Mất lợi thế cạnh tranh truyền thống
Theo dữ liệu của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm nay đạt 12,64 tỷ USD, giảm 15,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Điều đáng lưu ý là từ quý IV năm trước, kim ngạch xuất khẩu dệt may đã giảm, khi nhiều doanh nghiệp sụt giảm đơn hàng, có nơi lên tới 70 - 80%, dẫn đến mức tăng trưởng âm vào quý IV/2022, ngược với quy luật thường kỳ mọi năm - là quý cao điểm sản xuất của các doanh nghiệp xuất khẩu dệt may.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên được đưa ra là do tác động của tình hình thế giới, khi cuộc xung đột Nga-Ucraina châm ngòi cho lạm phát, kéo theo sức mua giảm chưa dứt thì các vụ phá sản ngân hàng ở Mỹ, Thụy Sỹ xảy ra liên tiếp trong tháng 3 năm nay đã đẩy nền kinh tế thế giới đứng trước rủi ro suy thoái. Nhu cầu tiêu thụ dệt may tiếp tục suy yếu, tổng cầu thế giới về các sản phẩm ngành dệt may năm 2023 được dự báo giảm khoảng 5% so với năm 2022, ở mức gần 700 tỷ USD.
Nhưng ngược lại với Việt Nam, Bangladesh không chịu ảnh hưởng của việc suy thoái tổng cầu. Ông Trần Như Tùng, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, trong khi Việt Nam đang thiếu đơn hàng thì Bangladesh “làm không kịp nghỉ”. Theo Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) Bangladesh đã nhanh chân trong việc thực hiện chiến lược “xanh hóa” dệt may. 90% nhà máy “xanh” của ngành dệt may lớn nhất thế giới hiện nằm ở Bangladesh. Năm 2022, xuất khẩu dệt may nước này vào châu Âu tăng 45,5% - một con số hết sức ấn tượng!
Như vậy, nguyên nhân sâu xa hơn nữa là Việt Nam đang mất dần các lợi thế cạnh tranh truyền thống (giá rẻ, nhân công rẻ, ưu đãi cho doanh nghiệp FDI…), trong khi chưa bắt kịp với xu thế “xanh hoá” trên thế giới.
Chúng ta “mất” theo cách nào?
Tháng 4/2022, Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất áp dụng một số quy định sinh thái mới đối với hàng dệt may tiêu thụ tại thị trường châu Âu nhằm thực hiện chiến lược về hàng dệt may bền vững và tuần hoàn tầm nhìn 2030. Sở dĩ có quy định này là châu Âu và các nước phát triển như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia, các nước Bắc Âu rất quan tâm đến mục tiêu “net zero” mà Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) đề ra, đưa phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Theo Ngân hàng thế giới (WB), dệt may được xác định là ngành phát thải thuộc top 5 thế giới. Các quốc gia phát triển đều coi giảm phát thải dệt may là một trong những mục tiêu cần sớm thực hiện.
Theo đề xuất của EC, mặt hàng dệt may xuất khẩu vào thị trường này phải đạt tỷ lệ nhất định về sử dụng năng lượng tái tạo, giảm tỷ lệ sử dụng nước, sản phẩm phải có tuổi thọ cao, có thể tái sử dụng và tái chế,...
Do các đề xuất này đều chưa được luật hoá. Chưa có quốc gia nào của châu Âu đưa ra những quy định cụ thể cho các sản phẩm dệt may nhập khẩu vào khối này phải có tỷ lệ bao nhiêu là sản phẩm tái chế, tuần hoàn, bao nhiêu là năng lượng tái tạo.
Chính vì thế, doanh nghiệp xuất khẩu dệt may nước ta chưa thực sự “nhảy” khi “nước chưa đến chân”. Tuy nhiên, chuỗi cung ứng thì đã “nhảy”. Bởi vì các nhà phân phối, các nhà mua hàng ở các nước phát triển đặc biệt coi trọng tính ổn định của chuỗi cung ứng. Họ có chiến lược chuẩn bị để khi các tiêu chuẩn “xanh” được luật hoá thì chuỗi cung ứng không bị ảnh hưởng gì.
Chiến lược của họ là đưa các nhà cung cấp có sử dụng năng lượng tái tạo, sử dụng tuần hoàn nước, có sản phẩm tái chế, sản phẩm tự huỷ, sản phẩm có vòng đời cao… vào chuỗi cung ứng ưu tiên. Các tiêu chí nhân công rẻ, giá rẻ mà Việt Nam đang có lợi thế không nằm trong chiến lược ưu tiên xây dựng chuỗi cung ứng mới của họ nữa. Bangladesh không chỉ “làm không kịp nghỉ” như Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Trần Như Tùng đã nói, mà còn bán được giá cao hơn tại các thị trường châu Âu, Hoa Kỳ, Canada. Điều đó cho thấy, các nước phát triển coi trọng tiêu chuẩn “xanh” hơn giá cả. Đây chính là cách mà Việt Nam đang mất dần các lợi thế cạnh tranh truyền thống.
“Xanh” được không?
Những năm qua, các nhà máy của Tổng công ty Đức Giang đã sử dụng năng lượng mặt trời, nguồn nước sạch và thân thiện với môi trường, cũng như chú trọng phát triển các nguyên liệu tái chế, có nguồn gốc từ tự nhiên như sợi vải vỏ hàu, sợi vải cà-phê, sợi bạc hà. Tổng công ty May Hưng Yên đã chuyển 100% hệ thống dùng lò hơi than sang nồi điện nhằm giảm sử dụng nguồn nhiên liệu hóa thạch, giảm ô nhiễm khí thải. Công ty Dệt kim Đông Xuân đầu tư thiết bị máy nhuộm công suất lớn, tiêu thụ ít nước hơn, đồng thời có kế hoạch lắp điện mặt trời áp mái tại các nhà máy sản xuất trong thời gian tới.
Mặc dù vậy, đây là những doanh nghiệp lớn, đủ quy mô và nguồn lực để theo đuổi tiêu chí “xanh”, còn nhìn trên tổng thể, 80% doanh nghiệp dệt may thuộc loại vừa và nhỏ, rất khó huy động nguồn lực đáp ứng tiêu chuẩn phát triển bền vững của các quốc gia phát triển.
Ngay cả các doanh nghiệp lớn, việc chuyển đổi sang sản xuất “xanh” cũng cần có thời gian để đảm bảo hiệu quả đầu tư. Nếu đầu tư mới, chắc chắn sẽ chọn công nghệ và thiết bị “xanh”. Nhưng có dây chuyền mới đầu tư 3-4 năm, đòi hỏi phải khấu hao 6-7 năm nữa thì việc để trong trạng thái chưa “xanh” sẽ hiệu quả hơn bỏ đi đầu tư mới. Vả lại, còn sức ép của cổ đông nữa, vốn đầu tư của cổ đông, hội đồng quản trị nào dám “đốt cháy giai đoạn”? Nói tóm lại, Việt Nam cần lộ trình 5-7 năm nữa để “xanh” hoá sản xuất dệt may.
Theo IMF, Bangladesh đứng thứ 35 về quy mô kinh tế trên thế giới với 460,2 tỷ USD (trong khi Việt Nam đang đứng ở vị trí thứ 37 với 413 tỷ USD), nhưng do dân số gần 170 triệu, nên thu nhập bình quân đầu người Bangladesh có 2.800 USD năm 2022, trong khi Việt Nam đạt 95,6 triệu đồng/người, tương đương 4.110 USD. Tức là về nguồn lực Việt Nam không kém gì Bangladesh.
Về cách làm, Hiệp hội các nhà sản xuất và xuất khẩu hàng may mặc Bangladesh (BGMEA) đã ký một thỏa thuận hợp tác với Bộ Năng lượng Sạch lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời trên mái nhà các xưởng may. Chính phủ sẽ giúp các thành viên Hiệp hội hưởng lợi từ việc cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng tái tạo. Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất và xuất khẩu hàng may mặc Bangladesh cũng cho biết, hiện nay Bangladesh cố gắng đồng bộ các tổ chức, cơ quan tham gia cuộc cách mạng xanh, trong đó, tất cả các nhà máy phải được làm xanh.
Ở nước ta, ngoài cái khó 80% doanh nghiệp dệt may thuộc loại nhỏ và vừa như nói ở trên, còn nhiều vấn đề khác nữa. Một là về nguyên liệu, yêu cầu phải dùng bông, chất liệu từ organic, bông hữu cơ, song theo đánh giá của Tổng Giám đốc Vinatex Cao Hữu Hiếu, nguồn nguyên liệu chính của ngành công nghiệp dệt may từ cây bông sẽ không phát triển được ở nước ta vì điều kiện tự nhiên không phù hợp. Việt Nam chỉ có thể phát triển nguồn nguyên liệu tự nhiên như tơ tằm, đay gai, một số giống bông màu,... để làm hàng thời trang với quy mô nhỏ. Xơ polyester-nguyên liệu chính thứ hai, quy mô cũng đang ở mức rất nhỏ bé. Hơn nữa, 70 nguyên liệu đầu vào của dệt may là nhập khẩu, khiến doanh nghiệp khó kiểm soát được chất lượng và tính bền vững của chuỗi cung ứng.
Thứ hai, tỷ lệ nhà máy dệt may sử dụng năng lượng tái tạo chưa cao, khoảng 20% với ngành sợi và dệt, 35% với ngành may.
Thứ ba, quan trọng hơn cả, Hiệp hội dệt may Việt Nam chưa xây dựng được chiến lược “xanh hoá”, cách giải quyết vẫn là kêu gọi doanh nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường các quốc gia phát triển, kêu gọi đẩy mạnh liên kết, xúc tiến thương mại. Trong khi đó, Hiệp hội các nhà sản xuất và xuất khẩu hàng may mặc Bangladesh ký kết Hiến chương ngành thời trang của Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu. Sau khi ký, họ xây dựng kế hoạch giao cho các nhà máy từng chỉ tiêu về tỷ lệ % sử dụng năng lượng tái tạo, tỷ lệ % nguyên liệu tái chế, tỷ lệ % nước có thể tuần hoàn, tuổi thọ của sản phẩm…
Nhìn chung, doanh nghiệp Việt Nam đã đáp ứng yêu cầu nhất định về phát triển bền vững mà các nhãn hàng đặt ra về môi trường và lao động, nhưng với các tiêu chuẩn “xanh” hướng đến phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 mà các nước phát triển đang áp dụng cho dệt may còn rất nhiều việc phải làm. Trong khi Bangladesh có 85-90% nhà máy đạt tiêu chuẩn Leed - Định hướng thiết kế về năng lượng và môi trường - do Hội đồng Công trình Xanh Hoa Kỳ chứng nhận, và có 500 nhà máy đã nộp hồ sơ chờ chứng nhận. Ở Việt Nam không có con số thống kê cụ thể, nhưng theo ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt May Việt Nam “Có lẽ, chỉ nằm dưới 10% các nhà máy đạt tiêu chuẩn LEED”.
Hiện chuỗi cung ứng đang biến động theo hướng ưu tiên nhà cung cấp có chứng chỉ xanh, liệu dệt may Việt Nam có bị chậm một nhịp so với Bangladesh và Trung Quốc, tuỳ thuộc vào sự quan tâm chia sẻ của hiệp hội, chủ doanh nghiệp và cổ đông, vào lộ trình chuyển đổi sang sản xuất xanh trong 5-7 năm tới.