Thực thi TFA: Thúc đẩy thông quan hàng hóa

Cải cách thủ tục hải quan là một trong những hoạt động quan trọng của cải cách thủ tục hành chính đang được toàn xã hội quan tâm. Hiện nay, hải quan Việt Nam đang đẩy mạnh cải cách nền hành chính công

Tại hội thảo “Quan hệ đối tác hải quan - doanh nghiệp trong thực thi Hiệp định tạo thuận lợi thương mại của WTO (TFA)” tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 4/11, ông Nguyễn Công Bình - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết, các biện pháp cơ bản được đề xuất trong Hiệp định TFA là minh bạch thông tin, đơn giản hóa thủ tục, giảm thời gian, mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực hải quan.Ông Nguyễn Công Bình nhấn mạnh, việc thực thi Hiệp định TFA trong bối cảnh này sẽ góp phần giúp Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế nhanh và hiệu quả.

Nội dung TFA có tiêu chuẩn bắt buộc cho cải cách thủ tục hải quan. Trong đó có các tiêu chuẩn bắt buộc và minh bạch hóa. Chẳng hạn, đối với các quy định đã có: doanh nghiệp được quyền biết thông tin gì, công bố ở đâu. Đối với các quy định sắp có, doanh nghiệp được quyền bình luận về quy định mới như thế nào, được quyền có thời gian chuẩn bị thực hiện quy định mới, được quyền biết về quy định của cơ quan Nhà nước trước khi XNK hàng hóa…

Theo đánh giá của các chuyên gia, Hiệp định TFA thúc đẩy sự chủ động tham gia của doanh nghiệp trong quá trình cải cách thủ tục hành chính cũng như sự phối hợp tích cực của cơ quan nhà nước trong việc ghi nhận và phản hồi thông tin, ý kiến doanh nghiệp trong quá trình này.

Ông Nguyễn Toàn - Vụ trưởng Vụ Quan hệ quốc tế, Tổng cục Hải quan cho rằng, mục tiêu đàm phán TFA trong WTO là tạo thuận lợi thương mại, đảm bảo cân bằng giữa thuận lợi và tuân thủ pháp luật; xúc tiến việc vận chuyển, thông quan hàng hóa; đẩy mạnh sự phối hợp giữa Hải quan và các cơ quan khác; nâng cao hỗ trợ kỹ thuật và xây dựng năng lực. Lợi ích của Hiệp định TFA đối với Chính phủ là: giảm chi phí thương mại, tăng cơ hội tạo công ăn việc làm và thu nhập, thúc đẩy phát triển kinh tế; đối với doanh nghiệp: giảm thời gian thông quan, giảm chi phí, tăng cường năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh xuất khẩu và mở rộng thị trường; đối với cơ quan Hải quan: tăng cường hiệu quả quản lý hải quan, giảm thời gian thông quan, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin, tăng cường hợp tác hải quan và áp dụng nghiệp vụ hải quan hiện đại.

Ông Ngô Minh Tuấn - đại diện Cục Giám sát quản lý về hải quan nêu bật những nội dung quy định trong Hiệp định tạo thuận lợi cho công tác quản lý, cũng như hoạt động XNK của doanh nghiệp.

Ông Trần Hữu Huỳnh - Chủ tịch Ủy ban tư vấn Chính sách thương mại quốc tế trung tâm WTO- VCCI nhấn mạnh, lợi ích lớn nhất của Hiệp định TFA là cải cách thủ tục hải quan: thuận lợi hóa thương mại, thuận lợi hơn trong thủ tục hải quan.

Theo ông Âu Anh Tuấn - Phó cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan), đây là những giải pháp phù hợp với vấn đề minh bạch thông tin mà Hiệp định TFA đề xuất, các quốc gia cần công bố và đảm bảo tính có sẵn của thông tin, đảm bảo cơ hội góp ý và thông tin của doanh nghiệp trước khi những quy định có hiệu lực thi hành.

Ông Nestor Scherbay - Giám đốc Công ty tư vấn CTRMS Việt Nam cho rằng: Thông qua Hiệp định TFA, Việt Nam cần tận dụng hỗ trợ kỹ thuật từ các nhà tài trợ của WTO và tổ chức quốc tế để xây dựng Ủy ban tạo thuận lợi thương mại. Ủy ban này sẽ là đơn vị chịu trách nhiệm thực thi Hiệp định TFA và các Hiệp định khác nhằm tăng năng lực cạnh tranh quốc gia.

Thu Trang