Theo ước tính của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) và Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại, trong tháng 9/2023, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,2 tỷ USD, giảm 7% so với tháng 8/2023, nhưng tăng 6,7% so với tháng 9/2022. Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 785 triệu USD, giảm 6,6% so với tháng 8/2023, nhưng tăng 5,1% so với tháng 9/2022.
9 tháng, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 9,7 tỷ USD
Tính chung 9 tháng đầu năm 2023, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam ước đạt 9,7 tỷ USD, giảm 21,3% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 6,5 tỷ USD, giảm 24,3% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong cơ cấu mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu, đồ nội thất bằng gỗ là mặt hàng xuất khẩu chính trong 8 tháng đầu năm 2023, đạt 5 tỷ USD, giảm 29,1% so với cùng kỳ năm 2022, chiếm 59,1% tổng trị giá xuất khẩu. Xuất khẩu hầu hết mặt hàng trong cơ cấu mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ đều có xu hướng giảm mạnh.
Triển vọng xuất khẩu những mặt hàng này sẽ tích cực hơn trong những tháng cuối năm, nhờ nhu cầu thị trường tăng theo thông lệ, khi thị trường nhà ở hoàn thiện và nhu cầu sửa chữa thay thế nội thất gia đình tăng để đón chào năm mới.
Ngoài mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ xuất khẩu trong 8 tháng đầu năm 2023, còn một số mặt hàng xuất khẩu khác như dăm gỗ; gỗ, ván và ván sàn; viên gỗ nén, cửa gỗ…, trị giá xuất khẩu những mặt hàng này cũng giảm do nhu cầu toàn cầu yếu.
Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp ngành gỗ, nắm bắt cơ hội thị trường
Thông tin tại Hội nghị “Giao ban ngành chế biến gỗ, xuất khẩu gỗ và lâm sản năm 2023” được tổ chức đầu tháng 8/2023 cho biết, từ đầu năm đến nay ngành gỗ đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Doanh số xuất khẩu giảm do nhu cầu của các thị trường ảm đạm, thiếu, vắng đơn hàng nên nhiều doanh nghiệp đã phải giảm quy mô sản xuất, giảm lao động. Bên cạnh đó là những vướng mắc trong thực hiện chính sách hoàn thuế giá trị gia tăng; việc xác minh, truy xuất nguồn gốc gỗ theo quy định vẫn gặp khó khăn khi chỉ xác minh được bảng kê của sản phẩm mà không xác minh tới người trồng rừng, gây khó khăn trong quá trình xin C/O khi xuất khẩu.…
Trong bối cảnh hiện đã có những tín hiệu phục hồi kinh tế ở các thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam như thị trường Mỹ, các doanh nghiệp tiếp tục nỗ lực tìm kiếm đơn hàng.
Để nắm bắt cơ hội thị trường, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp ngành gỗ, Lãnh đạo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tổ chức đàm phán để thống nhất quy định về truy xuất nguồn gốc gỗ hợp pháp của các thị trường nhập khẩu. Đây là yêu cầu cấp thiết trong thời gian tới để thúc đẩy phát triển gỗ rừng trồng bền vững. Đồng thời, cần thí điểm mô hình phát triển doanh nghiệp theo hướng kinh tế xanh, trong đó hướng tới cam kết netzero trong ngành gỗ.
Liên quan đến hoạt động mở cửa thị trường, Lãnh đạo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đề nghị Chính phủ, các Bộ ngành chỉ đạo các cơ quan ngoại giao tại nước ngoài tăng cường hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp xuất, nhập khẩu trong việc quảng bá, giới thiệu thông tin về những nỗ lực của Việt Nam trong việc cam kết, thực hiện chính sách bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường trong sử dụng nguyên liệu và sản xuất các sản phẩm gỗ xuất khẩu.
Quảng bá giới thiệu, tiếp thị những sản phẩm gỗ xuất khẩu của Việt Nam đến các thị trường, trong đó chú trọng đối với các thị trường tiềm năng mà người tiêu dùng còn thiếu thông tin về sản phẩm gỗ của Việt Nam, thông qua các cuộc họp, hội nghị, hội thảo quốc tế.
Bên cạnh đó, tổ chức hướng dẫn, kết nối để hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước được tham gia các hiệp hội ngành hàng ở những quốc gia nhập khẩu sản phẩm gỗ của Việt Nam,…
Đồng thời, đề nghị Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ để tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn trong hoàn thuế giá trị gia tăng và trong việc xác minh, truy xuất nguồn gỗ rừng trồng trong nước.