tra bằng các công cụ giám sát vệ tinh và phân tích DNA để xác minh nguồn gốc của sản phẩm.
Thúc đẩy thiết lập các quy chuẩn thương mại xanh mới
Sau khi quy định có hiệu lực, các nhà khai thác và thương nhân sẽ có 18 tháng để thực hiện các quy tắc mới; với các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ sẽ được trì hoãn thêm 6 tháng sau thời hạn này. Các doanh nghiệp lớn sẽ phải thực hiện nghĩa vụ giải trình tuân thủ nghiêm ngặt hơn theo quy định; trong khi các nhà xuất khẩu, thương nhân là các doanh nghiệp vừa và nhỏ chỉ được yêu cầu thu thập hồ sơ của các nhà cung cấp và khách hàng của họ, giữ thông tin đó trong ít nhất 05 năm và cung cấp thông tin cho các cơ quan có thẩm quyền theo yêu cầu và không bắt buộc phải đáp ứng các nghĩa vụ.
Các biện pháp trừng phạt đối với việc không tuân thủ phải tương xứng và có tính răn đe. Mức phạt tối đa đối với một công ty vi phạm luật được ấn định ít nhất là 4% tổng doanh thu hàng năm của công ty tại EU. Các quốc gia thành viên EU có trách nhiệm thẩm định hàng hóa xuất nhập khẩu vào quốc gia mình, thống nhất quy định hình phạt theo mức độ vi phạm như phạt tiền, tịch thu, loại trừ tạm thời hay tiêu hủy.
EU sẽ kiểm soát dựa trên mức độ rủi ro. Trong vòng 18 tháng sau khi luật có hiệu lực, Ủy ban châu Âu sẽ xây dựng hệ thống đánh giá để phân loại các quốc gia và khu vực có rủi ro thấp, tiêu chuẩn hoặc cao. Việc phân loại này sẽ xác định số lần kiểm tra mà các cơ quan có thẩm quyền của quốc gia thành viên sẽ phải thực hiện, cụ thể là 9% đối với các quốc gia có rủi ro cao, 3% đối với rủi ro tiêu chuẩn và 1% đối với rủi ro thấp. Các sản phẩm từ các quốc gia có rủi ro thấp sẽ được áp dụng thủ tục thẩm định đơn giản hóa, tỷ lệ kiểm tra thấp hơn.
Việc EU luật hóa các hoạt động thương mại về sản phẩm không phá rừng một mặt sẽ thúc đẩy thiết lập các quy chuẩn thương mại xanh mới, lan tỏa trách nhiệm chung chống biến đổi khí hậu cho các quốc gia cung ứng, nhập khẩu các loại hàng hóa/sản phẩm liên quan đến rừng, góp phần chuyển đổi chuỗi cung ứng xanh, bền vững không chỉ tại EU.
Mặt khác, quy định này cũng sẽ tạo ra hàng rào thương mại cao hơn đối với việc tiếp cận thị trường khi các mặt hàng nông lâm sản sẽ phải tuân thủ các thủ tục thông quan phức tạp hơn và quy trình thẩm định toàn diện. Các công ty đưa hàng hóa vào thị trường EU sẽ phải cung cấp giải trình, báo cáo thẩm định và thông tin có thể kiểm chứng để chứng minh sản phẩm không được sản xuất trên vùng đất bị phá rừng và tuân thủ pháp luật tại quốc gia xuất xứ. Chứng chỉ Deforestation Free là bắt buộc đối với các sản phẩm được sản xuất trên đất không liên quan đến phá rừng và suy thoái rừng từ sau 31/12/2020.
Chủ động thích ứng và tận dụng cơ hội phát triển mới
EU hiện là thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản hàng đầu của Việt Nam. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu nhóm hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam sang EU trong giai đoạn 2017 - 2022 đạt trung bình 4 tỷ USD/năm; chiếm tỉ trọng 9,7% - 13% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước.
Việc triển khai quy định mới về chống phá rừng của EU sẽ tác động đáng kể đến các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu, trước mắt là đối với mặt hàng chủ lực như cà phê, gỗ và sản phẩm gỗ, cũng như mặt hàng tiềm năng như cao su và về lâu dài sẽ có thể mở rộng thêm các sản phẩm nông sản khác vào danh mục bị EU kiểm soát.
Tuy nhiên, việc gia tăng các tiêu chuẩn xanh, phát triển bền vững là xu hướng chung tất yếu trên toàn cầu. Do vậy việc tuân thủ quy định này không chỉ đáp ứng yêu cầu xuất khẩu các mặt hàng cà phê, cao su, gỗ và các sản phẩm gỗ… vào thị trường EU, mà còn là cơ hội giúp các ngành hàng nông lâm sản Việt Nam nâng cao sức cạnh tranh và mở rộng thị phần, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng, đồng thời phát triển theo hướng minh bạch, trách nhiệm, bền vững và tăng trưởng xanh.
Ông Rui Ludovino, Tham tán thứ nhất phụ trách Chính sách về Khí hậu, môi trường, việc làm và các vấn đề xã hội, Phái đoàn EU tại Việt Nam cho biết, EU đánh giá rất cao cách Việt Nam tiếp cận quy định mới của EU theo hướng tích cực, ở tất cả các cấp, bao gồm các cơ quan Chính phủ, khu vực tư nhân, các hiệp hội. Cách tiếp cận của Việt Nam theo hướng biến khó khăn, thách thức thành cơ hội rất quan trọng.
Việc thực thi các yêu cầu này để xuất khẩu hàng hóa sang EU và tất cả các thị trường của EU sẽ dễ dàng hơn sau khi đáp ứng các yêu cầu về thẩm định và truy xuất nguồn gốc, qua đó chứng minh Việt Nam tuân thủ phát triển bền vững, đảm bảo thực thi các cam kết ở cấp độ toàn cầu.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, việc Việt Nam đang thực hiện Hiệp định thương mại giữa Việt Nam và EU (EVFTA) và Hiệp định đối tác tự nguyện giữa Việt Nam và EU về thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT), trong đó có quy định về pháp lý, về phát triển bền vững ngành gỗ là điểm mạnh của Việt Nam, cho phép Việt Nam xây dựng quy trình quản trị về rừng. Đây là cơ sở quan trọng để ngành gỗ Việt Nam chủ động tuân thủ Luật EUDR tận dụng cơ hội phát triển, đồng thời là mô hình mà các ngành khác như: cao su, cà phê… có thể áp dụng.
Để thích ứng với quy định mới của EU, các doanh nghiệp xuất khẩu sang EU cần lưu ý bám sát và tuân thủ các quy định, điều kiện tiêu chuẩn của thị trường, đáp ứng các biện pháp truy xuất nguồn gốc, đảm bảo rằng nguồn cung ứng các mặt hàng hoặc nguyên liệu không gây phá rừng hoặc suy thoái rừng, đồng thời tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành bao gồm cả quyền con người và bảo vệ người bản địa. Đồng thời khuyến khích tập trung phát triển các vùng nguyên liệu chuyên canh bền vững, quy mô tập trung theo chuỗi cung ứng nông nghiệp xanh, trên cơ sở ứng dụng khoa học công nghệ cao và kỹ thuật số; quản lý tốt các nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.