Hàng rào kỹ thuật là một vấn đề nổi bật trong các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương. Trong Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam- Liên minh châu Âu (EVFTA), dành riêng một chương “Thương mại và Phát triển bền vững”. Đây là một trong những hàng rào kỹ thuật nhằm buộc các doanh nghiệp muốn xuất khẩu hay đầu tư vào châu Âu phải tuân thủ các quy định về lao động và môi trường.
Không làm suy yếu mức độ bảo vệ môi trường
Trong chương “Thương mại và Phát triển bền vững”, Việt Nam và Liên minh châu Âu cam kết tuân thủ Chương trình Nghị sự 21 về Môi trường và phát triển năm 1992, Kế hoạch Johannesburg về Thực hiện phát triển bền vững tại Hội nghị Thượng đỉnh Thế giới về Phát triển bền vững năm 2002, Tài liệu về kết quả của Hội nghị Liên hợp quốc về Phát triển bền vững năm 2012 mang tên Tương lai chúng ta mong muốn, và Kết quả của Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về Phát triển bền vững năm 2015 mang tựa đề Thay đổi thế giới của chúng ta: Chương trình nghị sự năm 2030 về Phát triển bền vững.
Tuyên bố bộ trưởng của Hội đồng Kinh tế và Xã hội Liên hợp quốc về Việc làm đầy đủ và việc làm bền vững năm 2006, Chương trình nghị sự về Việc làm bền vững của Tổ chức Lao động Quốc tế (sau đây gọi tắt là “ILO”),. Hai bên khẳng định cam kết của mình trong thúc đẩy phát triển thương mại quốc tế theo hướng góp phần vào mục tiêu phát triển bền vững, vì lợi ích của các thế hệ hiện tại và tương lai. Mục tiêu của phát triển bền vững sẽ được lồng ghép vào trong các mối quan hệ thương mại song phương của cả hai bên. Điều 13.4 (Các tiêu chuẩn và hiệp định lao động đa phương) và
Mặc dù vậy, hai bên đều bảo vệ quyền tự chủ của mình cũng như công nhận quyền tự quyết của nhau.
Cụ thể, Việt Nam và Liên minh châu Âu công nhận các quyền của nhau trong:
- Quyết định mục tiêu, chiến lược, chính sách và ưu tiên phát triển bền vững của mình;
- Thiết lập mức độ bảo hộ trong nước phù hợp đối với lĩnh vực môi trường và xã hội; và
- Thông qua hoặc sửa đổi luật pháp và chính sách liên quan phù hợp với các tiêu chuẩn đã được quốc tế công nhận, và những hiệp định nêu tại Điều 13.5 (Các hiệp định môi trường đa phương) mà một bên là thành viên.
Mỗi bên sẽ nỗ lực đảm bảo luật pháp và chính sách của mình quy định và khuyến khích mức độ bảo hộ cao đối với các lĩnh vực môi trường và xã hội và sẽ tiếp tục nỗ lực cải thiện các quy định luật pháp và chính sách đó.
Cũng trong Chương này, Việt Nam và Liên minh châu Âu cam kết không làm suy yếu mức độ bảo vệ môi trường và coi việc khuyến khích các hoạt động thương mại cũng như đầu tư mà làm suy yếu mức độ bảo vệ luật pháp môi trường là không phù hợp.
Để đảm bảo sự tương thích giữa luật trong nước và cam kết trong EVFTA về môi trường, Việt Nam đã thay Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 bằng Luật bảo vệ môi trường năm 2020. Trong đó, tại các điểm 9, 10, 11 của Điều 5 có những quy định chặt chẽ đối với những hoạt động đầu tư và thương mại:
“Mở rộng, tăng cường hội nhập, hợp tác quốc tế và thực hiện cam kết quốc tế về bảo vệ môi trường”;
“Thực hiện sàng lọc dự án đầu tư theo tiêu chí về môi trường; áp dụng công cụ quản lý môi trường phù hợp theo từng giai đoạn của chiến lược, quy hoạch, chương trình và dự án đầu tư”;
“Lồng ghép, thúc đẩy các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trong xây dựng và thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án phát triển kinh tế - xã hội”.
Quản lý tài nguyên rừng
Tại hiệp định EVFTA, Việt Nam và Liên minh châu Âu công nhận tầm quan trọng của việc đảm bảo việc bảo tồn và quản lý bền vững các nguồn tài nguyên rừng sẽ mang lại lợi ích cho các mục tiêu kinh tế, môi trường và xã hội.
Nhằm mục đích trên, hai bên sẽ:
(a) Khuyến khích thúc đẩy thương mại lâm sản từ những khu rừng được quản lý bền vững và được thu hoạch phù hợp với luật pháp nước sở hữu khu rừng đó; việc này có thể bao gồm sự hoàn tất Hiệp định đối tác tự nguyện về Thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (“FLEGT”);
(b) Trao đổi thông tin với Bên kia về các biện pháp thúc đẩy tiêu thụ gỗ và sản phẩm gỗ từ các khu rừng được quản lý bền vững, và khi thích hợp, hợp tác để phát triển các biện pháp đó;
(c) Thông qua các biện pháp nhất quán với luật pháp trong nước và các Hiệp ước quốc tế mà Bên đó là thành viên, nhằm thúc đẩy bảo tồn nguồn tài nguyên rừng và đấu tranh chống lại khai thác và buôn bán gỗ trái phép.
Cụ thể hoá những cam kết trên, năm 2020, Nghị viện châu Âu đã thông qua dự luật cấm nhập khẩu những mặt hàng nông sản có quy trình sản xuất làm giảm diện tích rừng. Đạo luật mới này nhằm hạn chế các sản phẩm liên quan đến phá/suy thoái rừng được nhập khẩu vào EU, đồng thời khuyến khích mua bán các mặt hàng hợp pháp và không gây phá rừng. Trong đó, những sản phẩm như cà phê, ca cao, gỗ và cao su... nếu xuất xứ từ vùng đất có rừng bị tàn phá, suy thoái sau ngày 31/12/2020 sẽ không được xuất khẩu vào thị trường này.
Theo các hiệp hội, doanh nghiệp, quy định này sẽ tạo ra những thách thức nhất định nhưng cũng là cơ hội để Việt Nam gia tăng thị phần. Về thách thức, doanh nghiệp phải tăng cường thực hiện trách nhiệm giải trình và phải truy xuất nguyên liệu gỗ mà mình sử dụng. Về cơ hội, quy định của EU này tạo ra khó khăn đối với nhiều quốc gia nhưng với Việt Nam đây là cơ hội để quảng bá hình ảnh, nền sản xuất của Việt Nam trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Nếu trước đây bán sản phẩm cà phê thông thường thì hiện nay Việt Nam bán cà phê kèm theo chứng nhận giảm phát thải carbon.
Về phía Việt Nam, năm 2021 Chính phủ đã ban hành Nghị định 102 để quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam. Cụ thể: “Gỗ nhập khẩu phải bảo đảm hợp pháp, được làm thủ tục nhập khẩu và chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan Hải quan theo quy định của pháp luật về Hải quan. Quản lý gỗ nhập khẩu được thực hiện trên cơ sở áp dụng biện pháp quản lý rủi ro để phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật, bảo đảm gỗ nhập khẩu hợp pháp, đồng thời khuyến khích, tạo thuận lợi đối với tổ chức, cá nhân tuân thủ pháp luật”.
Đồng thời, Nghi định 102 đã đưa ra “Tiêu chí xác định và thẩm quyền công bố loại gỗ rủi ro nhập khẩu vào Việt Nam”, gồm:
a) Gỗ thuộc các Phụ lục của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (sau đây viết tắt là Phụ lục CITES);
b) Gỗ thuộc Danh mục các loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IA, Nhóm IIA; Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ theo quy định của pháp luật Việt Nam;
c) Gỗ lần đầu nhập khẩu vào Việt Nam;
d) Gỗ có nguy cơ bị đe dọa tuyệt chủng tại quốc gia khai thác hoặc buôn bán trái phép do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Ngoại giao, các bộ, ngành có liên quan và tổ chức được quy định trong Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên xác định.
Chính phủ cũng có những quy định chung về quản lý gỗ xuất khẩu:
- Gỗ xuất khẩu phải bảo đảm hợp pháp, được làm thủ tục xuất khẩu và chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan Hải quan theo quy định của pháp luật về Hải quan.
- Gỗ xuất khẩu được quản lý theo loại gỗ, thị trường xuất khẩu và trên cơ sở kết quả phân loại doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ.
- Gỗ xuất khẩu phải có giấy phép CITES hoặc giấy phép FLEGT hoặc bảng kê gỗ theo quy định tại Nghị định này.
- Lô hàng gỗ xuất khẩu đã được cấp phép FLEGT được ưu tiên trong việc thực hiện thủ tục Hải quan theo quy định của pháp luật về Hải quan.
Để quản lý hoạt động xuất khẩu các sản phẩm gỗ và lâm sản xuất khẩu vào châu Âu đúng với cam kết của hiệp định EVFTA, Nghị định 102 quy định một lô hàng gỗ xuất khẩu vào thị trường EU chỉ được cấp một giấy phép FLEGT và được cấp trước thời điểm đăng ký tờ khai hải quan.
Giấy phép FLEGT được cấp theo hình thức giấy phép điện tử. Trường hợp không thể thực hiện cấp phép điện tử hoặc theo yêu cầu của chủ gỗ thì thực hiện cấp giấy phép FLEGT bằng bản giấy, sau đó phải cập nhật trên hệ thống cấp phép điện tử. Cơ quan cấp giấy phép lưu giữ và gửi bản sao chụp điện tử của giấy phép FLEGT đã cấp cho cơ quan có thẩm quyền về FLEGT của nước nhập khẩu thuộc EU.
Đối với lô gỗ hỗn hợp mà không thể kê khai hết các thông tin theo yêu cầu lên giấy phép FLEGT, các thông tin định tính và định lượng liên quan đến mô tả lô hàng gỗ sẽ được kê khai vào Bảng mô tả hàng hóa bổ sung theo Mẫu số 09 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này.
Đối với lô hàng là sản phẩm gỗ có gỗ thuộc Phụ lục CITES và gỗ không thuộc Phụ lục CITES xuất khẩu vào EU thì cấp chung một giấy phép CITES theo quy định của tại Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22 tháng 01 năm 2019 của Chính phủ về quản lý thực vật, động vật rừng nguy cấp quý hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp. Đối với gỗ thuộc Phụ lục CITES, hồ sơ đề nghị cấp giấy phép thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 23 của Nghị định số 06/2019/NĐ-CP; đối với gỗ không thuộc Phụ lục CITES hồ sơ đề nghị cấp giấy phép thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 16 Nghị định này.
Với những cam kết của hiệp định EVFTA, được cụ thể hoá bằng các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam và Liên minh châu Âu, các doanh nghiệp Việt Nam cần tìm hiểu kỹ và thực thi đầy đủ để vượt qua hàng rào kỹ thuật về môi trường, rộng đường xuất khẩu vào thị trường có dung lượng lớn với sự thống nhất trong đa dạng và nhiều dư địa tăng trưởng.